>observer_ là một tựa game sinh tồn kinh dị thú vị về gameplay, nhưng chưa đủ hấp dẫn ở khía cạnh kinh dị rùng rợn. Để các bạn dễ đọc, trong bài sẽ thay tựa gốc >observer_ bằng Observer.
Observer là đội cảnh sát điều tra đặc biệt, được trang bị thiết bị Dream Eater với khả năng thâm nhập vào ký ức của người khác để “lục lọi” những gì mà kẻ đó trải qua, cho mục đích điều tra tội phạm. Nhân vật của người chơi là một observer có tên là Daniel Lazarski. Bên cạnh khả năng nói trên, bạn còn được trang bị hai thiết bị tăng cường là Electromagnetic Vision dùng để quét các thiết bị điện tử và Bio Vision dùng để quét các bằng chứng sinh học. Và đó cũng là lối chơi chính trong Observer, người chơi sẽ dùng hai thiết bị quét nói trên để đi điều tra, đồng thời thâm nhập vào tâm trí của kẻ khác để tìm những dữ kiện cho vụ án.
Tuy nhiên, Observer không phải là game điều tra đơn thuần, kỳ thực đây là game kinh dị sinh tồn góc nhìn thứ nhất. Trò chơi lấy bối cảnh vào năm 2084, tại Ba Lan đã diễn ra “đại dịch số” gọi là nanoplague làm chết hàng ngàn người, dẫn đến xung đột và tình trạng lạm dụng ma túy xảy ra triền miên. Nhân vật của người chơi trong một chuyến tuần tra quen thuộc thì bất ngờ nhận được cuộc gọi không mong đợi từ con trai đã lâu không liên lạc. Lo lắng có chuyện chẳng lành, Daniel dò tìm đến khu chung cư nơi cậu ta đang sinh sống. Thế nhưng những gì diễn ra sau đó khiến anh từ lo lắng chuyển sang căng thẳng khi thấy xác người xuất hiện và cư dân ở đây bị hệ thống an ninh giam lỏng trong các căn phòng chung cư. Người chơi phải tìm ra kẻ sát nhân, con trai của nhân vật và tắt hệ thống an ninh để giải thoát mọi người.
Câu chuyện trong Observer diễn ra khá hấp dẫn, và mọi chuyện sẽ dần sáng tỏ khi người chơi dò tìm manh mối vụ án trong khu chung cư nhiều mối quan hệ phức tạp. Thế nhưng đây là một tựa game kinh dị sinh tồn, và trò chơi “ném” vào rất nhiều thứ “hại tim” để ngăn bước chân bạn tìm hiểu sự thật. Mặc dù phần cốt truyện chính đã khá ổn, nhưng nếu phải khen có lẽ tôi sẽ dành điều đó cho phần nội dung trong các nhiệm vụ phụ hơn. Trò chơi cung cấp một số nhiệm vụ phụ mà bạn có thể tìm hiểu khi đang tìm manh mối điều tra tại đây. Có rất nhiều câu chuyện khá kỳ lạ nhưng không kém phần thú vị diễn ra ở nơi này. Có chuyện thì được kể khá chi tiết, nhưng cũng không thiếu một số nội dung đôi khi khá đơn giản. Chẳng hạn như bạn sẽ tìm thấy một người đàn ông quanh năm suốt tháng đắm chìm vào những trò chơi thực tại ảo, và dường như không hề biết chuyện gì đang diễn ra ở thế giới thực. Theo một nghiên cứu khoa học tôi đọc được gần đây thì những người sống trong thế giới game như người đàn ông này, có thể đã và đang muốn trốn tránh cuộc sống thật vì chán nản. Mà điều này có lẽ cũng đúng với xã hội loạn lạc trong Observer.
Những câu chuyện ngắn về các nhân vật trong “đời thật” của trò chơi khá thú vị, nó gợi trong tôi nhiều suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Nếu thích những câu chuyện kiểu Chicken Soup for the Soul, có thể bạn sẽ thấy những câu chuyện nhỏ này khá hay vì có nhiều điều để suy ngẫm và “sống chậm”. Hơi đáng tiếc là những câu chuyện ngắn này không nhiều. Thế nhưng vấn đề đáng nói nhất trong câu chuyện của Observer có lẽ là giọng lồng tiếng của Rutger Hauer cho nhân vật chính Daniel. Đây là tên tuổi khá đình đám từ thập niên 80 vì đã vào vai người nhân bản nổi loạn Roy Batty trong phim kinh điển Blade Runner năm 1982. Phần lồng tiếng không tạo được cái hồn thật sự cho Daniel. Nó rất khó giải thích, cảm giác như nhân vật đọc “chay” rồi sau đó ghép vào game nên không tạo được cảm giác “sống” trong bối cảnh. Chính điều này khiến tôi có cảm giác trò chơi muốn mượn tên tuổi của diễn viên để “đánh bóng” cho trò chơi hơn là đầu tư tử tế cho phần này.
Lối chơi của Observer mang nặng tính giải đố chứ không đơn thuần kể chuyện. Hai thiết bị quét đặc biệt đều mang đến những câu đố khá thú vị khiến bạn không thấy “nhẹ đầu” chút nào. Nhân vật Daniel không chỉ đơn thuần đi vòng quanh các căn hộ ở khu chung cư mà còn phải tìm được lối đi và lần theo manh mối. Một số ý tưởng gameplay và cảnh trí khiến tôi có cảm giác trò chơi lấy cảm hứng từ Blade Runner. Chẳng hạn có một phân đoạn đòi hỏi bạn phải tìm cách thoát khỏi một cửa hàng làm chui chuyên “độ” con người, mang nhiều liên tưởng đến người nhân bản. Chỉ khác là trò chơi không mang đến nhiều thông điệp cuộc sống rất “hại não” như Blade Runner, hay phần tiếp theo mới đây của phim này là Blade Runner 2049.
Ý tưởng sử dụng cả hai thiết bị quét để tìm hiểu thêm thông tin về các vật phẩm có vẻ hay, nhưng thực tế không hấp dẫn như mong đợi. Tôi thường rất hiếm khi “moi thêm” được thông tin gì đáng chú ý từ các vật phẩm được quét, trong khi Observer lại khiến người chơi phải tốn phần lớn thời gian dò tìm trên màn hình những vật phẩm nhỏ li ti để giải đố theo kiểu “super soi” mới thấy. Mà ngay cả việc nhìn của nhân vật cũng bị hạn chế bởi một yếu tố vớ vẩn hết sức, luôn bắt bạn phải thường xuyên giải quyết nó bằng việc tiêm một loại thuốc gọi là Synchronize. Nếu tiêm không đủ liều thì mắt bạn sẽ bị mờ và hình bị vỡ, nhưng dùng quá liều là nhân vật “thăng thiên”. Bản thân tôi hoàn toàn không hiểu cơ chế này tại sao lại được đưa vào, trong khi nó chẳng gây ảnh hưởng gì đến gameplay ngoài việc khiến trò chơi phức tạp và mất thời gian hơn cần thiết cho việc tìm và tiêm thuốc. Không biết có phải nhà phát triển học hỏi ý tưởng tìm pin liên tục trong Outlast hay không?
Điểm nhấn trong gameplay của Observer hóa ra lại nằm ở phần xâm nhập trí não người khác, cho phép người chơi tái hiện lại những ký ức lộn xộn của nhân vật đó. Đây cũng là yếu tố chính trong việc hù dọa người chơi bằng âm thanh, hình ảnh siêu thực khiến bạn giật thót. Chẳng hạn một trong những nhân vật đầu tiên mà bạn thâm nhập có vẻ là một kẻ nghiện thuốc, thế nên những gì bạn thấy là những khung cảnh khi nhân vật như đang phê thuốc và nó khá hỗn loạn. Những hình ảnh này thường buộc người chơi phải tự sắp xếp và giải mật ý nghĩa. Chẳng hạn, có cảnh nhân vật cố gắng tiếp cận cái vòi hoa sen nhưng càng tiếp cận nó lại càng xa ra, có ý ám chỉ nhân vật không thể tự “thanh tẩy” bản thân. Hay có phân đoạn khác bạn sẽ thấy cái muỗng bị xích vào cái bàn, nghe khá là hại não đúng không? Nếu thích những kiểu kể chuyện đau đầu như thế, bạn sẽ cảm thấy việc khám phá thế giới trong tâm trí người khác là thú vị và Observer thật sự rất đáng chơi. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa lối kể chuyện của trò chơi không thể được lòng tất cả mọi người.
Mặt khác, Observer có thể tạo nên ý kiến trái chiều về một số định hướng thiết kế. Một số câu đố mang tính thực tế, khá hay vì không đòi hỏi việc dùng máy quét. Chúng không nhiều nhưng đặc biệt lại khiến khiến tôi cảm thấy thích thú hơn khi giải đố. Trong khi đó, các cảnh mơ màng mộng mị lại có chứa một số yếu tố đi stealth mà rất nhiều game kinh dị thường vận dụng. Những phân đoạn này đòi hỏi người chơi phải tránh quái trong khi cố gắng làm hacker, hoặc chỉ đơn thuần là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Cơ chế đi stealth khá đơn giản tương tự như Outlast, thế nhưng phần trải nghiệm này dễ dàng khiến bạn buồn ngủ vì tẻ nhạt. Cũng may là nó không nhiều đến mức phá hỏng trải nghiệm của toàn bộ trò chơi. Vấn đề khiến tôi ngao ngán nhất có lẽ là việc tìm các thẻ bài thu thập từ các nhân vật hoặc đồ vật trong trò chơi. Thậm chí bạn còn có thể dùng máy tính trong game để chơi vài mini game giết thời gian, nhưng chúng đều tạo cảm giác lạc điệu với trò chơi, đặc biệt khi Daniel là nhân viên điều tra lại có thể phí thời gian ngồi chơi game khi đang làm công vụ như thế.
Sau cuối, >observer_ là một tựa game thú vị về gameplay, nhưng không phải ở khía cạnh kinh dị. Đồ họa trong game khá đẹp, vừa có tính nghệ thuật mà cũng vừa đậm chất công nghệ. Điểm trừ rất lớn là trò chơi có hơi lạm dụng những hình ảnh gây cảm giác khó chịu để tạo những màn jump-scare hù dọa người chơi, dù đã tiết giảm nhiều so với Layers of Fear. Nếu thích chút không khí rùng mình trong những ngày này, thì Observer không phải là một lựa chọn tồi. Tuy nhiên, trò chơi có một vấn đề khá khó chịu là cứ khi auto save thì lại diễn ra tình trạng sụt giảm khung hình nặng nề, bạn cần lưu ý điều này.
>observer_ được phát hành trên PC, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do Bloober Team hỗ trợ
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác