Gotham Knights là game phiêu lưu hành động “dựa hơi” người dơi để xây dựng trải nghiệm. Trò chơi lấy bối cảnh Batman hy sinh trước cuộc chiến không cân sức với tổ chức khủng bố sinh học Ra’s al Ghul. Tuy mở đầu gây sốc với fan cứng của người nhện, à nhầm, người dơi như tôi, nhưng người viết hoàn toàn sốc trước trải nghiệm game không hề có hai chữ tuyệt vời. Đã vậy, hàng loạt vấn đề hiệu năng và thiết kế cũ kỹ, vô tình biến sự hy sinh của Batman trở nên vô nghĩa.
Đây là điều khá khó hiểu khi Gotham Knights do đội ngũ Warner Bros. Games Montréal phát triển. Họ cũng là “cha đẻ” của Batman: Arkham Origins từng mang đến cho người viết trải nghiệm hào hứng đầy bất ngờ gần chục năm trước, tính đến thời điểm bài viết. Thế nhưng, cảm giác trải nghiệm Gotham Knights gần như trái ngược hoàn toàn. Từ đồ họa đến cơ chế gameplay đều thiếu điểm nhấn và kém hào hứng, càng không thể sánh với bức tượng đài Batman: Arkham Knight của studio Rocksteady.
Xây dựng thế giới nhạt nhòa là điểm trừ đầu tiên của Gotham Knights. Gotham trong game được kiến thiết dựa trên thành phố New York ngoài đời thật, nhưng gây thất vọng vì thiếu sinh khí và nhàm chán. Bạn hiếm khi gặp ai ngoài đường và nếu có thì những công dân đó cũng vô hồn, không đọng lại chút dấu ấn gì đáng nhớ. Thành phố Gotham cũng không có những tòa nhà điển hình và mang dấu ấn riêng như tuyến nhiệm vụ Landmark trong trải nghiệm Marvel’s Spider-Man Remastered.
Khía cạnh khám phá thành phố chỉ có hai lựa chọn chính là Grapple Gun và Batcycle, nhưng cả hai đều gây ức chế theo cách khác nhau. Grapple Gun giúp nhân vật bay từ tòa nhà này sang tòa nhà khác như người nhện và mang nhiều yếu tố khám phá, nhưng cách thiết kế thiếu tinh tế. Di chuyển bằng Grapple Gun khá phiền nhiễu, do điểm tương tác chỉ hiện lên khi bạn xoay camera vào đúng vị trí đó. Nếu không làm thế thì bạn tự đoán hậu quả bực bội vô cùng là gì rồi đấy.
Không những vậy, cơ chế di chuyển bằng Grapple Gun còn có vấn đề khác. Trong nhiều trường hợp, trò chơi không chấp nhận định hướng của người chơi mà tùy tiện chuyển sang hướng hoàn toàn khác rất ức chế. Trong khi đó, Batcycle chỉ là phương tiện di chuyển như xe máy trong thành phố đúng nghĩa. Bạn không thể làm gì khác với chiếc xe này ngoài mục đích duy nhất của nó là di chuyển. Thế nhưng, chạy xe lại kẹt vào vật thể nhất định cũng gây ức chế chẳng khác gì Grapple Gun.
Về sau, Gotham Knights mở khóa dịch chuyển nhanh thông qua các nhiệm vụ phụ mới, giúp việc di chuyển trong trải nghiệm đỡ bực bội hơn. Người viết cũng khuyến cáo bạn nên tận dụng tính năng này khi có thể để giảm ức chế. Mặc dù vậy, hệ thống nhiệm vụ phụ trong game vẫn khá hào hứng với các vật phẩm thu thập và nhiều hoạt động khác nhằm kéo dài thời lượng chơi. Mỗi thứ đều mang tới phần thưởng thú vị đậm yếu tố fan service cho người chơi trong trải nghiệm game.
