Kemono Heroes là tựa game hành động đi cảnh 2D “tuyệt vời ông mặt trời”, mang nhiều cảm giác hoài cổ hiếm hoi với khả năng chơi co-op lên đến bốn người trên nền đồ họa 16 bit, gợi nhớ thời hoàng kim của hệ máy Super NES những ai đã từng có tuổi thơ game dữ dội ngày xưa.
Kemono Heroes có “màn chào sân” khá bất ngờ khi vừa giới thiệu tại sự kiện PAX East 2020 cũng là lúc trò chơi chính thức phát hành, khiến tôi vô tình bỏ sót tựa game này cho đến nay. Được biết, đội ngũ phát triển là MadGear cũng chính là “cha đẻ” của A Hole New World sở hữu lối chơi đi cảnh hấp dẫn và có độ khó cao. Tuy nhiên, dường như họ đã rút kinh nghiệm từ “đứa con đầu lòng” nói trên khi điều chỉnh độ khó trong tựa game mới hợp lý hơn, không quá khó cũng không quá dễ dù cũng có vài phân cảnh mang cảm giác khó quá mức cần thiết hoặc ngược lại.
Trò chơi đưa bạn đến với cuộc phiêu lưu của bốn đại hiệp ninja mang hình hài loài vật “mỗi người một vẻ”, vừa đáng yêu và hài hước về tạo hình vừa có kỹ năng đặc trưng riêng. Đơn cử như cáo Fudemaru có thuật hóa trang, có thể hóa thân và sử dụng kỹ năng di chuyển lẫn tấn công của kẻ thù. Chẳng hạn hóa thành ma trơi sẽ trao cho nhân vật khả năng bay nhưng không thể tấn công. Trong khi “hô biến” thành những kẻ thù đứng cố định thì bạn cũng không thể di chuyển được. Kỳ thực, tôi chỉ biết đến kỹ năng của nhân vật này sau khi hoàn thành trải nghiệm và phát hiện kỹ năng riêng từ nhân vật khác, như miêu nữ Miyuki có khả năng leo tường còn “đại thánh” Yu biết đu dây, trong khi sóc Hanako có thể bay lượn sau những pha nhảy.
Ở góc độ người chơi, đây là điểm trừ “bé xíu” của Kemono Heroes khi không có bất kỳ hướng dẫn hay tiết lộ cho người chơi “bí thuật” của từng nhân vật. Không những thế, trò chơi thậm chí cũng chẳng có phần thiết lập điều khiển để bạn xem xét các nút bấm trong trải nghiệm. Trò chơi mang nặng cảm giác “old-school” dù độ khó được thiết lập hợp lý hơn. Nội dung game sử dụng bối cảnh thời xưa tại Nhật Bản, khi Nguyệt Thần (Tsukigami) bỗng nổi điên biến toàn bộ cư dân ở đây thành tượng đá. Để giải cứu mọi người, tứ đại anh hùng phải làm một chuyến lên đỉnh Fuji “thương thuyết”, vượt qua những sinh vật từ truyền thuyết đất nước mặt trời mọc, chỉ thua về số lượng so với Yomawari: The Long Night Collection mà thôi.
Đập vào mắt tôi đầu tiên không gì khác hơn là chất liệu đồ họa 2D mang đậm dấu ấn cá nhân trong từng màn chơi. So với những tựa game cùng thể loại ngày xưa, Kemono Heroes thiết kế màn chơi rộng lớn và đa dạng, tận dụng tốt kỹ năng riêng và chung của các nhân vật. Từ những phân đoạn “phóng lao thì phải theo lao” cho tới những pha đi cảnh mà chỉ một chút sơ sẩy cũng sẽ khiến nhân vật mất máu hoặc thiệt mạng. Chưa kể, hàng loạt các rương tiền đặt rải rác trong suốt các màn chơi để thử thách khả năng đi cảnh của bạn. Chúng khá quan trọng vì cung cấp cho nhân vật khả năng nâng cấp kỹ năng chung và riêng, giúp trải nghiệm “dễ thở” hơn về sau nhất là thuật thoát thân thế mạng cho nhân vật.
