Site icon TRAINGHIEMSO.VN

Đánh giá game Vampire: The Masquerade – Swansong

Đánh giá Vampire: The Masquerade - Swansong

Vampire: The Masquerade – Swansong là trải nghiệm nhập vai lấy bối cảnh trong vũ trụ World of Darkness từ series game board của tác giả người Mỹ Mark Rein-Hagen. Dành cho bạn nào chưa biết, vũ trụ này xoay quanh các ma cà rồng hay còn gọi là Kindred, tạo thành xã hội đặc trưng đủ trò tung hứng trong các cuộc tranh giành quyền lực với những màn đấu trí kiểu “trò chơi vương quyền” Game of Thrones. Hầu hết cư dân kindred đều tuân theo giao thức sinh tồn Masquerade do phe Camarilla cầm quyền duy trì để che giấu sự hiện hữu của họ với người thường.

Tuy nhiên, theo các tài liệu của chính quyền Camarilla thì người thường được xem là vật nuôi hoặc nô lệ của các kindred và hơn thế nữa. Theo thể chế này thì người đứng đầu chính quyền gọi là Prince và trợ thủ cho “hoàng tử” là hội đồng Primogen. Vampire: The Masquerade – Swansong mở đầu với chính quyền Boston Camarilla bị đặt vào tình trạng phong tỏa khẩn cấp ‘Code Red'. Trải nghiệm game đưa người chơi nhập vai lần lượt ba nhân vật: Emem, Galeb, Leysha. Mỗi kindred có kỹ năng riêng và tham gia các cuộc điều tra độc lập do Prince Hazel Iversen chỉ đạo.

Cụ thể, Emem có khả năng tàng hình xuất quỷ nhập thần ở các khu vực khác nhau để dò la và thu thập thông tin một cách dễ dàng. Galeb thì sở hữu khả năng thao túng tâm trí người khác, còn biệt tài của Leysha là khả năng “thiên lý nhãn” có thể nhìn thấu những yếu tố siêu nhiên được người khác cố tình che giấu. Mỗi nhân vật đều có thể tùy biến các chỉ số khác nhau, giúp họ dễ dàng thuyết phục NPC thông qua các lựa chọn lời thoại. Về cơ bản, giao diện của trò chơi nổi bật với hai thanh Willpower và Hunger rất quan trọng trong trải nghiệm.

Willpower quyết định cách thức mà nhân vật điều khiển tương tác với NPC thông qua cơ chế gameplay. Trong khi đó, thanh Hunger liên quan đến cơn đói của ma ca rồng như bạn có thể đoán ra. Yếu tố này tương tự Vampyr, đòi hỏi người chơi phải uống… tiết canh các vessel vốn là những người còn sống ở những căn phòng an toàn thông qua minigame đơn giản. Hành động này phải thực hiện kín đáo để không gây ngờ vực làm tăng chỉ số tương ứng, có thể phá hỏng phần nào cuộc điều tra của người chơi nếu bạn không có ý định chơi lại nhiều lần.

Kỳ thực, Vampire: The Masquerade – Swansong được thiết kế để mang đến giá trị chơi lại cao thông qua tùy biến các chỉ số của nhân vật trong trải nghiệm. Những chỉ số này góp phần tác động đến cách tương tác và thương thuyết với NPC trong quá trình điều tra của người chơi. Chẳng hạn khả năng thuyết phục, đe dọa, phân tích hay thậm chí hack. Tùy vào tùy biến của người chơi mà nhân vật điều khiển mạnh và yếu về mặt nào. Lời khuyên của tôi là bạn đừng tạo nhân vật “văn võ song toàn”, khiến trải nghiệm game thêm phần khó khăn và kém hào hứng mà thôi.

Đó cũng là “kinh nghiệm xương máu” của người viết trong lần chơi đầu tiên. Chưa kể trò chơi còn có những kỹ năng hỗ trợ, chẳng hạn Focus giúp bạn tạo lợi thế hơn NPC trước những cuộc hội thoại có tính thuyết phục hoặc cưỡng chế. Tuy thiết kế này góp phần không nhỏ giúp mang đến giá trị chơi lại khá cao cho Vampire: The Masquerade – Swansong, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào chỉ số nhân vật cũng như nhiều yếu tố khác. Chính vì thế, bạn đừng lấy làm phiền lòng nếu “đấu trí” Confrontation thua NPC liên tục do còn non kinh nghiệm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Càng trải nghiệm về sau, các chỉ số nhân vật càng quyết định rõ nét hơn trải nghiệm trở nên hào hứng hay nhàm chán. Mặc dù vậy, ngay cả khi trải nghiệm của bạn rơi vào ô “xu cà na”, Vampire: The Masquerade – Swansong vẫn cuốn hút với rất nhiều giai thoại và truyền thuyết hấp dẫn xoay quanh vũ trụ World of Darkness. Vấn đề ở chỗ tôi có cảm giác khâu chuyển ngữ tiếng Anh chưa làm tốt, khiến những câu thoại đôi lúc cảm giác dài dòng không cần thiết. Đây là điểm trừ nhỏ khi trải nghiệm game đặc trưng đòi hỏi bạn phải đọc và hiểu rất nhiều câu chữ.

Điều thú vị là với quan điểm thay đổi giữa ba nhân vật có mối quan tâm và động cơ khác nhau, trải nghiệm Vampire: The Masquerade – Swansong luôn khiến người chơi cảm thấy sức nặng trách nhiệm đè nặng trên vai với những giá trị đạo đức khác nhau. Có nhân vật muốn bảo vệ bạn bè, trong khi nhân vật khác lại muốn trở thành người mẹ tốt. Mỗi quyết định của người chơi cũng vì vậy đôi khi khá mơ hồ về khía cạnh đạo đức và không thỏa mãn. Nói cách khác, bạn khó lòng biết được những quyết định đó có thành công như kỳ vọng không hay ít nhất là như thế.

Hệ quả của cuộc điều tra thường dẫn đến những ngã rẽ khác hại não hơn. Chẳng hạn bạn muốn bán đứng bạn bè cho Prince Iversen hay giúp họ bỏ trốn và sống cuộc đời của một ma cà rồng ngoài vòng pháp luật? Chưa kể, liệu bạn có sẵn sàng trả giá và gánh hậu quả cho những toan tính sai lầm khi đưa ra quyết định không? Sự mơ hồ về đạo đức trong những tình huống như thế góp phần không nhỏ duy trì sự hấp dẫn trong suốt trải nghiệm Vampire: The Masquerade – Swansong. Đó cũng là những yếu tố tạo nên sự cuốn hút của trò chơi ở khía cạnh câu chuyện kể.

Còn ở góc độ người chơi, Vampire: The Masquerade – Swansong tạo cảm giác chưa cân bằng trong xây dựng cơ chế gameplay. Cụ thể là vận dụng chưa hợp lý và đa dạng các chỉ số của nhân vật vào trải nghiệm. Đơn cử chỉ số Education và Deduction khá quan trọng, nhất là từ nửa sau trải nghiệm. Người viết khuyến cáo bạn tập trung vào chỉ số này trong lần chơi đầu tiên để làm nền tảng cho những lần chơi sau đó với nhân vật được tùy biến khác biệt. Ngược lại, những chỉ số như Security và Technology gần như tác động rất ít đến trải nghiệm game.

Vampire: The Masquerade – Swansong cũng xây dựng nhiều câu đố thú vị để đa dạng hóa trải nghiệm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ mang đến cảm giác hấp dẫn ở vài lần giải đố ban đầu và càng trở thành cơn ác mộng đầy ức chế về sau. Một phần của nguyên nhân là do chúng được thiết kế chưa chỉn chu và thiếu rõ ràng nhưng đó không phải vấn đề duy nhất. Ở thời điểm phát hành, trò chơi có rất nhiều lỗi gây tác động tiêu cực đến trải nghiệm. Tính đến thời điểm bài viết, đội ngũ phát triển đã điều chỉnh tương đối ổn nhưng vấn đề về hiệu năng vẫn không mấy cải thiện.

Đây cũng là điểm trừ lớn nhất của Vampire: The Masquerade – Swansong. Hiệu năng game khi trải nghiệm trên Xbox Series X đôi lúc còn tệ hơn “bộ tứ tầm thường” Gotham Knights. Tuy vậy, do đặc trưng lối chơi diễn ra ở nhịp độ chậm cộng với không có các pha hành động, vấn đề hiệu năng ít khi gây ức chế trong trải nghiệm Vampire: The Masquerade – Swansong mà chỉ dừng ở mức “ngứa mắt” nếu bạn là người chơi khó tính. Khó chịu hơn là chuyển động của nhân vật còn cứng, thiếu tự nhiên và đi kèm các vấn đề tôi nghĩ có liên quan đến game engine.

Cụ thể, người viết thường xuyên thấy tình trạng “hô biến” từ hình ảnh này sang hình ảnh khác, nhất là những đoạn hội thoại quay cận cảnh khuôn mặt nhân vật. Biểu cảm trên khuôn mặt các nhân vật rất hạn chế tương tự nguyên bản Life is Strange năm 2015. Đồ họa cũng không phải điểm cộng của trò chơi khi mang tới cái nhìn khá cũ kỹ, trông như tựa game đời đầu của một hay hai thế hệ console trước vậy. Điểm cộng duy nhất ở khía cạnh này là tạo hình các nhân vật nhìn rất cá tính, trong khi khâu lồng tiếng chỉ dừng ở mức tròn vai.

Sau cuối, Vampire: The Masquerade – Swansong mang đến trải nghiệm nhập vai với câu chuyện kể khá thú vị nhưng lại thiếu chỉn chu một số khía cạnh. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là xây dựng câu chuyện kể hấp dẫn về thế giới ma cà rồng, quá trình điều tra và những lựa chọn thấy vậy mà không phải vậy. Trái lại, những vấn đề kỹ thuật góp phần không nhỏ tác động tiêu cực đến trải nghiệm game. Nếu yêu thích ma cà rồng và lối chơi nhập vai thiên về câu chuyện kể đồng thời không quá đặt nặng yếu tố đồ họa, đây là cái tên khá đáng cân nhắc và ngược lại.

Vampire: The Masquerade – Swansong hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số  
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Exit mobile version