Wonder Boy Collection là bộ sưu tầm gồm 4 game kinh điển Wonder Boy, Wonder Boy in Monster Land, Wonder Boy in Monster World và Monster World IV. Trong đó, 2 game đầu từ nền tảng arcade và 2 game cuối trên console, cụ thể là nền tảng Sega Genesis (Mega Drive) 16 bit ngày xưa. Đáng chú ý, số đầu game ít ỏi này chỉ là bản digital mà người viết được trải nghiệm. Bản box Collector’s Edition còn có thêm nguyên bản Wonder Boy III: Monster Lair và Wonder Boy III: The Dragon’s Trap, nhưng 2 game này không thuộc phạm vi bài viết nên tôi chỉ đề cập ngắn gọn.
Series Wonder Boy trên Sega Genesis có lẽ không được nhiều người chơi trong nước biết đến vì sự thống trị của Super NES vào thập niên 90. Không những vậy, dòng game này đặt tên không thống nhất giữa các phần chơi càng làm khó cho người chơi mới. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận Wonder Boy là một trong những dòng game đi cảnh kéo màn hình (side-scrolling) hay nhất mà người viết từng chơi lúc còn nhỏ. Trải nghiệm game là những cuộc phiêu lưu tràn ngập màu sắc với tạo hình đáng yêu và vui nhộn, từ kẻ thù thông thường lẫn nhân vật chính cho đến boss.
Đặc biệt, phần giả lập những tựa game trong Wonder Boy Collection đều được xây dựng rất tốt, tái hiện hoàn hảo trải nghiệm kinh điển từ các game nguyên bản đúng như những gì người viết còn nhớ. Chưa kể, mỗi tựa game đều có phần trình bày khác biệt trên menu chính, cho thấy sự chăm chút kỹ lưỡng của nhà phát triển. Không những vậy, phần chơi nào cũng mang đến trải nghiệm khác biệt không chỉ ở cơ chế gameplay mà cả thiết kế màn chơi. Đi kèm với đó là khả năng save game bất kỳ lúc nào, cùng tính năng giúp người chơi gian lận bằng cách “tua ngược” game khi gặp nạn.
Nếu từng chơi “hái chuối” Adventure Island trên máy NES, bạn dễ dàng nhận ra nhiều nét tương đồng với Wonder Boy. Dành cho bạn nào không biết, tựa game vừa đề cập chính là bản chuyển nền lên NES của Wonder Boy do Hudson Soft thực hiện. Do vướng vấn đề bản quyền, trò chơi phải đổi tên thành Adventure Island dù vẫn giữ nguyên kết cấu màn chơi và cơ chế gameplay. Trong cả 2 game, người chơi điều khiển nhân vật Tom-Tom đứng trên ván trượt di chuyển không ngừng, thu thập các loại trái cây để phục hồi thanh năng lượng giảm dần theo thời gian.
Trải nghiệm Wonder Boy thử thách ở chỗ nhân vật tự động di chuyển và thanh năng lượng liên tục giảm theo thời gian. Trò chơi sở hữu cơ chế gameplay khá giống thể loại “chạy miệt mài” từng thông dụng một thời trên nền tảng di động. Tuy người chơi có thể tăng hay giảm tốc độ ván trượt, nhưng bạn không thể dừng mà phải tập trung né tránh các chướng ngại vật lẫn kẻ thù xuất hiện dọc màn chơi. Trải nghiệm game đòi hỏi khả năng đi cảnh với độ chính xác cao, mang đến cảm giác tưởng thưởng rất thỏa mãn một khi bạn làm chủ được cơ chế điều khiển.
