Site icon TRAINGHIEMSO.VN

Đánh giá game Wreckfest

Đánh giá Wreckfest

Wreckfest là tựa vô cùng hào hứng, gợi nhiều cảm giác quen thuộc cũ với những ai từng trải qua “tuổi thơ dữ dội” với hệ máy PlayStation và Nintendo 64. Với tôi, đó là Destruction Derby 64 nhưng với nhiều người thì có lẽ là Destruction Derby.

Wreckfest có lẽ không xa lạ với nhiều người chơi game đua xe trên PC. Trò chơi phát hành Early Access trên nền tảng này một thời gian dài, chỉ mới phát hành chính thức hồi năm ngoái. Gần đây, trò chơi mới “tổng tiến công” lên nền tảng PS4 và Xbox One. “Chủ thầu” của dự án game này là Bugbear, nhà phát triển từng “gây bão” trong lòng giới yêu thích dòng game đua xe “phá hoại” với series FlatOut có nhiều nét tương đồng về lối chơi. Do vậy, những ai yêu thích phong cách đua tinh tế và tao nhã sau vô lăng của những chiếc siêu xe trong series Forza Motorsport, có lẽ nên cân nhắc trước khi bước vào “đấu trường đua” Wreckfest vì “tính hiện thực” mà trải nghiệm game mang đến.

Điểm khác biệt lớn nhất của tựa game này so với những trải nghiệm đua xe khác nằm ở cảm giác đua. Wreckfest không mang đến một trải nghiệm mô phỏng đua xe như bạn có thể nhầm tưởng, nhưng cũng không hẳn đua xe arcade như Truck Racing Championship hay đậm tính biểu diễn như Monster Truck: Steel Titans. Trò chơi có rất nhiều yếu tố vật lý “chặn lối” đường đua của bạn, được nhà phát triển đưa thẳng từ thực tế vào trải nghiệm. Những yếu tố này đòi hỏi khả năng “tay lái lụa” và xử lý tình huống của người chơi để vượt qua những khoảnh khắc “ngàn cân treo sợi tóc” mà đường đua lắt léo hoặc AI “chết bầm” tạo ra.

Không có boost để bạn tăng tốc khi cần như Burnout cũng chẳng có vũ khí để loại trừ đối thủ như Twisted Metal, nhưng trò chơi có những trận “loạn đua” mà các tựa game cùng thể loại khác không có. Trải nghiệm chơi đơn trong Wreckfest khá hấp dẫn, được chia thành năm mùa giải khác nhau. Các sự kiện trải nghiệm khá đa dạng, dung hòa khá giữa yếu tố vật lý đời thật và tính giải trí trong trải nghiệm. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp tựa game này cuốn hút người chơi, tạo sự khác biệt trên thị trường. Đáng chú ý là mỗi giải vô địch đều đòi hỏi một số điểm thưởng nhất định để mở khóa. Những điểm này có được từ trải nghiệm các mùa giải trong phần chơi Career.

Kỳ thực tôi không thích cách thiết kế này lắm vì nó hơi nghiêng về hướng “cày cuốc” bắt buộc, nhưng may mắn là các sự kiện trong game đều khá đa dạng và hấp dẫn nên cũng không tạo cảm giác gò bó trong trải nghiệm. Từ những sự kiện đua “thông thường” tranh nhau thứ hạng trên đường đua bụi bặm, cho đến những sự kiện mang đậm dấu ấn “destruction derby” mà trong game gọi là Demolition Derby. Mục tiêu của người chơi trong những sự kiện vô cùng hào hứng này là biến con xế của bạn thành “máy ủi” để loại trừ đối thủ trên những cung đường quanh co. Trong số đó, sự kiện mà tôi thích nhất là lái máy cắt cỏ đi “ủi” xe của đối thủ.

Về cơ bản, nó giống như trò xe đụng mà bạn có thể chơi ở một số khu giải trí trong hoặc ngoài nước, nhưng hướng đến yếu tố hài hước nhiều hơn. Các yếu tố vật lý được đưa vào trải nghiệm khá hấp dẫn, từ sự thay đổi của bề mặt đường đua cho tới những hư hỏng vật lý trên xe cũng có thể khiến cuộc đua kịch tính hơn tùy vào mỗi tình huống. Yếu tố này được áp dụng cho mọi loại xe trong game, nhưng mỗi loại sẽ mang đến kết quả khác nhau trong trải nghiệm. Đây là một trong những điểm hấp dẫn khác của Wreckfest. Ngay cả tôi vốn không rành về xe, nhưng những khi bị cháy động cơ hay hỏng lốp cũng mang đến cảm giác lái rất khác thấy rõ.

Đơn cử như nếu bạn để hỏng hệ thống treo (suspension), xe sẽ chạy như bay là là trên mặt đường chứ không cảm giác bám đường, rất khó đánh lái. Hay như bị hỏng lốp trước sẽ khiến những pha đánh lái hay vào cua trở thành cơn ác mộng khi con xe không chịu “nghe lời” bạn. Hệ thống mô phỏng cơ chế vật lý của trò chơi được xây dựng khá tốt, đặc biệt là điểm nhấn nằm trong hệ thống hư hỏng của Wreckfest có hai lựa chọn Normal và Realistic, mang đến cảm giác “chinh chiến đường xa” rất khác biệt. Normal giúp đường đua dễ hơn, nên những cú va chạm mạnh không đến mức khiến “xế chiến” của bạn sớm trở thành mớ sắt vụn.

Realistic thì ngược lại. Mọi thứ khởi đầu đều khó khăn và mang đến cảm giác “ác mộng” hơn, ngay cả trong những sai lầm nhỏ. Điều này càng quan trọng trong những cuộc đua dài nhiều đường đua khác nhau. Cảm giác khi đó như bạn đang tham gia vào một cuộc thử thách sinh tồn, mà những pha va chạm “quá tay” cũng khiến cảm giác lái xe sau đó không khác mấy “xe điên” gây tai nạn giao thông ngoài phố, cực kỳ nguy hiểm. Chẳng hạn như một pha “hạ cánh” ẩu có thể làm hệ thống treo trở nên vô dụng, dễ khiến xe lao thẳng vào những bức tường bê tông bảo vệ người xem và không gian đua trong Wreckfest. Kết quả không khó để đoán.

Không những vậy, trò chơi cũng không có tính năng “quay ngược thời gian” như Forza Motorsport, nên bạn phải luôn chịu trách nhiệm cho những sai sót của mình hoặc chọn cách không-nói-thì-không-ai-biết là restart lại vòng đua khi mắc những sai lầm không thể cứu vãn. Điều thú vị là ở góc độ người chơi, mặc dù trải nghiệm Wreckfest có phần lặp lại, nhưng những tình huống trên đường đua khiến cuộc đua luôn lôi cuốn và vô cùng kịch tính nhờ những yếu tố mô phỏng vật lý nói trên. Tất nhiên, hệ thống này cũng không mô phỏng giống hoàn toàn yếu tố vật lý ngoài đời thật, nhưng phần thiếu sót đó khiến trải nghiệm hấp dẫn, hài hước và mang tính giải trí hơn.

Đặc biệt, nó không đánh đố người chơi như nhiều tựa game khác. Đây là một sự cân bằng hợp lý mà tôi nghĩ nhà phát triển đã cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể là một điểm trừ trong mắt một số người chơi đam mê tốc độ, thích cảm giác “thật” mà kỳ vọng trò chơi có thể mang đến rồi thất vọng. Yếu tố nâng cấp xe cũng vậy, mang đến trải nghiệm khá khác biệt tùy vào nâng cấp của người chơi. Mọi nâng cấp đều phải chấp nhận đánh đổi và nó luôn hợp lý trong thực tế. Bạn không thể có được một “chiến xe” vừa “trâu bò”, vừa chạy nhanh và vừa lái ngon cùng một lúc. Người chơi phải dung hòa các yếu tố này tùy vào sự kiện đua, chẳng hạn như các sự kiện Demolition thì cần “che chắn” cho xe một chút để làm “máy ủi”.

Ngược lại, trong các trận đua khác thì dĩ nhiên cần ưu tiên tốc độ và khả năng điều khiển xe tốt nhất có thể. Nếu nhiêu đó vẫn chưa “thấm” vào đâu, người chơi cũng có thể tham gia trải nghiệm Multiplayer với “thế giới trong tầm tay” hoặc với bạn bè. Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Wreckfest là thời gian chờ tải dữ liệu khá lâu và con số chạy trên màn hình thường không chính xác. Có khi chỉ chạy đến 25% hoặc 75% thì đã xong và nhảy ngay vào vòng đua rất khó đoán. Nhạc trong game chỉ ở mức khoáy động chút không khí chứ không đủ “chất” cho một tựa game “đua xe bạo lực” như Wreckfest. Bù lại, đồ họa của trò chơi rất khá ngay cả trên Xbox One nhiều năm tuổi.

Sau cuối, Wreckfest mang đến một trải nghiệm đua xe độc đáo, tái sử dụng lại rất thành công từ công thức cũ đã làm nên danh tiếng cho các series kinh điển như FlatOut hay Destruction Derby. Cơ chế vật lý “siêu thực” của trò chơi đã tạo nên trải nghiệm đua xe vô cùng hấp dẫn và không kém phần kịch tính mà những tựa game khác không hề có. Nếu yêu thích thể loại này và có một niềm đam mê vô bờ bến với yếu tố “phá hoại xe”, đây chắc chắn là một cái tên không thể thiếu trong “gara game” của bạn.

Wreckfest được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên Steam  Xem thêm bài đánh giá các game khác
Exit mobile version