Vampyr là tựa game phiêu lưu hành động đầy tham vọng về đề tài ma cà rồng khá hấp dẫn, nhưng đó dường như là thứ duy nhất mà trò chơi làm tốt.
Ma cà rồng vốn là đề tài được khai thác rất nhiều vào thập niên 80 và 90, không chỉ trong game mà cả trên phim ảnh. Chẳng hạn, những series game kinh điển như Castlevania đi cảnh hay Dracula phiêu lưu point-and-click mà những người chơi game kỳ cựu không thể không biết đến. Tuy nhiên, từ những năm 2000 thì đề tài này ngày càng ít được khai thác và đến và năm gần đây thì gần như biệt tích trên thị trường game. Chính vì vậy mà khi Vampyr phát hành, fan của ma cà rồng như tôi hy vọng sẽ giải tỏa “cơn khát máu” bấy lâu, nhưng đáng tiếc trò chơi lại tạo một cảm giác ngoài mong đợi theo nghĩa xấu.
Vampyr lấy bối cảnh Luân Đôn năm 1918 trong thời kỳ Thế Chiến I và cơn ác mộng cúm Tây Ban Nha đe dọa cuộc sống của người dân ở đây. Nếu bạn không biết thì cúm Tây Ban Nha hay Spanish Flu là một đại dịch cúm A/H1N1, được phát hiện đầu tiên vào tháng 3/1918. Chỉ sáu tháng sau nó đã lây lan thành một đại dịch trên toàn cầu, lây nhiễm 1/3 dân số thế giới vào thời điểm đó, tức khoảng 500 triệu người và gây nên cái chết cho 50 triệu người. Kinh khủng hơn là theo một ước tính khác thì con số tử vong thực tế có thể cao gấp hai lần số liệu trên.
Cúm A/H1N1 hay chúng ta vẫn hay gọi cúm gà, là một loại bệnh cúm trước đó chỉ tồn tại trên các loài chim nhưng đã bị biến đổi trong quá trình tiến hóa tự nhiên nên mới có thể lây nhiễm vào con người. Đây là chủng cúm cực kỳ nguy hiểm, gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính với khả năng lây nhiễm nhanh và nguy cơ tử vong rất cao. Những ngày gần đây bệnh viện Từ Dũ và Chợ Rẫy đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1 khiến bệnh viện phải cách ly người bệnh để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, nếu phát hiện cơ thể có những triệu chứng cúm đặc trưng thì bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra có phải do nhiễm cúm A/H1N1 trước khi quá muộn.
Trở lại với Vampyr, nói như thế thì bạn cũng có thể thấy trò chơi đã lồng ghép rất hấp dẫn một bối cảnh và sự kiện có thật trong lịch sử để vẽ nên câu chuyện hấp dẫn về đề tài ma cà rồng. Thành phố Luân Đôn trong trò chơi được xây dựng ảm đạm, u ám là chất liệu rất phù hợp với trò chơi. Nhà phát triển đã làm rất tốt khi phục dựng một Luân Đôn thời kỳ này với những lối đi rồng rắn giữa như ngôi nhà san sát nhau, tương tự như những ngõ hẻm quanh co ở Việt Nam vậy. Rồi những mảnh sân bằng đá cuội, hệ thống cống rãnh trông khá bẩn thỉu và những khu nhà rộng lớn, tất cả được kết hợp với phần nhạc nền mang đến tâm trạng khá nặng nề, tạo nên một bầu không khí buồn bã và căng thẳng bao trùm khắp nơi.
Tương phản với không khí ảm đảm đó là những người dân ở đây, với phong thái cao sang và quý phái quen thuộc của giới quý tộc Anh, thể hiện qua những lời thoại dài dòng và mang tính kể lể của họ. Tôi nhớ có một bà madame đã phàn nàn về việc con của bà không được chữa trị kịp thời, với giọng điệu như kẻ bề trên rất đáng ghét. Nhưng từ việc chuyện trò với bà mà tôi đã khai thác được nhiều thông tin đáng chú ý và đó là một trong những điểm hấp dẫn của Vampyr. Trò chơi thiết kế cả một hệ thống dân cư với những mối liên kết với nhau và từ việc khai thác thông tin từ họ, bạn có thể mở ra được nhiều điều thú vị về các nhân vật khác.
Với thân xác của nhân vật chính, bạn có thể chọn cách thôi miên một NPC nào đó mà bạn vừa mới gặp và hút máu của họ, hoặc tìm cách giải cơn khát máu từ những con chuột chạy lung tung trong màn chơi. Tuy nhiên, hút máu các NPC sẽ mang đến một rủi ro rất lớn vì họ cũng chính là người giao nhiệm vụ để bạn thực hiện và là nguồn thông tin quý giá để khai thác các nhân vật khác. Càng trò chuyện với họ, bạn sẽ khám phá thêm nhiều bí mật của họ và các nhân vật khác, cải thiện chất lượng máu của họ và mang đến cho bạn nhiều điểm kinh nghiệm hơn khi có ý định… nhe răng nanh với họ.
Chính yếu tố “cái giá phải trả” buộc người chơi phải rất cân nhắc trước việc biến một NPC nào đó thành bữa ăn ngon lành của nhân vật chính. Mà không cân nhắc sao được khi hệ thống autosave của Vampyr không dành cho bạn cơ hội nào để reload checkpoint trước bất kỳ quyết định sai lầm nào. Thậm chí trò chơi còn đề cập điều này rất rõ ngay khi vào game, nhắc nhở bạn luôn cân nhắc và chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào trong trò chơi. Vấn đề ở chỗ, trò chơi lại thiết kế các phân đoạn chiến đấu không đủ khó để người chơi cảm thấy sức nặng từ hậu quả của việc “xin tí huyết” NPC nào đó. Đã vậy, nhà phát triển còn làm hẳn một cơ chế “phản đòn” khiến bạn gặp nhiều khó khăn hơn nếu quyết định hút máu người dân, và điều này khiến tôi càng khó hiểu hơn.
Về cơ bản, mức độ bình yên của mỗi quận đều thay đổi, tùy thuộc vào việc bạn có biến NPC nào đó thành món tiết canh cho nhân vật chính hay chịu khó chữa bệnh cho họ. Nếu chỉ số này thấp thì cuộc sống ở quận đó bất ổn, người dân sẽ biến mất và thay vào đó là sự xuất hiện của lũ quái vật khát máu không chút lý trí trên khắp mọi nẻo đường. Nói đơn giản thì nếu bạn lấy mạng của các NPC để đánh đổi cho sức mạnh của bản thân, thì cả thành phố sẽ lãnh đủ và chưa chắc lợi thuộc về bạn. Thế nhưng, thay vì dùng yếu tố này để tạo đòn bẫy khiến người chơi phải cân nhắc việc “xin tí huyết” nói trên, thì Vampyr lại mang đến một trải nghiệm chiến đấu quá sức đơn giản.
Cơ chế chiến đấu trong Vampyr vừa nhạt nhẽo mà lại vừa nặng tính lặp lại, khiến những trận chiến trong trò chơi rất nhàm chán và dễ mất hứng. Hầu hết chỉ xoay quanh combo né đòn tấn công, cầm vũ khí nện kẻ thù vài nhát rồi bỏ chạy chờ stamina hồi lại và cứ thế mà tiến. Có thể vì tôi đã quá quen với lối chiến đấu đầy gian khó trong series Dark Souls, game Nioh hay thậm chí là God of War mới đây, nhưng cũng có thể là nó đơn giản thật. Ngay cả những trận đánh boss cũng không nằm ngoài combo nói trên nên trải nghiệm rất đơn điệu, gần như chẳng có chút gì cảm giác ma cà rồng như chủ đề của trò chơi cả. Và trên hết là những trận đánh boss chẳng hề hấp dẫn chút nào.
Chưa kể, hệ thống kỹ năng của nhân vật chính tuy khá ngầu khi chiến đấu nhưng kỳ thực chỉ để làm màu là chủ yếu. Hầu như bạn không cần phải dùng đến chúng trong suốt trải nghiệm, ngoài việc nâng cấp một số yếu tố quan trọng cho nhân vật như health (thanh xanh lá), stamina (thanh vàng) và blood (thanh đỏ), phục vụ cho các phân đoạn chiến đấu nhàm chán nói trên. Điều này khiến trải nghiệm ban đầu lẽ ra là sự lựa chọn đầy khó khăn cho người chơi, nhưng không lâu sau đó lại biến thành một câu chuyện điều tra quá dỗi bình thường. Có khác chăng có lẽ là Vampyr chọn đề tài hấp dẫn và lấy bối cảnh có sức nặng lịch sử làm lợi thế mà thôi.
Sau cuối, Vampyr là một tựa game phiêu lưu hành động khá tham vọng về ý tưởng và chủ đề, tuy nhiên trò chơi đã không thực hiện được tham vọng đó khi vướng nhiều vấn đề trong thiết kế và xây dựng. Ngay cả cách dẫn chuyện cũng không thú vị như tôi mong đợi, nhiều lời thoại dài dòng không cần thiết và thiếu trau chuốt, trong khi nội dung chỉ ở mức tạm được, không tồi nhưng cũng không thật sự xuất sắc. Thậm chí càng khó tin hơn khi đây là nó được phát triển bởi studio game đứng đằng sau tựa game Life is Strange từng gây ấn tượng về lối kể chuyện hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu thích đề tài ma cà rồng thì Vampyr kỳ thực vẫn là một tựa game chơi được với những ai thích thể loại điều tra và khám phá, miễn là bạn đừng đặt kỳ vọng cao vào nó. Vì trò chơi còn có một vấn đề khá nghiêm trọng mà tôi chưa đề cập là hay tụt tốc độ khung hình bất ngờ khá tùy hứng và thời gian loading lâu.
Vampyr hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!