Được nhà thiết kế game người Nhật Goichi Suda xem là thành tự đáng tự hào nhất, có lẽ tựa game killer7 không tới nỗi quá xa lạ với nhiều người chơi. Đây là tựa game đầu tiên của Suda51 được phát hành cho thị trường quốc tế sau nhiều tựa game của ông đều chỉ ra mắt tại thị trường nội địa Nhật Bản.
Trong trường hợp bạn không biết thì killer7 từng được phát hành cho thế hệ máy chơi game GameCube trên PlayStation 2 ngày xưa. Trò chơi sử dụng phong cách đồ họa siêu thực trong trải nghiệm với những ý tưởng gameplay “hổng giống ai”, tạo nên một cảm giác trải nghiệm hết sức mới mẻ với những ai lần đầu đến với tựa game này. Sau một thời gian dài gần 15 năm ra mắt, giờ đây người chơi PC mới được trải nghiệm trò chơi với một số tính năng bổ sung đáng chào đón hơn bao giờ hết.
Như cái tên của trò chơi gợi ý, killer7 đưa người chơi đến với một nhóm sát thủ bảy người và cũng là các nhân vật mà người chơi sẽ nhập vai. Nhiệm vụ của bạn là thực hiện các nhiệm vụ sát thủ được giao phó bởi người đứng đầu nhóm là Harman Smith. Thế nhưng, khác với kiểu chơi hành động lén lút của “anh trọc” Agent 47 trong Hitman 2, trải nghiệm trong killer7 là sự pha trộn của lối chơi bắn súng, khám phá và giải đố mỗi thứ một chút.
Trò chơi loại bỏ phần lớn các yếu tố gameplay truyền thống để mang đến một trải nghiệm khá đơn giản, có phần nặng tính lặp lại nhưng trên hết là vẫn mang nhiều cảm giác thú vị hấp dẫn khá bất ngờ. Người chơi sử dụng một nút bấm để nhân vật di chuyển và một nút khác để đổi ngược chiều di chuyển. Mỗi khi đến những giao điểm của các khu vực, trò chơi sẽ xuất hiện lựa chọn để bạn định hướng di chuyển và thực hiện các pha hành động hoặc giải đố đơn giản. Đây là cách mà người chơi điều khiển nhân vật trong game.
Nói một cách khác, bạn sẽ không điều khiển nhân vật trực tiếp giống như những tựa game phiêu lưu hành động khác. Thay vào đó, người chơi chỉ bấm nút để nhân vật chạy theo một hướng đi tuyến tính được trò chơi định sẵn hoặc bấm một nút khác để quay ngược lại hướng đi. Ngay cả hệ thống chiến đấu cũng là một điểm đặc trưng của killer7 với kẻ thù gần như tàng hình. Chúng chỉ ghi dấu sự xuất hiện mỗi khi bạn nghe một tiếng cười the thé cất lên và chuyển sang chế độ tấn công, quét toàn bộ không gian xung quanh để nhìn thấy được chúng. Đây là tựa game hiếm hoi mà bạn không thể trải nghiệm mà không mở loa, với cơ chế đặc trưng sử dụng âm thanh tiếng động tương tự như tựa game kinh dị sinh tồn kinh điển Enemy Zero.
Người chơi có thể chọn giữa bảy nhân vật cho nhiệm vụ. Nếu muốn, bạn cũng có thể đổi sang nhân vật khác ở Harman’s Room được sắp đặt dọc khắp toàn bộ màn chơi. Mỗi nhân vật đều có một phong cách chiến đấu khác nhau, cùng với vũ khí và tuyệt kỹ riêng. Chẳng hạn như Kaede Smith là nữ sát thủ được trang bị khẩu súng ngắn có cả ống nhắm, với tuyệt kỹ dùng máu để tìm những lối đi ẩn giấu trong môi trường màn chơi. Có hai nhân vật khá đặc biệt là Garcian Smith và MASK de Smith. Garcian luôn tự nhận mình là một “Serial Cleaner“, với khả năng hồi sinh các nhân vật bị “KIA” trong nhiệm vụ. Trong khi MASK de Smith lại gây ấn tượng với vũ khí hạng có sức công phá cực mạnh, dễ dàng “làm gỏi” kẻ thù nhưng điểm yếu là thời gian nạp đạn rất lâu.
Chính hai yếu tố di chuyển và chiến đấu này đã mang đến cho người chơi game killer7 một trải nghiệm đúng nghĩa có một không hai, đặc biệt khi nó kết hợp giữa những cuộc đấu súng ở góc nhìn thứ nhất và khám phá màn chơi ở góc nhìn thứ ba rất độc đáo. Để tăng thêm sự hấp dẫn, nhà phát triển cũng bổ sung thêm một hệ thống điểm kinh nghiệm gọi là Thin Blood. Mỗi khi tiêu diệt kẻ thù trong màn chơi, bạn có thể quay về Harman’s Room để chế thành những potion dùng để nâng cấp cho nhân vật. Tuy nhiên, yếu tố này không tạo sự khác biệt nhiều trong trải nghiệm.
