Parkasaurus là game mô phỏng quản lý công viên khủng long với đồ họa kiểu hoạt hình dễ thương và rất có chiều sâu trong khía cạnh gameplay.
Thể loại mô phỏng quản lý vốn không phải hiếm trên thị trường, nhưng đề tài về khủng long chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây có Jurassic World Evolution với hướng tiếp cận “bạo vì tiền” bằng đồ họa 3D đẹp mắt, trong khi các khía cạnh còn lại có nhiều hạn chế. Parkasaurus thì ngược lại với hệ thống mô phỏng quản lý khá phức tạp và rất có chiều sâu, trong khi lại sở hữu phong cách đồ họa hoạt hình vừa dễ thương vừa có chút cảm giác “ngốc xít” hiếm thấy. Đi kèm là câu chuyện bịa như thật làm bình phong cho trải nghiệm game.
Về cơ bản, bạn không cần phải quan tâm đến nội dung game làm gì, vì nó không gây ảnh hưởng đến trải nghiệm. Đại loại là loài khủng long bỗng dưng từ trên trời rơi xuống trái đất và phát tán xương cốt khắp nơi. Loài người không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi nghiên cứu về chúng. Họ dựng nên công viên khủng long và sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để tạo nên những sinh vật vừa đáng yêu vừa đáng ghét cho cả mục đích: kiếm tiền thu lợi nhuận hoặc chăm sóc chúng thật tốt để nghiên cứu khoa học. Lựa chọn giải pháp nào là tùy ở bạn.
Parkasaurus có hai chế độ chơi chính là World Map và Customize. Kỳ thực, cách đặt tên thế này rất dễ gây nhầm lẫn. World Map là phần chơi cốt truyện, trong đó người chơi xây dựng công viên khủng long trên nhiều khu vực khắp thế giới trong điều kiện khác nhau, khá giống Two Point Hospital mà tôi từng trải nghiệm. Chế độ chơi này chủ yếu giúp bạn làm quen với cơ chế gameplay chính thông qua các yêu cầu nhằm phát triển công viên. Tuy nhiên, trước khi xây công viên trong World Map, bạn đừng quên trải nghiệm phần Tutorial.
So với nhiều tựa game mô phỏng quản lý khác mà tôi từng chơi, Parkasaurus có hệ thống gameplay khá phức tạp. May mắn là Tutorial đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó, chỉ dẫn người chơi làm quen với giao diện game và vận hành công viên như thế nào. Trò chơi có rất nhiều việc phải làm ở khía cạnh quản lý, khiến tôi dù đã chơi qua nhiều tựa game mô phỏng cũng cảm thấy choáng ngộp với lượng thông tin đồ sộ đó. Một số trong đó khá quen thuộc nhưng cũng có vài biến thể thú vị so với các tựa game cùng thể loại trên thị trường.
Trong Parkasaurus, muốn tạo khủng long cần phải có nhiều thứ mà bạn phải thu thập bằng cách đi đào bới thông qua minigame xếp hình đơn giản. Vấn đề ở chỗ, mọi thứ mà bạn đào được đều ngẫu nhiên và là điều mà tôi không thích nhất ở trò chơi. Nó phần nào giống cơ chế tạo khủng long khiến tôi cảm thấy ức chế trong Jurassic World Evolution, nhưng được xây dựng đơn giản hơn và không tốn nhiều thời gian “cày cuốc” như tựa game nói trên. Người chơi có thể mua thêm các mẫu khủng long mới bằng tài nguyên trong game.
Nuôi và chăm sóc khủng long cũng đòi hỏi khá nhiều việc để làm trong Parkasaurus. Người chơi không những phải tạo môi trường sống phù hợp cho những con thú to xác theo từng loài, mà bạn còn phải chăm lo nhu cầu cơ bản như ăn uống, chuồng trại. Mỗi loài khủng long lại có “nhu cầu xã hội” khác nhau, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của chúng. Thậm chí, đôi lúc người chơi cũng phải hy sinh chúng để làm hài lòng các “mạnh thường quân” cho bạn tiền duy trì công viên. Đó chỉ là một trong những khía cạnh gameplay của Parkasaurus mà thôi.
Tương tự, bạn cũng phải tuyển dụng các nhân sự khác nhau, từ bác sĩ thú y, khoa học gia cho tới bảo vệ lẫn người dọn vệ sinh v.v… Mục đích là để giữ cho những con thú khổng lồ có tâm trạng thật tốt, mang lợi về cho công viên của người chơi hoặc nghiên cứu khoa học. Bạn sẽ chẳng bạn giờ muốn nhìn thấy hậu quả gây ra khi khủng long bị căng thẳng đâu. Cân bằng giữa dòng tiền thu vào và sức khỏe của các bé khủng long chẳng bao giờ là công việc đơn giản, điều mà tựa game của nhà phát triển Washbear Studio đã thể hiện khá tốt.
