Yooka-Laylee là tựa game đi cảnh 3D, kế thừa tinh thần của series Banjo-Kazooie kinh điển từ thời Nintendo 64 với diện mạo mới, trải nghiệm mới, tên mới và ngay cả nhà phát triển cũng là cái tên mới nhưng lần này lại là những gương mặt tưởng mới mà cũ.
Tôi có nhiều kỷ niệm với series Banjo-Kazooie vì nó gắn liền với một tuổi thơ ngày xưa của chị em tôi vào thời đại của Nintendo 64. Khi đó, hai chị em tôi từng cãi nhau chí chóe về việc Super Mario 64 và Banjo-Kazooie, game nào hay hơn. Cả hai tựa game này mở ra làn sóng mới của thể loại đi cảnh 3D, với những cái tên đi vào ký ức như Donkey Kong 64, Kirby 64 hay Conker’s Bad Fur Day. Trải nghiệm khi đó không còn gói gọn trong không gian hai chiều với tạo hình nhân vật chính “ăn tiền” ở dễ thương nữa. Thay vào đó, người chơi có thể tự do di chuyển nhân vật trong không gian 3D rộng mở, cảm giác rất tuyệt vời.
Thế nhưng, khi console ngày càng mạnh hơn, dòng game đi cảnh 3D dần biến mất, nhường chỗ cho các thể loại game có thể tận dụng tốt hơn phần cứng mới. Sự chuyển mình của ngành game để lại một khoảng trống rất lớn trong lòng những người chơi có tư tưởng hoài cổ như tôi, đặc biệt khi những tựa game Super Mario thế hệ mới vài năm mới có một phần mới. Con số ít ỏi này dường như chẳng thấm vào đâu. Yooka-Laylee xuất hiện đúng thời điểm đó, với lối chơi đi cảnh 3D mang nhiều hoài niệm. Thế nhưng, dù không phải lần đầu đến với tựa game này, phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm khá muộn so với thế giới lại gây ấn tượng mạnh.
Các thế giới trong Yooka-Laylee được xây dựng như một xứ sở thần tiên. Ở khía cạnh hoài cổ, nhà phát triển khá thành công trong việc tái hiện lại cảm giác trải nghiệm từ tựa game Banjo-Kazooie ngày xưa, mang đến một sự thôi thúc người chơi khám phá. Đồ họa trong game khá ấn tượng khi so với phiên bản trên các nền tảng khác, mức độ chi tiết cao và vận dụng hài hòa những gam màu rực rỡ, “khoe xuân sắc thắm”. Chẳng hạn, nếu bạn để nhân vật đứng yên một lúc, chúng sẽ đùa giỡn nhau rất hài hước hoặc không gian xung quanh luôn có hoa thơm cỏ lạ với lũ bướm hồng như mời gọi nhân vật bắt lấy chúng.
Mỗi thế giới trong Yooka-Laylee đều có sự khác biệt rất lớn về chủ đề và thiết kế, mang đậm dấu ấn riêng không chỉ về cái nhìn mà cả không khí trong đó với nhiều chi tiết nhỏ, tạo cảm giác vui nhộn cho người chơi. Các NPC cũng có sự khác biệt rõ nét về tạo hình với phong cách hoạt hình dễ thương, nhiều gương mặt có cảm giác quen thuộc dường như được lấy cảm hứng tạo hình từ những bộ phim hoạt hình ngày xưa. Thậm chí, ngay cả màn hình tạm dừng cũng tạo cho tôi một cảm giác hoài cổ thú vị. Đặc biệt, phiên bản Nintendo Switch có hiệu năng cực tốt, nếu không nói là được tối ưu hơn hẳn các nền tảng khác.
Nhân vật của người chơi là cặp đôi Yooka và Laylee, vậy nên mới có tựa game Yooka-Laylee. Cách đặt tên này giống với Banjo-Kazooie trước đây nhưng kỳ thực là kiểu chơi chữ âm đọc của từ ukulete, một loại nhạc cụ gắn liền với âm nhạc ở Hawaii có hình dáng giống, nhưng nhỏ hơn đàn guitar. Về cơ bản, Yooka là một con tắc kè màu xanh và Laylee là con dơi màu tím. Tuy nhiên, bạn đừng để để màu sắc lòe loẹt xanh, đỏ, vàng của nhân vật này đánh lừa vì Yooka là một chàng tắc kè chứ không phải nàng, còn Laylee thì đích thực là một con dơi cái. Cặp đôi này bổ trợ cho nhau rất tốt trong các khía cạnh đi cảnh và chiến đấu trong game.
