Warhammer 40000: Rogue Trader là trải nghiệm nhập vai chiến thuật với thời lượng rất dài và đầy tham vọng của Owlcat Games cũng như series Pathfinder của nhà phát triển này vậy. Mặc dù tôi hầu như không để tâm đến lore của Warhammer 40000 mà chỉ quan tâm đến trải nghiệm game, nhưng không thể phủ nhận đây là tựa game nhập vai đặc sắc dù tốn khá nhiều thời gian chơi và đòi hỏi không ít kiên nhẫn từ một người chơi ngoại đạo như tôi.
Thậm chí nếu tôi không lầm, đây là tựa game nhập vai đầu tiên trong vũ trụ Warhammer 40000. Người chơi nhập nhân vật được gọi là Rogue Trader, thật ra là một danh hiệu được kế thừa qua các thế hệ. Ở đầu trải nghiệm, bạn được biết nhân vật chính có được danh hiệu này từ một nhân vật tên Theodora von Valancius với cái chết bất ngờ. Mục tiêu của bạn là tìm hiểu ngọn ngành mọi chuyện xung quanh cái chết bí ẩn của Theodora.
Ở góc độ một kẻ ngoại đạo như tôi, Warhammer 40000: Rogue Trader dẫn dắt người chơi mới khá tốt với hàng loạt thông tin về những quy tắc và luật lệ trong thế giới Warhammer 40000, đặc biệt là hệ thống Conviction đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm game. Dựa trên những lựa chọn thông qua hệ thống này, người chơi có thể biến nhân vật Rogue Trader trở thành “người tốt” hoặc “kẻ xấu” trong thế giới game theo cách mà bạn muốn.
Thế nhưng cũng như ngoài đời, làm người tốt trong Warhammer 40000: Rogue Trader không hề dễ dàng. Bạn phải đối mặt với rất nhiều phản kháng từ các NPC khác nhau, thậm chí là từ những người mà bạn nghĩ họ là đồng minh đáng tin cậy cho đến khi đưa ra một quyết định “trái tai gai mắt” nào đấy. Những trải nghiệm game như thế này thường khiến tôi thêm mất niềm tin vào cuộc sống, vì bạn không thể đóng vai một người tốt hoàn toàn.
Cũng có thể do tôi chơi không đúng cách như Warhammer 40000: Rogue Trader được thiết kế. Chẳng biết nữa. Nhưng ở đầu trải nghiệm, nhiều thuật ngữ lạ được sử dụng trong game ít nhiều cũng khiến tôi cảm thấy hơi lùng bùng, dù đây không phải lần đầu tiên tôi chơi một tựa game Warhammer 40000. Gần nhất là Space Marine 2 và Boltgun nhưng do lối chơi đặc trưng, hai game này không mang nhiều bản sắc ngoài nét tương đồng trong tạo hình kẻ thù.
Nhưng Warhammer 40000: Rogue Trader không giống như những game khác cùng được xây dựng trong vũ trụ Warhammer 40000. Tuy không sáng tạo cơ chế gì mới trong trải nghiệm nhưng trò chơi có rất nhiều điểm khác biệt, một phần có lẽ do lore đồ sộ và phần còn lại vì thời lượng dài đến hoành tráng của game. Chẳng hạn ở góc độ tường thuật, trò chơi đặt người chơi vào vai trò của một nhân vật rất quan trọng trong game ngay từ đầu trải nghiệm.
Không như những game nhập vai khác chẳng hạn Cyberpunk 2077 thường xây dựng xuất phát điểm của nhân vật chính là một kẻ vô danh tiểu tốt, không có được sự tôn trọng nhất định từ các NPC trong tương tác. Điều này mang đến góc độ nhìn nhận sự việc và thế giới quan rất khác từ người chơi. Nhân vật chính trong Warhammer 40000: Rogue Trader không chỉ quen biết mà còn có sẵn mối quan hệ với những người phù hợp trong thế giới game, dẫn đến rất nhiều động cơ quyền lực.
Bối cảnh của Warhammer 40000: Rogue Trader diễn ra tại vùng không gian nguy hiểm và hầu như chưa được khám phá gọi là Koronus Expanse. Nơi đây chỉ có thể được tiếp cận thông qua Koronus Passage. Những vấn đề cần giải quyết trong trải nghiệm game thường xoay quanh Warp, một thế giới song song mang năng lượng tâm linh. Đó còn là nguồn gốc của mọi phép thuật, sức mạnh tâm linh, daemon cũng như nền tảng cho khả năng di chuyển của các Voidship.
Mô tả đơn giản thì Warp trong thế giới Warhammer 40000: Rogue Trader tương tự Fade trong vũ trụ Dragon Age với vài khác biệt. Warp được nhân loại học cách điều hướng nhằm giảm thiểu những tác động không mong muốn của nó đối với những người nắm giữ quyền lực trong vũ trụ. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra điều này khi nhiều vấn đề đạo đức và tác động của quyền lực trong trải nghiệm game đều có liên quan đến sự tồn tại của Warp.
Tôi không phải mẫu người “em yêu khoa học viễn tưởng”, nhưng không thể phủ nhận bối cảnh Warhammer 40000: Rogue Trader nói riêng hay vũ trụ Warhammer 40000 nói chung hết sức kỳ lạ. Mặc dù xét ở góc nhìn kỹ thuật thì những yếu tố trong đó là khoa học giả tưởng. Thế nhưng, cái gọi là “công nghệ” này lại dựa trên phép thuật và yếu tố siêu nhiên, thậm chí có phần mê tín nhưng dưới danh nghĩa “khoa học”, tạo nên bầu không khí rất riêng biệt cho trải nghiệm game.
Mặc dù vậy, lối chơi của Warhammer 40000: Rogue Trader không có nhiều khác biệt so với các trải nghiệm nhập vai trên thị trường. Vẫn là khám phá, xây dựng nhân vật, chiến đấu và lặp lại trong suốt thời lượng chơi hơn 120 giờ. Với tôi đó là con số khá khủng khiếp, đặc biệt sau khi tôi đã dành hơn 80 giờ để hoàn thành Metaphor: ReFantazio trước đó. Thật sự cảm thấy kiệt sức với khối lượng nội dung đồ sộ của cả hai game “khủng long” này.
Bỏ qua thời lượng chơi quá “khủng”, Warhammer 40000: Rogue Trader sử dụng góc nhìn chéo từ trên xuống trong trải nghiệm khám phá và chiến đấu. Khám phá không có gì đáng đề cập. Người chơi sử dụng Voidship để di chuyển giữa các địa điểm khác nhau và làm nhiệm vụ. Bản đồ không gian được chia thành các node với những tuyến đường phải được Navigator thiết lập trước. Mỗi lần dùng Warp dịch chuyển, bạn có thể nhận được yêu cầu giải quyết vấn đề gì đó.
Có khi là chống lại kẻ thù tấn công nhưng cũng có thể là sử dụng một số vật tư để sửa chữa tàu sau một cú nhảy “có vấn đề” vì nhiều lý do khác nhau. Tôi nghĩ chúng được phát sinh ngẫu nhiên bởi thuật toán của trò chơi chứ không tuyến tính cố định. Tất nhiên, Voidship không chỉ dùng để di chuyển giữa các địa điểm mà bạn có thể nâng cấp cho nó. Nơi đây giống như căn cứ di động và bạn còn phải điều phối các thành viên trong party cho những vai trò khác nhau trên tàu vũ trụ.
Chiến đấu trong Warhammer 40000: Rogue Trader khiến tôi nhớ đến Baldur’s Gate 3 với hệ thống chiến đấu theo lượt thuần túy, thay vì tùy chọn kết hợp giữa theo lượt và thời gian thực với khả năng tạm dừng như series Pathfinder của cùng nhà phát triển. Đội hình của người chơi có tối đa sáu nhân vật với những trận chiến có quy mô nhỏ hơn. Thường mỗi trận chỉ có khoảng trên dưới 10 kẻ thù và không tốn quá nhiều thời gian cho một trận chiến như cái tên vừa đề cập.
Thật ra hệ thống chiến đấu của Warhammer 40000: Rogue Trader không có gì đáng đề cập nếu bạn từng chơi bất kỳ game nhập vai chiến đấu theo lượt nào. Chỉ có khác biệt lớn nhất của trò chơi là hệ thống lớp nhân vật khá độc đáo với tính tùy biến cực cao. Cụ thể, người chơi được yêu cầu chọn Homeworld và Origin bên cạnh Archetype trong quá trình tạo nhân vật. Sự kết hợp giữa ba lựa chọn này tạo nên lớp nhân vật rất riêng trong trải nghiệm game.
Chẳng hạn Archetype là Officer với khả năng chính là buff cho đồng đội, nhưng khi kết hợp với Origin là Psyker thành Psyker Office sẽ có khả năng chiến đấu rất khác với Noble Officer dù cùng là Archetype. Trong khi đó, yếu tố Homeworld cung cấp những kỹ năng thụ động có tính hỗ trợ cho nhân vật chính. Ba yếu tố này cho phép người chơi kết hợp và tạo ra những lớp nhân vật độc đáo, mang đến giá trị chơi lại rất cao cho Warhammer 40000: Rogue Trader.
Giao dịch trong Warhammer 40000: Rogue Trader thì khiến tôi liên tưởng đến Dragon Age: The Veilguard mới chơi gần đây vì mức độ tương đồng cao. Về cơ bản, thế giới game có các thương gia khác nhau thuộc nhiều phe. Những thương gia này chỉ trao đổi vũ khí và hàng hóa dựa trên danh tiếng của nhân vật chính với phe của họ. Danh tiếng này có được từ hoàn thành các nhiệm vụ cũng như trao đổi chiến lợi phẩm thu thập thông qua khám phá và chiến đấu.
Ở khía cạnh câu chuyện kể, Warhammer 40000: Rogue Trader có nhịp độ không đồng đều. Mở đầu game là một số sự kiện gây tác động lớn đến cục diện, nhưng lại chậm dần vào khoảng giữa game. Điều thú vị là ngay cả ở thời điểm này, động cơ và mục tiêu của nhân vật phản diện vẫn chưa thật sự rõ ràng. Tôi thậm chí cũng không chắc ai mới đóng vai kẻ ác trong trải nghiệm. Nhưng đến cuối game thì mọi chuyện đều có sự gắn kết hoàn chỉnh, không gượng ép.
Nếu từng chơi Pathfinder: Wrath of the Righteous vài năm trước, có lẽ bạn cũng không lo lắng chất lượng nghe nhìn của Warhammer 40000: Rogue Trader không tốt mà thậm chí ngược lại là khác. Đội ngũ phát triển xây dựng hai khía cạnh này tốt hơn mong đợi. Đồ họa không xuất sắc nhưng chi tiết. Chất lượng lồng tiếng rất tốt. Chỉ có lần đầu tiên trải nghiệm thì tôi hơi hoảng trước giao diện của trò chơi với vô vàn menu đầy chữ và chữ, nhìn hoa cả mắt. Cộng với lỗi linh tinh nhiều.
Sau cuối, Warhammer 40000: Rogue Trader mang đến một trải nghiệm nhập vai hấp dẫn trong vũ trụ Warhammer 40000. Tuy không sở hữu nhiều yếu tố sáng tạo trong xây dựng cơ chế gameplay, nhưng mọi thứ được thiết kế tốt và có tính tập trung cao, không làm giảm cảm giác trải nghiệm hào hứng của người chơi dù có thời lượng chơi rất dài. Đặc biệt là câu chuyện kể độc đáo và không kém phần sâu sắc cộng với giá trị chơi lại cao.
Warhammer 40000: Rogue Trader hiện có cho PC (Windows, macOS), Xbox Series X|S, PlayStation 5.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!