The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition là trải nghiệm nhập vai chiến thuật đầy hài hước, lấy bối cảnh vũ trụ Dungeon of Naheulbeuk của tác giả John Lang. Dành cho bạn nào không biết, “vũ trụ” này khởi nguồn từ series kịch nói vốn được nhà văn người Pháp vừa đề cập xây dựng như trò chơi nhập vai, với những câu chuyện anh hùng giả tưởng buồn cười đến… chảy nước mắt. Không rõ cơ duyên thế nào, chỉ biết nó được nhà phát triển Artefacts Studio chuyển thể thành trải nghiệm game một cách diệu kỳ.
Gọi là diệu kỳ cũng không hẳn chính xác, nhưng người viết cảm thấy nó hợp lý khi bạn biết rằng yếu tố hài hước được đội ngũ phát triển triển khai khiến bạn luôn bật cười khi trải nghiệm game. Đơn cử ngay từ cái tựa The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition cũng cạnh tranh với độ dài từng khiến tôi nghĩ là “khủng khiếp” của Dragon Quest XI S: Echoes of an Elusive Age – Definitive Edition. Thậm chí đến cả cách gọi nhau giữa các nhân vật cũng khiến người viết lúc đầu khó tránh khỏi cười như điên.
Cụ thể, thay vì gọi tên nhau trìu mến như thường thấy trong các game nhập vai, mọi người trong The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition lại gọi nhau bằng lớp nhân vật của nhau. Đọc lên rất buồn cười khi người viết liên tưởng đến những từ Việt hóa theo đúng nghĩa đen của các lớp nhân vật này. Nó giống như cách gọi ‘body shaming’ hay ‘nickname’ mà người viết trước đây hay dùng gọi bạn bè một cách “muôn vàn yêu thương” và đã bỏ, chẳng hạn nhân vật Dwarf là “thằng lùn” hay Ogre là “ông chằn”.
Trải nghiệm The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition đưa người chơi đến với đội hình các nhà thám hiểm với cách gọi tên như thế. Mỗi lớp nhân vật đều có cây kỹ năng riêng như thường thấy trong các game nhập vai, cho phép người chơi mở khóa kỹ năng mỗi khi nhân vật thăng cấp. Cây kỹ năng được chia thành hai loại kỹ năng hỗ trợ và tấn công. Điều hài hước của hệ thống này là các kỹ năng hỗ trợ đôi khi liên quan đến mức độ “hoa hậu không thân thiện” giữa các nhân vật, chẳng hạn trường hợp Dwarf và Elf.
Người lùn vốn không ưa Yêu tinh nên nếu được Dwarf được Elf đứng gần hỗ trợ tấn công sẽ cảm thấy khó chịu và hệ quả là tấn công “cộc” hơn. Mỗi lớp nhân vật đều có ưu và khuyết điểm riêng thông qua hệ thống kỹ năng, đòi hỏi người chơi phải có chiến thuật nhất định để cày cấp cho nhân vật quan trọng và lập party phù hợp với lối tấn công riêng. Do có quá nhiều câu chuyện “hoa hậu không thân thiện” tương tự như vừa đề cập nên việc người chơi chọn thăng cấp cho nhân vật nào ảnh hưởng khá lớn đến khả năng chiến đấu của party.
Chưa kể, nhân vật được người chơi thiết lập làm “trưởng nhóm” cũng đóng vai trò quan trọng với kỹ năng cá nhân của lớp nhân vật đó. Đơn cử khi Thief làm leader có thể phát hiện bẫy ẩn và vô hiệu hóa chúng, giúp người chơi bảo toàn sức khỏe của toàn đội trước khi lâm trận. Trong khi đó, cơ chế chiến đấu trong The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition không có nhiều khác biệt so với các game nhập vai sở hữu hệ thống chiến đấu theo lượt tương tự như Disgaea 6: Defiance of Destiny hay Tactics Ogre: Reborn.
Người chơi cũng di chuyển trên bản đồ chia ô rồi tấn công hoặc ngược lại, miễn sao giành được chiến thắng trong trận đánh. Với hệ thống kỹ năng riêng, các nhân vật không chỉ ra đòn tấn công thông thường mà còn có thể sử dụng tuyệt kỹ có thời gian cooldown và nhiều cơ chế quen thuộc khác mà người viết không đề cập đến. Trải nghiệm The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition thậm chí hào hứng hơn nhờ vào hình tượng nhân vật dễ thương và đa dạng tính cách, luôn mang đến tiếng cười cho người viết.
Đáng chú ý, The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition cho phép tùy biến trang bị của nhân vật khá tự do trong chiến đấu. Thế nhưng, đây cũng là vấn đề lớn nhất của trò chơi khi trải nghiệm trên các hệ console, nhất là hệ máy của Nintendo. Hệ thống menu của game được thiết kế dành cho PC dùng chuột nên rất khó thao tác bằng tay cầm. Đã vậy, cỡ chữ trên giao diện game cũng rất nhỏ và gần như không thể đọc được khi trải nghiệm trên Nintendo Switch Lite hay máy Switch ở chế độ handheld.
Không biết có phải để bù đắp cho vấn đề trải nghiệm tay cầm nói trên hay không mà “phiên bản gà” Chicken Edition của The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos được kèm theo DLC tính phí Ruins Of Limis trên nền tảng PC. DLC này mở rộng trải nghiệm game với cuộc chiến giữa Vampire và Necromancer cộng với môi trường màn chơi mới. Thời lượng của DLC này cũng không hề ngắn khi chiếm đâu đó trên dưới 5 tiếng, có thêm một nhân vật điều khiển mới và rất nhiều trận boss chiến để người chơi đọ xem tay ai to hơn.
Phong cách đồ họa của The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition rất dễ thương với mức độ chi tiết cao ngay cả trên hệ máy của Nintendo. Nhân vật có sự khác biệt rõ nét từ tạo hình cho đến lồng tiếng với mức độ “chăm chút” khá tốt, góp phần không nhỏ mang đến rất nhiều tiếng cười cho người chơi không chỉ thông qua lời thoại mà cả khía cạnh nghe nhìn. Dù vậy, điều này cũng có thể trở thành điểm trừ đối với một số người chơi khó tính do tần suất chọc cười diễn ra khá dày trong suốt thời lượng chơi.
Sau cuối, The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition mang đến một trải nghiệm nhập vai chiến thuật tươi vui và không kém phần ngớ ngẩn. Tuy định hướng thiết kế này là điểm cộng lớn nhất của trò chơi, nhưng đồng thời có thể khiến những người chơi quá nghiêm túc cảm thấy khó chịu với tần suất “trò hề” giữa các nhân vật diễn ra quá thường xuyên. Nếu bạn không thuộc mẫu người chơi chống chỉ định vừa đề cập, chắc chắn đây là cái tên đáng chú ý chho thư viện game.
The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos – Chicken Edition hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!