Hell Pie là game đi cảnh 3D không dành cho những người xấu bụng, ý tôi là khả năng tiêu hóa thức ăn không tốt. Ngay từ cái tựa của trò chơi đã gợi cho người viết series phim American Pie nổi tiếng của giới trẻ cùng lứa vào thời ấy, nhưng thời nào thì tôi không nói đâu. Trải nghiệm game đưa bạn đến với anh quỷ Nate có sẵn hai sừng trên đầu, nhưng không phải do bị ai đó cắm sừng. Mà bạn cũng không cần quan tâm chiếc sừng làm gì. Chuyện dài dòng khó nói lắm!
Nate làm văn thư ở địa ngục và một ngày đẹp trời nọ, anh ‘Master Chef’ giao cho nhiệm vụ thu thập nguyên liệu làm bánh mừng sinh nhật Satan. Mặc dù câu chuyện kể nghe có vẻ giống biến người chơi thành chân chạy việc, nhưng kỳ thực Hell Pie mang đến nhiều bất ngờ. Trò chơi có đủ những tình tiết hài hước, bẩn bựa và có phần không phù hợp với trẻ em dù đồ họa game tận 50 sắc thái, sử dụng những gam màu bắt mắt trong xây dựng màn chơi, nhất là sắc đỏ chốn âm phủ.
Trò chơi sở hữu phong cách đồ họa hoàn toàn trái ngược với Kao the Kangaroo. Từ nhân vật chính cho đến kẻ thù, thậm chí là người bạn đồng hành Nugget đều không có chút xíu gì gọi là dễ thương. Thay vào đó là những các xác, con mắt khổng lồ biết bay và nhiều ý tưởng hài hước mà người viết không ngờ tới. Nói một cách đơn giản, tất cả đều những gì xấu xí và rùng rợn lại là thiết kế chủ đạo của trò chơi trong suốt trải nghiệm game thông qua các thế giới khác nhau.
Nói đến đồ họa “chất đến suýt ngất”, chỉ riêng phần nhìn cũng đủ tạo nên sự khác biệt cho Hell Pie so với những cái tên cùng thể loại trên thị trường vài năm gần đây. Tuy nhiên, trải nghiệm game không có gì sáng tạo khi vẫn là tìm vật phẩm thu thập và mở khóa các kỹ năng mới trong suốt cuộc phiêu lưu. Hầu hết những kỹ năng này có được khi bạn cho Nugget ăn các lon đồ hộp tìm được thông qua trải nghiệm game. Mô tả tưởng không hài hước nhưng nó hài hước thật sự.
Sự tương trợ lẫn nhau giữa Nate và Nugget giống như Yooka và Laylee trong Yooka-Laylee vậy. Mỗi nhân vật đều có hướng phát triển kỹ năng khác nhau, tất nhiên đều thông qua trải nghiệm game. Ngược lại với Nugget, anh bạn Nate quỷ sứ mở rộng kỹ năng mỗi khi hiến tế Unilamb để đổi lấy cặp sừng mới. Những kỹ năng này bổ sung cho Nate các hành động mới và rất hữu ích trong những phân đoạn đi cảnh khi kết hợp cùng những kỹ năng thú vị của Nugget.
Đó là chưa kể rất nhiều vật phẩm thu thập được giấu kín trong các màn chơi, khiến bạn lao tâm khổ tứ trong suốt hành trình đi tìm nguyên liệu làm bánh. Tương tự các game đi cảnh 3D thời nay như Crash Bandicoot 4: It’s About Time hay Sackboy: A Big Adventure, chúng cũng là yếu tố quan trọng trong việc mang đến giá trị chơi lại khá hấp dẫn cho Hell Pie. Tuy nhiên, trò chơi vẫn vướng phải vấn đề thường gặp của dòng game này là góc nhìn camera nhiều khi rất quỷ quái.
Mặc dù người chơi có thể tự do điều chỉnh lại camera, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thời gian kịp làm điều đó, dẫn đến những lần phải chơi lại từ checkpoint gần nhất khá ức chế. Một phần của cảm giác này là do người chơi bị mất toàn bộ tinh thể tím thu thập được ban nãy. Đây là loại tiền tệ dùng trong Hell Pie và bạn phải thu thập lại từ đầu khi hồi sinh tại checkpoint. Vấn đề của trải nghiệm đi cảnh ở chỗ cái bóng của nhân vật xuất hiện trễ nên rất khó canh.
Thông thường, các game thuộc thể loại đi cảnh 3D hay sử dụng hiệu ứng đổ bóng của nhân vật phản chiếu lên những điểm đi cảnh, giúp người chơi dễ dàng định vị hơn. Hell Pie cũng có nhưng cái bóng này rất mờ, hiện trễ và khó thấy khi trải nghiệm trên Nintendo Switch, nhất là chế độ handheld. Phần lớn trường hợp khi vừa thấy cái bóng xuất hiện, người chơi có không tới một nốt nhạc để kịp phản ứng theo tình huống đi cảnh trên màn hình. Đó không phải vấn đề duy nhất.
Người viết còn cảm thấy cơ chế vật lý ở những phân đoạn đi cảnh trong Hell Pie rất khó kiểm soát. Chẳng hạn, miếng đệm đẩy bật nhân vật lên cao thường gây nên tình trạng “lạc trôi” và không cho bạn cơ hội kịp sửa sai. Tuy nhiên, cảm giác trải nghiệm trên hệ máy của Nintendo rất khó chịu. Trên tay cầm Joy-Con, các nút bấm để xử lý sai sót trong quá trình đi cảnh nằm rất gần nhau, khó thao tác chính xác.
Thế nhưng, không thể phủ nhận trải nghiệm đi cảnh trong Hell Pie rất hào hứng, đòi hỏi người chơi khả năng điều khiển chính xác nhất định và biết vận dụng các kỹ năng của cặp đôi nhân vật Nate và Nugget trong mọi tình huống. Từ nhảy đúp cho tới lướt và đặc biệt là khả năng đu lơ lửng giữa không của Nugget. Đó là chưa kể thiết kế màn chơi trong game khá đa dạng chủ đề và thử thách khả năng đi cảnh của người chơi khá tốt. Ngược lại, khía cạnh chiến đấu chỉ dừng ở mức cơ bản.
Ở góc độ người chơi, trải nghiệm game có phần tương đồng Demon Turf trong định hướng thiết kế. Đơn cử anh quỷ Nate cũng không có nhiều hành động chiến đấu giống như Beebz trong game vừa đề cập. Tương tự, khía cạnh này cũng không được chăm chút nhiều như thiết kế màn chơi và trải nghiệm đi cảnh. Chỉ có boss chiến là khác biệt. Boss trong Hell Pie sử dụng những đòn tấn công đơn giản và hiếm khi gây khó cho người chơi, trái ngược với boss trong Demon Turf rất thử thách.
Sau cuối, Hell Pie mang đến một trải nghiệm đi cảnh khá đặc sắc và mang đậm dấu ấn riêng so với những cái tên cùng thể loại trên thị trường. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là tính thưởng thưởng đầy thỏa mãn và không kém phần hào hứng trong những phân đoạn đi cảnh, cộng với giá trị chơi lại hấp dẫn. Ngược lại, khía cạnh chiến đấu lại là điểm trừ lớn nhất của game vì thiếu tính thử thách. Nếu yêu thích thể loại này, đây kỳ thực là cái tên “tuyệt vời ông mặt trời” cho thư viện game của bạn đó.
Hell Pie hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!