WRC 8 FIA World Rally Championship là phần chơi mới nhất của series game đua xe địa hình đường trường World Rally Championship có bản quyền chính thức với nhiều cải tiến đáng chú ý so với người tiền nhiệm.
Nếu bạn không biết thì World Rally Championship là một giải vô địch đua xe đường trường thế giới, được Fédération Internationale de l’Automobile (FIA) công nhận là giải đua xe quốc tế đẳng cấp nhất. Kể từ mùa giải đầu tiên diễn ra vào năm 1973, năm nay đánh dấu mùa giải thứ 47 của giải đấu này với 14 chặng đua qua các nước ở châu Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Úc. Lộ trình mỗi chặng hơn 300 km. Ở thời điểm này, các đội đã đua được 2/3 giải đấu và đang chuẩn bị cho chặng đua thứ 11 Rally of Turkey ở thành phố cảng Marmaris, thuộc tỉnh Muğla của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người chơi game đến với giải đấu này hơi muộn khi đến tận bây giờ WRC 8 mới được phát hành. Tuy vậy, trước khi WRC 8 phát hành, đã có DiRT Rally 2.0 “làm mưa làm gió” trong thể loại “đua xe bụi” trong nhiều tháng với gameplay tuyệt vời ở nhiều khía cạnh. Thế nhưng sau sáu tháng phát hành, tựa game nói trên nhanh chóng nhận cơn “mưa đá” từ người chơi do mô hình kinh doanh mang tính hút máu như tăng tốc trên đường đua. Đây có vẻ là thời điểm thiên thời địa lợi nhân hòa cho WRC 8 ra mắt. Liệu trò chơi có tận dụng được cơ hội này để bứt phá vượt lên đối thủ hay không, câu trả lời đang chờ bạn ở cuối bài.
So với WRC 7, phần chơi mới nhất trong series World Rally Championship đã cải tiến gần như mọi khía cạnh, từ chất lượng đồ họa khá ấn tượng và đẹp mắt trên Xbox One X hay thậm chí máy Xbox One già cỗi, cho đến các hiệu ứng ánh sáng và thời tiết đều trông khá thật. Điều khiển xe trên đường đua cũng có cảm giác tốt hơn phần chơi cũ với độ nhạy cao khi đánh lái, mang nhiều cảm giác quen thuộc như Forza Horizon 4 nên khiến tôi rất dễ làm quen. Các hiệu ứng vật lý được xây dựng khá tốt, tạo cảm giác đua khá thật trên những cung đường có địa hình khá đánh đố của các chặng đua.
Tuy nhiên, nếu so với cơ chế vật lý trong DiRT Rally 2.0 thì WRC 8 có vẻ hơi thua kém một chút, nhưng vì định hướng có phần khác biệt giữ hai trò chơi, yếu tố này không gây nhiều vấn đề trong trải nghiệm đua xe mà tựa game này mang đến. Trong khi tựa game đến từ Codemasters hướng đến các tay đua hardcore yêu thích môn thể thao đua xe đường trường, WRC 8 lại có vẻ hướng đến trải nghiệm vui vẻ, mang tính giải trí hơn một chút dù vẫn có một số thiết kế quen thuộc dành người chơi hardcore của thể loại này. Chẳng hạn không có chế độ “tua ngược” khi người chơi mắc sai lầm trên đường đua hay hạn chế số lượt “restart”.
Ở góc độ người chơi, tôi thích trải nghiệm đua xe mà WRC 8 mang đến hơn DiRT Rally 2.0. Nó phù hợp với nhiều đối tượng người chơi hơn và cũng không buộc bạn phải hết sức kiên nhẫn tập luyện với hàng loạt kỹ năng lái xe trước khi đủ khả năng “đọ vô lăng” trên đường đua như tựa game nói trên. Điểm nhấn của WRC 8 là chế độ chơi Career gần như được đại tu về mọi mặt. Không còn những vòng đua phóng xe từ quốc gia này đến quốc gia khác nữa, mà giờ đây có hẳn một danh sách các sự kiện để bạn tham gia và quản lý một số thứ trong đội đua, khá giống Tour de France 2019 mà tôi từng trải nghiệm trước đây.
Các cuộc đua của người chơi cũng gây ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến toàn đội và mối quan hệ với họ. Nếu đua tốt, tinh thần của mọi người sẽ dâng cao và bạn vẫn duy trì được thứ hạng an toàn trên bảng tổng sắp và ngược lại, thi đấu kém sẽ khiến người chơi phải tìm một đội đua khác để đầu quân. Điều thú vị là mỗi sự kiện đều có tác động qua lại giữa các thành viên trong toàn đội, đòi hỏi người chơi phải luân chuyển các tay đua để bảo đảm sức khỏe cho tất cả mọi người tham gia giải đấu dài. Bạn không chỉ quản lý các thành viên mà còn phải chú ý đến kinh phí vận hành, nghiên cứu và phát triển cũng như kỹ năng lái để tìm đến ánh hào quang.
Đó vừa là những yếu tố quan trọng mà bạn cần chú ý trong trải nghiệm WRC 8, mà cũng vừa là điểm nhấn giúp tựa game này khác biệt với đối thủ khác trên thị trường. Mặt khác, ở góc độ gameplay thì trò chơi có hai điểm nhấn mới là độ mòn của lốp xe và thời tiết thay đổi trực quan. Cả hai đều là những tính năng giúp mang đến trải nghiệm tổng thể hấp dẫn hơn trong những cuộc đua. Chẳng hạn thời tiết sẽ khiến tầm nhìn và tốc độ bị giới hạn rất nhiều, trong khi lốp mềm thường mòn nhanh hơn sau mỗi vòng đua, dẫn đến cảm giác đua sẽ khác giữa hai vòng đua vì “con xe” của bạn phản ứng khác nhau với mức độ mòn của lốp.
Trong nhiều trường hợp, lựa chọn giữa lốp mềm và lốp cứng cũng là một yếu tố thử thách người chơi trong WRC 8. Đơn cử như khi trời mưa đường trơn trượt, ma sát kém nên độ bám thấp, nếu bạn chọn sai lốp sẽ thật sự là một thảm họa. Hoặc đang đua đường khô ráo gặp trời mưa, nếu không giảm tốc độ thì khả năng mất lái lao xe xuống vực rất dễ xảy ra và là một thử thách không hề nhỏ với khả năng cầm vô lăng của các tay đua người chơi. Tuy nhiên, nếu sở hữu vô lăng chuyên dùng cho các game đua xe, bạn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều do điều khiển dễ dàng hơn tay cầm, nhất là những vòng đua về sau khi bạn đã đạt được danh tiếng nhất định.
Không biết đây có phải là điểm trừ của dòng game đua xe địa hình đường trường như WRC 8 hay không, nhưng tôi thường có cảm giác gò bó do góc lái bằng cần analog khá hẹp khi đua bằng tay cầm ngay cả với mẫu xe ở vòng junior WRC. Điển hình như những đoạn cua gắt hình chữ U hẹp rất khó để đánh lái “một phát ăn ngay”. Trải nghiệm bằng vô lăng chuyên dùng chơi game đua xe mang đến cảm giác đua khác hẳn. Tất nhiên cũng không loại trừ vấn đề thật sự xuất phát từ trình độ đua “cùi bắp” của tôi hơn là do sử dụng tay cầm hay vô lăng cho trải nghiệm. Dù vậy, đây vẫn là một chi tiết đáng đề cập vì nó cũng có thể khiến trải nghiệm của bạn khác hẳn.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của WRC 8 là giao diện game thiếu trực quan, nhiều lúc rất khó chịu. Đơn cử như khi vào mục R&D, các skill được “xếp lớp” theo những hình ngũ giác nối nhau như chùm nho, nhìn vừa rối vừa khó chọn được skill mong muốn một cách nhanh chóng, rất mất thời gian và khá bất tiện. Nó tạo cảm giác như trò chơi được thiết kế cho tương tác trên PC bằng chuột chứ không phải cho console sử dụng tay cầm. Việc di chuyển giữa các dãy menu trong giao diện chính của trải nghiệm cũng vậy, đòi hỏi phải qua nhiều bước khá lằng nhằng. Chưa kể, các sự kiện trong mục Calendar thể hiện không rõ ràng, gây rắc rối không cần thiết cho người chơi cùng nhiều vấn đề nút xác nhận khác trong trải nghiệm, thật sự rất bực bội.
Bỏ qua vấn đề giao diện, WRC 8 lại được điểm cộng với chế độ chơi khá đa dạng với lượng nội dung đồ sộ và chất lượng, đủ để hài lòng bất kỳ người chơi khó tính nào. Nếu không thích chế độ chơi Career, bạn có thể chọn chế độ chơi Season giống hệt Career ở khía cạnh đua xe nhưng được loại bỏ đi khía cạnh quản lý. Ngoài ra, còn những chế độ chơi quen thuộc khác như Quick Play, Online hay Split Screen cho bạn tha hồ đua cùng bạn bè trong nước hay khắp thế giới. Nếu cần rèn kỹ năng đua, người chơi cũng có thể làm điều đó ở chế độ chơi Test Area. Nếu muốn tìm kiếm thử thách mang cảm giác thực tế, các chặng đua WRC ngoài đời thật trong chế độ chơi Challenges sẽ khiến bạn hài lòng. Trò chơi có mọi thứ cho tất cả tay đua.
Sau cuối, WRC 8 FIA World Rally Championship mang đến một trải nghiệm đua xe đường trường khá ấn tượng với nội dung phong phú, có bản quyền từ FIA cùng chế độ chơi Career hấp dẫn khi kết hợp tuyệt vời yếu tố đua xe và quản lý đội đua một cách nhuần nhuyễn. Khó có thể phủ nhận đây là tựa game WRC chính thức hay nhất ở thời điểm hiện tại khi xét ở khía cạnh trải nghiệm và gameplay. Nếu yêu thích dòng game này, đây là cái tên rất đáng chú ý mà bạn không nên bỏ qua.
WRC 8 FIA World Rally Championship được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác