Lost in Play là game phiêu lưu giải đố xuất sắc ở gần như mọi khía cạnh. Đồ họa của trò chơi mang phong cách hoạt hình vẽ tay rất đẹp với những game màu tươi sáng, kết hợp cùng những câu đố không quá khó hoặc phi logic gây khó chịu. Không những vậy, đây còn là một trong những game point-and-click hiếm hoi để lại cảm giác trải nghiệm rất trực quan với tay cầm. Kỳ thực, đứa con tinh thần của nhà phát triển Happy Juice đã thay đổi định kiến bấy lâu nay của người viết về thể loại phiêu lưu giải đố vốn chỉ mang tới trải nghiệm tốt nhất trên PC.
Lost in Play đưa người chơi nhập vai hai anh em Toto và Gal với mục tiêu tìm đường về nhà, sau khi đi lạc như cái tựa của trò chơi. Với lối chơi phiêu lưu giải đố point-and-click, thay vì dùng con trỏ tương tác mô phỏng thao tác di chuột như nhiều game cùng thể loại khi chuyển nền lên console chẳng hạn Trüberbrook, trò chơi cho bạn điều khiển nhân vật trực tiếp bằng analog trái. Mỗi khi bạn tiếp cận gần nhân vật hoặc vật phẩm, mọi thứ trên màn hình thể hiện rất rõ những gì bạn có thể và không thể tương tác thông qua chỉ báo hình bong bóng.
Tuy khía cạnh giải đố không bao giờ quá thử thách nhưng ngay cả trường hợp bạn không biết phải làm gì, hệ thống gợi ý luôn có sẵn để giúp bạn khi cần. Đặc biệt, các câu đố trong Lost in Play rất đa dạng và không tái sử dụng ý tưởng cũ trong suốt trải nghiệm. Mỗi lần giải đố luôn là câu đố mới. Mặc dù vậy, không phải câu đố nào cũng khiến người viết hào hứng. Trò chơi cũng vài câu đố được thiết kế không thú vị, đòi hỏi bạn phải thử nhiều lần để tìm giải pháp đúng khá mất thời gian. Thậm chí có câu đố đấu bài gần như phụ thuộc vào may mắn nữa.
Một điểm cộng khác của Lost in Play là xây dựng thế giới, nhân vật cho tới cốt truyện đều rất dễ thương và gợi nhiều cảm giác hoài niệm. Phong cách đồ họa kiểu hoạt hình của trò chơi gợi nhớ đến những bộ phim hoạt hình tôi thường coi trên các kênh truyền hình quốc tế thời thơ ấu. Tạo hình dàn nhân vật rất đáng yêu nhất là hai nhân vật chính. Người viết chỉ không thích nghe các nhân vật nói ngôn ngữ như trong The Sims thay vì lồng tiếng bình thường. Tuy nhiên, không thể phủ nhận “ngôn ngữ Sim” khắc họa tính cách mỗi nhân vật tốt đến bất ngờ.
Kỳ thực, vấn đề lớn nhất của Lost in Play nằm ở tutorial đầu trải nghiệm và do trò chơi được xây dựng không có lời thoại. Mọi thứ trong trải nghiệm game chỉ được thể hiện thông qua các hình minh họa và biểu tượng khác nhau. Điều này khiến việc hiểu rõ yêu cầu của phần hướng dẫn này hơi rắc rối một chút. Cá nhân người viết bị bí ở một yêu cầu và phải mất chút thời gian thử đi thử lại mới tìm được lời giải để hoàn thành tutorial. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá nhỏ và cũng có thể do khả năng tư duy theo ngữ cảnh của mỗi người khác nhau ở độ tuổi nhất định, cộng với nhiều thứ khác nên tôi không xem đây là điểm trừ.
Sau cuối, Lost in Play mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố rất xuất sắc từ khía cạnh câu chuyện kể, xây dựng nhân vật và thế giới. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là thiết kế cơ chế điều khiển trực quan, tránh được vấn đề thường gặp của dòng game này khi trải nghiệm bằng tay cầm. Trong khi đó điểm trừ nhỏ của trò chơi chủ yếu do khía cạnh giải đố không mấy thứ thách, có thể không đủ sức hấp dẫn với những người chơi hardcore của thể loại này. Đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game, trừ khi bạn thuộc nhóm vừa đề cập.
Lost in Play hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!