Ở góc độ người chơi, Parkasaurus thiếu nhất là tính thử thách. Toàn bộ phần chơi World Map đều khá dễ dù hệ thống gameplay rất có chiều sâu, đòi hỏi nhiều chú ý của người chơi trong việc quản lý. Ba loại tài nguyên chính là tiền, khoa học (science) và tim (heart) có thể nói là khá dễ kiếm. Tiền có được từ quyên góp của khách tham quan, bán các đồ lưu niệm và vé vào cửa. Science thu được từ nghiên cứu khoa học còn heart thì bạn chỉ cần chăm sóc chu đáo, khiến các bé khủng long sảng khoái tinh thần và hào hứng là có thưởng.
Trong khi nhiều tựa game mô phỏng quản lý khác thường khiến người chơi gặp nhiều khó khăn với vấn đề quản lý thu chi, Parkasaurus lại có hẳn ngân hàng với tỷ giá minh bạch, giúp bạn có thể đổi qua lại giữa ba loại tài nguyên quan trọng nói trên. Nhờ thế mà người chơi gần như chẳng bao giờ thiếu thốn bất kỳ tài nguyên nào trong số này. Nó khiến trải nghiệm game mất tính thử thách vì dù cách chơi khác nhau thế nào, người chơi chắc chắn luôn dư dả ít nhất một loại tài nguyên nào đó để đổi ra thứ mà bạn thiếu.
Customize hay chính xác là sandbox cũng không đặt nặng yếu tố thử thách tương tự như World Map. Chế độ chơi này chỉ đơn thuần trao cho bạn nhiều tự do hơn trong việc xây công viên, không không đòi hỏi người chơi phải “bóp trán” quá nhiều, khiến tôi có cảm giác nhà phát triển muốn hướng đến người chơi casual nhiều hơn. Bạn có thể xây công viên khủng long trong mơ hoặc muốn làm gì thì làm với cơ chế gameplay tương tự World Map. Nó là sự kết hợp hài hòa với phong cách đồ họa hoạt hình dễ thương và có phần đơn giản của trò chơi.
Mặc dù điều này khó có thể xem là điểm trừ hay điểm cộng, nhưng người chơi lâu năm của thể loại này sẽ không tránh khỏi chút cảm giác thất vọng nếu muốn tìm kiếm thử thách. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Pakasaurus là trò chơi hiện thông báo quá nhiều, lại không có tính năng mặc định tắt hoặc thu nhỏ các thông báo. Đặc biệt là trong minigame đào xương khủng long, thông báo cứ bật lên che màn hình khiến tôi rất ức chế. Một số khung tooltip cũng gây phiền hà khi che khuất giao diện tương tác của trò chơi.
Ngược lại, điểm cộng của giao diện game là thông tin khá chi tiết, giải thích đầy đủ. Thậm chí nếu cần, bạn cũng có thể điều chỉnh lại cho phần giao diện này nhỏ hoặc to hơn sao cho nhìn thoải mái nhất trong trải nghiệm. Tuy nhiên, điều chỉnh kích cỡ không giúp loại trừ được vấn đề nói trên. Tôi nghĩ cách giải quyết tốt nhất là nhà phát triển có thêm tùy chỉnh tắt và mở thông báo cũng như tooltip, vì không phải người chơi nào cũng cần thông tin này, chẳng hạn như những ai đã giành nhiều thời gian cho trải nghiệm Parkasaurus.
Chế độ xây dựng có rất nhiều thứ hay ho, từ các công trình cho tới lối đi lẫn decor cho bạn trang hoàng công viên khủng long của mình. Người chơi cũng có thể điều chỉnh địa hình các khu vực trong công viên cho phù hợp với quầng xã sinh vật riêng tương ứng. Đó là chưa kể đến những chiếc nón mà bạn có thể đội cho nhân viên và các bé khủng long hài hước và cưng xỉu, không chỉ tạo cá tính mà còn giúp tăng chỉ số cho “nhân vật”. Bạn cũng có thể khám phá công việc hoặc tham gia tương tác trực tiếp ở góc nhìn thứ nhất nữa kìa.
Sau cuối, Parkasaurus mang đến một trải nghiệm mô phỏng và quản lý công viên khủng long rất hấp dẫn và độc đáo không chỉ ở gameplay mà cả ý tưởng sáng tạo, phủ lên đó là lớp đồ họa hoạt hình đáng yêu. Tất cả những điều này giúp trò chơi có tính giải trí rất cao, khiến nó trở thành cái tên mà bạn không nên bỏ qua nếu yêu thích hoặc lần đầu đến với thể loại này.
Parkasaurus hiện chỉ có cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]