Overcooked thật sự là một món ngon dành cho từ hai đến bốn người chơi, nhưng sẽ hơi khó nuốt khi bạn ăn một mình.
Overcooked làm tôi nhớ lại quyển sách Đừng bao giờ đi ăn một mình (Never Eat Alone) của tác giả Keith Ferrazzi, một doanh nhân thành đạt và cũng là một chuyên gia về marketing. Nếu bạn chưa đọc thì quyển sách này nói về những bí quyết để thành công trong việc kết nối với mọi người, cũng như đưa ra những lời khuyên về nghề nghiệp và phát triển kỹ năng mềm. Những gì đọc được khiến tôi nghiệm ra là chơi game cũng vậy, trải nghiệm chỉ vui hơn khi và chỉ khi bạn có ai đó để chơi cùng. Với Overcooked thì chắc chắn là như thế!
Câu chuyện của Overcooked bắt đầu với mối đại họa bất ngờ xảy ra ở vương quốc Hành tây. Trong vai trò là những đầu bếp cung đình, người chơi sẽ phải trải qua một cuộc thực tập đầy gian khó để có thể cứu vương quốc của mình trong một hoàn cảnh thậm chí còn khó hơn cuộc thực tập ban đầu. Và bạn sẽ còn nể hơn khi biết đây chỉ là sản phẩm của nhà phát triển gồm hai người, với bối cảnh nhà bếp vốn là ý tưởng của công việc đầu bếp từ một trong hai người này. Đây là tựa game hết sức hoàn hảo cho tiêu chí “chơi cùng bạn bè” của Switch, và thậm chí phiên bản này còn đáng mua hơn khi kèm theo các bản mở rộng mà các hệ máy khác phải mua riêng.
Nếu bạn đã từng trải nghiệm những tựa game có đề tài tương tự, chẳng hạn như game mô phỏng nấu ăn Cooking Mama kinh điển của những năm smartphone mới nổi, thì hãy quên những gì bạn từng chơi đó đi. Overcooked không giống bất kỳ tựa game nào mà bạn từng trải nghiệm trước đây, đặc biệt khi bạn chơi một mình thì nó hỗn loạn hơn rất nhiều và không thể ăn ngon bằng “xơi” cùng một người khác. Vì vậy nếu có ý định làm đầu bếp trong trò chơi thì lời khuyên chân thành nhất là bạn hãy chơi cùng với một người nữa trong gia đình, vì trò chơi không hỗ trợ chơi online.
Overcooked kỳ thực là một tựa game đơn giản, nhưng đó lại là điều mà tôi thích nhất ở trò chơi khi muốn tìm những khoảnh khắc thư giãn vui vẻ cùng gia đình, bạn bè hay thậm chí là một nửa kia vốn không yêu game cho lắm. Trò chơi rất dễ tiếp cận với bất kỳ ai, ngay cả cơ chế điều khiển cũng vậy. Chính hai yếu tố này đã biến Overcooked trở thành một trải nghiệm hết sức thú vị với bất kỳ người chơi nào. Chỉ sử dụng vài nút nhấn là bạn đã có thể cho ra món theo yêu cầu của thực khách, và đó cũng chính là phần trải nghiệm chính đầy hỗn loạn của trò chơi.
Điều thú vị nhất ở Overcooked là trò chơi chỉ hướng dẫn bạn những điều cơ bản, còn vận dụng nó như thế nào thì đó là việc của bạn. Do vậy, nếu trải nghiệm theo kiểu “chỉ sao chơi vậy”, thì đây chắc chắn sẽ là một cơn ác mộng với bất kỳ người chơi nào. Tôi thích cách mà nhà phát triển thiết kế màn chơi, nó khiến bạn không bao giờ có kiểu chơi bắt bài rồi cứ thế mà thẳng tiến được. Lối thiết kế này buộc người chơi phải tùy cơ ứng biến theo tình hình thay đổi, xoay tua công việc cho hợp lý trước mọi diễn biến xảy ra. Điều quan trọng nhất là làm sao để công việc diễn ra thuận lợi và thông suốt nhất, và đó là điều mà bạn phải tư duy để hoạch định.
Kết hợp những tình huống “trái ngang” mà trò chơi đặt ra, yếu tố điều khiển đơn giản đi kèm với thời gian hạn chế khiến mọi hoạt động trong Overcooked nhanh chóng trở nên hỗn loạn hơn bất kỳ tựa game nào. Thường thì mỗi màn chơi, bạn sẽ tìm ra vị trí đứng bếp phù hợp nhất cho mỗi nhân vật, sau đó chia ra công việc mà họ phải làm luân phiên nhau cho hợp lý nhất. Chẳng hạn, một nhân vật sẽ lo việc “chặt thớt”, trong khi một nhân vật khác thì lo mà nấu ăn, nếu có thêm người chơi thì có một tay rửa dĩa và làm những việc vặt khác nữa. Nhưng đó là viễn cảnh lý tưởng nhất, còn khi thiếu người thì bạn phải “lo chuyện bao đồng” các khâu còn lại. Đây mới là lúc trò chơi trở nên hỗn loạn. Thậm chí thiết kế màn chơi còn như “đổ dầu vào lửa” cho sự hỗn loạn đó, khá là đau đầu.
Thế nhưng, chính những “khoảnh khắc đau đầu” này lại là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của Overcooked, buộc bạn và mọi người phải trao đổi vai trò với nhau, để tích cực giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt. Màn chơi ngày càng khó hơn với mức độ hỗn loạn cũng mang tính thử thách hơn. Nhiều “tai nạn” cũng kinh thiên động địa hơn nhưng đều được xây dựng khá là hài hước, khiến bạn nhiều khi vừa chơi lại vừa sặc vì cười không ngớt. Thú vị là các màn chơi cũng được thiết kế khá đa dạng và gây nhiều bất ngờ cho người chơi trong suốt thời gian trải nghiệm. Từ màn chơi băng giá mà bạn phải băng qua những con sông đóng băng, cho tới nham thạch nóng bỏng với cái nóng hừng hực, tất cả đều mang lại trải nghiệm hào hứng không tưởng.
Sau cuối, Overcooked là một game party cực kỳ hấp dẫn “bao vui” hiếm hoi mà bạn có thể tìm được trên thị trường mỗi khi có dịp tụ tập bạn bè hoặc chỉ đơn giản là giải trí vui vẻ cùng gia đình. Trò chơi thật sự cân bằng rất tốt mọi thứ, nhất là trải nghiệm co-op nhưng có thể sẽ không phù hợp nếu bạn muốn chơi một mình vì độ khó sẽ khá cao. Đồ họa của trò chơi không thật sự bắt mắt, nhưng tôi không nghĩ đây là điểm yếu của trò chơi vì thể loại game party vốn không bao giờ có được đồ họa đẹp như những game AAA. Thay vào đó, yếu tố này thường được thay bằng sự hài hước và tươi vui mà Overcooked đã làm rất tốt điều này. Nếu muốn tìm một cảm giác trải nghiệm hết sức hỗn loạn và vui không thể tả cùng với bạn bè, người ấy hoặc những người thân yêu trong gia đình, thì đây chắc chắn là một cái tên không thể bỏ qua.
Overcooked được phát hành trên Windows, PlayStation 4, Xbox One và Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!