Khi bộ sưu tầm Prinny Presents NIS Classics Volume 3 gồm hai game nhập vai chiến thuật La Pucelle: Ragnarok và Rhapsody: A Musical Adventure ra mắt, người viết từng nghĩ đến cơ hội phát hành quốc tế hai hậu bản trong series Rhapsody. Bẵng một năm trôi qua, điều đó đã thành hiện thực với bộ sưu tầm Rhapsody: Marl Kingdom Chronicles. Tôi chỉ cảm thấy khó hiểu khi bốn tựa game vốn có liên quan mật thiết với nhau, nhưng lại bị chia đôi đường thành hai bộ sưu tầm với tên gọi không hề liên quan và tạo sự rắc rối không cần thiết cho người chơi mới.
Bỏ qua vấn đề nhỏ như con thỏ đó, Rhapsody: Marl Kingdom Chronicles là bộ sưu tầm rất đặc biệt với những ai yêu thích dòng game kinh điển này như người viết. Trong đó, Rhapsody II: Ballad of the Little Princess là hậu bản trực tiếp của Rhapsody: A Musical Adventure. Thú vị hơn là Rhapsody III: Memories of Marl Kingdom đóng vai trò vừa là tiền bản phần chơi đầu tiên, vừa là hậu bản của phần chơi thứ hai vừa đề cập. Thiết kế lối chơi cũng mang nhiều cảm giác RPG theo lượt truyền thống hơn so với bản đầu tiên trong series game nhập vai nhạc kịch Rhapsody.
Thậm chí với cách xây dựng cốt truyện khá đặc biệt, trải nghiệm Rhapsody III: Memories of Marl Kingdom còn có thể được xem như bản làm lại của Rhapsody: A Musical Adventure và đồng thời là cái kết cho series Rhapsody. Phần chơi này được chia thành nhiều chapter và mỗi chapter là những nhân vật điều khiển khác nhau. Điều thú vị là người chơi nhận được những giải đáp cho các câu hỏi để ngỏ trong hai phần chơi trước, nếu không nói là hơn thế nữa khi cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin về dàn nhân vật trong cả dòng game kinh điển này.
Không những thế, khác biệt lớn nhất giữa Rhapsody III: Memories of Marl Kingdom và hai phần chơi trước là hệ thống chiến đấu được thiết kế hoàn toàn mới. Đội hình của người chơi được chia thành bốn hàng với số lượng lên đến 12 nhân vật. Mỗi hàng chỉ có một “trưởng nhóm” là bạn có thể điều khiển trực tiếp. Các nhân vật còn lại trong từng hàng sẽ tự động tấn công ngẫu nhiên hoặc thay đổi chỉ số chiến đấu của trưởng nhóm và do AI… thao túng. Tùy vào đội hình mà nhân vật trưởng nhóm nói trên có thể mở khóa được tuyệt kỹ trong chiến đấu.
Ngược lại, cốt truyện của Rhapsody II: Ballad of the Little Princess tập trung vào Kukuru, con gái của nhân vật chính Cornet trong Rhapsody: A Musical Adventure. Đây cũng là nhân vật khá thú vị khi thừa hưởng tính cách nổi loạn và bướng bỉnh của mẹ, ghét cuộc sống hoàng gia giữa những bức tường. Với cùng mục đích như Cornet trong phần chơi đầu tiên, Kururu lên kế hoạch đi tìm bạch mã hoàng tử với người bạn thân Crea. Đó là trải nghiệm đầy hào hứng với các trận chiến vui tươi và những bản nhạc tuyệt hay mang dấu ấn riêng của series Rhapsody.
Rhapsody II: Ballad of the Little Princess có nhịp độ chơi tương đối nhanh so với cuộc phiêu lưu của Cornet trước đó. Cốt truyện được xây dựng dễ thương nhất là với những ai yêu thích Rhapsody: A Musical Adventure. Tương tự, nhờ vào sự hỗ trợ tuyệt vời của tính năng “tăng tốc độ” quen thuộc trong những tựa game kinh điển được tái phát hành, các trận chiến tẻ nhạt và mệt mỏi cũng không phải là vấn đề của cả hai tựa game trong Rhapsody: Marl Kingdom Chronicles. Tuy nhiên, việc không có minimap có thể khiến không ít người chơi cảm thấy rối.
Đồ họa cả hai tựa game đều có sự remaster nhẹ thông qua bộ lọc, nhìn chung đều cho chất lượng khá ổn khi không can thiệp nhiều vào khía cạnh hình ảnh của mỗi tựa game trong Rhapsody: Marl Kingdom Chronicles. Người viết nhận thấy font chữ trong Rhapsody III: Memories of Marl Kingdom khá dễ đọc nhưng không phù hợp phong cách đồ họa của game. Một điều khiến tôi cảm thấy thích thú là biểu cảm của nhân vật được thể hiện thú vị thông qua ngôn ngữ cơ thể cũng như các bản nhạc đong đầy cảm xúc, gợi nhớ đến những bộ phim hoạt hình kinh điển của Walt Disney.
Nhạc nền vẫn tiếp tục là điểm cộng tỏa sáng nhất của hai tựa game trong bộ sưu tầm Rhapsody: Marl Kingdom Chronicles. Tuy chỉ là những bản nhạc tiếng Nhật nhưng phần lời chuyển ngữ sang tiếng Anh đều khá trau chuốt câu chữ, chỉ nghe và đọc phụ đề cũng cảm nhận được bầu không khí hiện tại lẫn cảm xúc của nhân vật trong game. Thiết kế âm thanh cũng không hề kém cạnh khi có sự đầu tư tương xứng, kết hợp cùng những biểu tượng cảm xúc xuất hiện trên màn hình mang đến trải nghiệm giàu đẹp không chỉ ở câu chuyện kể, mà cả khía cạnh nghe nhìn.
Sau cuối, Rhapsody: Marl Kingdom Chronicles mang đến một trải nghiệm nhập vai nhạc kịch 2-trong-1 đầy hào hứng và đậm dấu ấn riêng. Nếu yêu thích những giá trị kinh điển và series Rhapsody, đây chắc chắn là bộ sưu tầm vô cùng đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn dù là trải nghiệm nền tảng nào.
Rhapsody: Marl Kingdom Chronicles hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!