The Legend of Heroes: Trails through Daybreak là sự bắt đầu cho một chương mới của series game The Legend of Heroes vốn đã kéo dài hơn 35 năm, tính đến thời điểm bài viết. Lần này là chương về Calvard, sau cái kết thỏa mãn cho chương Crossbell và Erebonia trong trải nghiệm The Legend of Heroes: Trails into Reverie trước đó. Trên thực tế, phần chơi này chỉ là khởi điểm cho nửa sau trong biên niên sử của dòng game này.
Nếu tính luôn hai bản Dragon Slayer khởi đầu cho series game này và các bản spin-off, người chơi mới có lẽ gặp không ít khó khăn khi muốn tiếp cận trải nghiệm nhập vai của The Legend of Heroes. Đó là vì những phần chơi có mối gắn kết với nhau theo cách này hay cách khác. Một lý do không thể không đề cập tới là số lượng gần 20 tựa game được phát hành trong hơn 35 năm qua, với thời lượng chơi dài khủng khiếp cũng là nỗi ám ảnh của không ít người.
Với Legend of Heroes: Trails through Daybreak, đây là cơ hội để những người chơi mới có thể trải nghiệm game mới cách trọn vẹn. Trò chơi xây dựng bối cảnh mới và tham chiếu rất hạn chế về các phần chơi cũ. Dàn nhân vật chính cũng được xây dựng mới hoàn toàn cộng với câu chuyện kể và các khu vực khám phá hoàn toàn mới, giúp trò chơi dễ dàng tiếp cận không chỉ với người chơi mới mà cả những người chơi lâu năm của series game đã hơn nửa đời người này.
Bối cảnh của Legend of Heroes: Trails through Daybreak diễn ra tại Republic of Calvard, một địa điểm mà có thể bạn từng nghe nhắc đến trong các bản Trails trước đó, chỉ là chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt cho đến phần chơi này. Tương tự, trò chơi cũng có tham chiếu thú vị về một loại thuốc từng được sử dụng ở Crossbell trong trải nghiệm Trails from Zero và Trails to Azure. Những tham chiếu này chỉ được nhắc nhẹ kiểu vậy thôi.
Trải nghiệm Legend of Heroes: Trails through Daybreak là câu chuyện kể về những cuộc phiêu lưu của một spriggan có tên Van Arkride. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất thì spriggan giống như thám tử tư, chuyên nhận các yêu cầu đặc biệt mà khách hàng không muốn nhờ cậy đến lực lượng thực thi pháp luật vì lý do cá nhân. Đôi khi đó còn là những yêu cầu từ các tổ chức ngầm, chẳng hạn như ủy nhiệm đàm phán với đối tác trung gian hoặc săn tiền thưởng.
Trò chơi mở đầu với yêu cầu khó lường từ cô nữ sinh trung học Agnès Claudel và từ đó dẫn đến vô số những vấn đề phát sinh từ nhiệm vụ ban đầu này, mở ra những toan tính khủng khiếp hơn. Cũng phải nhắc nhở bạn rằng cốt truyện trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak khá tăm tối dù bối cảnh của trò chơi không nhất thiết sử dụng tông màu tối để thể hiện điều này. Dàn nhân vật cũng ít hơn chứ không nặng sắc màu harem như Trails of Cold Steel.
Ở góc độ người đã từng chơi khá nhiều tựa game Legend of Heroes, không khó để nhận thấy dàn nhân vật trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak được xây dựng khía cạnh phát triển tốt hơn. Mỗi nhân vật đều có đất diễn riêng cộng với tính cách đáng yêu. Sự gắn bó chặt chẽ giữa họ tạo nên những khoảnh khắc hài hước, rất đời thường nên cũng rất quen thuộc. Đơn cử Grimcat tự gọi mình là Phantom Thief gợi nhớ đến một nhân vật nữ trong Persona 5.
Cũng mái tóc vàng với bộ trang phục bó sát gợi cảm, có lẽ bạn cũng đoán ra tôi đang đề cập đến Ann Takamaki. Tiếng cười mà Grimcat mang đến không chỉ ở những tình huống mà nhân vật này tự đẩy bản thân rơi vào vì những lời dối trắng trợn nhưng vô cùng sai lầm, đến mức dễ bị lật tẩy. Tôi có cảm giác những tựa game gần đây của nhà phát triển Nihon Falcom đang có xu hướng fan service hóa và The Legend of Heroes: Trails through Daybreak cũng không ngoại lệ.
Mặt khác, một số cơ chế gameplay của trò chơi cũng mang cảm giác quen thuộc từ series Persona. Chẳng hạn hệ thống chỉ số xã hội của Van được xây dựng xoay quanh ba yếu tố Law, Gray, Chaos. Thông qua hoàn thành nhiệm vụ chính lẫn phụ, các chỉ số này sẽ thay đổi tương ứng với lựa chọn của bạn trong trải nghiệm game. Thậm chí, chúng góp phần mở rộng trải nghiệm của người chơi khi dẫn đến khả năng hợp tác với một số phe phái nhất định.
Điều thú vị là sự hợp tác nói trên tuy không làm thay đổi câu chuyện kể, nhưng những quyết định của Van có thể giúp trải nghiệm chiến đấu trở nên dễ thở hơn nhờ sự hỗ trợ của các phe phái này. Đáng chú ý, Legend of Heroes: Trails through Daybreak còn cho phép bạn đưa ra một số lựa chọn đạo đức trong việc quyết định hệ quả của những nhiệm vụ phụ, mang đến cho người chơi cảm giác nhập vai nhân vật hơn và không chỉ dừng ở đó.
Những nhiệm vụ phụ này góp phần không nhỏ giúp người chơi hiểu thêm về thế giới và những con người của trải nghiệm game. Đơn cử một nhiệm vụ yêu cầu bạn điều tra nhân viên thu ngân ăn cắp tiền của công ty, hóa ra người này lại là nạn nhân của một kẻ lừa đảo. Bạn có thể chọn con đường Law là yêu cầu trả lại tiền và thú nhận tội lỗi, chấp nhận mọi hậu quả kể cả bị đuổi việc hoặc theo giải pháp Gray là bí mật trả lại tiền và im lặng.
Nhiệm vụ phụ không chỉ cung cấp lore mà còn góp phần tạo nên tính cách của Van. Thông qua thực hiện chúng, người chơi cũng có thể biết được nhiều thông tin thú vị về các địa điểm trong thế giới game. Đơn cử một nhiệm vụ phụ yêu cầu người chơi diệt quái vật trên một địa điểm du lịch. Trong quá trình thực hiện, bạn sẽ được kể về những truyền thuyết đô thị ở nơi này xen lẫn với những trận chiến mà người chơi bắt buộc phải đối mặt.
Thay đổi lớn nhất trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak là hệ thống chiến đấu. Đó là sự kết hợp giữa lối chiến đấu hành động chặt chém theo thời gian thật tương tự series Ys và theo lượt như truyền thống của dòng Trails từ trước đến nay. Lựa chọn giữa chiến đấu theo thời gian thật hay theo lượt là một phần của chiến lược trong trải nghiệm chiến đấu với những ưu và khuyết điểm riêng, thay vì theo sở thích của người chơi.
Bạn có thể tiếp cận kẻ thù và tấn công chúng theo thời gian thật với khả năng chuyển đổi giữa một trong bốn nhân vật của party như Ys IX hoặc Ys VIII. Khi khiến kẻ thù bị ‘stun’ choáng, bạn có thể chuyển sang cơ chế chiến đấu theo lượt với những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, các cơ chế chiến đấu theo thời gian thật được thiết kế khá đơn điệu, mang cảm giác trợ chiến thay vì một hệ thống chiến đấu hoàn chỉnh như giải pháp chiến đấu theo lượt.
Điều này thể hiện rõ ở những trận boss chiến luôn tự động diễn ra theo lượt. Màn hình chờ tải dữ liệu cũng biến mất và cuộc chiến diễn ra ngay lập tức sau khoảnh khắc chuyển cảnh rất ngắn, mang đến trải nghiệm chiến đấu và khám phá rất liền mạch. Chiến trường cũng diễn ra ngay không gian khám phá thay vì được phát sinh mới như những phần chơi trước. Vấn đề chờ tải dữ liệu cũng hạn chế trong trải nghiệm khám phá, trừ khi chuyển bản đồ.
Một thay đổi khiến tôi cảm thấy trải nghiệm chiến đấu trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak linh hoạt hơn các phần chơi trước là khả năng di chuyển tự do trong phạm vi nhất định. Tương tự Like a Dragon: Infinite Wealth, vị trí đứng cũng giữ vai trò không nhỏ trong chiến lược tấn công của người chơi, cho phép nhà phát triển bổ sung nhiều ý tưởng “cũ người mới ta” vốn không mấy xa lạ trong thể loại nhập vai chiến thuật theo lượt truyền thống.
Chẳng hạn có kỹ năng S-Craft sẽ gây sát thương khác nhau tùy vào vị trí tấn công của nhân vật điều khiển và kẻ thù. Bên cạnh đó, hệ thống trang bị và gắn ngọc cũng cho phép khả năng tùy biến rất linh hoạt, tùy vào mong muốn “tui tự làm” hay “làm hộ tui” của người chơi. Cá nhân tôi đánh giá cao tính năng auto-equip để tối ưu thời gian chơi, thay vì loay hoay thử tới thử lui tìm trang bị tốt nhất cho một hay nhiều nhân vật điều khiển.
Thậm chí dù đã trải nghiệm nhiều phần chơi trong series Legend of Heroes, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác hệ thống Orbment của series này phức tạp đến nhức đầu ở khía cạnh tùy chỉnh. Legend of Heroes: Trails through Daybreak thậm chí còn phức tạp hơn thế. Trò chơi giới thiệu hệ thống Shard Skill giống như cơ chế buff thụ động, chịu ảnh hưởng bởi các tùy chỉnh gắn ngọc khác nhau, đòi hỏi rất nhiều thời gian thử nghiệm.
Làm chủ được hệ thống trang bị của trò chơi đóng vai trò không hề nhỏ trong khả năng thắng thua khi chiến đấu, nhất là các trận đánh boss. Hoặc bạn có thể chọn một giải pháp trải nghiệm nhẹ nhàng hơn là giảm thiết lập độ khó xuống để thưởng thức câu chuyện kể. Ngược lại, người chơi hardcore cũng có thể tăng độ khó cao hơn mặc định nếu tự tin với khả năng lập chiến lược của bản thân. Cảm giác vô cùng thỏa mãn dù mọi sai lầm đều trả giá rất đắt.
Thế nhưng, có cảm giác nhà phát triển Nihon Falcom tập trung quá nhiều vào hệ thống chiến đấu mà bỏ quên những hoạt động phụ thú vị có trong các phần chơi cũ. Chẳng hạn các minigame để người chơi giải trí vui vẻ đã bị loại bỏ hoặc thiết kế rất hạn chế trong trải nghiệm Legend of Heroes: Trails through Daybreak. Đơn cử nấu ăn giờ đây chỉ cho phép nhân vật trổ tài với một số món “tủ” nhất định, thay vì người này nấu món này ngon món kia dở.
Khía cạnh đồ họa trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak thì có sự cải thiện thấy rõ so với các phần chơi trước, ít nhất là trên phiên bản Switch mà tôi trải nghiệm. Đây cũng là phần chơi đầu tiên trong series này chuyển sang sử dụng game engine mới của nhà phát triển Nihon Falcom, mang cảm giác được tối ưu tốt hơn cho phần cứng của Nintendo với hiệu năng rất tốt. Có điều giao diện chưa được tối ưu cho màn hình của máy Switch.
Khi trải nghiệm Legend of Heroes: Trails through Daybreak ở chế độ handheld, chữ trên giao diện game vô cùng nhỏ đến mức tôi hầu như không thể đọc được. Đó là chưa kể một số phân đoạn các nhân vật trò chuyện bên lề, thay vì hiển thị phụ đề ở khung thoại thì xuất hiện ở góc trái màn hình với cỡ chữ rất nhỏ. Không những vậy, trò chơi còn có thoại của NPC tương tác không được phụ đề. Trải nghiệm với phần lồng tiếng Nhật là tôi không hiểu họ nói gì.
Chất lượng lồng tiếng Anh lẫn Nhật đều rất tốt, không có gì để phàn nàn ngoài việc trong nhiều trường hợp, nhân vật đang vừa phụ đề vừa đọc thoại đột nhiên im bặt chỉ còn phụ đề, dễ để lại cảm giác hụt hẫng. Nhạc nền vẫn tiếp tục là điểm cộng của Legend of Heroes: Trails through Daybreak tương tự các phần chơi trước. Tuy nhiên, chẳng rõ có phải chủ ý của nhà phát triển không mà bài nhạc mở đầu nghe có vẻ “sáng” chứ không tăm tối như câu chuyện kể của trò chơi.
Sau cuối, The Legend of Heroes: Trails through Daybreak mang đến một trải nghiệm nhập vai đầy thú vị, không chỉ với người chơi mới mà cả những người chơi lâu năm của series game này. Dàn nhân vật cá tính, bối cảnh và câu chuyện kể hấp dẫn hoàn toàn mới, cộng với hệ thống chiến đấu có nhiều cải tiến thú vị. Tuy vẫn còn vài điểm trừ nhưng khó có thể phủ nhận đây là một sự khởi đầu đầy mới mẻ và hào hứng cho dòng game “cây đa cây đề” này.
The Legend of Heroes: Trails through Daybreak hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!