Kao the Kangaroo là game phiêu lưu hành động sở hữu thiết kế mang nhiều cảm giác hoài cổ từ thời kỳ hoàng kim của thể loại này trong vài thập niên trước. Trò chơi đánh dấu sự trở lại của chú chuột túi Kao trong series game cùng tên kể từ bản Mystery of the Volcano phát hành năm 2005. Lúc mới ra mắt, trò chơi để lại cho người viết cảm nhận khá trái chiều vì nhiều vấn đề lỗi game gây ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm. Thế nhưng ở thời điểm bài viết, phần lớn các vấn đề gây ức chế nói trên đều đã được nhà phát triển Tate Multimedia giải quyết. Tuy muộn nhưng còn hơn không.
Dành cho bạn nào không biết, Kao the Kangaroo là series game phiêu lưu hành động đi cảnh ra mắt lần đầu trên PC và Dreamcast vào năm 2000. Bản console được đánh giá cao hơn về mọi mặt và cũng là phiên bản game đưa người viết lần đầu đến với chú chuột túi Kao. Do sinh sau đẻ muộn, trò chơi không được nhiều người chơi biết đến bằng những cái tên kinh điển như Crash Bandicoot và Spyro. Mặc dù vậy, người hâm mộ chú chuột túi này vẫn mong có ngày được tái ngộ và điều đó được “cha đẻ” của series biến thành sự thật với bản tái khởi động Kao the Kangaroo.
Ở góc độ người chơi, tôi có thể thấy tâm huyết của đội ngũ phát triển đặt vào trò chơi, từ phong cách đồ họa kiểu hoạt hình cho đến thiết kế màn chơi có sự chăm chút từng chi tiết. Trải nghiệm game vẫn xoay quanh cơ chế đi cảnh 3D quen thuộc, nhưng cốt truyện nhạt nhòa kém hấp dẫn lại là điểm trừ đầu tiên của trò chơi. Mặc dù trải nghiệm game tập trung vào chú chuột túi Kao, nhưng các tình tiết chưa làm rõ động cơ lẫn sự phát triển của nhân vật trong suốt trải nghiệm. Điều này khiến người viết cảm giác đây chỉ là phần chơi đầu tiên trong series tái khởi động.
Không những vậy, một số thiết kế hơi khó hiểu cũng khiến chú chuột túi Kao trở nên kém phong độ hơn trong trải nghiệm. Đơn cử dàn nhân vật tuy đa dạng tạo hình nhưng thiếu cá tính, không rõ do khâu chuyển ngữ tiếng Anh hay biên kịch. Ngược lại, cảm giác điều khiển trong những phân đoạn đi cảnh khá tốt và mang đến cảm giác khá thỏa mãn. Yếu tố chiến đấu cũng được nhà phát triển xây dựng khá cân bằng trong trải nghiệm game. Thậm chí, khía cạnh này có phần “xôm tụ” hơn những cái tên cùng thể loại và sở hữu lối chơi tương tự, chẳng hạn Demon Turf.
Lối chơi của Kao the Kangaroo không có gì mới mẻ so với những cái tên cùng thể loại. Mỗi màn chơi đều khá tuyến tính và quy mô ngày càng rộng lớn hơn về sau. Các màn chơi chia thành nhiều khu vực khác nhau. Mỗi khu vực có số lượng màn chơi nhất định và đa dạng về chủ đề. Người chơi điều khiển Kao vận dụng các hành động nhất định của nhân vật di chuyển từ đầu đến cuối màn. Điểm nhấn của trải nghiệm game là các sức mạnh nguyên tố từ đôi găng tay mà chú chuột túi kế thừa từ người cha. Tuy nhiên, yếu tố này chưa được tận dụng triệt để trong xây dựng màn chơi.
Cụ thể hơn, sức mạnh gió chỉ sử dụng trong hai màn chơi và trải nghiệm kết thúc đột ngột ngay sau đó, tương tự trường hợp của ReCore khi mới ra mắt năm 2016. Điều này trái ngược với hai sức mạnh đầu tiên được sử dụng rất nhiều trong các màn chơi. Đáng chú ý, những sức mạnh nguyên tố này không chỉ phục vụ cho mục đích phiêu lưu đi cảnh, chúng còn dùng để giải đố khá hào hứng trong trải nghiệm Kao the Kangaroo. Gọi là giải đố nhưng nhà phát triển cũng sử dụng câu đố làm rào cản, ngăn bạn tiếp cận các vật phẩm thu thập được giấu khắp nơi trong mỗi màn chơi.
Thú vị nhất là các Eternal Well được thiết kế như phần thử thách riêng và không bắt buộc cho kỹ năng đi cảnh của người chơi trong mỗi màn. Tìm được những “giếng vĩnh cữu” này đòi hỏi bạn phải khám phá mọi ngóc ngách của màn chơi, trong khi cảm giác hoàn thành những thử thách này đã là phần thưởng đầy thỏa mãn cho những ai đủ kiên nhẫn. Thế nhưng, Kao the Kangaroo cũng có vài thiết kế cũ khiến trải nghiệm mất vui. Một trong số đó là nhân vật có số lượng mạng tương tự Yooka-Laylee. Nếu để Kao chết hết mạng, bạn phải chơi game lại ở mức độ nào đó.
Đi kèm với thiết kế này là những thùng TNT có thể phát nổ nếu người chơi bất cẩn. Vấn đề ở chỗ, trò chơi không có dấu hiệu cảnh báo nào khi chúng nổ, dẫn đến những lần mất máu vô cùng oan uổng trong trải nghiệm game. Đã vậy, một số kẻ thù còn có kiểu tấn công từ xa ở trên cao khi tầm nhìn bị che khuất, ít nhiều cũng gây ức chế vì cảm giác bất công. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Kao the Kangaroo là những lỗi game vớ vẩn góp phần làm hỏng trải nghiệm của người chơi. Phiên bản Switch mà người viết trải nghiệm chính còn dính vấn đề hiệu năng ở chế độ handheld lẫn gắn dock.
Mặc dù những vấn đề nói trên đều được nhà phát triển Tate Multimedia khắc phục, nhưng có lẽ do quy mô studio nhỏ nên mất gần 2 tháng trời mới có bản cập nhật. Thời gian chờ quá lâu khiến tôi gần như quên luôn trò chơi trong máy Switch. Điều an ủi là ở thời điểm bài viết, trải nghiệm Kao the Kangaroo đã trở nên khá chỉn chu như mong muốn của người viết. Đó là chưa kể trò chơi còn được hậu thuẫn bởi khía cạnh nghe nhìn được xây dựng rất tốt. Từ hình dựng nhân vật và môi trường theo phong cách hoạt hình cho tới những bản nhạc nền tràn đầy năng lượng.
Sau cuối, Kao the Kangaroo mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động đi cảnh khá hào hứng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là một số thiết kế cũ kỹ của ngày xưa không còn phù hợp với trải nghiệm game thời nay. Bù lại, nhà phát triển Tate Multimedia xây dựng khá tốt những khía cạnh còn lại, biến trò chơi thành cái tên đáng chào đón trong thư viện game của bạn, nhất là những ai từng có tuổi thơ với chú chuột túi nhỏ mà có võ này.
Kao the Kangaroo hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]