Bí mật tuổi dậy thì (tên gốc: 15+ Coming to Age) có thể làm bạn ngạc nhiên bởi độ táo bạo trong cách thể hiện các vấn đề về giới tính vốn khá xa lạ với những với fan hâm mộ điện ảnh Việt Nam.
Bài viết này hơi đặc biệt vì mình có spoiler một ít nội dung trong phim. Những sản phẩm như Bí mật tuổi dậy thì trước đây cũng từng xuất hiện. Đầu tiên có thể kể đến American Pie (tên tiếng Việt hay gọi là Bánh Mỹ) năm 1999, hay gần gũi hơn chính là bộ phim nổi tiếng Sex Is Zero (Tình dục là chuyện nhỏ) ra mắt năm 2002 của điện ảnh Hàn Quốc. Đây là kiểu phim lấy vấn đề về những điều tò mò, dại dột về chuyện tình dục ở lứa tuổi mới lớn. Và đặc điểm của kiểu phim này là… “bựa”.
Bí mật tuổi dậy thì cũng theo mô-típ đó. Phim xoay quanh những vấn đề của cậu học sinh trung học Charlardlert (Yongsin Wongpanitnont). Cũng như bao cậu bé mới lớn khác, cậu có nhiều vấn đề thắc mắc ở tuổi dậy thì. Bên cạnh cậu là hai người bạn thân Curly và Dully tạo thành một bộ ba “lắm trò” quậy phá ở một ngôi trường cấp ba.
Kiểu phim này nhân vật chính thường khá vô dụng, lại hay thích “hoa khôi” của trường nên thường sẽ cố gắng làm một điều gì đó thật to tác. Trong trường hợp này là vì muốn “lấy le” cô gái hot girl của trường Cherry (Lita Janvarapa), Charlardlert quyết chiến thắng cuộc thi khoa học ở trường. Nhưng để làm được điều đó, cậu phải vượt qua cô lớp trưởng Sudarat (Ploy Sornarin) giỏi và lạnh lùng. Điều thú vị là Sudarat lại có cảm tình với Charlardlert, nên bộ ba tính kế để Charlardlert quyến rũ Sudarat nhằm làm cô bé vừa xao nhãng, vừa đánh cắp bản thiết kế của cô để giành chiến thắng. Từ đó những tình huống “dở khóc dở cười” xảy ra.
Mình có từng xem qua American Pie và Sex Is Zero nên cảm thấy phim Bí mật tuổi dậy thì này có vẻ “nhẹ đô” hơn khá nhiều. Tuy nhiên tất cả cũng đủ để chiếm lấy cảm tình của khán giả nhờ vào những tình huống gây cười quen thuộc về vấn đề tình dục. Có thể thấy các tình huống mà đạo diễn đưa ra thật sự rất đơn giản, nhưng ẩn chứa rất nhiều yếu tố hài hước. Chẳng hạn đạo diễn phóng đại hình ảnh của các nữ sinh khi ăn đồ chua với tiếng rên tạo cảm giác kích thích, đã vậy còn kèm theo đó là vài nốt dạo đầu của bản Careless Whisper nghe lạ lạ mà quen quen vì tác giả cố tình đánh sai các nốt cuối. Hay tình huống Charlardlert vô tình “chạm” vào “vùng nhạy cảm” của Cherry thì lại đang là lúc cả hai đang bàn về phim khoa học viễn tưởng mà mình nhớ không nhầm thì bài hát được phát lên chính là bản nhạc nền của phim 2001: A Space Odyssey. Và cái tên A Space Odyssey cũng là để ám chỉ điều gì đó !!!
Chưa dừng lại ở đó, theo mình thì độ “bựa” của đạo diễn có lẽ có học hỏi rất nhiều từ một “thánh bựa” khác chính là diễn viên hài Châu Tinh Trì. Điều này thấy rõ trong một số hình tượng nhân vật rất… phụ. Ví dụ hot boy “vạn người mê” có tên Top được mô tả như một “soái ca” ai cũng mê vì vẻ đẹp trai nhưng anh luôn quay lưng về phía màn hình, và nhiều nhân vật khác mà mình sẽ để cho bạn khám phá. Đạo diễn cũng tinh tế lồng vào một số tình huống gợi nhớ các phim kinh điển, chẳng hạn câu nói “Thần Lực luôn ở bên cậu” chắc bạn cũng biết nó ở trong phim nào.
Dù nhiều tình huống tỏ ra rất “bựa” để gây hài nhưng nó vẫn ẩn chứa trong đó những chi tiết chân thực và nhân văn. Phim sẽ xuất hiện nhiều tình huống bạn cảm thấy “ngại ngại”, nhưng trên thực tế nó lại phản ánh đúng tâm lý giai đoạn dậy thì của các “trai xinh gái đẹp”. Khi xem phim bạn để ý từ “khoa học” được vận dụng khá nhiều, từ câu nói “Cuộc đời cũng như là một thí nghiệm khoa học” của ông Charlardlert, hay đề tài thi cũng là một đề tài khoa học, thậm chí phân cảnh Charladlert tỏ tình với Sudarat trước cổng nhà cũng lấy hình tượng liên quan đến khoa học là hai chất Natri và Clorua trong hóa học. Không phải ngẫu nhiên mà trong phim tác giả đề cập nhiều đến vậy mà có lẽ tác giả cũng muốn thể hiện thái độ của mình, dù phim rất “bựa” và hài nhưng thông điệp là nghiêm túc, chân thực và có ý nghĩa.
Nếu nói về điều không thích trong phim thì mình thấy có hai vấn đề. Đầu tiên là hình tượng của Charladlert, theo mình thì đạo diễn xây dựng hình tượng này không thật ấn tượng, trái lại mình thấy hình tượng cậu bạn Curly lại có vẻ tốt hơn. Trong “bộ ba tinh quái” thì hình tượng Charladlert hoàn toàn không có gì nổi trội với hai bạn còn lại. Điểm nữa là như nhiều phim khác, khoảng 1/3 cuối phim đạo diễn tỏ ra khá vội. Mọi diễn biến bỗng nhiên quá nhanh và mình có cảm giác tác giả quay về nghiêm túc hoàn toàn, bắt đầu lồng ghép nhiều yếu tố nhân văn và kết thúc với một thông điệp đẹp. Thậm chí về sau đạo diễn quên mất luôn nhân vật Cherry vốn là đầu mối cho mọi tình huống. Theo mình cách làm này khá bình thường và nó không đọng lại được điều gì nhiều. Có lẽ mọi người lại chỉ nhớ những tình huống “bựa” trong phim hơn là thông điệp đạo diễn muốn gửi đến.
Dù có một số điểm không thích nhưng mình cũng đánh giá rất cao phim này, thể hiện độ chắc tay của đạo diễn. Phim sử dụng những tình huống đơn giản nhất có thể, nhưng bằng sáng tạo của mình đạo diễn có thể dễ dàng chọc cười khán giả bởi những tình tiết “đỡ không nổi”. Phim nói về vấn đề giới tính nhạy cảm không phù hợp với khán giả dưới 15 tuổi. Ngoài ra, đây chắc chắn là bộ phim rất thích hợp với những cô cậu đang ở tuổi dậy thì bởi nó chứa đựng bài học nhân văn và nói ra nhiều điều “thầm kín” của bạn. Còn khán giả đã trưởng thành khi xem phim chắc chắn sẽ bồi hồi nhớ về tình yêu tuổi học trò của mình.