Về cơ bản, Gotham Knights là phần chơi độc lập được chấp bút kịch bản mới và không liên quan đến series game Batman Arkham của Rocksteady. Vấn đề ở chỗ nếu không xem bộ truyện tranh về người dơi, bạn khó lòng hiểu những thuật ngữ trong vũ trụ Batman và bối cảnh lịch sử của trải nghiệm. Chẳng hạn cụm từ Lazarus Pit được “phun” ra ở đầu trải nghiệm, hay câu thoại về sự kiện lịch sử mà nhân vật điều khiển Red Hood nói ra nhưng chẳng buồn giải thích sự kiện đó là gì.
Batman không còn nữa, đồng nghĩa phải có người thay anh làm “hiệp sĩ bóng đêm” bảo vệ người dân thành phố Gotham. Đó là “bộ tộc dơi” với bốn nhân vật: Red Hood cao to đỏ đen hôi vừa đề cập ở trên cùng ba nhân vật Nightwing, Robin và “nàng dơi” Batgirl. Điểm cộng lớn nhất của Gotham Knights là dàn nhân vật chính có sự phát triển nhân vật rất tốt. Mỗi nhân vật đều có vai trò quan trọng trong mạch truyện, không nhân vật nào hoàn toàn vượt trội vị hiệp sĩ nào.
Tuy nhiên nếu xét riêng vai trò của mỗi nhân vật trong trải nghiệm, Gotham Knights lại bộc lộ điểm yếu trong xây dựng nhân vật. Dễ thấy nhất là phần lời thoại khô khan và có phần hơi “kịch”, thiếu cái cảm giác gọi là đúng người đúng thời điểm cũng như tính hài hước cần có trong trải nghiệm game. Đành rằng vũ trụ DC thường tăm tối và ít hài hước bằng Marvel, nhưng những yếu tố này khá quan trọng trong trải nghiệm game để tạo sự hào hứng cần thiết cho người chơi.
Sự “nghiêm túc” này còn thể hiện ở những email mà mọi người đùa với nhau. Tôi nghĩ sẽ thú vị 7749 lần nếu nhà phát triển thay nó thành hành động giữa các nhân vật hơn là dùng câu chữ như thế. Chưa kể, những tình tiết để tạo sự phát triển nhân vật chưa đủ thuyết phục về lý do tại sao lại thế. Đơn cử Nightwing là thủ lĩnh của nhóm, nhưng thiếu quyết đoán và thường khiến tôi cảm thấy mệt mỏi đến ức chế với nỗi lo lắng thái quá không thể lý giải về vấn đề tội phạm trong thành phố.
Chiến đấu tưởng chừng là điểm cộng lớn nhất của Gotham Knights nhưng cũng để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều. Về cơ bản, người chơi nhập vai một trong bốn nhân vật điều khiển và thực hiện các nhiệm vụ để tìm hiểu vụ việc xung quanh cái chết của Batman. Bạn sẽ đụng độ những “khuôn mặt đáng thương” như Penguin, Harley Quinn hay Mr. Freeze vào buổi sáng, xen kẽ với các nhiệm vụ phụ theo chuyên đề “phòng chống tội phạm” khi màn đêm buông xuống.
Tuy mỗi nhân vật đều sở hữu hệ thống kỹ năng riêng, nhưng kỳ thực trải nghiệm chiến đấu có phần hao hao nhau. Hầu hết cuộc chiến đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai đòn tấn công mạnh và nhẹ, kết hợp cùng né tránh đúng thời điểm nhưng chiến đấu vẫn kém hào hứng. Cảm giác chiến đấu gần giống trải nghiệm beat’em up như Teenage Mutant Ninja Turtles: Shredder’s Revenge hơn. Đòn tấn công của các nhân vật thiếu uy lực lại chẳng cần có chiến thuật nên không thỏa mãn.
Bên cạnh chiến đấu, Gotham Knights cũng có các phân đoạn hành động lén lút, nhưng chỉ dừng ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”. Hầu hết khả năng lén lút thường xoay quanh yếu tố “cái chết bất ngờ” từ trên cao hoặc “đâm sau lưng chiến sĩ”. Thế nhưng dù hành động lén lút kẻ thù cùng khoảng cách như nhau, thỉnh thoảng người viết bị tình trạng nhân vật thay vì dùng giải pháp hạ gục như thường thấy, lại bỗng dưng sử dụng kỹ năng tấn công tầm xa vốn có cùng nút bấm.
Tôi không rõ đây là vấn đề của trò chơi hay do bản thân bất cẩn, nhưng hậu quả của nó khá phiền phức khi gây báo động đến tất cả kẻ thù trong khu vực đó. Thông qua chiến đấu với kẻ thù, người chơi thu thập được Clue dùng để mở khóa hệ thống nhiệm vụ phụ mới, mang đến cho bạn nhiều điểm kinh nghiệm và tài nguyên hơn. Thế nhưng, điều ức chế là nhiều hệ thống gameplay lại không được giải thích hoặc giấu rải rác đâu đó trong các menu con chiếm số lượng đồ sộ.
Không những vậy, các hệ thống chế tác, cây kỹ năng, cấp độ sức mạnh và không ít cơ chế gameplay khác cũng để lại cho tôi nhiều cảm giác trái chiều vì gây khó hiểu. Đơn cử hệ thống trang bị dường như chỉ để trang trí khi chiến đấu hơn là có khác biệt giữa các cấp độ khác nhau. Hầu hết trải nghiệm chiến đấu chỉ xoay quanh bấm nút tấn công đúng kiểu tay nhanh hơn não, đến khi bạn hoặc kẻ thù bị hạ gục trừ những kẻ thù đặc biệt. Phần lớn trường hợp thuộc về vế sau hơn.
Điểm cộng sáng nhất của Gotham Knights là trải nghiệm co-op tạo nên yếu tố hành động mãn nhãn hơn. Hai người chơi có thể phối hợp đòn tấn công trong chiến đấu cho kẻ thù ra bã như một số game beat’em up, nhìn rất hào hứng. Tuy nhiên, khá đáng tiếc khi trò chơi chỉ cho phép co-op 2 người trong khi có tới 4 nhân vật điều khiển, nhưng cũng không hỗ trợ chơi co-op cùng AI. Đã vậy, nhà phát triển cũng có vài thiết kế khó hiểu làm giảm bớt giá trị chơi lại của game.
Một trong số đó là không cho phép bạn chơi lại những nhiệm vụ đã hoàn thành. Trò chơi cũng không hỗ trợ cross-play và chia màn hình khi chơi co-op. Bù lại, Gotham Knights có NG+ cho phép bạn giữ lại trang bị và kỹ năng của nhân vật. Chế độ này có vài thay đổi thú vị giúp tăng thêm giá trị chơi lại cho game. Kẻ thù không những “bựa” hơn mà cấp độ tối đa cũng được tăng lên 40 thay cho con số 30. Phần lời thoại cũng có thay đổi tùy theo ngữ cảnh câu chuyện kể và nhân vật điều khiển.
Đáng chú ý, Gotham Knights có hiệu năng không ấn tượng dù đã hủy kế hoạch ra mắt trên các nền tảng cũ có phần cứng yếu hơn. Không những vậy, trò chơi từng bị dời ngày phát hành tận một năm nhưng chất lượng game không tốt ở nhiều khía cạnh, đã vậy còn không tận dụng được sức mạnh phần cứng mới của các hệ console mới. Thậm chí nếu bạn vẫn cố “chịu đấm ăn xôi” vì tò mò số phận của Batman, người viết chỉ có thể nói rằng có những chuyện thà không biết sẽ tốt hơn.
Sau cuối, Gotham Knights mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động thế giới mở để lại cảm nhận khá trái chiều. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cốt truyện thú vị và dàn nhân vật chính có sự phát triển tâm lý tương đối tốt. Thế nhưng ngoài điểm cộng nói trên, phần lớn khía cạnh còn lại chỉ dừng ở mức gây sốc trong lựa chọn thiết kế theo nghĩa xấu. Đó là chưa kể cách xây dựng trải nghiệm còn non tay, nếu không nói chưa tận dụng được di sản đồ sộ của vũ trụ người dơi và kế thừa thành quả của những game Batman kinh điển. Tiếc thay!
Gotham Knights hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!