Flashback Mobile là phiên bản dành cho nền tảng di động của tuyệt tác cinematic platform kinh điển cách đây gần 30 năm. Tuy được phát hành trên rất nhiều nền tảng console và handheld khác nhau nhân dịp kỷ niệm 25 năm tuổi, nhưng đến tận bây giờ Flashback mới xuất hiện trên nền tảng di động, muộn hơn rất nhiều so với “người anh em thiện lành” Another World hay Out of This World có cùng lối chơi và studio phát triển.
Có thể bạn không biết, nhưng Flashback phiên bản gốc từng ghi danh vào kỷ lục Guinness cho tựa game bán chạy nhất mọi thời đại của Pháp. Trò chơi để lại dấu ấn sâu đậm ở thời điểm phát hành ban đầu nhờ vào đồ họa ấn tượng, nội dung hấp dẫn và sử dụng kỹ thuật rotoscope để tạo nên chuyển động mượt mà, giống với thực tế. Tựa game này từng có bản làm lại lấy cùng tên, được phát hành vào năm 2013 nhưng đáng tiếc lại nhận về nhiều lời chê hơn khen. Mặc dù từng ra mắt trên rất nhiều hệ máy từ cổ chí kim, nhưng đến tận bây giờ trò chơi mới xuất hiện trên nền tảng di động. Đây cũng là phiên bản mà bài viết đề cập.
Với đặc trưng thiết kế game ngày xưa do “lịch sử để lại”, Flashback Mobile có thể gây đôi chút phiền phức với người chơi mới. Trò chơi không có hệ thống autosave hay bất kỳ checkpoint nào mà thay vào đó, người chơi phải tự kích hoạt thủ công những điểm save game được đặt rải rác khắp màn chơi. Nếu bạn lỡ quên, trải nghiệm “sau cái chết” sẽ quay về từ đầu điểm save. Nhà phát triển đã giải quyết vấn đề này bằng hệ thống rewind, cho phép người chơi “tua ngược” về trước thời điểm nhân vật bị chết vì bất kỳ lý do gì. Thời gian tua ngược này khác biệt tùy vào độ khó ban đầu mà bạn thiết lập trước khi trải nghiệm. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Flashback Mobile là phần điều khiển cảm ứng.
Trò chơi có hai lựa chọn điều khiển cảm ứng. Theo mặc định, Flashback Mobile sẽ sử dụng kiểu điều khiển Touch Mode hoàn toàn cảm ứng, nhưng tôi thường gặp rắc rối với kiểu điều khiển này do hay nhận nhầm hành động mong muốn trong một số trường hợp, đặc biệt là những màn gần cuối game. Vấn đề lớn nhất của Touch Mode là luôn có một độ trễ khi thao tác. Đó có thể là chủ quan hay khách quan từ phía người chơi, cũng như vấn đề từ bản chuyển nền lên di động hoặc đặc trưng của lối chơi cinematic platform. Điều này không phải là vấn đề lớn ở những màn chơi ban đầu nhưng càng về cuối game, nó nhanh chóng trở thành thảm họa trong những khoảnh khắc đòi hỏi phản xạ và tương tác thật nhanh.
Đơn cử như màn Earth Paradise Club có một cảnh đòi hỏi bạn phải nhanh chóng ném Receiver và sử dụng Teleport ngay khi vừa tiếp cận để tránh nhân vật bị thiêu sống. Tuy nhiên, khi thực hiện thao tác quẹt màn hình để sử dụng vật phẩm, tôi hay gặp tình trạng độ trễ cao hoặc trò chơi “ngu người”, dẫn đến những cái chết tức tưởi rất oan uổng. Ban đầu tôi tưởng iPhone bị lỗi đơ cảm ứng nhưng kết quả kiểm tra sau đó không phát hiện lỗi cảm ứng của thiết bị, nên tôi đoán đây là vấn đề của bản chuyển nền. Trong khi đó, thao tác rút súng ra bằng cách chạm vào màn hình lại rất dễ bị Flashback Mobile nhận nhầm, khiến nhiều tình huống cần đào thoát thì bị mắc kẹt lại chết chắc.
Tương tự, một số tình huống đòi hỏi nhân vật chạy lấy đà để nhảy sang mặt phẳng ở khoảng cách xa cũng không dễ thực hiện với Touch Mode. Đặc biệt, màn cuối đòi hỏi chiến đấu rất nhiều thì chế độ điều khiển này thật sự là một thảm họa, không những không mang đến cảm giác trải nghiệm như mong đợi mà còn gây ức chế kinh khủng vì những vấn đề của nó. Không chỉ thế, tính năng rewind tưởng chừng là cứu cánh trong những pha “chết oan” của nhân vật lại là kẻ tội đồ trong không ít trường hợp khi sử dụng giữa trận chiến. Về mặt lý thuyết, tính năng này phải “quay ngược thời gian” về lại đúng khoảnh khắc trước đó, bao gồm cả trạng thái nhân vật đang ở chế độ chiến đấu hay đi cảnh, nhưng thực tế phũ phàng hơn rất nhiều.
Vấn đề ở chỗ, tính năng này luôn đưa nhân vật quay về chế độ đi cảnh, bất kể trước đó nhân vật đang trong tình trạng chiến đấu hết sức gay cấn. Điều này đặc biệt là một cơn ác mộng ở màn cuối, khi lượng kẻ thù “máu trâu” phải chiến đấu rất đông, nhiều không gian lại quá hẹp không thể chiến đấu được do thiết kế đặc trưng cho các nền tảng chơi game sử dụng nút bấm vật lý. Mặc dù chế độ Normal đã giảm bớt độ khó khá nhiều khi chiến đấu so với mặc định của phiên bản gốc là Hard, nhưng chính vì hệ thống điều khiển Touch Mode có độ trễ cao, thiếu linh hoạt nên trải nghiệm về sau hết sức ức chế, buộc tôi phải chuyển sang điều khiển cảm ứng theo kiểu truyền thống với cần analog và nút bấm ảo để thao tác nhanh hơn.
Điều này khiến Touch Mode độc quyền cho phiên bản mobile lại trở thành “tội đồ” trong trải nghiệm. Đó là chưa kể với thiết kế đặc trưng, Flashback Mobile cũng không mang đến trải nghiệm suôn sẻ với cơ chế điều khiển cần analog và nút bấm ảo như nút bấm vật lý. Thay vào đó, nhờ vào việc mô phỏng gần giống với trải nghiệm bằng nút bấm vật lý, kiểu điều khiển “sống ảo” này chỉ giúp trải nghiệm trên di động đỡ ức chế hơn do giảm thiểu độ trễ tương tác vì lý do chủ quan từ phía người chơi. Ngoài vấn đề điều khiển, phiên bản mobile bổ sung thêm AR Mode “vui là chính” và giấu các vật phẩm thu thập Street Art trong suốt trải nghiệm để mở khóa một số hình artwork kiểu thực tế ảo tăng cường, không có giá trị gì nhiều.
Các “cải thiện” khác từ các nền tảng khác vẫn giữ nguyên, như bộ lọc hình ảnh để xóa cảm giác pixel art và có thể đẹp hơn trong mắt một số người chơi, nhất là trên nền tảng di động do lợi thế màn hình nhỏ. Đáng chú ý nhất có lẽ là hiệu ứng scanline và tạo nhiễu, giả lập cảm giác chơi game trên ti vi CRT ngày xưa dành cho những ai thích hoài cổ. Trải nghiệm game vẫn sử dụng tỷ lệ màn hình 4:3 nguyên gốc, cho phép người chơi bật hoặc tắt viền nền ở hai cạnh cho màn hình đỡ “trống trải”. Mọi nội dung khác vẫn giữ nguyên so với bản remaster từng được phát hành năm ngoái trên các nền tảng PC và console hiện đại khác, bao gồm cả phần nhạc nền được remaster và cho phép người chơi lựa chọn giữa nhạc nền gốc và remaster.
Sau cuối, Flashback Mobile mang đến một trải nghiệm cinematic platform hoài cổ khá tuyệt vời trên nền tảng di động. Sau gần 30 năm, tựa game này vẫn giữ được sức hấp dẫn riêng của ngày nào, nhưng phần điều khiển Touch Mode cùng với độ trễ cao do cả vấn đề chủ quan lẫn khách quan của game và người chơi là một điểm trừ rất lớn. May mắn thay, bạn có thể chuyển sang kiểu điều khiển cảm ứng bằng nút bấm ảo truyền thống, nhưng vẫn sẽ gặp một số khó khăn trong trải nghiệm do thiết kế đặc trưng của trò chơi. Nếu không có lựa chọn nào khác để trải nghiệm, phiên bản mobile của trò chơi vẫn là cuộc phiêu lưu rất đáng chú ý.
Flashback Mobile được phát hành cho Android và iOS.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!