Lối chơi trong Yooka-Laylee vẫn trung thành với thể loại đi cảnh 3D. Trò chơi chia trải nghiệm thành nhiều thế giới với khu vực trung tâm (hub) là con đường ẩn giấu dẫn tới những thế giới khác nhau. Người chơi sẽ điều khiển cặp đôi Yooka và Laylee xâm nhập vào từng thế giới để tìm các Pagie, những trang ghi chép của một quyển sách cổ và thực hiện nhiều mini-game trong mỗi thế giới, mở thêm màn chơi mới hoặc mở rộng màn chơi cũ với nhiều thử thách hơn. Một trong những mini-game đáng chú ý là tìm và bắt các Ghost Writer ẩn giấu kín đáo trong môi trường màn chơi hay thu thập các Butterfly ở những ngóc ngách khó tiếp cận để mở rộng thanh máu cho nhân vật.
Yooka-Laylee sử dụng một loại tiền tệ gọi là Quill, với số lượng nhất định trong mỗi thế giới. Quill dùng để mua kỹ năng từ Trowser, một gã gian thương mang tạo hình con rắn với màu đỏ khá sặc sỡ. Đây là một trong những yếu tố chính để tạo động lực cho người chơi khám phá màn chơi và thu thập càng nhiều Quill càng tốt. Bởi lẽ, những kỹ năng mà Trowser bán cho bạn đều rất cần thiết để mở khóa thêm những vị trí săn Quill hoặc mini-game mới. Tuy nhiên giá bán của “con buôn” này thường chẳng rẻ, đòi hỏi bạn phải chịu khó khám phá không gian màn chơi rộng lớn và tham gia các mini-game, giải cứu các Paige nhằm mở rộng màn chơi cũ.
Thú vị là yếu tố khám phá được nhà phát triển xây dựng khéo léo trong trải nghiệm game. Người chơi không chỉ tìm đủ Paige để mở khóa màn chơi, mà bạn còn phải tìm lối vào bí ẩn được giấu kín mới có thể tiếp cận một thế giới mới. Những lối đi bí ẩn này không những đòi hỏi kỹ năng đi cảnh của người chơi mà còn yêu cầu khả năng giải đố của bạn nữa, mang đến cảm giác trải nghiệm khá hào hứng và đôi lúc cũng khá thử thách. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Yooka-Layle là game không có mini-map, nên nếu không quan sát cẩn thận thì chuyện bạn điều khiển nhân vật đi lạc hết lần này đến lần khác xảy ra như cơm bữa.
Ở góc độ người chơi yêu thích thể loại đi cảnh 3D lâu năm, đây không phải là vấn đề lớn với tôi nhưng có thể sẽ là vấn đề không nhỏ với những ai ít trải nghiệm những tựa game thuộc thể loại này trước đây, chẳng hạn như người chơi mới. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao nhà phát triển tiếc gì mà không bổ sung thêm mini-map, giống như bản remaster Spyro Reignited Trilogy đã tinh chỉnh để phù hợp hơn với đối tượng người chơi mới. Yooka-Laylee đã làm không tốt ở khía cạnh này, thậm chí không ít lần tôi cũng đi lạc trong thế giới màn chơi khá là ức chế. Thế nhưng, điều bù trừ là cảm giác khám phá thế giới trong các màn chơi rất hào hứng do được thiết kế rộng lớn dù không hoàn toàn mở.
Đáng tiếc, vấn đề lớn nhất của Yooka-Laylee lại nằm ở góc nhìn camera khá kém, luôn thay đổi bất ngờ trong những khoảnh khắc quan trọng. Không ít lần tôi đang chuẩn bị nhảy từ một mặt phẳng này sang mặt phẳng khác thì góc nhìn bỗng thay đổi, khiến vị trí nhảy thay đổi thành nhảy hụt rất bực bội và dễ nổi điên nhất trong trải nghiệm. Mặt khác, cảm giác điều khiển trong một số tình huống có phần “hơi phiêu”, khiến tôi thường không có cảm giác điều khiển chính xác với cặp đôi nhân vật này. Đơn cử như có mini-game đòi hỏi bạn phải bắn hồng tâm nhưng nhân vật lại di chuyển tự do, rất khó canh chính xác góc bắn bằng tay cầm Joy-Con, dẫn đến việc sai lệch hướng bắn khá thường xuyên rất ức chế. Hoặc nhiều trường hợp, nhân vật luôn trượt dài khi tiếp cận những con dốc ngắn cực kỳ khó chịu.
Sau cuối, Yooka-Laylee mang đến một trải nghiệm đi cảnh 3D khá thú vị và hấp dẫn, kế thừa được tinh thần của series Banjo-Kazooie cũng như thể loại game đang ngày càng vắng bóng trên thị trường. Ngoài một số vấn đề nói trên, điểm cộng không nhỏ là trò chơi có thời lượng chơi khá dài dù chỉ để hoàn tất trải nghiệm chứ không phải hoàn thành 100%. Chưa kể, các khía cạnh gameplay đều khá hài hòa với chất liệu nhạc quen thuộc nếu bạn đã từng chơi series game nói trên là những điểm cộng đáng chú ý. Nếu từng một thời yêu thích dòng game đi cảnh 3D, đây chắc chắn là một cái tên mà bạn không nên bỏ qua, nhất là những ai sở hữu Nintendo Switch.
Yooka-Laylee được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Yooka-Laylee.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!