Outbreak: The New Nightmare là game kinh dị sinh tồn mang nặng cảm giác thiết kế từ thập niên 90, từ cơ chế gameplay cho tới chế độ chơi multiplayer co-op chia đôi màn hình.
Outbreak: The New Nightmare là tựa game thứ hai trong series Outbreak ra mắt lần đầu vào năm 2017. Mặc dù chung series game, nhưng các phần chơi không nhất thiết nối tiếp về mặt nội dung và thường mang cảm giác hoài cổ trong thiết kế gameplay. So với tựa game đầu tiên, phần chơi này có sự thay đổi từ hình ảnh 2D sang 3D, mang nhiều cảm hứng từ Resident Evil: Outbreak. Đây là cái tên kinh điển từng để lại nhiều dấu ấn vào thời kỳ hoàng kim của PlayStation 2, với lối chơi kinh dị sinh tồn multiplayer online đặc sắc.
Ở góc độ người chơi, Outbreak: The New Nightmare không phải trải nghiệm dành cho số đông, ngay cả khi bạn là fan cứng của những cái tên Resident Evil kinh điển ngày xưa. Không phải tự nhiên mà Dead Drop Studio gọi tựa game của họ là trải nghiệm kinh dị sinh tồn hardcore. Trò chơi có nhiều hạn chế, một phần do lực bất tòng tâm của nhà phát triển “một mình anh làm nên tất cả”. Phần còn lại nằm ở định hướng hoài cổ của trò chơi và có nhiều nét tương đồng với Kwaidan ~Azuma manor story~ hơn là thiết kế game hiện đại.
Một trong những nét tương đồng đó là lựa chọn giữa cơ chế điều khiển cũ và mới: Modern và Tank Control. Modern là như phần lớn những tựa game trên thị trường hiện nay. Còn nếu thích cảm giác hoài cổ giống Resident Evil ngày xưa, bạn có thể chọn Tank Control với khả năng quay 180 độ quen thuộc vốn không thể thiếu trong trải nghiệm game. Tuy phần điều khiển ít nhiều còn có lựa chọn, các cơ chế khác như góc nhìn camera hay điều khiển nhân vật lại là thiết kế cố định, gây nhiều ức chế như những tựa game ngày xưa.
Outbreak: The New Nightmare sử dụng góc nhìn chéo cố định từ trên xuống. Bạn nào từng chơi bản Resident Evil đầu tiên chắc vẫn còn nhớ cảm giác ám ảnh này. Nó khiến việc di chuyển nhân vật rất khó khăn. Nhiều căn phòng và hành lang nhìn trên màn hình game không khác gì mê cung khi đối chiếu với bản đồ. Những góc chết khuất tầm nhìn do thiết kế đặc trưng này luôn khiến người chơi gặp nhiều khó khăn khi điều khiển nhân vật. Di chuyển trong không gian màn chơi đòi hỏi ở bạn cặp mắt “cú vọ” và tính kiên nhẫn không hề nhỏ.
Thể hiện rõ nét nhất của yếu tố hardcore là hệ thống hành trang. Nếu như các phần chơi Resident Evil ngày xưa cho bạn từ 6 đến 8 ô chứa đồ được xem là rất ít, Outbreak: The New Nightmare “chơi xộp” hơn với vỏn vẹn chỉ có 4 ô. Đây là số lượng vô cùng “eo hẹp” vì chỉ riêng vũ khí và đạn đã chiếm mất 2 ô. Trong khi đó, trải nghiệm game không chỉ có chiến đấu sinh tồn, mà còn cần bạn mang theo chìa khóa để mở cửa cũng như vật phẩm hồi máu để phòng thân. Thế mới thấy hành trang ban đầu trong Daymare: 1998 quá hào phóng.
Trải nghiệm Outbreak: The New Nightmare đòi hỏi khả năng tự lực cánh sinh như chính bạn đang phải sinh tồn vậy. Người chơi không thể biết chắc khi nào cần vứt đi chìa khóa hay vật phẩm không còn cần đến để giải phóng hành trang. Bất kỳ thứ gì nào tìm được trong trải nghiệm cũng buộc bạn phải đau đầu suy nghĩ nên giữ hay nên bỏ. Nghĩ sai và làm sai thường phải trả giá bằng việc chạy đi chạy về trong mê cung màn chơi rất mệt mỏi. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất trong trải nghiệm game.
Điều khiến tôi khó chịu nhất là nhiều màn chơi trong Outbreak: The New Nightmare rất tối ngay cả thiết lập độ sáng tối đa trong game. Nó không những khiến người chơi phải phụ thuộc vào vũ khí để soi sáng, mà còn gây khó khăn trong việc định vị đường đi và các vật phẩm quan trọng bằng mắt thường. Thay vào đó, bạn phải phụ thuộc vào bản đồ có đầy đủ chỉ dẫn vị trí những vật phẩm quan trọng và nơi nào là đường. Thiết kế này làm giảm đi cảm giác khám phá căng thẳng mọi ngóc ngách thường trực trong những game Resident Evil cũ.
Đổi lại, Outbreak: The New Nightmare có giá trị chơi lại khá cao nhờ vào khả năng chơi co-op local 2 người và nhiều lựa chọn nhân vật điều khiển. Mỗi nhân vật đều có tiểu sử và câu chuyện riêng dẫn dắt họ đến với cuộc chiến sinh tồn. Không những vậy, bạn còn có thể thăng cấp riêng lẻ cho từng nhân vật và dùng điểm kỹ năng để “trang bị” buff, giúp trải nghiệm lần sau dễ dàng hơn. Các kỹ năng này có thể chuyển đổi qua lại theo yêu cầu, góp phần không nhỏ trong việc tăng giá trị chơi lại cho mỗi nhân vật.
Đồ họa Outbreak: The New Nightmare mang nhiều cảm giác hoài cổ như bản remaster của những game Resident Evil cũ. Thiết kế màn chơi đa dạng là điểm cộng đáng chú ý. Nhân vật nhìn có góc có cạnh, tròn đúng và đủ chứ không quá lố. Tuy nhiên, biểu cảm nhân vật nhìn khá chán khi chỉ có một màu như ma-nơ-canh. Hiệu năng có vẻ ổn dù tôi không chắc lắm do môi trường màn chơi quá tối, phần lớn đều không thể nhìn được gì. Chưa kể, chất lượng hình ảnh của trò chơi khó lòng là gánh nặng cho phần cứng của các hệ máy hiện nay.
Sau cuối, Outbreak: The New Nightmare mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn với nhiều cảm giác hoài cổ, không dành cho số đông mà khá kén người chơi. Nếu yêu cảm giác trải nghiệm những tựa game Resident Evil xưa cũ, tựa game này chắc chắn là cái tên rất đáng cân nhắc. Thế nhưng, nếu không thuộc đối tượng này thì trải nghiệm game khó lòng khiến bạn cảm thấy hào hứng nếu không nói là ngược lại.
Outbreak: The New Nightmare hiện có cho PC (Windows, Linux), PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác