Taito Milestones là bộ sưu tầm gồm 10 game đa dạng các thể loại khác nhau, đánh dấu những cột mốc từ thời vàng son của dòng game arcade trong một phần nhỏ di sản của nhà phát triển Taito. Tuy nhiên, những tựa game trong bộ sưu tầm này để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều vì chữ ‘milestone’ mà nhà phát triển muốn hướng đến. Ở góc độ người chơi, chúng chỉ là những cái tên kinh điển xếp theo năm phát hành hơn là đại diện cho cột mốc nào đó trong số lượng game cực lớn của nhà phát triển “cây đa cây đề” này.
Sang xịn mịn nhất trong bộ sưu tầm Taito Milestones là The Ninja Warriors, tựa game beat ’em up kéo màn hình (side-scrolling) do Taito phát triển và phát hành vào năm 1987 trên nền tảng arcade. Tuy có nhiều nét tương đồng về cơ chế gameplay và cùng tên, nhưng phiên bản này hoàn toàn khác bản năm 1994 cho Natsume phát triển cho Super NES và từng được remaster với tựa mới The Ninja Saviors: Return of the Warriors. Khác biệt lớn nhất giữa hai phiên bản này là độ khó khiến người viết tức trào máu họng ngay sau màn chơi đầu tiên.
Đây kỳ thực là ý đồ thiết kế của những game arcade từ thập niên 80 như The Ninja Warriors, mục đích để “bào tiền” người chơi thông qua việc nạp các đồng xu hay còn gọi là xèng tùy địa phương. Trò chơi được thiết kế khá đơn giản, chỉ có duy nhất một nhân vật điều khiển di chuyển theo phương ngang, chiến đấu với các kẻ thù sử dụng kunai cận chiến và shuriken tầm xa. Tương tự, Halley’s Comet phát hành vào năm 1986 cũng có độ khó dã man con ngang với cuộc chiến bảo vệ trái đất thông qua lối chơi shoot ’em up màn hình dọc.
Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ thay Halley’s Comet bằng The New Zealand Story thì hợp lý hơn, nhất là ở khía cạnh cột mốc và giá trị của bộ sưu tầm. Rastan cũng là một lựa chọn thay thế tốt hơn rất nhiều, đặc biệt khi Taito Milestones đã có Space Seeker được phát hành năm 1981 với lối chơi shoot ’em up đa dạng và hào hứng hơn hẳn. Số còn lại, đáng chú ý chỉ có Front Line và Elevator Action gắn liền với tuổi thơ của không ít người chơi “thế hệ già”. Nhìn hình chắc bạn cũng dễ dàng nhận ra cái tên vô cùng kinh điển này.
Hai game Chack’n Pop và The Fairyland Story lần lượt phát hành vào năm 1983 và 1986, sở hữu lối chơi hao hao game arcade Bubble Bobble kinh điển nhưng không dễ thương bằng. Đáng tiếc là Taito Milestones không có game Bubble Bobble nào, dù là nguyên bản năm 1986 hay bản Rainbow Islands: The Story of Bubble Bobble 2 phát hành năm 1987. Trải nghiệm Chack’n Pop đưa người chơi di chuyển trong mê cung, thu thập các vật phẩm hình trái tim và chạy đến cửa thoát. Bạn có thể quăng bom để hạ kẻ thù nhưng cẩn thận gậy ông đập lưng ông.
Thử thách lớn nhất trong trải nghiệm Chack’n Pop là nhân vật chính bị dính vào mặt phẳng trên hoặc dưới tùy vào điều khiển của người chơi. Thiết kế đơn giản này khiến trải nghiệm trở nên khá hấp dẫn. Đó cũng là trở ngại mà bạn phải giải quyết khi di chuyển trong không gian màn chơi, thu thập trái tim và tìm đến cửa thoát. The Fairyland Story cũng không nhiều khác biệt, người chơi điều khiển cô phù thủy dùng gậy phép biến kẻ thù thành bánh cupcake, sau đó tùy nghi xử lý chúng đến khi hoàn thành màn chơi.
Những tựa game còn lại đại diện cho Taito Milestones trong năm 1981 và 1982 đều không để lại nhiều ấn tượng cho người viết. Một trong số đó là QIX vô cùng kinh điển từng được tái phát hành rất nhiều lần trên vô số hệ máy tự cổ chí kim. Mặc dù sở hữu cơ chế gameplay hấp dẫn, nhưng khía cạnh nghe nhìn của trò chơi đều khiến người viết không tránh khỏi đau mắt và đau tai. Đại diện cho năm 1982 ngoài Front Line còn Apline Ski và Wild Western đều sở hữu lối chơi đơn giản, nhưng khá thử thách do thiết kế đặc trưng.
Apline Ski như phiên bản lite của Grand Mountain Adventure: Wonderlands mà tôi mới trải nghiệm gần đây. Người chơi điều khiển nhân vật trượt tuyết, vượt qua các chướng ngại vật khác nhau với bộ đếm giờ đáng ghét. Mỗi lần bạn để nhân vật va chạm thì bị trừ 10 giây, khiến trải nghiệm chẳng khác nào chạy đua thời gian. Wild Western và Front Line có nhiều nét tương đồng về lối chơi, nhưng Front Line hấp dẫn và mang đến cảm giác trải nghiệm thỏa mãn hơn nhờ vòng lặp gameplay hào hứng dù không kém phần thử thách.
Ở góc độ người chơi, Taito Milestones mang cảm giác thượng vàng hạ cám lẫn lộn. Nó thiếu dấu ấn riêng đã đành, mà cũng không phải những tựa game đại diện cho cột mốt nhất định trong di sản của nhà phát triển Taito. Phần lớn game trong bộ sưu tầm này có thể mua riêng nếu bạn chỉ quan tâm một cái tên nào đó. Không những thế, nó còn thiếu những thứ “cơm thêm” như tài liệu và gallery liên quan v.v… Chỉ có game chạy phần mềm giả lập Arcade Archives của nhà phát triển Hamster và sách hướng dẫn “tự chế”.
Dành cho bạn nào không biết, các game kinh điển trong series Arcade Archives được phát hành trên nhiều nền tảng chỉ dừng ở mức cơ bản. Tính năng đáng chú ý nhất của phần mềm giả lập này là bảng xếp hạng trực tuyến và khả năng tùy biến độ khó vốn là tính năng có sẵn của bất kỳ game arcade nào. Thậm chí, phần mềm giả lập trong Taito Milestones còn ít tính năng hơn bản phát hành độc lập của các trò chơi trong bộ sưu tầm này. Đã vậy, nó cũng chẳng có tính năng ‘rewind’ quen thuộc như Capcom Arcade Stadium.
Tương tự Space Invaders Invincible Collection, mức giá cũng là điểm trừ không hề nhỏ của Taito Milestones. Tuy chất lượng phần mềm giả lập tốt và không có gì đáng phàn nàn, nhưng thiếu những thứ ‘extra’ để làm vui lòng những người chơi móc hầu bao. Người viết muốn thấy những hình ảnh quảng bá sản phẩm của ngày xưa. Đặc biệt là hình chụp các cỗ máy arcade kinh điển cũng như sách hướng dẫn và tài liệu liên quan theo đúng nghĩa bộ sưu tầm. Đơn cử SNK 40th Anniversary Collection đã làm chuẩn đến mức không cần chỉnh.
Một vấn đề mà tôi cũng không thể không đề cập là số lượng game trong bộ sưu tầm này khá ít, nếu so với những bộ sưu tầm tương tự từng phát hành trước đây thì hoàn toàn kém xa. Chẳng hạn hai bộ sưu tầm Taito Legends và Taito Legends 2 lần lượt ra mắt năm 2005 và 2006 từ thời PlayStation 2. Nói đâu xa, chỉ riêng bộ sưu tầm Taito Legends Power-Up cho PlayStation Portable một thời kỷ niệm năm 2006 cũng đủ khiến Taito Milestones đại bại, không chỉ về chất lượng mà cả số lượng đầu game chứ không cần bàn tới mức giá.
Sau cuối, Taito Milestones mang đến một trải nghiệm 10-trong-1 vô cùng kinh điển, nhưng để lại cảm giác trái chiều vì danh sách đầu game thượng vàng hạ cám lẫn lộn và thiếu những thứ tạo nên bộ sưu tầm đúng nghĩa. Nếu thuộc nhóm người chơi phát cuồng vì game retro mà cụ thể là của nhà phát triển “tay to” Taito, bạn biết phải làm gì rồi đấy.
Taito Milestones hiện chỉ có cho Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!