Phần lớn kẻ thù đều có thể dễ dàng bị tiêu diệt khi người chơi nhắm bắn vào điểm yếu của chúng. Tất nhiên điều này không hề dễ khi bàn tay cầm súng của nhân vật luôn không cố định mà luôn dịch chuyển một quãng ngắn liên tục, kẻ thù cũng không đứng yên mà luôn tiếp cận bạn bằng “kamikaze”. Trong khi đó, điểm yếu của kẻ thù lại khá nhỏ, thường ở cùi chỏ hay đầu gối của chúng. Tuy nhiên, nếu đã quen trải nghiệm các tựa game FPS thì việc nhắm bắn chính xác cũng không phải là vấn đề.
Không chỉ gây ấn tượng về yếu tố gameplay, killer7 cũng mang đến một câu chuyện khá thú vị lấy bối cảnh thế giới ở một dòng thời gian hư cấu. Trong đó, các cường quốc đã cùng ký một thỏa thuận hòa bình, dẹp tất cả các công nghệ khoa học và vũ khí quân sự để ngăn chặn khủng bố. Tuy nhiên, những nỗ lực này lại vô tình gây phản tác dụng, tạo nên căng thẳng chính trị có nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Nhật Bản, được thể hiện một cách tinh tế qua câu chuyện về mối quan hệ của nhân vật Harman. Tôi sẽ không nói thêm về cốt truyện của trò chơi, nhằm giữ sự hấp dẫn trong trải nghiệm cho những bạn nào chưa từng trải nghiệm game.
Đồ họa lại là một câu chuyện khác. Nó có thể khiến rất thích hoặc rất ghét tựa game này vì những ý tưởng và phong cách quái dị được xây dựng trên nền đồ họa cell-shade kiểu low-poly khá độc đáo. Điểm mới trong bản PC là trò chơi vận hành ở tốc độ khung hình 60fps với texture được nâng cấp HD mang đến độ nét rất cao so với phiên bản gốc từng phát hành trên GameCube, không còn những răng cưa đáng ghét như trước đây được che giấu nhờ hiệu ứng scanline của tivi CRT thời điểm đó nữa.
Tỷ lệ màn hình 16:9 cũng được bổ sung trong phiên bản này, nhưng dường như đã sử dụng một số thủ thuật nhằm tạo nên khung hình widescreen hơn. Khuôn mặt của các nhân vật ở khung hình 16:9 hơi mập hơn so với khung hình gốc 4:3 nếu bạn chịu khó so sánh. Cách chuyển đổi tỷ lệ khung hình này có phần giống với Onimusha: Warlords được remaster gần đây. Phần soundtrack cũng được remaster lại với sự pha trộn khá kỳ lạ của những giai điệu techno sôi nổi mang hơi hướng nhạc rock, tạo nên cảm giác bí hiểm và hỗn loạn đúng như trong trải nghiệm.
Đáng chú ý nhất chính là bản PC đã bổ sung thêm phụ đề so với phiên bản gốc của trò chơi. Đây là một trong những vấn đề “đáng ghét nhất” ở thời điểm trò chơi ra mắt ban đầu, khiến nhiều người chơi lúc đó trong đó có tôi vốn không giỏi khả năng nghe tiếng Anh, đã không thể nắm bắt được cốt truyện thú vị của killer7. Theo chia sẻ của nhà phát hành thì đây cũng là một trong những tính năng được người chơi yêu cầu nhiều nhất. Việc cố gắng đáp ứng yêu cầu của người chơi đối với phiên bản remaster của một game cũ cho thấy họ rất quan tâm, chú ý đến ý kiến của người chơi.
Ở góc độ người chơi, đây tiếp tục là một điểm cộng dành cho game, nhất là những ai từng một thời “mù tịt” nội dung sau những màn trải nghiệm game hấp dẫn. Dù vậy, không phải tất cả mọi thứ đều được phụ đề tiếng Anh đầy đủ, chẳng hạn những lời tự giới thiệu của các nhân vật ở tivi đều không có phụ đề. Tuy nhiên, yếu tố này cùng một số vấn đề khác không gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm nên tôi cũng không xem là điểm trừ nên không đề cập đến.
Sau cuối, killer7 là một trải nghiệm phiêu lưu hành động hết sức độc đáo mà bạn không nên bỏ lỡ nếu chưa từng trải nghiệm game trước đây. Không phải tự nhiên mà trò chơi được “cha đẻ” của nó xem là thành tựu tự hào nhất trong sự nghiệp làm game của ông. Chưa kể, chỉ riêng phiên bản remaster dành cho nền tảng PC đã là một điểm cộng rất lớn với bản cập nhật bổ sung phụ đề tiếng Anh, một yếu tố ít được chú trọng ở thời điểm phát hành ban đầu. Nếu bạn từng trải nghiệm tựa game này trước đây thì việc chơi lại để hiểu rõ nội dung cốt truyện mù mờ trước đây cũng không phải là một ý tưởng tồi đâu.
killer7 được phát hành cho Windows, PlayStation 2 và GameCube.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác