Watch Dogs: Legion là phần chơi thứ ba trong series game phiêu lưu hành động Watch Dogs lấy đề tài về tin tặc. Tuy nhiên, phần chơi này độc lập về mặt nội dung và không cần trải nghiệm hai tựa game trước để nắm bắt câu chuyện kể. Đáng chú ý, trò chơi có khá nhiều cải tiến về cơ chế gameplay sáng tạo và xây dựng nhiệm vụ hấp dẫn hơn. Dù vậy, tựa game này vẫn mắc phải vài vấn đề biết rồi khổ lắm nói mãi trong thiết kế nhiệm vụ cũng như loại bỏ một số khía cạnh đã làm rất tốt trong các phần chơi cũ.
Trò chơi lấy bối cảnh thành phố London của nước Anh ở tương lai gần sau giai đoạn Brexit. Cốt truyện vẫn xoay quanh nhóm tin tặc DedSec quen thuộc từ các phần chơi trước. Lần này, nhóm bị một hacker bí ẩn có nick là Zero Day dàn cảnh, đổ tội cho một loạt vụ đánh bom trong thành phố. Hành vi ném đá giấu tay này khiến các thành viên của nhóm bị xếp vào danh sách khủng bố. Giữa hỗn loạn, nhóm quân sự tư nhân Albion đã lợi dụng khoảng trống quyền lực lên nắm chính quyền và lập thiết quân luật.
Tất nhiên, DedSec đâu dễ bị bắt nạt và chịu thua cuộc. Thua keo này thì ta bày keo khác. Không còn đồng đội cũ thì ta tìm đồng đội mới. Thế nên, trưởng nhóm Sabine đã lên mạng dò tìm những thành viên tiềm năng cùng chí hướng về cùng góp sức xây dựng lại một DedSec hùng mạnh hơn, đông đảo hơn để giải phóng thành phố khỏi tập đoàn tư nhân Albion đang dần bành trướng lực lượng bằng hệ thống tội phạm quy mô của chúng ra khắp thành phố. Vòi bạch tuộc nào rồi cũng phải bị chặt đứt, đồng ý chưa?
Legion trong tiếng Anh có nghĩa là quân đoàn, nhưng nó cũng có nghĩa khác để chỉ số lượng rất nhiều. Đây cũng là ý tưởng thiết kế gameplay của Watch Dogs: Legion khi xem đoàn kết là sức mạnh, xoay quanh số lượng nhân vật điều khiển vô cùng đông đảo mà bạn có thể tuyển mộ trong trải nghiệm game. Từ Chí Phèo cho tới Thị Nở, người lính Albion đối địch lẫn những nhân vật tưởng chừng chẳng có quan tâm gì đến tình hình xã hội, chẳng hạn các bà nội trợ. Đó là tôi ví dụ thôi chứ chẳng có bà nội trợ nào ở đây cả.
Về cơ bản, bạn có thể tuyển mộ bất kỳ NPC nào gặp trên đường thành nhân vật điều khiển bằng cách khai thác thông tin dữ liệu về họ thông qua chiếc smartphone trên tay. Mỗi nhân vật sẽ có vũ khí, kỹ năng và thiên hướng bẩm sinh riêng, phù hợp với lối chơi đa dạng của mỗi người. Điều này giúp mỗi nhân vật đều mang đến cảm giác trải nghiệm khác biệt dù nhiệm vụ chính không thay đổi về yêu cầu lẫn mục tiêu. Nó cũng đồng nghĩa mỗi nhân vật khác nhau sẽ đối mặt khó khăn và lợi thế riêng trong từng nhiệm vụ.
Điểm cộng lớn nhất của Watch Dogs: Legion là khía cạnh câu chuyện kể. Ở góc độ người chơi, đội ngũ biên kịch đã xây dựng nên câu chuyện kể khá gần gũi vì theo sát tình hình thời sự trong những tình tiết sự kiện lấy cảm hừng từ đời thật. Ngay cả thời đại trong game mà tôi nghĩ là công nghiệp 5.0 hay 6.0 gì đó cũng vậy. Bạn sẽ gặp những ý tưởng dần đi vào cuộc sống như xe tự hành, AI, câu chuyện ‘big data’ và khai thác dữ liệu cá nhân, cho tới drone chở người và cả áo choàng tàng hình v.v…
Tuy nhiên, hướng tiếp cận nội dung này cũng đồng thời là điểm trừ của Watch Dogs: Legion. Vấn đề ở chỗ, các biên kịch dường như đã cố ý lồng ghép quá nhiều thông điệp vào trải nghiệm game, khiến nó không dễ hiểu với những người chơi ít quan tâm đến thời sự quốc tế. Nhiều tình tiết đặc sệt các vấn đề ở phương Tây, khiến tôi không ít lần cảm thấy kém hào hứng đến mức từ chối hiểu những tình huống xung đột văn hóa ở khía cạnh nội dung. Có cảm giác đội biên kịch đang muốn xóa nhòa lằn ranh giữa thực và ảo vậy.
Nếu nhìn một cách tiêu cực, Watch Dogs: Legion giống như xã hội phương Tây ngoài đời thật. Trò chơi có rất nhiều thông điệp đáng chú ý, vốn là câu chuyện chưa có hồi kết ở các nước phương Tây như phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc hay thậm chí vấn đề chính sách không được lòng người dân hoặc bộ phận lợi ích nhóm nào đó. Tôi chưa chơi Watch Dogs 2 nhưng nếu so với Watch Dogs, phần chơi mới đã đi quá xa khỏi định hướng cũ nếu không nói là tham vọng hơn rất nhiều.
Điều hài hước là câu chuyện kể trong game để lại trong tôi cảm giác khá trái chiều. Dù chỉ là trải nghiệm game, nhưng Watch Dogs: Legion giúp tôi hiểu phần nào bầu không khí ở quốc gia đang chuẩn bị hậu Brexit như thế nào. Cảm giác hoang mang, tức giận khi nhìn đất nước rơi vào hỗn loạn chỉ vì phút giây nông nổi của một bộ phận người dân là có thật. Câu chuyện người nhập cư cũng vậy khi được khắc họa một cách chân thật trong trải nghiệm game, đôi lúc khiến tôi sợ hãi tự hỏi mình đang chơi cái gì đây?
Sự thật đắng lòng được phơi bày một cách khó chịu và đáng sợ, giống như chiến tranh là tồi tệ hay vì mục đích hòa bình luôn gây nhiều tranh cãi trong bản làm lại Call of Duty: Modern Warfare vậy. Watch Dogs: Legion đưa vào những vấn đề xã hội và nhiều yếu tố chính trị đến mức khiến tôi cảm thấy khó chịu. Hướng tiếp cận nội dung như thế dễ khiến không ít người chơi trong nước hoặc bất kỳ ai bàng quan với thế sự, không quan tâm chuyện xứ người có cảm giác tưởng thuyết phục nhưng lại rất vô lý.
Vấn đề ở chỗ, nếu khía cạnh câu chuyện kể có thể làm tốt nhiệm vụ của nó, đó sẽ là bổ trợ tuyệt vời ông mặt trời cho gameplay của trò chơi. Đáng tiếc là trường hợp này không xảy ra. Những thông điệp mà Watch Dogs: Legion mang đến trong trải nghiệm không những quá rộng mà còn dài dòng thông qua rất nhiều tài liệu hay bản ghi âm thu thập. Điều này khiến cốt truyện bỗng trở thành yếu tố thứ yếu trong trải nghiệm game, gây ảnh hưởng đến các hoạt động trải nghiệm được xây dựng khá tốt ở khía cạnh gameplay.
Sở dĩ tôi chỉ gọi là khá tốt vì nó có khá nhiều nét tương đồng với nhiều tựa game khác của cùng nhà phát hành. Vẫn là vòng lặp gameplay thế giới mở xoay quanh khám phá, chiến đấu và khuyến khích hành động lén lút, ẩn trong các tình tiết nội dung được hé lộ dần thông qua các nhiệm vụ quen thuộc. Điểm khác biệt so với nhiều tựa game khác nằm ở cơ chế hack tất tần tật mọi thứ trong thế giới game, tạo cảm giác mới mẻ trong trải nghiệm. Nó có vài cải tiến nhưng không gây khác biệt nhiều.
Mọi thứ đều tùy vào cách bạn khai thác hệ thống giám sát ctOS của thành phố. Từ việc tận dụng các camera, máy tính, drone cho đến bất kỳ thiết bị nào cũng gần như có thể hack được, không cách này thì cách khác. Thậm chí đến dữ liệu cá nhân của mỗi người dân còn dễ dàng ‘hack’, giúp bạn xác định họ có phải ứng cử viên phù hợp trong cuộc chiến chống Albion giành lại London không. Vận dụng đúng sẽ giúp trải nghiệm game trở nên dễ dàng, đến mức tạo cảm giác như bạn đang bật ‘god mode’ vậy.
Đơn cử có nhiệm vụ yêu cầu bạn thu hồi chiếc xe trong khu vực dày được canh phòng cẩn mật. Bạn chỉ cần dùng điện thoại hack vào camera an ninh bên trong “hang hùm”, từ đó sao chép chìa khóa từ máy tính bảng đặt sâu giữa lòng địch. Dùng chìa khóa số đó mở cổng bên ngoài rồi lại hack xe thông qua camera, chạy ra cổng thật nhẹ nhàng mà không cần vào đặt chân hay đụng độ với bất kỳ kẻ thù nào. Nếu cứ chơi như truyền thống, chui vô đánh hạ cả căn cứ địch rồi lái xe ra thì rất mất thời gian mà không hiệu quả.
Mỗi lối chơi tuy có cùng kết quả, nhưng vận dụng tốt khả năng hack và các cơ chế gameplay đặc trưng sẽ khiến nhiệm vụ trong Watch Dogs: Legion trở nên hấp dẫn và kịch tính hơn rất nhiều. Khai thác triệt để kỹ năng của nhân vật trong từng tình huống nhiệm vụ là yếu tố then chốt để trải nghiệm game trở nên hấp dẫn và thỏa mãn hơn. Đó mới là nét hấp dẫn nhất mà trò chơi mang đến. Thế nhưng, điều đó cũng vô tình khiến mọi thứ có thể trở nên quá dễ dàng và cũng vì vậy mà nhàm chán do tính lặp lại.
Một điểm trừ nhưng tôi nghĩ nhỏ như con thỏ là yếu tố phát triển nhân vật đã hoàn toàn biến mất trong Watch Dogs: Legion. Điều này có thể khiến những ai yêu thích lối chơi xây dựng nhân vật theo truyền thống cảm thấy thất vọng. Các nhân vật cũng vì thế mà trở nên khá nhạt nhòa trong trải nghiệm game. Thậm chí tôi còn chẳng nhớ tên của bất kỳ nhân vật điều khiển nào mình từng tuyển dụng vào DedSec vì chẳng có ấn tượng gì. Bù lại là sự đa dạng về nhân vật và xây dựng môi trường đẹp mắt, có độ chi tiết cao.
Tương tự, Watch Dogs: Legion có vài vấn đề biết rồi khổ lắm nói mãi là lỗi game linh tinh. Tuy vẫn có thể hoàn thành trải nghiệm bình thường nhưng cũng có vài lỗi đồ họa người xuyên môi trường khá hài hước. Thời gian chờ tải dữ liệu khá lâu mỗi khi dịch chuyển nhanh, hoàn thành nhiệm vụ, đổi nhân vật điều khiển hoặc giữa các đoạn chuyển cảnh và trải nghiệm. Lồng tiếng nghèo nàn khi bạn có thể nghe khá thường xuyên các nhân vật hoàn toàn khác nhau lại có cùng giọng đọc do chung diễn viên lồng tiếng.
Một điều khiến tôi có chút quan ngại là Watch Dogs: Legion có microtransaction. Thế nhưng, trong suốt thời gian trải nghiệm khoảng một ngày thì tôi chưa thấy nhu cầu cần thiết phải bỏ tiền tươi ra mua cái gọi là Credit này. Hiện vẫn chưa có thông tin đầy đủ về việc Credit dùng để làm gì, nhưng có khả năng nó sẽ được mở rộng mục đích thông qua các bản cập nhật sau phát hành. Đây cũng là cách triển khai của nhiều tựa game trên thị trường hiện nay vì lý do quá rõ ràng.
Sau cuối, Watch Dogs: Legion mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động thế giới mở khá hào hứng ở khía cạnh “muốn làm gì thì làm” với đề tài và bối cảnh hấp dẫn. Mặc dù trò chơi vẫn còn vài vấn đề về hiệu năng và lỗi game, nhưng cách tiếp cận thú vị vẫn là điểm cộng lớn nhất. Hơi tiếc là các khía cạnh của trò chơi chưa có sự bổ trợ tốt cho nhau. Đây có thể không phải là tựa game dành cho số đông vì nhiều lý do nhất là về mặt nội dung, nhưng chắc chắn nó là cái tên rất đáng cân nhắc.
Watch Dogs: Legion hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Google Stadia. Bản PC hiện chỉ có trên Uplay và Epic Games Store.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!