Yooka-Laylee and the Impossible Lair tiếp nối thành công của Yooka-Laylee, tựa game vốn được xem là kế thừa tinh thần của series Banjo-Kazooie từ thời Nintendo 64, nhưng với rất nhiều bất ngờ thú vị.
Với thiết kế mang nặng tinh thần “old-school”, thiếu thân thiện với người chơi mới vốn đã quá quen với lối thiết kế game hiện đại kiểu “cầm tay chỉ việc” như hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi Yooka-Laylee nhận về nhiều ý kiến trải chiều. Có lẽ rút kinh nghiệm từ đó, tựa game thứ hai trong series này đã thay đổi lối chơi từ phiêu lưu đi cảnh 3D sang thiết kế màn chơi 3D với lối chơi 2D, thường được gọi chung là đi cảnh 2,5D và kèm theo rất nhiều những ý tưởng “ngạc nhiên chưa”.
Dù vậy, phần chơi này vẫn kế thừa nhiều ý tưởng từ Yooka-Laylee trong xây dựng không gian màn chơi mới, mang đến trải nghiệm khá hấp dẫn và vô cùng hào hứng so với phần chơi cũ. Mặc dù trò chơi có một câu chuyện hơi trẻ con và không có gì đáng nhớ như người tiền nhiệm, nhưng lại gây cho tôi ấn tượng với lối chơi đi cảnh đầy sáng tạo. Thiết kế màn chơi tận dụng những gam màu tươi sáng cùng rất nhiều bí mật bất ngờ, được “gói gọn” trong thời lượng chơi khoảng nửa ngày là những điểm cộng lớn nhất của Yooka-Laylee and the Impossible Lair so với người tiền nhiệm của nó.
Đồ họa trong phần game vẫn mang đậm dấu ấn riêng của Yooka-Laylee với mức độ chi tiết rất cao ngay cả ở chế độ chơi handheld của Nintendo Switch. Mỗi màn chơi mà trong game gọi là chapter đều được xây dựng sinh động với nhiều lớp hoạt cảnh trong hậu cảnh và tiền cảnh, giúp thổi hồn cho thế giới game trong suốt trải nghiệm. Điểm nhấn gameplay không chỉ nằm ở thiết kế chapter mà còn ở hệ thống bản đồ trong game được gọi là Overworld, kết nối các chapter lại với nhau dưới góc nhìn top-down. Lồng ghép trong đó là những yếu tố đi cảnh, giải đố hấp dẫn, tạo cảm giác như bạn đang chơi hai tựa game đi cảnh hoàn toàn khác nhau vậy.
Trải nghiệm ở overworld mở rộng hơn với rất nhiều bí mật, câu đố và những lối đi mới so với trong từng chapter. Tuy nhiên, điểm trừ của overworld là thiết kế đặc trưng của nó dễ khiến người chơi mù mờ về việc phải đi đâu hay làm gì để mở lối đi mới. Ngược lại, các chapter thì mang lối chơi đi cảnh 2,5D với thiết kế màn chơi ngắn, đòi hỏi khả năng điều chỉnh chính xác cao để vượt qua các chướng ngại vật và nhiều kẻ thù quen thuộc mà bạn từng thấy trong Yooka-Laylee. Đây là một thiết kế khá hay khi nhà phát triển Playtonic đã dung hòa được thiết kế game kiểu “old-school” với độ khó cao và kiểu hiện đại quen thuộc.
Đơn cử như trong các chapter, người chơi không cần phải quan tâm đến việc thu thập thêm mạng cho nhân vật như thiết kế đậm tính hoài cổ của Yooka-Laylee. Thay vào đó, bạn sẽ mất sạch số Quill kiếm được dùng để nâng cấp tonic nếu để nhân vật chết. Thậm chí, khi gặp khó khăn với phân đoạn nào đó, chấp nhận mất đi một số vật phẩm thu thập quan trọng ẩn giấu ở khu vực nhất định, người chơi cũng có thể “tua nhanh” tới checkpoint kế tiếp. Không những vậy, Yooka-Laylee and the Impossible Lair có thêm hệ thống tonic hỗ trợ cho người chơi, giúp giảm bớt cảm giác “độ khó cao” như người tiền nhiệm.
Về cơ bản, tonic là một hệ thống nâng cấp có tính tùy chọn do chúng chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ nhất định, bạn không nhất thiết phải sử dụng các tonic nếu không muốn hoặc chỉ đơn giản là yêu thích thử thách. Tính hỗ trợ của tonic rất đa dạng, chẳng hạn kéo dài thời gian “cơ hội thứ hai” của Laylee khi “va quẹt” với kẻ thù để bảo toàn nhân vật, hay những trò vui “vì đam mê” như biến toàn bộ trải nghiệm từ nhiều gam màu rực rỡ thành trắng đen. Cách duy nhất để mở khóa tonic, trước hết bạn phải tìm được vị trí ẩn giấu của nó trong overworld rồi dùng quill thu thập được trong suốt trải nghiệm để mua nó.
Thiết kế này mang đến cảm giác tưởng thưởng hấp dẫn cho trải nghiệm Yooka-Laylee and the Impossible Lair và cũng là điểm hấp dẫn đáng chú ý nhất trong trải nghiệm. Vấn đề ở chỗ, trò chơi được thiết kế buộc người chơi phải tìm các đồng xu giấu kín trong các chapter để mở khóa màn chơi mới. Điều này cũng đồng nghĩa trải nghiệm có thể mang đến cảm giác lặp lại ở một khía cạnh nào đó, do người chơi buộc phải chơi lại những chapter cũ để tìm bí mật. Dù vậy, nhà phát triển Playtonic cũng thêm thắt một số biến tấu làm thay đổi màn chơi giúp làm mới trải nghiệm, nên tôi cũng không xem là điểm trừ.
Đáng chú ý, Yooka-Laylee and the Impossible Lair làm khá tốt phần điều khiển, mang cảm giác “ăn nút” trong những pha đi cảnh đòi hỏi độ chính xác cao ngay cả trên tay cầm Joy-Con “tai tiếng” của máy Nintendo Switch. Mỗi chapter đều đòi hỏi phản xạ nhanh nhạy của người chơi trong việc điều khiển. Đi kèm đó là tính thử thách ở mức tương đối cao nếu bạn là người chơi mới của thể loại này, nhất là những ai không trải qua cùng thời thơ ấu đầy hoài cổ với những tựa game retro. Tuy nhiên, mặc dù không “dễ ăn” nhưng trải nghiệm game tạo cảm giác công bằng, không có những “chiêu trò” gài bẫy người chơi như thường thấy.
Sau cuối, Yooka-Laylee and the Impossible Lair mang đến một trải nghiệm đi cảnh khá hấp dẫn với rất nhiều bất ngờ, không chỉ với những người chơi lâu năm của thể loại này mà đủ sức “hút hồn” cả người chơi mới. Nếu yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không muốn bỏ qua, đặc biệt là những ai yêu thích cặp đôi Yooka và Laylee với những pha “cà khịa” nhau và chơi chữ đầy hài hước trong suốt trải nghiệm game.
Yooka-Laylee and the Impossible Lair được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!