Ngay cả tạo hình bốn nhân vật chính cũng để lại cho tôi ấn tượng tương tự thiết kế màn chơi. Đơn cử như cáo Fudemaru mang cảm giác “ninja nghiêm túc”, Yu “đại thánh” thì nhìn mặt cứ như đang bị táo bón khá là buồn cười, trong khi Miyuki rất quyến rũ và nữ tính. Ngay cả tạo hình kẻ thù cũng được nhà phát triển chăm chút rất kỹ, chẳng hạn các hoạt cảnh chuyển động hay tấn công của chúng đều gợi nhớ đến những tựa game “bom tấn” từ thời đại 16 bit của Super NES ngày xưa. Nhạc nền cũng góp phần không nhỏ mang đến sinh khí cho trải nghiệm bằng những giai điệu réo rắt vui tai, có nhịp điệu nhanh và mang âm hưởng Nhật Bản, rất phù hợp với trải nghiệm game đặc trưng.
Lối chơi của Kemono Heroes chủ yếu là những pha đi cảnh với kẻ thù xuất hiện khắp nơi làm “kỳ đà cản mũi”. Cho dù bạn chọn nhân vật nào thì gameplay cơ bản vẫn xoay quanh yếu tố chạy, nhảy, kết hợp chiến đấu cận chiến và tầm xa. Trong suốt trải nghiệm, nhân vật sẽ mở khóa thêm một số kỹ năng hỗ trợ mới nhưng ngoại trừ một số phân đoạn bắt buộc phải sử dụng, tôi rất hiếm khi phải dùng đến những công cụ này. Hầu hết chỉ cần vận dụng kỹ năng riêng của nhân vật và khả năng trải nghiệm đi cảnh của bản thân là chính. Thế nhưng, đó là ở khía cạnh chơi đơn chứ một khi bước vào trải nghiệm co-op, mọi thứ sẽ rất khác với độ khó tăng vọt đến ngỡ ngàng và vô cùng ức chế.
Một trong những vấn đề lớn nhất khi chơi co-op là tình trạng kéo màn giữa những người chơi với nhau. Nếu bạn từng chơi co-op trong Contra hoặc Super C ngày xưa hoặc Contra Anniversary Collection lần đầu tiên, có lẽ cũng từng lâm vào tình huống “gấu ó” nhau vì bị kéo màn khiến nhân vật chết oan mạng. Thử tưởng tượng vấn đề đó cùng với độ khó đều được nhân lên nhiều lần trong trải nghiệm Kemono Heroes, bạn sẽ hiểu cảm giác khi không thể chơi “vui vẻ không quạu” là như thế nào. Vấn đề ở chỗ, trò chơi có xu hướng khuyến khích speedrun, nếu tất cả người chơi co-op không nhanh tay điều khiển nhân vật di chuyển hoặc trình độ không đồng đều, hậu quả sẽ là trận cãi vã đầy ức chế giữa những người cùng chơi.
Kỳ thực, nói thế là vẫn còn nhẹ vì Kemono Heroes trừng phạt người chơi co-op khá nặng nề với độ khó cao ngất. Ngay cả thiết kế màn chơi cũng bất nhất, có những phân đoạn thì quá dễ trong khi ngay sau đó lại tăng vọt thử thách với số lượng kẻ thù hoặc chướng ngại vật dày đặc. Một sơ sẩy nhỏ cũng đủ khiến nhân vật “đi đời nhà ma”, đặc biệt là nửa sau trải nghiệm. Thậm chí, một số trận đánh boss khi co-op khiến tôi muốn ném luôn tay cầm Joy-Con vào máy Nintendo Switch vì độ khó một trời một vực so với solo. Đã vậy, trò chơi còn sử dụng thiết lập độ khó cố định, một khi đã vào game là không thể thay đổi ngoại trừ chơi lại từ đầu, khiến tôi khá ức chế với tình trạng độ khó “vật đổi sao dời” trong trải nghiệm về sau.
Sau cuối, Kemono Heroes mang đến một trải nghiệm hành động đi cảnh 2D vô cùng hấp dẫn, đậm dấu ấn riêng nhất là với những ai thích cảm giác hoài cổ. Trò chơi hỗ trợ co-op đến 4 người là điểm cộng hiếm hoi trên thị trường hiện nay, nhưng tính năng này đang có tình trạng mất cân bằng độ khó quá lớn so với trải nghiệm chơi đơn. Dù vậy, nếu yêu thích cảm giác hoài cổ của những cái tên đình đám từ thời đại 16 bit, đây chắc chắn là tựa game mà bạn không nên bỏ qua. Đó là chưa nói đến giá trị chơi lại cao nhờ vào “tuyệt học” của mỗi nhân vật, đặc biệt khi chơi đơn.
Kemono Heroes hiện chỉ có trên Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác