Sackboy: A Big Adventure là game đi cảnh dễ thương, với nhân vật chính Sackboy đến từ series LittleBigPlanet quen thuộc của nhiều thế hệ PlayStation. Trò chơi có sự thay đổi khá lớn khi chuyển từ lối chơi đi cảnh 2,5D quen thuộc sang hẳn 3D. Tuy nhiên, thiết kế game đôi chỗ tạo cảm giác trái chiều. Trong khi khía cạnh đi cảnh ngày càng hấp dẫn về tính thử thách thì các khía cạnh còn lại kém thuyết phục hơn, nhất là đồ họa tuy đáng yêu nhưng thiếu điểm nhấn để tạo dấu ấn riêng.
Nội dung cũng không phải là điểm nổi trội của Sackboy: A Big Adventure. Chuyện kể rằng Sackboy cùng mọi người đang sống yên bình tại Craftworld thì Vex xuất hiện. Trên tay chiếc máy hút bụi công suất lớn, hắn hút sạch sành sanh toàn bộ dân cư vào chiếc máy và hả hê với kế hoạch bí mật gì đó. Trong tình thế ngàn cân treo sợi len, Sackboy kịp cướp lấy kế hoạch của hắn và nhảy lên tên lửa bỏ trốn. Với sự dẫn dắt của Sackgirl già Scarlet, bạn phải thu thập các Dreamer Orb và đánh bại Vex.
Điều đáng nói là Sackboy: A Big Adventure thậm chí cũng chẳng có chút kịch tính nào trong câu chuyện kể. Mọi thứ diễn ra bình bình, đều đều, có lẽ vì đó không phải là tập trung của trải nghiệm game. Đây là điều khá đáng tiếc. Tôi nghĩ một cốt truyện dù trẻ con nhưng dễ thương, cộng với chút nút thắt là đủ tỏa sáng cùng sự đáng yêu không thể phủ nhận của nhân vật chính. Đó là chưa kể các NPC dù là kẻ thù nhưng nhìn ‘cute phô mai que’ khiến tôi chỉ muốn “nựng” yêu vài cái cho thỏa đam mê.
Đồ họa của Sackboy: A Big Adventure được xây dựng dựa trên những thứ khá đời thường trong cuộc sống hàng ngày và có tính giáo dục cao. Đơn cử như những “vật liệu” xây dựng nên trải nghiệm game ở các màn chơi đầu tiên thiên về các chất liệu gỗ và vải. Thỉnh thoảng, bạn có thể thấy dăm ba hình các loài thú như được vẽ tay ngộ nghĩnh xuất hiện ở hậu cảnh. Cảm giác như nó được lấy ra từ quyển tranh dán nào đó, gợi cho người viết nhiều cảm giác hoài cổ khi rất hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Dù vậy, mức độ chi tiết cao có lẽ là lợi thế lớn nhất của Sackboy: A Big Adventure phiên bản PS5 so với PS4 Pro đã có vài năm tuổi đời. Ở khoảng cách lý tưởng 2 mét mà tôi thường ngồi trải nghiệm game, bạn có thể dễ dàng thấy mức độ chi tiết khác biệt rất rõ. Trong khi PS4 Pro có dấu hiệu đuối sức khi cố thể hiện mức độ chi tiết của những sớ vải hay cơ thể đầy len của Sackboy, bản PS5 lại vượt trội hơn về điểm này rất “nhẹ nhàng”, không cần săm soi kỹ lưỡng như kiểu vạch lá tìm sâu cũng thấy.
Nó không chỉ thể hiện ở phong cách đồ họa nhiều màu sắc mà tất cả mọi thứ trong không gian mỗi màn chơi. Từ những vị trí đi cảnh không cố định cho tới tất cả các chuyển động trên màn hình. Mọi thứ trong Sackboy: A Big Adventure giống như bữa tiệc thị giác trên PS5 vậy. Trong khi đó, hình ảnh hiển thị trên PS4 Pro có phần kém hơn, nhất là cảm giác về chiều sâu không gian do mức độ chi tiết không bằng. Đó là chưa kể bạn còn thấy một số texture độ phân giải thấp nhìn rất lạc lõng.
Mỗi màn chơi đều có chủ đề riêng, nhưng trải nghiệm khá nhàm chán ở thế giới ban đầu. Tôi không biết có phải chủ ý của nhà phát triển Sumo Digital để người chơi làm quen các cơ chế gameplay cơ bản ở đầu trải nghiệm không, nhưng lối chơi lại cơ bản đến mức nhàm chán. Chỉ khi chuyển sang thế giới thứ hai thì trải nghiệm mới hấp dẫn hơn. Kỳ thực, Sackboy có thể thu thập các “đồ chơi” làm thay đổi cảm giác trải nghiệm, kết hợp thú vị với “phản hồi xúc giác” của tay cầm DualSense.
Sackboy: A Big Adventure trình diễn rất tốt những gì mà tay cầm DualSense có thể thay đổi cảm giác trải nghiệm so với thế hệ trước. Đó cũng là điều mà Marvel’s Spider-Man: Miles Morales chưa thuyết phục được tôi về sự cần thiết các tính năng của tay cầm thế hệ PlayStation mới. Đội ngũ phát triển Sumo Digital xây dựng trải nghiệm game tận dụng các tính năng của tay cầm mới tạo cảm giác khá hào hứng, từ tương tác trong menu đến các vật thể trong trò chơi. Hai cảm giác trải nghiệm rất khác biệt.
Khi bạn điều khiển Sackboy cầm vật thể hay bám vào bề mặt nào đó trong màn chơi, nút R2 của DualSense sẽ có mức độ ghì lại, tạo cảm giác như nhân vật chính đang gồng người lên vậy. Đó là những khác biệt dễ nhận thấy khi trải nghiệm Sackboy: A Big Adventure trên hai hệ máy. Một khác biệt nhỏ nhưng cũng đáng đề cập là con quay hồi chuyển trên tay cầm DualSense hoạt động tốt và độ trễ thấp hơn so với DualShock 4, mang đến trải nghiệm tốt hơn trong những pha đi cảnh bắt buộc sử dụng tính năng này.
Thiết kế màn chơi là một trong những điểm cộng lớn nhất của Sackboy: A Big Adventure nhưng chỉ trong phần lớn trường hợp, nhất là những màn chơi từ thế giới thứ hai trở về sau. Những màn chơi này sở hữu thiết kế phức tạp và quy mô hơn, chia thành nhiều khu vực và đòi hỏi kỹ năng đi cảnh và phản xạ nhạy bén của người chơi khá nhiều. Mỗi khu vực như vậy lại có những thử thách mới giúp giữ cảm giác trải nghiệm luôn mới mẻ, chẳng hạn khi Sackboy sử dụng boomerang hay “giày bay” rất thú vị.
Xây dựng cơ chế gameplay đa dạng và kết hợp hài hòa với thiết kế màn chơi là điểm cộng tuyệt vời nhất của Sackboy: A Big Adventure. Tuy nhiên, không phải ý tưởng nào cũng đủ hấp dẫn trong trải nghiệm. Bù lại, âm nhạc vui tai tạo cảm giác phấn khích, khiến tôi đôi lúc muốn lắc lư theo nhịp nhạc cũng là điều thú vị khi trải nghiệm game. Số lượng bài nhạc đủ nhiều để giữ trải nghiệm luôn tươi vui, nhưng ngay cả những khoảnh khắc không nhạc cũng có cả khối thứ khiến bạn hào hứng từ thị giác.
Điểm trừ lớn nhất trong thiết kế gameplay của Sackboy: A Big Adventure là mức độ tuyến tính và hạn chế vô cùng đáng ghét. Người chơi phải trải nghiệm theo thứ tự màn chơi nhất định và thu thập đủ số Dreamer Orb để mở khóa thế giới mới. Điều đó đồng nghĩa bạn không thể ‘speedrun’ một lèo đến cuối màn và bỏ qua tất cả, mà phải chịu khó khám phá màn chơi và thu thập đủ “Dragon Ball” để mở khóa các màn chơi mới. Đó là chưa kể thiết kế vật phẩm thu thập có tính đánh đố người chơi khá ức chế.
Mô tả một cách đơn giản là có những thứ không nên đụng đến khiến nó tan tành hoặc “đi về nơi xa”, vì hành động đó chẳng khác nào bạn đánh mất cơ hội thu thập Dreamer Orb liên quan. Vấn đề này đặc biệt gây ức chế kinh khủng khi bạn chơi co-op cùng những người chơi khác. Tuy tôi không có nhiều thời gian để trải nghiệm co-op nhưng có thể nói ngắn gọn là nó khá vui. Ở chế độ co-op bình thường hỗ trợ lên đến 4 tay cầm, mỗi người chơi đều điều khiển Sackboy nhưng với trang phục khác nhau.
Những trang phục này được mua bằng số lục lạc mà bạn thu thập được trong trải nghiệm hoặc được giấu trong các màn chơi. Bên cạnh hỗ trợ co-op local trong các màn chơi solo, Sackboy: A Big Adventure còn có thêm một số màn chơi chỉ có thể trải nghiệm co-op cùng người chơi khác. Những màn chơi này đòi hỏi sự hợp tác của các người chơi để giải những câu đố. Một vấn đề nhỏ hơn nhưng cũng không thể không nhắc tới, đó là các trận đánh boss với Vex đúng nhạt so với những con boss khác.
Thế nhưng, có một điều khiến tôi cảm thấy khó hiểu là nhân vật chính được gọi là Sackboy và đóng đinh với giới tính ‘boy’ như cái tựa, trong khi trải nghiệm game có cả NPC Sackgirl. Đáng chú ý, các trang phục mà người chơi có thể mở khóa lại khá nhiều bộ đồ vô cùng nữ tính dành cho Sackboy, chẳng hạn như bộ cô bé quàng khăn đỏ ở gần đầu trải nghiệm và một số mẫu trang phục khác mà tôi không liệt kê ở đây để giữ bất ngờ. Hy vọng không có bậc phụ huynh nào đau đầu trước câu hỏi khó của con gái nhỏ.
Sau cuối, Sackboy: A Big Adventure mang đến một trải nghiệm đi cảnh rất dễ thương, cuốn hút và không kém phần thử thách. Trò chơi tận dụng tốt phần cứng và các tính năng của thế hệ PlayStation mới, mang đến cảm giác trải nghiệm hấp dẫn so với thế hệ cũ. Dù vẫn còn vài điểm trừ trong thiết kế gameplay, nhưng đây chắc chắn là một trong những tựa game phù hợp với mọi độ tuổi rất đáng cân nhắc, nhất là những gia đình sở hữu PlayStation 5 để tận dụng tính năng “phản hồi xúc giác” của tay cầm DualSense.
Sackboy: A Big Adventure chỉ có cho PlayStation 5 và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!