PC Building Simulator mang đến một trải nghiệm ráp máy khá thú vị cho những ai từng “một thời đau khổ” để có được chiếc máy tính “chiến game” thật mạnh mẽ.
Thời gian gần đây, một tựa game mới là PC Building Simulator rộ lên gây sốt khiến nhiều người chơi khá hào hứng với yếu tố gameplay mô phỏng có một không hai trên thị trường hiện nay. Trò chơi đánh vào tâm lý và sự tò mò từ trải nghiệm thực tế của những người chuyên sử dụng PC như một cỗ máy chơi game và công đoạn ráp máy là một trong những công việc thú vị nhất người chơi tự tay ráp nên “đứa con thân yêu” nếu bạn biết phải làm gì.
Như cái tên của nó, PC Building Simulator là tựa game mô phỏng việc lắp ráp hoàn chỉnh một cỗ máy PC và bỏ qua công đoạn chọn các linh kiện PC và nơi có giá tốt nhất để mua, hai yếu tố “đau khổ nhất” khi người chơi muốn lắp ráp một chiếc máy tính mới hoặc nâng cấp chiếc PC cũ kỹ của họ. Kỳ thực trò chơi chỉ tạo cảm giác mới mẻ do đánh vào tâm lý của người chơi game PC, chứ thật ra lối chơi vẫn là kiểu mô phỏng quản lý tài nguyên quen thuộc. Trong đó yếu tố mô phỏng thuộc về cách lắp ráp một cỗ máy PC trong trò chơi và tài nguyên ở đây không gì khác ngoài những linh phụ kiện dành cho PC mà bạn phải đáp ứng cho nhu cầu của những người chơi trong game.
PC Building Simulator khởi đầu với một công ty khởi nghiệp của người chơi, chuyên lắp ráp và sửa chữa PC như những tiệm vi tính mà bạn thường thấy. Buồn cười ở chỗ, tiệm vi tính này không phải của bạn mà nó được ông chú Tim để lại cho bạn sau khi làm ăn thua lỗ vì đãng trí, kèm theo món nợ nho nhỏ 15 USD. Nhiệm vụ của bạn là khôi phục lại tiệm vi tính trở về đúng giá trị của nó. Và đó là một công việc khá đơn giản nhưng đòi hỏi kiên nhẫn nếu bạn biết phải làm gì.
Nếu đã từng muốn ráp cho mình một chiếc PC nhưng gặp khó khăn do thiếu kiến thức nhất định, có thể bạn sẽ nghĩ những tựa game như PC Building Simulator sẽ là cứu cánh. Kỳ thực không phải vậy, vì mặc dù mang lối chơi mô phỏng lắp ráp máy tính, nhưng trò chơi không có hướng dẫn chi tiết và cụ thể những điều cần đặc biệt quan tâm chú ý khi ráp máy, chẳng hạn như khử từ hay gắn CPU vào mainboard đúng vị trí như thế nào. Tuy nhiên nếu bạn thích tìm hiểu những yếu tố cơ bản về PC thì đây có thể là một tựa game đáng chú ý.
Về mặt gameplay, PC Building Simulator là một tựa game mô phỏng không chỉ cho phép bạn trải nghiệm cách ráp máy đơn giản như thế nào, mà còn có thể sử dụng như một công cụ hướng dẫn một số điểm cơ bản của công việc này. Người chơi sẽ được hướng dẫn cách một cỗ máy PC hoành chỉnh được tạo thành từ những linh kiện máy tính như thế nào, và từ đó bạn bắt đầu học cách kiếm tiền từ công việc đó để bảo đảm về mặt kinh doanh cho công ty máy tính của mình trong game.
Có một điểm khiến tôi khá thích ở PC Building Simulator chính là trò chơi có sự hậu thuẫn của một số thương hiệu nổi tiếng trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên chỉ một số chứ không phải tất cả mọi tên tuổi. Bạn có thể nhận ra những tên tuổi này ngay từ đầu trò chơi. Không những vậy, cách mà trò chơi đơn giản hóa công việc lắp ráp cũng khiến những người không biết gì cảm thấy dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên với những ai đã quá rành rẽ việc cảm máy có thể cảm thấy mau chán vì các yếu tố đơn giản hóa này.
Với vai trò là thợ máy tính, người chơi sẽ nhận các đơn hàng sửa chữa, nâng cấp hoặc ráp mới theo yêu cầu của khách hàng thông qua email. Hầu hết đều là những công việc lặp đi lặp lại, một điều rất chính xác về công việc của họ. Không có những “trò vui” như sửa bo mạch chủ bằng cách hàn chip hay tụ thường thấy. Mọi thứ đều hỏng thì thay mới, đúng kiểu của hầu hết các trung tâm bảo hành chính hãng. Công việc của bạn chủ yếu chỉ là đặt hàng cần thay, rồi tiến hành thay đồ cho khách. Bạn có thể giữ lại những đồ cũ và muốn làm gì với nó thì làm, kể cả dùng linh kiện đó để thay cho một khách hàng khác có yêu cầu nâng cấp hay lắp ráp máy tương ứng. Một hành động mà có lẽ rất nhiều người dùng không có nhiều kiến thức rất sợ và e ngại khi phải mang máy tính đi sửa chữa ở đâu đó.
Nhưng đây chỉ là game và điều đó cũng phần nào phản ánh hiện trạng thực tế của không ít cửa hàng vi tính chuyên sửa chữa và tráo đổi linh kiện của khách hàng. Vấn đề đáng nói nằm ở chỗ khác. Đó là trò chơi khá lạm dụng việc kéo dài thời gian trải nghiệm của người chơi bằng một công việc không chỉ mất thời gian khi cài đặt, mà còn mất thời gian để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ở khía cạnh nào đó, trò chơi kiểm soát việc này một cách thái quá đến mức bực mình. Chẳng hạn có rất nhiều khách hàng trong game có kiểu làm gì cũng yêu cầu bạn phải chạy 3DMark, thậm chí thay mỗi thanh RAM cũng yêu cầu bạn phải chạy 3DMark.
Ứng dụng này vừa mất thời gian cài đặt, vừa mất thời gian chạy thực tế của nó trong game lên đến vài phút, trong khi người dùng PC có kinh nghiệm đều biết thừa việc thay một cây RAM chẳng giúp cải thiện điểm benchmark của bạn bao nhiêu. Người chơi không thể bỏ qua khâu này mà vẫn phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nếu không bạn không thể giao trả máy cho khách và hoàn thành đơn hàng. Trong khi đó, việc nâng cấp máy cho khách thì ngược lại, cho dù đơn hàng yêu cầu nâng cấp thì bạn cũng không nhất thiết phải dùng linh kiện mới, mà có thể dùng linh kiện cũ mà bạn “kiếm chác” được từ những đơn hàng trước đó.
Thế nhưng vấn đề lớn nhất của trò chơi là tính lặp lại quá nặng nề, quanh quẩn cũng chỉ có vài công việc như diệt virus, nâng cấp máy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo một số điểm 3DMark nào đó hoặc một tựa game nhất định nào đó và chỉ có thế. Chính điều này khiển trải nghiệm trò chơi rất dễ nhàm chán sau vài tiếng trải nghiệm, vì các đơn hàng sửa chữa hay nâng cấp đều hao hao nhau. Thỉnh thoảng có một số “ca khó” nhưng không biết máy hư gì nên buộc bạn phải tháo tung ra để kiểm tra và dò lỗi, nhưng không nhiều và cũng thường không đủ tính thử thách người chơi như mong đợi.
Một vấn đề cũng đáng nhắc đến là phần nhạc của trò chơi. Ban đầu bạn có thể cảm thấy khá ổn nhưng chỉ sau khoảng vài tiếng trải nghiệm, việc nghe đi nghe lại số lượng bài nhạc quá ít ỏi sẽ khiến bạn đau đầu và muốn tắt quách game cho xong. Do đó lời khuyên là bạn nên tắt nhạc game đi và bật nhạc của mình mà nghe thì sẽ thoải mái trong trải nghiệm hơn. Ở khía cạnh đồ họa, PC Building Simulator không có gì ấn tượng về chất lượng hình ảnh, dù vẫn mang đến mức độ chi tiết khá cao cho các linh phụ kiện máy tính. Nhiều thùng máy và mainboard trong trò chơi trông khá “đã” nhưng chỉ xuất hiện khi bạn lên cấp độ cao hơn mà thôi. Đây là điều khá đáng tiếc nhưng chắc chắc không thể tránh khỏi do lối chơi nặng tính lặp lại của trò chơi.
Sau cuối, PC Building Simulator thật sự là một tựa game thú vị với những ai muốn tìm hiểu về cách ráp một cỗ máy PC là như thế nào. Tuy nhiên, việc thiếu những mini-game giúp thay đổi không khí trong khi yếu tố gameplay mang nặng tính lặp lại là một điểm trừ rất lớn của trò chơi. Đáng tiếc là những người dùng PC kỳ cựu có thể sẽ không thấy hào hứng với tựa game này, do nhiều cơ chế ráp máy đã bị lược bỏ hoặc tối giản đến mức tối đa. Có chăng chỉ có phần chơi Free Build cho phép bạn tự do lắp ráp một cỗ máy “trong mơ” là hấp dẫn, nhưng chỉ dừng ở mức độ “tự sướng” là chính mà thôi vì không mang lại giá trị gì khác. Dù vậy, việc trò chơi vẫn đang vận hành thu phí ở giai đoạn Early Access có thể là một điều tốt lẫn xấu. Tốt là nhà phát triển vẫn còn rất nhiều cơ hội để mở rộng trò chơi hơn, nhưng xấu là có thể đây sẽ là điểm dừng của PC Building Simulator.
PC Building Simulator hiện chỉ có trên Windows. Xem thêm kinh nghiệm chơi game PC Building Simulator.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!