Cinematic platformer là một nhóm game phụ của thể loại đi cảnh, với nhiều đặc điểm tách biệt với các game đi cảnh truyền thống khác.
Sự khác biệt của cinematic platformer nằm ở yếu tố chân thực mà trò chơi mang lại. Những game thuộc thể loại này tập trung vào các chuyển động mượt mà, mô phỏng giống đời thực, không có các yếu tố vật lý phi tự nhiên như hầu hết những game đi cảnh khác. Để tạo được mức độ chân thực này, hầu hết các trò chơi sử dụng kỹ thuật gọi là rotoscoping. Về cơ bản, rotoscoping xây dựng chuyển động của các nhân vật trong trò chơi từ các đoạn video chuyển động do các diễn viên người thật thực hiện.
Một trong những yếu tố thường thấy trong các cinematic platformer là khả năng nhảy của nhân vật. Nó thường nằm trong giới hạn khả năng của một vận động viên điền kinh. Nhân vật không thể ngừng bất thình lình hay bất ngờ “bay vèo” lên tốc độ chạy tối đa, luôn mất thời gian để tăng hoặc giảm tốc. Cũng không có chuyện nhân vật có thể bất ngờ quay ngoắc 180 độ phi lý được. Để mở rộng yếu tố khám phá theo phương dọc, nhiều tựa game cinematic platform bổ sung thêm khả năng bám các cạnh gờ cho nhân vật, hoặc sử dụng thang máy.
Một trong số những đặc điểm khác để phân biệt còn có việc điều khiển nhân vật theo từng bước một khá hạn chế. Nói một cách đơn giản thì mỗi hành động chỉ được thực hiện sau khi nhân vật hoàn thành toàn bộ chuyển động hiện tại, chứ không phải ngay khi nút bấm được người chơi nhấn. Yếu tố này thường khiến trải nghiệm mang cảm giác nhân vật khá chậm chạp lề mề, không linh hoạt. Chẳng hạn, nhân vật luôn phải rút súng hoặc kiếm ra trước khi có thể tấn công, nhưng khi đó chuyển động của họ sẽ có rất nhiều hạn chế cho đến khi cất vũ khí vào.
Và cuối cùng, yếu tố dễ nhận thấy là các game cinematic platform thường có số lần “continue” hoặc “mạng” của nhân vật không hạn chế. Chưa kể, màn hình trải nghiệm thường có rất ít hoặc không có giao diện người dùng thường thấy như thanh máu, bộ đếm giờ, tên hoặc số màn chơi hay các chỉ số của nhân vật v.v… Các game thuộc thể loại này thường xây dựng nhân vật rất dễ bị tổn thương hay mất mạng bởi đòn tấn công của kẻ thù hoặc chỉ đơn thuần là rơi ở một độ cao nhất định. Thử thách trong các game cinematic platform thường xoay quanh yếu tố thử và sai để giải quyết vấn đề, buộc người chơi phải tìm giải pháp đúng để vượt qua chướng ngại nào đó.
Gây ảnh hưởng nhất và cũng là tựa game cinematic platform đầu tiên phải kể đến huyền thoại Prince of Persia. Có thể liệt kê một số tựa game thuộc nhóm thể loại phụ này như Flashback và phiên bản remake năm 2013, Another World, Heart of Darkness, Oddworld: Abe’s Oddysee và Oddworld: Abe’s Exoddus, Blackthorne, Bermuda Syndrome, Generations Lost, Heart of the Alien, Weird Dreams, Limbo, Inside, onEscapee, Deadlight, Rain World và Black the Fall.