Wonder Boy in Monster Land được định hình là hậu bản của Wonder Boy nói trên. Game có sự thay đổi lớn từ lối chơi đi cảnh hành động sang nhiều cảm giác nhập vai hơn. Thiết kế nhân vật tuy nhìn không còn đáng yêu như phần chơi trước, nhưng vẫn giữ được sự hài hước vốn là điểm cộng của series này từ trước đến nay, được các bản làm lại The Dragon’s Trap và Asha in Monster World kế thừa. Mặc dù game gốc từng mang đến cảm giác mới mẻ và thú vị ở thời điểm ra mắt, nhưng lại là trải nghiệm ít hào hứng nhất trong bộ Wonder Boy Collection.
Ngược lại, Wonder Boy in Monster World mang đến trải nghiệm vô cùng hào hứng với nhiều cải tiến thú vị. Từ đồ họa đẹp với cảnh nền xuất sắc, cho tới trải nghiệm game hào hứng với yếu tố phiêu lưu và nhập vai. Khía cạnh đi cảnh khám phá rất hào hứng nhờ sự đa dạng các địa danh trong thiết kế màn chơi, còn những trận đánh boss đều đáng nhớ không chỉ vì tạo hình khổng lồ của chúng. Tuy nhiên, nếu so về chiều sâu thì trò chơi khó sánh bằng Monster World IV về mọi mặt chứ đừng nói tới bản Monster Boy and the Cursed Kingdom với thiết kế metroidvania hiện đại hơn.
Ở góc độ người chơi, Monster World IV là tựa game ấn tượng nhất trong bộ Wonder Boy Collection. Thay cho nhân vật chính là nam, nhà phát triển gốc Westone thiết kế nhân vật nữ Asha thổi luồng gió mới cho series game kinh điển này. Mặc dù trò chơi từng được làm lại với tựa mới Wonder Boy: Asha in Monster World, nhưng game nguyên bản mang đến cảm giác trải nghiệm rất khác biệt. Khía cạnh khám phá trở nên hào hứng hơn rất nhiều nhờ vào những hành động mới của nhân vật điều khiển. Chẳng hạn kỹ năng nhún lên đầu kẻ thù rồi tung đòn tấn công từ trên xuống.
Như đề cập ở trên, bản digital của Wonder Boy Collection không kèm theo hai game kinh điển Wonder Boy III: Monster Lair và Wonder Boy III: The Dragon’s Trap. Đáng chú ý nhất là bản Monster Lair với lối chơi bắn súng màn hình ngang, kết hợp giữa thể loại đi cảnh và shoot ’em up. Đây là game arcade mà người viết thậm chí cũng không biết đến sự tồn tại của nó. Trong khi đó, bản The Dragon’s Trap có lẽ được nhiều người chơi biết đến hơn nhờ bản làm lại ra mắt năm 2017, cho phép trải nghiệm cả game nguyên bản hoặc khía cạnh nghe nhìn được làm mới hoàn toàn.
Kỳ thực, điểm trừ lớn nhất của Wonder Boy Collection là sự phân tách số lượng game giữa bản digital và bản box vật lý. Đây là điều khá bất cập khi bản box vật lý có số lượng sản xuất rất ít và dự kiến đến cuối năm 2022 mới giao hàng. Chưa kể, dù là bản digital hay box thì bộ sưu tầm này cũng không có đầy đủ phiên bản của tất cả nền tảng mà các game gốc từng phát hành. Cụ thể là bản TurboGrafx/PC Engine hoàn toàn vắng bóng, dù người viết tin rằng bất kỳ hệ máy hiện đại nào cũng thừa sức mạnh phần cứng để giả lập chúng.
Sau cuối, Wonder Boy Collection mang đến nhiều trải nghiệm Wonder Boy kinh điển đầy hào hứng trong một bộ sưu tầm. Điểm trừ lớn nhất của nó là sự chênh lệch số lượng game giữa bản digital và box vật lý, đặc biệt khi Wonder Boy III: The Dragon’s Trap còn là phần chơi hay nhất trong dòng game Wonder Boy. Nếu từng có tuổi thơ vui vẻ với series này hoặc chỉ đơn thuần yêu thích game retro, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game của bạn.
Wonder Boy Collection hiện có cho PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]