White Day: A Labyrinth Named School là game kinh dị sinh tồn xuất xứ từ đất nước kim chi. Trò chơi được “đập đi xây lại” hai lần với hướng đi khác nhau. Lần đầu là dành riêng cho nền tảng di động với đồ họa 3D được thay bằng hình tĩnh 2D. Lần thứ hai là chuyển sang công nghệ 3D hoàn toàn cho toàn bộ trải nghiệm và được phát hành trên nhiều nền tảng khác nhau. Đây cũng là phiên bản được đề cập trong bài.
White Day: A Labyrinth Named School bản làm lại thứ hai đưa người chơi nhập vai cậu học sinh cấp ba Lee Hui-min vừa chuyển đến trường trung học phổ thông Yeondu nhiều ẩn khuất. Ban đầu, diễn biến nội dung giống như truyện ngôn tình khi nhân vật chính “crush” cô bạn học Han So-young. Cậu lẻn vào trường và dự tính dùng quyển nhật ký bỏ quên của cô làm lý do gặp gỡ và tỏ tình vào ngày White Day. Tuy nhiên, cơ hội tỏ tình đâu chưa thấy, chỉ thấy ma và quái vật cùng ông bảo vệ xuất hiện, rượt chạy trối chết.
So với bản The School: White Day dành cho nền tảng di động, White Day: A Labyrinth Named School có sự cải thiện về chất lượng đồ họa, đặc biệt là tông màu nhìn có chiều sâu và hiệu ứng ánh sáng tốt hơn. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn có đồ họa trông khá cũ kỹ so với mặt bằng chung ở thời điểm phát hành vài năm trước. Ánh mắt các nhân vật có nhìn hơi sắc lạnh và rùng rợn, rất hợp với trải nghiệm game. Điểm trừ lớn nhất là chuyển động của các nhân vật nhìn rất thiếu tự nhiên.
Ngược lại, điểm cộng lớn nhất của White Day: A Labyrinth Named School là khía cạnh giải đố khá thử thách so với phần lớn những tựa game cùng thể loại mà tôi từng trải nghiệm. Mặc dù mô típ chung thường xoay quanh việc di chuyển qua lại giữa nhiều khu vực khác nhau, tạo cơ hội cho những màn hù dọa được diễn ra, nhưng chúng đều mang đến cảm giác khá thỏa mãn. Tuy nhiên, AI của trò chơi lại thường tạo cảm giác bực mình với khả năng xuất quỷ nhập thần của ông bảo vệ, đến mức tuy biết trước vẫn thấy bực bội.
Đây cũng là nhân vật tâm điểm của trải nghiệm game, được thiết kế để xuất hiện một cách tùy tiện nhằm cản trở người chơi tiếp cận các vị trí giải đố. Ở góc độ người chơi, nhân vật này chẳng hề đáng sợ chút nào nếu không nói là chỉ giỏi gây ức chế trong nhiều phân đoạn “không rủ cũng tới”. Tôi đồ rằng nhà phát triển thiết kế nhân vật này như một công cụ để kéo dài thời gian trải nghiệm, trong khi nếu loại bỏ hoàn toàn vai phản diện này cũng không ảnh hưởng nhiều mà thậm chí còn biến trải nghiệm game tốt hơn rất nhiều.
Thử tưởng tượng bạn đang lén lút khám phá những hành lang tăm tối giữa phần nhạc nền rùng rợn. Tiếng cọc cọc trên sàn gỗ trước mỗi bước chân và những âm thanh khác gần như tạo cảm giác nóng ấm giữa hai chân bạn. Bất ngờ, một gã cầm đèn pin và gậy xuất hiện, rượt bạn chạy tọt vào nhà vệ sinh. Nín thở để không phải hít lấy hít để mùi amoniac và chờ hắn bỏ đi. Đáng nói, tình huống này diễn ra thường xuyên đến mức ức chế, nhưng không phải vì gã đáng sợ mà vì xảy ra quá nhiều theo một mô típ và mục đích cũ mèm: câu giờ.
Cứ mỗi khi bạn sắp tiếp cận được manh mối hay yếu tố giải đố mới, y như rằng gã côn đồ này lại xuất hiện, ép bạn bỏ chạy ra xa khỏi mục tiêu chính hết lần này đến lần khác. Trong khi đó, những khoảnh khắc jump-scare trong trải nghiệm White Day: A Labyrinth Named School lại có dấu hiệu lạm dụng nhạc nền một cách không cần thiết. Kỳ thực, trò chơi đã làm quá tốt việc xây dựng cảm giác rùng rợn trong suốt trải nghiệm, đủ để tinh thần người chơi luôn trong tình trạng “căng như sợi dây đàn” mà không cần lạm dụng như trên.
Đó là nhờ vào sự kết hợp khá tốt giữa yếu tố nghe nhìn và những câu chuyện kể về bí mật của ngôi trường. Thần thái của cái nhân vật cũng thế khi luôn tạo cảm giác rờn rợn, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng lúc mờ lúc tỏ và những âm thanh tiếng động vang vọng như tiếng bước chân trên mặt sàn hay tiếng mở cửa v.v… Tuy nhiên, nếu đã từng chơi phiên bản gốc đầu tiên, bạn sẽ nhận thấy phần xử lý âm thanh tiếng động có vài thay đổi làm giảm đi cảm giác sợ hãi. Đáng chú ý nhất là âm thanh bạn nghe nhiều nhất: tiếng bước chân.
Trong bản gốc năm 2001, tiếng bước chân trong White Day: A Labyrinth Named School khá lớn nhưng nghe có vẻ tự nhiên hơn. Trong bản làm lại này, tiếng động nói trên được thay thế bằng âm thanh khác “cục súc” hơn, nghe cứ như nhân vật chính mang giày cao gót hay tiếng búa gõ đinh vào mảnh gỗ vậy. Kỳ thực, mặc dù vẫn tạo cảm giác rùng rợn trong trải nghiệm, nhưng khâu âm thanh tiếng động trong bản làm lại này nghe kém đáng sợ hơn. Đơn cử như tiếng mưa, âm thanh mở và đóng cửa cùng rất nhiều nữa mà tôi không thể liệt kê hết.
Cách xử lý một số phân đoạn trong thiết kế game của bản làm lại cũng có phần kém hiệu quả trong việc tạo cảm giác “nổi da gà” cho người chơi so với game gốc. Nếu phiên bản gốc của White Day: A Labyrinth Named School khiến bạn sợ hãi 10 thì bản làm lại chỉ ở mức 6 đến 7 là cùng. Nói như vậy không có nghĩa là bản làm lại không đáng sợ, nhưng rõ ràng đội ngũ phát triển đã đi một bước cải lùi trong việc tái hiện cảm giác rùng rợn mà bản game gốc đã làm rất tốt. Quả là đáng tiếc.
Mặt khác, khía cạnh điều khiển bằng tay cầm tốt hơn rất nhiều so với bản di động có nhiều tùy chọn điều khiển khác nhau. White Day: A Labyrinth Named School cũng khá đa dạng trong thiết lập độ khó và đi kèm với phần thưởng thú vị. Hoàn thành game trong mỗi độ khó sẽ thưởng cho người chơi một trang phục mới. Ngoài ra, trò chơi còn có khá nhiều trang phục dưới dạng DLC tính phí mà bạn có thể mua. Đáng chú ý, các bộ đồ tắm làm trải nghiệm trở nên kém đáng sợ hơn, nhưng lại biến gã bảo vệ trở nên “hết hồn chim én” hơn.
Sau cuối, White Day: A Labyrinth Named School mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn khá đáng sợ nhưng một số khía cạnh vẫn còn thua kém rất xa phiên bản gốc. Dù vậy, điểm cộng lớn nhất của trò chơi là câu chuyện kể ma mị nhuốm màu sắc tâm linh trong bối cảnh học đường và nhiều kết thúc khác nhau, tạo nên giá trị chơi lại khá cao. Nếu yêu thích cảm giác “rụng tim”, đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc. Tuy nhiên, phiên bản này chưa thể vượt qua cái bóng quá lớn của “người anh em thiện lành” năm 2001.
White Day: A Labyrinth Named School được phát hành cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!