We Happy Few là một trong số rất nhiều tựa game góp vốn thành công từ Kickstarter, trải qua rất nhiều thay đổi từ phiên bản Early Access/Game Preview đến nay để trở thành một tựa game hoàn thiện. Chính những sự thay đổi này vô tình chia cắt người chơi, dẫn đến tình trạng bạn nào thích những gì được trải nghiệm trong phiên bản Early Access có thể sẽ không thích phiên bản chính thức, và ngược lại.
Sự khác biệt giữa phiên bản Early Access và chính thức có thể nói là một bước ngoặt của trò chơi. Từ một tựa game sinh tồn với màn chơi được phát sinh ngẫu nhiên và có một số yếu tố kể chuyện, được thiết kế cho giá trị chơi lại cao với thời lượng khoảng từ ba đến bốn tiếng, thì phiên bản chính thức lại chuyển sang ngược lại thành một tựa game phiêu lưu hành động nhập vai thiên về câu chuyện kể và đặc biệt là thời lượng chơi rất dài. Nhiều yếu tố sinh tồn đã được giảm bớt và không còn mang tính trừng phạt người chơi nữa, thậm chí yếu tố permadeath cũng bị loại bỏ.
We Happy Few lấy bối cảnh là một dòng thời gian hư cấu của Thế Chiến II, trong đó thảm họa diệt chủng Holocaust diễn ra sớm hơn nhưng để lại hậu quả tàn khốc cho cả Đức Quốc xã lẫn người Do Thái. Kết quả là Đức Quốc xã thành lập đế chế thứ hai, thành công trong việc xâm lược và chiếm đóng vương quốc Anh, giành quyền kiểm soát đế chế Anh trong khi vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược trên khắp châu Âu. Sau một thời gian chiếm đóng, người Đức bất ngờ rời đi. Tuy nhiên cư dân thành phố đảo Wellington Wells vì lý do nào đó lại chế ra một loại thuốc gây ảo giác được gọi là Joy, tuy giúp họ thoát khỏi cuộc sống hiện tại nhưng để lại hậu quả lâu dài khó lường.
Rất nhiều năm sau đó, người chơi bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu để đi tìm sự thật được chôn vùi ở nơi đây với khởi đầu là nhân vật Arthur Hastings, nhân viên kiểm duyệt nội dung các trang báo địa phương. Tuy nhiên, đây không phải là nhân vật duy nhất mà bạn điều khiển. Mỗi nhân vật đều có câu chuyện riêng với cuộc đời giao nhau ở một thời điểm nào đó. Tất cả đều có một điểm chung là họ không dùng Joy và bạn sẽ dẫn dắt họ trong cuộc hành trình này. Yếu tố hấp dẫn trong cách kể chuyện của We Happy Few là sự xen lẫn giữa hiện tại và hồi tưởng của nhân vật mỗi khi bạn kích hoạt được hồi ức nào đó của họ, thông qua diễn tiến của trò chơi hay chỉ đơn thuần là tìm được chiếc mặt nạ vàng giấu đâu đó ven đường như một vật phẩm thu thập, tạo nên cảm giác khá tò mò về thực hư câu chuyện.
Trò chơi có cách kể chuyện và xây dựng nhân vật thú vị, các nhân vật phụ khá có chiều sâu chứ không nhàm chán. Điển hình như với tuyến nội dung của nhân vật này, các NPC đó chỉ là phụ, nhưng lại trở thành trọng tâm trong tuyến nội dung của nhân vật khác, không tạo cảm giác họ đơn điệu và thiếu chiều sâu do góc nhìn một chiều như các tựa game khác. Chỉ có điều, thời lượng chơi của We Happy Few quá dài và nhiều tình tiết, cộng với nhiều nhân vật chính nên dễ khiến người chơi cảm thấy rối. Nó vô tình biến nội dung game trở nên khá lộn xộn nếu bạn không chú tâm từ đầu hoặc có trải nghiệm không liền mạch, điều mà trên thực tế rất khó tránh khỏi do thời lượng chơi không hề ngắn.
Phần lớn yếu tố thẩm mỹ, quần áo, đồ nội thất hay công nghệ và kiến trúc trong We Happy Few đều bị ảnh hưởng bởi văn hóa Anh của những năm 1960 theo như bối cảnh của trò chơi. Bạn có thể thấy những con đường rải đầy sỏi với nhiều màu sắc được hình thành bởi ảo giác của thuốc Joy, hay những quầy điện thoại công cộng và thùng thư màu đỏ truyền thống thường bắt gặp trong phim ảnh. Ngay cả vẻ ngoài của các tòa nhà cũng mang nhiều cảm giác của kiến trúc Anh cổ điển, dù vẫn trông hiện đại hơn những gì tôi nhớ từ thiết kế của những ngôi nhà trong game Vampyr. Cùng với đó là sự hỗ trợ của những bản nhạc bất ngờ cất lên khi người chơi khám phá, mang đến cảm giác khá rùng mình.
Thế giới trong We Happy Few mang nhiều màu sắc hơn nếu không muốn nói là có phần lòe loẹt hơn, trong khi vẫn duy trì được chút cảm giác rợn rợn từ các NPC khi bạn nhìn những chiếc mặt nạ cười có vẻ vô hại đầy giả tạo của họ, với thái độ hết sức thanh lịch được che giấu bởi Joy. Thế nhưng mối đe dọa thường trực nhất lại là từ những công dân luôn mỉm cười này. Họ có thể bất ngờ tấn công bạn vì các lý do chẳng đâu vào đâu. Bạn có thể bị đám đông tấn công khi mặc một bộ trang phục sang chảnh đi nghênh ngang trong khu dân cư mà mọi người đang cố quên đi hiện thực, hay thậm chí mặc đồ rách nát bước vào một khu nhà giàu cũng lãnh số phận tương tự. Khổ một nỗi, ngay cả khi bạn lỡ làm ai đó giận dữ thì họ cũng không làm gì khác ngoài nện bạn đến chết như những kẻ “ngáo đá”, rất là đáng sợ.
Thật không may khi đó là cách mà xã hội trong We Happy Few vận hành với sự trợ giúp của thuốc Joy. Nếu muốn bảo toàn mạng sống thì người chơi không còn cách nào khác là “nhập gia tùy tục”. Trong khi đó, yếu tố sinh tồn trong We Happy Few chỉ ở mức cơ bản xoay quanh việc bảo toàn sức khỏe và thể lực. Chẳng hạn, bạn sẽ không chết vì đói như trong game The Flame in the Flood mà thay vào đó yếu tố này được đơn giản hóa, chỉ việc ăn một quả trái cây là đủ để no căng bụng. Tuy nhiên, nếu cố ý không chăm sóc sức khỏe cho nhân vật theo nhu cầu, điều đó sẽ ảnh hưởng một chút đến khả năng hoạt động của họ chẳng hạn như không thể chiến đấu hay dễ bị kẻ thù hạ gục hơn. Ăn uống đầy đủ cũng có cái lợi của nó giống như thực tế, giúp bạn có đủ sức khỏe để chạy được lâu hơn khi làm nhiệm vụ, “phương tiện di chuyển” thông dụng nhất.
Ngược lại, cơ chế chế tạo đồ trong We Happy Few lại khá hay, không làm phiền người chơi với những thao tác chế đồ phiền phức và mất thời gian mà tương tác tùy theo tình huống. Nếu có đủ nguyên liệu cần thiết để chế tạo một vật dụng, sẽ có một nhấn nút xuất hiện để bạn tự động hóa cả hai việc chế tạo và sử dụng nó theo ngữ cảnh, thay vì như nhiều game khác là phải mở hành trang ra kiểm tra rồi tiến hành chế đồ xong mới có thể sử dụng. Hệ thống trữ đồ cũng vậy, cho phép bạn có thể thoải mái cất đồ vào rương chứa dự phòng, nhưng vẫn có thể tự động chế tạo và sử dụng ngay như trên, thay vì bắt người chơi phải chạy đi kiếm chỗ mở thùng đồ dự trữ rồi thông qua các bước rườm rà mới có thể sử dụng như nhiều tựa game khác.
Mặc dù ban đầu We Happy Few khá cân bằng giữa các cơ chế gameplay chính, nhưng càng về sau lại thiên về lối chơi sinh tồn và hành động lén lút nhiều hơn. Điều này thể hiện khá rõ nét khi sang Act mới thì game chuyển sang nhân vật mới cùng với kỹ năng khác, buộc người chơi phải thay đổi lối chơi khá đột ngột để thích ứng với những nhân vật trái ngược nhau khi nhập vai. Đơn cử như ban đầu thì nhân vật Arthur vốn không được lòng người dân lắm và dễ cuốn vào những trận đấu đá vì điều này, trong khi sang nhân vật kế thì lại hết sức hòa đồng với mọi người nhưng lại không có khả năng chiến đấu mà phải sử dụng kỹ năng để đánh lạc hướng kẻ thù. Vấn đề ở chỗ, yếu tố hành động lén lút vốn không phải là điểm mạnh của trò chơi vì trải nghiệm khá lặp lại, thiếu kịch tính và mỗi khi bạn bị bể kế hoạch thì “chạy ngay đi” luôn là giải pháp đáng tin cậy nhất.
Sau cuối, We Happy Few là một tựa game phiêu lưu hành động kinh dị tâm lý mang đến cảm xúc khá trái chiều. Bạn có thể thích cái cảm giác rờn rợn của trò chơi được kết hợp rất tốt từ nhiều yếu tố gameplay, đồ họa, âm nhạc và thế giới mở rộng lớn, nhưng lại có thể không thích cách vận hành của yếu tố hành động lén lút có cảm giác đơn điệu và đôi chút lặp lại trong hầu hết các hoàn cảnh. Tuy nhiên, với câu chuyện kể gây tò mò trong bối cảnh hấp dẫn và thiết kế thế giới khá táo bạo, thì đây vẫn là một tựa game đáng trải nghiệm, trừ khi những yếu tố này không phải là điều mà bạn trông đợi ở trò chơi.
We Happy Few được phát hành trên Windows, PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm kinh nghiệm chơi game We Happy Few.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác