Surviving Mars là game mô phỏng xây dựng và quản lý thành phố, lấy bối cảnh sao Hỏa vốn là nguồn cảm hứng vô tận của không ít trải nghiệm đủ mọi thể loại. Từ bắn súng góc nhìn thứ nhất như Doom cho tới thể loại bắn súng twin-stick The Red Solstice đến cả trải nghiệm mô phỏng xây dựng và quản lý. Người chơi thực hiện sứ mệnh khai phá hành tinh đỏ, vận dụng nghiên cứu công nghệ để biến nơi đây thành môi trường sống lý tưởng cho loài người. Đáng chú ý, những hạn chế về mặt khoa học cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gameplay.
Mô tả ngắn gọn thì Surviving Mars là trải nghiệm hardcore về xây dựng và quản lý kết hợp yếu tố sinh tồn. Sở dĩ tôi gọi “hardcore” vì đó là trải nghiệm game khá thử thách, giao cho bạn nhiệm vụ xây dựng thành phố trên môi trường khắt nghiệt và đầy hiểm họa của sao Hỏa mà không cung cấp thông tin cần thiết. Trò chơi có chế độ Tutorial khá chi tiết về các cơ chế gameplay cơ bản nhưng không mấy hữu dụng. Đó là tất cả những gì bạn được hướng dẫn, còn vận dụng thế nào và khám phá cơ chế mới để giải quyết bài toán trải nghiệm ra sao là việc của người chơi.
Kỳ thực, đây không phải là cách hay nếu không nói là dở tệ để tăng mức độ thử thách trong trải nghiệm, nhất là với những tựa game có cơ chế xây dựng và quản lý phức tạp như Surviving Mars. Nói đâu xa, một trong những cảm giác ức chế đầu tiên mà trải nghiệm game mang đến cho tôi là việc không hướng dẫn về các cơ chế điều khiển và sử dụng các phím tắt một cách hiệu quả. Trong khi đó, yếu tố này khá quan trọng với bất kỳ tựa game xây dựng và quản lý nào. Thậm chí trước đó, việc thiết lập nhiệm vụ và nơi tái định cư cũng đủ khiến bạn đau đầu.
Đơn cử như yếu tố đầu tiên là nhà tài trợ (Mission Sponsor) với những “tay chơi” Mỹ, Ấn Độ, Châu Âu v.v… cùng một số cái tên như SpaceY hay Church of the New Ark mà tôi đoán là nhại lại từ các tập đoàn có thật ngoài đời. Họ là nguồn tiền cho bạn với hàng loạt ưu đãi và bất lợi riêng. Một số lựa chọn có thể đẩy mức độ thử thách lên cao hơn gấp 3 và dẫn đến sự thay đổi về độ khó trải nghiệm. Mức thử thách 120% chỉ mới ở mức khó ‘Very Easy’ mà thôi, trong khi phần trăm này tăng lên 250% thì trải nghiệm chỉ được xếp vào độ khó ‘Normal’.
Đó chỉ mới là thiết lập nhiệm vụ chứ chưa vào trải nghiệm game. Bạn còn phải tùy biến Rocket Payload và Colony Site để hưởng lợi về công trình khởi điểm và mật độ tài nguyên, gián tiếp nâng mức thử thách lên nhẹ nhàng cũng vài chục phần trăm là ít. Thiết lập hết 3 “vòng gửi xe” đau đầu này mới đưa bạn vào trải nghiệm chính. Thế nhưng, mọi thứ đầy thử thách ngay từ phút đầu tiên với rất ít thông tin được chia sẻ để bạn biết đã làm sai ở đâu hay sửa sai như thế nào. Surviving Mars là trải nghiệm gần như xoay quanh yếu tố thử sai và làm lại từ đầu.
Tôi thậm chí còn chưa nói đến yếu tố xây dựng và tương tác cũng cần chút thời gian tự tìm hiểu, đặc biệt là trên các hệ console. Nếu nhiêu đó chưa đủ để khiến bạn quay đầu xe, chúc mừng bạn đến với cuộc sống nơi hành tinh đỏ. Kỳ thực, hiếm có tựa game quản lý mô phỏng và xây dựng nào mang đến cho tôi nhiều hỉ nộ ái ố trong suốt trải nghiệm như Surviving Mars, nhất là khi mọi thứ thường xoay quanh từ sai lầm này đến sai lầm khác. Người chơi chỉ có những khoảnh khắc thư giãn ít ỏi trong những lúc hiếm hoi không phải loay hoay giải quyết tai họa tự gây ra.
Về cơ bản, lối chơi của Surviving Mars không có gì mới so với những tựa game mô phỏng xây dựng và quản lý thành phố trên thị trường như Cities: Skylines hay Tropico 6. Thành phố trên hành tinh đỏ của người chơi cũng khởi đầu từ việc xây dựng cơ bản với lượng tài nguyên ít ỏi. Bạn phải điều drone đi làm giàu tài nguyên để xây được nhiều thứ hơn, biến thành phố nơi sao Hỏa trở thành môi trường có sống được trước khi đưa người lên an cư lập nghiệp. Thông qua trải nghiệm, bạn cũng gặp hàng loạt những thảm họa cần giải quyết và vòng lặp trải nghiệm chỉ có thế.
Nếu bạn đang tự hỏi hình như mô tả trải nghiệm có phần quen quen thì chính xác là vậy. Ngoài bối cảnh và một số thay đổi để tạo cảm giác mới mẻ, Surviving Mars không có điểm gì khác biệt so với nhiều tựa game cùng thể loại trên thị trường. Khác biệt lớn nhất của trò chơi chỉ là điều chỉnh lại độ khó cao hơn. Nhà phát triển Haemimont Games làm điều này bằng cách đưa vào một số yếu tố tùy biến gây phức tạp hóa trải nghiệm, đồng thời và tăng số lượng tài nguyên phải quản lý lên gấp 2 thậm chí gấp 3 so với các game khác nhằm gây khó cho người chơi.
Ngoài ba loại tài nguyên điện, nước và oxy quan trọng nhất mà bạn có thể khai thác từ chính môi trường hành tinh đỏ, người chơi còn có bốn loại tài nguyên cơ bản cùng bốn loại tài nguyên chỉ có thể sản xuất từ những loại tài nguyên khác. Chính vì vậy mà bạn phải mất khá nhiều thời gian để thu thập và khai thác hiệu quả các loại tài nguyên khác nhau, dẫn đến tình trạng thiếu nhiều hơn thừa diễn ra khá thường xuyên trong suốt trải nghiệm đến mức gây ức chế, nhất là khi thành phố của người chơi phát triển lên quy mô lớn hơn về sau.
Vấn đề lớn nhất của trải nghiệm Surviving Mars là loại bỏ hoàn toàn hệ thống nhiệm vụ theo cốt truyện với những yêu cầu khác nhau có tính dẫn dắt người chơi. Thay vào đó, trò chơi được xây dựng theo lối trải nghiệm mở và trao cho người chơi cảm giác trải nghiệm “có game chơi có gan chịu” đến khi bạn chịu không nổi mà ‘rage quit’. Lồng trong trải nghiệm là hệ thống Mystery với những kịch bản xây dựng sẵn cùng điều kiện mở khóa cũng mang tính đánh đố người chơi đúng kiểu hay không bằng hên, trừ khi bạn xem những trích dẫn đó là manh mối.
Bạn nào có sở thích săn achievement/trophy, hãy chuẩn bị tinh thần cho trải nghiệm vừa khắt nghiệt lại vừa tốn thời gian để hoàn thành những yêu cầu “khó quá bỏ qua” này. Không ít trong số này có liên quan đến việc hoàn thành các Mystery và đạt được những kỳ tích nhất định. Thế nhưng để bước đến được con đường này thì bạn không những trải qua hàng loạt thử thách. Khởi đầu là chế độ Tutorial cứ như trải nghiệm hoàn toàn khác so với phần chơi chính ‘New Game’, trong khi thời điểm gần cuối trải nghiệm thì mọi thứ trở nên nhàm chán chứ không còn thu hút.
Một phần là vì khoảnh khắc trải nghiệm hấp dẫn nhất là ở thời điểm giữa khi có rất nhiều thứ để bạn tự khám phá. Đây là cảm giác khá hào hứng khi Surviving Mars sở hữu cơ chế gameplay khá có chiều sâu, gợi nhớ đến cái tên “gừng càng già càng cay” Cities: Skylines từng một thời khiến không ít người chơi trong đó có tôi phát cuồng vì nó. Tuy nhiên, tựa game của nhà phát triển Haemimont Games lại khá thất thế trong trải nghiệm về sau, khi người chơi hiểu tường tận cơ chế gameplay để không còn mắc sai lầm trong việc phát triển thành phố bền vững.
Bên cạnh chế độ chơi chính, Surviving Mars còn có thêm hai chế độ chơi Challenge và Creative. Challenge có lẽ không cần phải giải thích vì cái tên của nó đã nói lên tất cả, nhưng Creative chỉ là một cách gọi khác của trải nghiệm sandbox không có giới hạn và cho phép bạn phát triển thành phố mà không cần quan tâm đến bất kỳ điều gì khác. Cả hai cung cấp kha khá giá trị chơi lại cho chế độ chơi chính khi xét ở góc độ người chơi nhưng kỳ thực, chúng như một phần tất yếu của thể loại mô phỏng xây dựng và quản lý nên tôi cũng không xem đấy là điểm cộng.
Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ chế độ chơi Creative dường như là khởi đầu tốt nhất để bạn làm quen với trải nghiệm Surviving Mars sau khi hoàn thành các hướng dẫn cơ bản trong chế độ Tutorial. Phần chơi này cũng cho phép bạn tùy biến trải nghiệm ban đầu như ‘New Game’, nhưng tính thử thách thấp và ít hạn chế hơn khiến nó khá phù hợp để người chơi mới làm quen các cơ chế gameplay. Chế độ chơi Challenge chỉ nên thử sức sau khi bạn hoàn thành trải nghiệm New Game, vì nó khá thử thách khi yêu cầu những điều kiện dễ khiến bạn thấy gian nan bắt đầu nản.
Một điều cũng không thể không đề cập là yếu tố nghe nhìn. Với bối cảnh diễn ra trên hành tinh đỏ, không có gì lạ khi trải nghiệm game có rất nhiều hiệu ứng thời tiết đặc trưng đẹp mắt. Từ bão bụi cho đến mưa sao băng và cảnh quan khắc nghiệt trên sao Hỏa đều khiến tôi khá ấn tượng. Thế nhưng, mặc dù đồ họa của Surviving Mars thuộc loại khá ở thời điểm phát hành ban đầu, nhưng khi phóng to hình ảnh trong trải nghiệm thì những gì trông thấy lại không ấn tượng bằng, nhất là khi trải nghiệm trên các hệ console. Photo Mode thì lại là câu chuyện khác.
Chế độ chụp hình trong Surviving Mars rất được chăm chút, cung cấp cho bạn rất nhiều khả năng tùy biến cho shot hình. Tính năng này như hổ mọc thêm cánh khi kết hợp cùng trải nghiệm trên PC vượt trội về khía cạnh kỹ thuật với chất lượng đồ họa có mức chi tiết và độ nét cao. Đó là chưa kể tôi không khỏi bất ngờ khi phát hiện bản PC hỗ trợ tốc độ khung hình lên đến con số 240fps. Thậm chí nếu muốn, bạn cũng có thể mở khóa tốc độ khung hình ‘Unlimited’ để tận hưởng. Dù vậy, tôi không nhận thấy lợi ích của tốc độ khung hình cao với thể loại game này.
Ngược lại, nhạc là điểm cộng không hề nhỏ của trò chơi. Tôi đặc biệt rất thích các bài nhạc của trải nghiệm game. Với những tựa game dễ gây căng thẳng lẫn ức chế vì trải nghiệm đặc trưng như Surviving Mars, phần nhạc xuất sắc đóng vai trò không kém phần quan trọng khi giúp giảm stress cho người chơi. Những bản nhạc trong game mang cảm giác gì đó rất đặc biệt và khó diễn tả. Điều thú vị là bất chấp sự tương phản về tính thử thách trong trải nghiệm game, yếu tố nghe nhìn có sự kết hợp với nhau khá tốt chẳng khác nào là sự hoàn thiện cho nhau.
Sau cuối, Surviving Mars mang đến một trải nghiệm mô phỏng xây dựng và quản lý thành phố trên sao Hỏa rất hấp dẫn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là tính thử thách khá cao gây nhiều khó khăn cho người chơi, nhất là ở đầu trải nghiệm. Dù vậy, nếu có thừa tính kiên nhẫn và không ngại nhiều lần “đập đi xây lại” thành phố, đây chắc chắn là cái tên rất đáng cân nhắc đặc biệt là trên các hệ console vốn rất thiếu những tựa game hay thuộc thể loại này.
Surviving Mars hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4 và Xbox One.
Game được chơi trên Xbox One và PC.
[text-blocks id=”game-box”]