Trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa là Trine 4: The Nightmare Prince, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm rất sớm tựa game này. Xin chia sẻ một số nét đáng chú ý mà bạn có thể trông đợi ở phần chơi mới nhất của series game đi cảnh giải đố nổi tiếng về đồ họa tuyệt đẹp như những bức tranh nghệ thuật, với bộ ba Amadeus, Pontius và Zoya quen thuộc.
Khác với phần ba có lối chơi đi cảnh giải đố 3D phá cách, nhà phát triển Frozenbyte đã quay trở lại với những gì mà họ đã làm rất tốt trong hai phần chơi đầu tiên là trải nghiệm 2,5D. Trò chơi vẫn tiếp nối với những màn đi cảnh giải đố quen thuộc, mở đầu bằng việc giới thiệu kỹ năng của từng nhân vật và sau đó là đưa người chơi bước vào cuộc phiêu lưu mới. Lần này, bộ ba Amadeus, Pontius và Zoya sẽ phải làm một chuyến phiêu lưu mới qua môi trường màn chơi tuyệt đẹp và đầy kỳ ảo để truy tìm hoàng tử của vương quốc đang bị mất tích sau một vụ cháy bí ẩn trong lâu đài.
Mặc dù đã vài năm trôi qua kể từ khi Trine 3: The Artifacts of Power phát hành lần đầu trên PC, thế nhưng cảm giác đầu tiên khi bước vào Trine 4 là nó rất quen thuộc. Từ môi trường màn chơi cho tới các nhân vật, kỳ thực không thể lẫn lộn với bất kỳ tựa game nào khác vì cách sử dụng tông màu rất đặc trưng. Chưa kể, hoa thơm cỏ lạ trong thế giới game rất quen thuộc nếu bạn đã từng trải nghiệm các phần chơi trước trong series này. Không gian màn chơi mang cảm giác rộng lớn giống như môi trường 3D trong phần ba của trò chơi, nhưng đi kèm đó vẫn là cảm giác điều khiển quen thuộc như hai phần chơi đầu tiên.
Kẻ thù của người chơi giờ đây là những cơn ác mộng của hoàng tử. Nếu bạn sợ sói, nhện hoặc các sinh vật đáng sợ khác thì nên chuẩn bị trước tinh thần là vừa. Tuy nhiên, Trine 4: The Nightmare Prince vẫn tập trung nhiều vào lối chơi đi cảnh giải đố, chiến đấu chỉ là phụ trừ những trận đánh boss. Phần lớn yếu tố này vẫn xoay quanh việc chuyển đổi qua lại giữa ba nhân vật, hỗ trợ nhau vượt qua một chướng ngại vật nào đó. Chẳng hạn, Zoya có thể móc dây vào vật phẩm hình khối mà Amadeus tạo ra hay Pontius có thể dùng khiên để phản chiếu ánh sáng cho mục đích giải đố, mở lối đi hoặc kết hợp kỹ năng của nhau để vượt qua chướng ngại.
Điểm nhấn mới của yếu tố giải đố trong Trine 4: The Nightmare Prince là ánh sáng, đòi hỏi người chơi phải sắp đặt để phản chiếu ánh sáng đến vật thể phục vụ cho việc giải đố hay thậm chí để chiến đấu với kẻ thù. Trò chơi cũng kèm theo hệ thống gợi ý mà bạn có thể thiết lập từ đầu trải nghiệm, tự động đưa ra lời “thả thính” nhằm gợi ý bạn nên làm gì sau một thời gian nhất định. Yếu tố gợi ý chỉ ở mức gợi chút ý tưởng giải quyết bài toán khó chứ ít khi hữu dụng, nhưng kỳ thực các câu đố trong game thường không đến mức khiến bạn “căng não”, ít nhất là trong Act 1. Phần còn lại, cho phép tôi để dành cho bài đánh giá khi game chính thức phát hành.
Bản PC hỗ trợ điều khiển bằng chuột và bàn phím hoặc tay cầm, nhưng những tình huống giải đố với kỹ năng của Amadeus thì chuột giúp tương tác dễ dàng hơn. Tay cầm thỉnh thoảng vẫn mang đến cho tôi chút nhầm lẫn khi tương tác, nhưng xem ra đây là “đặc sản” của series Trine nên tôi sẽ không phàn nàn nữa. Tuy nhiên, chiến đấu vẫn là một vấn đề lớn nhất trong Trine 4: The Nightmare Prince, nhất là khi trải nghiệm solo và phải đối phó với hỗn hợp kẻ thù tấn công tầm xa lẫn tầm gần. Những tình huống này sẽ có lợi hơn nếu bạn chơi co-op với người chơi khác dù là hai hay ba người.
Thế nhưng, nếu để nhân vật chết thì người chơi chỉ cần cố gắng sống sót một khoảng thời gian ngắn để nhân vật chờ nhân vật tự động hồi sinh. Trong trường hợp đang đánh boss thì thời gian này sẽ lâu hơn rất nhiều, do vậy tính thử thách cũng cao hơn một chút. Dù vậy, mỗi nhân vật đều có những điểm mạnh và yếu riêng, nên việc của người chơi là phải tận dụng tối đa kỹ năng của ba nhân vật từng hoàn cảnh cho hợp lý. Chẳng hạn như Amadeus có thể tấn công bằng cách thả đồ xuống kẻ thù, nhưng trận chiến thường diễn ra khá nhanh nên đây không phải là nhân vật phù hợp cho chiến đấu.
Đơn cử như khi đánh boss cuối Act 1, bạn khó lòng mà chiến đấu bằng Amadeus khi chướng ngại vật giăng đầy màn hình che hết không gian có thể thả đồ rơi. Về sau, mỗi nhân vật đều có thể mở khóa thêm kỹ năng mới để bổ trợ những điểm yếu của họ, chẳng hạn Zoya mở khóa được Elemental Arrows hay “ông lão pháp sư” mở khóa Levitation Stomp, nhưng kỹ năng mới cũng không thể biến Amadeus hay “cô nàng siêu trộm” thành một chiến binh thiện chiến như Pontius và ngược lại. Điều này cũng tương tự trong những trận đánh boss, dễ khiến trải nghiệm chiến đấu rơi vào tình huống “khủng hoảng nhân vật” khá là ức chế khi bạn sơ suất.
Ngoài trải nghiệm solo, trò chơi còn hỗ trợ co-op local hoặc online lên đến bốn người. Các câu đố trong trải nghiệm co-op cũng được điều chỉnh lại, buộc tất cả người chơi phải “hợp đồng tác chiến” để cùng giải quyết. Bạn cũng có thể thiết lập cho phép sử dụng nhân vật trùng hoặc mỗi nhân vật khác nhau. Điểm cộng lớn nhất của trải nghiệm co-op là hấp dẫn hơn và giúp yếu tố chiến đấu dễ hơn khá nhiều so với chơi solo. Đây là điểm nhấn quen thuộc của series Trine và vẫn tiếp tục là một trong những điểm nhấn của phần chơi mới nhất.
Trải nghiệm ban đầu của Trine 4: The Nightmare Prince cho thấy phần chơi mới nhất của series này đã làm rất tốt, xứng đáng với kỳ vọng của người chơi sau một chút thất vọng của phần ba trong series. Điều này khiến tôi càng mong đợi được tiếp tục cuộc phiêu lưu mới khi tựa game này phát hành cho PC và các hệ console vào ngày 8/10/2019.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game” plain=”1″]