Cyberpunk 2077 là game nhập vai góc nhìn thứ nhất lấy bối cảnh hư cấu tại Night City, một siêu đô thị hiện đại ở phía bắc California thuộc nước Mỹ. Đây là dự án được “cha đẻ” của series game nhập vai đỉnh cao The Witcher thai nghén từ năm 2012. Trò chơi chịu ảnh hưởng từ nhiều cái tên kinh điển như phim Blade Runner, series manga và anime Ghost in the Shell và tựa game Deus Ex của hai thập niên trước. Trải nghiệm game khá ấn tượng, nhưng đó là khi nhà phát triển giải quyết xong những vấn đề lỗi game của trò chơi. May mắn là họ đã và đang làm điều đó một cách tích cực.
Một trong hai lỗi khiến tôi ức chế nhất là Cyberpunk 2077 không nhận phím Space Bar của bàn phím không dây. Nó lại còn đi kèm với vấn đề tương tác trên tay cầm chẳng khác gì mô phỏng thao tác di và nhấp chuột. Lỗi này khiến tôi không thể trải nghiệm game nếu không “mượn” nút bấm trên tay cầm. Vấn đề ở chỗ, phím Space Bar là “chìa khóa” để bạn vào được menu hoặc trải nghiệm sau mỗi lần tải dữ liệu. Thế nhưng, nghiêm trọng nhất là lỗi hỏng save game do giới hạn dung lượng file save. Đây là cơn ác mộng với những người chơi kiếm tiền trong game bằng chế tạo đồ như tôi.
Mặc dù cả hai lỗi này chỉ mới được nhà phát triển khắc phục trong hai bản cập nhật 1.05 và mới nhất là 1.06 ở thời điểm bài viết. Thế nhưng, hậu quả mà nó để lại không thể khắc phục. Bạn phải chơi lại từ file save gần nhất chưa bị hỏng và chấp nhận bỏ toàn bộ save game bị hỏng. Thế nhưng, nếu không thay đổi lối chơi thì tình trạng trên sẽ tiếp tục tái diễn cho đến khi nhà phát hành tung bản “vá nóng”. Điều cay đắng là bản cập nhật 1.06 chỉ có thể nâng giới hạn dung lượng file save để tránh phát sinh lỗi trên, nhưng không thể cứu những save game đã bị hỏng do lỗi này.
Không những vậy, ngay cả sau khi đã tung ra vài bản vá sau phát hành, nhưng Cyberpunk 2077 còn tồn đọng rất nhiều lỗi linh tinh. Phần lớn đủ chọc bạn cười khi vô tình lâm phải tình huống đó trong khi nếu có thể bỏ qua, người chơi vẫn hoàn thành được game. Trải nghiệm trên các hệ console Xbox One và PlayStation 4 đời đầu thậm chí còn nhiều vấn đề hơn, như crash game và các vấn đề hiệu năng kém gây tiêu cực đến cảm giác trải nghiệm. Mặc dù đã rút dây kinh nghiệm rất dài từ The Witcher 3: Wild Hunt, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi ngao ngán khi lịch sử tái diễn.
Bỏ qua những vấn đề trên, đội ngũ phát triển của CD Projekt RED vẫn gây ấn tượng với câu chuyện kể quy mô và kiến thiết Night City hoành tránh ở khía cạnh hình ảnh. Các biên kịch đã chấp bút nên câu chuyện kể ấn tượng với rất nhiều tình tiết và nút thắt xen lẫn nhau, kết hợp hoàn mỹ với thế giới game thông qua các nhiệm vụ chính và phụ. Kỳ thực, mỗi nhiệm vụ dù là chính hay phụ ít nhiều để lại cho tôi những cảm xúc khác nhau về mặt nội dung truyền tải những thông điệp lớn. Một trong những nhiệm vụ phụ khiến tôi ấn tượng nhất ở đầu game là về dịch vụ vận chuyển Delamain.
Để tránh tiết lộ nội dung, tôi chỉ có thể nói vắn tắt về câu chuyện kể thể hiện trí tuệ nhân tạo cũng có cảm xúc riêng và tự ý hành động khi không được đáp ứng. Khoảnh khắc chiếc xe có ý định tự sát để lại cho tôi cảm giác khó chịu khi thoáng nghĩ đến đời thật. Có thể tôi quá nhạy cảm, nhưng đó rõ ràng không phải là câu chuyện đơn giản theo bất kỳ nghĩa nào. Nó mang thông điệp lớn lao hơn và không chỉ có thế. Đội ngũ phát triển đã sử dụng nó như một cách để đưa bạn khám phá Night City một cách tự nhiên, với phần thưởng tiền khá hậu hĩnh và mang đến cảm giác rất thỏa mãn.
Những nhiệm vụ với nội dung đầy bất ngờ như trên không hề hiếm trong trải nghiệm Cyberpunk 2077. Đây cũng là một trong số ít ỏi những tựa game thế giới mở khiến tôi cảm thấy hào hứng với hệ thống nhiệm vụ “chất như nước cất” của nó. Mỗi nhóm nhiệm vụ đều được xây dựng với ý đồ riêng. Nếu như tuyến nhiệm vụ chính giúp người chơi hiểu thêm về nhân vật chính thì các nhiệm vụ phụ mở rộng hơn những mối quan hệ và NPC liên quan. Thế nhưng, những nhiệm phụ thú vị và hấp dẫn đến mức khiến tôi hào hứng với chúng nhiều hơn, tương tự cảm giác khi trải nghiệm Observer System Redux.
Tất cả nhân vật đều được khắc họa rất ấn tượng. Nếu bỏ đi các yếu tố khoa học viễn tưởng, nhiều tình tiết mang cảm giác đời thường như họ bước ra từ đời thật vậy. Tuy nhiên, điểm trừ nhỏ là trải nghiệm game đặc trưng có thể không phù hợp với những người chơi thích ‘fast food’ hơn là bữa cơm tươm tất tốn nhiều thời gian. Đó là vì phân nửa trải nghiệm đều xoay quanh lời thoại và những lựa chọn của người chơi. Nếu không kiên nhẫn đọc hết, bạn sẽ khó lòng nắm bắt được cái hay trong từng câu chuyện kể và những điều thú vị lẫn đắng nghét được lồng ghép trong đó.
Ấn tượng nhất có lẽ là khắc họa “cô gái vàng” Judy Alvarez đầy cá tính với thời trang “bụi bặm” và chàng ca sĩ nhạc rock do “trai đẹp” Keanu Reeves thủ vai. Trong khi Judy có những cử chỉ và góc quay đúng kiểu “con nhà người ta”, nhân vật của Keanu lại là một ‘John Wick khác’ với cái tên Johnny Silverhand. Nhân vật này có tính cách phức tạp, thái độ bất cần và “vô tình cáp đôi” với người mà anh ta luôn nguyền rủa “chết đi cho tôi nhờ”. Bạn sẽ có phân đoạn được trải nghiệm quá khứ của Johnny, nhưng sự thay đổi của nhân vật này mới là phát triển nhân vật xuất sắc nhất.
So với The Witcher 3: Wild Hunt từ nhiều năm trước của cùng nhà phát triển, Cyberpunk 2077 có vài điểm tương đồng nhưng không nhiều. Trò chơi không phải là phiên bản “cyberpunk hóa” của tựa game nói trên. Cả hai chỉ có sự tương đồng đáng chú ý ở chỗ đều cùng là thể loại hành động nhập vai với thiết kế thế giới mở và chỉ có thế. Khác biệt lớn nhất là trong Cyberpunk 2077, bạn được tùy biến đa dạng rất nhiều chi tiết chứ không phải trải nghiệm với nhân vật tạo sẵn. Mức tùy biến này thậm chí không chỉ đơn thuần giới tính nam hay nữ mà còn hơn thế nữa.
Không những vậy, nhân vật điều khiển của bạn còn có lựa chọn giữa tính cách và lý lịch được thiết lập sẵn. Ở góc độ người chơi, thiết kế này có phần hơi khó hiểu trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, lựa chọn thiết kế game đôi lúc tạo cảm giác thiếu sự kết nối giữa tuyến nhiệm vụ phụ và chính. Về cơ bản, người chơi được tự do làm và hành động tùy ý trong các nhiệm vụ phụ. Các nhiệm vụ chính thì ngược lại khi không cho phép bạn làm điều tương tự. Thay vào đó, những nhiệm vụ chính thường có hậu quả cố định bất kể bạn chọn câu trả lời nào tuy không phải tất cả.
Ở góc độ đồ họa, Cyberpunk 2077 mang đến những khung hình vô cùng ấn tượng với phần cứng phù hợp. Dù vậy, tôi có cảm giác nhà phát triển tối ưu không tốt nên hiệu năng chưa thật sự ấn tượng. Trò chơi rất dễ bị rớt tốc độ khung hình trong những cảnh hành động, nhất là khi bật RTX. Tuy nhiên, mức độ chi tiết thì hết sức ấn tượng từ những món trang sức trên người nhân vật, các thiết bị cấy ghép cyberware cho đến nội thất bên trong những căn phòng hay tòa nhà. Hơi tiếc là thiết kế thế giới mở không quá rộng lớn, nhưng mật độ các địa điểm tương tác tương đối dày và hợp lý.
Đáng chú ý, tương tác NPC trong Cyberpunk 2077 để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều giữa trải nghiệm game và đời thật. Nói đơn giản là những NPC không có phận sự thường rất ít khi chịu tương tác hay trò chuyện với bạn. Điều này khá giống ngoài đời thật vì tôi cũng không nói chuyện với người lạ, nhưng đây là trải nghiệm game thì phải khác. Chưa kể, cách hành xử của các NPC cũng đơn điệu đến mức nhàm chán. Đơn cử như trời mưa mà không biết chạy vào nhà hay tìm chỗ trú mưa thì thất vọng quá. Kẻ thù chỉ có giỏi thấy bạn là bắn trước nói sau thôi.
Hệ thống chiến đấu và cây kỹ năng có lẽ là điểm hấp dẫn nhất trong tùy biến nhân vật. Về cơ bản, nhân vật chính có 5 chỉ số với hệ thống kỹ năng và thuộc tính. Mỗi chỉ số lại chia thành các cây kỹ năng khác nhau. Mỗi kỹ năng mang đến lợi thế nhất định như tăng khả năng chiến đấu, hành động lén lút hoặc hack và không dừng ở đó. Lựa chọn cộng điểm kỹ năng nào là tùy người chơi, nhưng chọn sai phải tốn rất nhiều tiền để khắc phục. Các chỉ số thuộc tính chủ yếu mang đến lợi thế trong hội thoại hoặc “bẻ khóa” cửa, trong khi các cây kỹ năng có tính hỗ trợ trải nghiệm.
Trong các cây kỹ năng nói trên, hack có lẽ hấp dẫn nhất vì tính hỗ trợ cao trong chiến đấu và hành động lén lút. Cơ chế này về cơ bản có phần giống Watch Dogs: Legion, nhưng được xây dựng hấp dẫn và phức tạp hơn với mini-game thú vị cần chút tính toán. Đơn cử như kỹ năng Quickhacking cho phép bạn toàn quyền kiểm soát camera an ninh, các khẩu súng máy tự động hay thậm chí là vô hiệu hóa chức năng của kẻ thù khi đủ “cao tay”. Để đạt được trình độ đó, bạn cần rất nhiều “thiết bị tăng cường” giống như một hệ thống trang bị riêng khác gọi là cyberware.
Nếu như các trang bị thông thường là lớp bảo vệ bên ngoài nhân vật, cyberware giống như máy móc công nghệ hóa các hệ thống sinh học bên trong cơ thể nhân vật và giúp tăng cường chức năng. Chẳng hạn ở đầu trải nghiệm, bạn được nâng cấp hệ thống thị giác giúp mở khóa khả năng quét môi trường màn chơi, tìm những thứ có thể hack và tính năng mod. Nó tương tự gắn ngọc cho trang bị trong các game nhập vai để mở rộng khả năng, nhưng phức tạp và làm được nhiều hơn. Những thứ này không rẻ nhưng tiền trong Cyberpunk 2077 không khó kiếm nếu bạn biết cách và chịu khó “cày” tiền.
Đó là chưa kể đến các loại vũ khí công nghệ mà bạn thu thập được trong trải nghiệm về sau. Chúng góp phần giúp đa dạng hóa cơ chế chiến đấu trong game, nhưng kỳ thực cũng chỉ xoay quanh hành động lén lút và rambo. Bạn có thể kết hợp cùng quickhack để trải nghiệm thêm sinh động, từ đó dẫn đến rất nhiều cách thức chiến đấu đa dạng. Đơn cử, bạn thích “hành xác” với vũ khí cận chiến như Ghostrunner cũng được, mà muốn làm xạ thủ Karl trong Sniper Elite 4 cũng ô-kê-con-dê luôn. Cyberpunk 2077 cho phép người chơi tự do trải nghiệm theo cách mà bạn muốn.
Vấn đề ở chỗ, sự tự do tự tại của người chơi trong trải nghiệm không ảnh hưởng nhiều tới cốt truyện. Nó khá tuyến tính, được ẩn giấu bên dưới lớp đồ họa bắt mắt và kiến tạo thế giới mở. Mặc dù Cyberpunk 2077 có nhiều kết thúc, nhưng chúng phụ thuộc vào các nhiệm vụ phụ mà bạn thực hiện chứ không phải kết quả từ cách thức mà bạn trải nghiệm nhiệm vụ chính. Nói một cách khác, hệ thống nhiệm vụ phụ gắn liền với trải nghiệm game theo cách này hay cách khác. Điểm cộng là chúng khá cuốn hút và trao cho bạn nhiều việc để làm, khám phá thế giới và con người ở Night City hơn.
Thế nhưng, không phải Cyberpunk 2077 không có điểm trừ. Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là lỗi game rất nhiều nhưng đã, đang và sẽ được nhà phát triển liên tục cập nhật để giải quyết. Kỳ thực, họ đang làm khá tốt điều này giống như Witcher 3: Wild Hunt nhiều năm trước đã từng. Trò chơi vẫn còn nhiều vấn đề khác, nhưng không gây cho tôi cảm giác khó chịu khi xét đây là trải nghiệm nhập vai góc nhìn thứ nhất, thiên về câu chuyện kể nhân văn và mang đến nhiều thông điệp lớn. Chính vì vậy mà tôi không muốn đề cập đến khi bài đã quá dài.
Sau cuối, Cyberpunk 2077 mang đến một trải nghiệm xuất sắc, nhưng đó là khi nhà phát triển giải quyết xong các lỗi game còn tồn đọng sau phát hành. Ở tình trạng hiện tại, trò chơi có thể ít nhiều gây ức chế tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người, điều mà người viết không thể “thay lời muốn nói” hay thay bạn quyết định khả năng móc hầu bao. Nếu chỉ muốn ăn chắc mặc bền, bạn có thể chờ vài tháng nữa để nhà phát triển khắc phục. Nói gì thì nói, đây chắc chắn vẫn là một trong những cái tên xứng đáng phải có trong thư viện game của bạn để tiễn đưa năm 2020 đầy biến động này.
Cyberpunk 2077 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Bản PlayStation 5 và Xbox Series S|X dự kiến ra mắt vào năm 2021. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Cyberpunk 2077.
Game được chơi trên PC.
[text-blocks id=”game-box”]