Detroit: Become Human mang đến trải nghiệm game giống như một bộ phim mà bạn có thể tương tác và thay đổi tình tiết diễn ra trong đó.
Tôi biết đến nhà phát triển Quantic Dream từ tựa game đầu tay của họ là Omikron: The Nomad Soul khi trò chơi được phát hành cho Dreamcast nhưng không có ấn tượng gì về họ. Chỉ đến khi được chơi Fahrenheit và sau đó tiếp tục bị ấn tượng với trải nghiệm mà Heavy Rain mang đến và chú ý đến cái tên Quantic Dream. Tuy nhiên, sau thành công của Fahrenheit và Heavy Rain thì có vẻ như Quantic Dream đang mất đi khả năng sáng tạo. Và nếu nhìn một cách khắt khe thì tựa game mới nhất của họ là Detroit: Become Human cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Nếu đã từng xem trailer khá ấn tượng của Detroit: Become Human vào hồi E3 2016 thì có lẽ bạn vẫn nhớ khoảnh khắc đầy cân não của hai nhân vật trong đó. Người chơi cũng sẽ mở đầu trò chơi bằng chính những cảnh này, thông qua đó là giới thiệu đến bạn một trong số các nhân vật chính. Tuyến nội dung của Detroit: Become Human vẫn lại xoay chuyển luân phiên giữa câu chuyện kể của từng nhân vật như những tựa game trước đây của cùng nhà phát triển. Đây không phải là thủ pháp gì mới thật ra nó đã được họ sử dụng từ game Heavy Rain. Tuy nhiên, nếu so với tựa game này thì cách tiếp cận câu chuyện của Detroit: Become Human vận dụng tốt hơn.
Nếu như Heavy Rain có lối kể chuyện đậm tính cá nhân hơn, thì Detroit: Become Human lại vận dụng những tình tiết trong câu chuyện của các nhân vật để dẫn dắt người chơi đến với nội dung tổng thể lớn hơn. Chính sự thay đổi này mà trò chơi có thể nhào nặn thêm nhiều chi tiết hơn, xây dựng thành những câu chuyện gợi nhiều sự tò mò và tạo nhiều cảm xúc cho người chơi hơn. Thế nhưng, thủ pháp kể chuyện này chỉ hơn cách làm cũ trong Heavy Rain nếu nó được thực thi một cách khéo léo. Không may là Detroit: Become Human lại làm không tốt phần này.
Thay vì đào sâu thêm tuyến truyện và gia cảnh của các NPC liên quan đến câu chuyện của các nhân vật chính, thì trò chơi lại không làm như vậy mà bỏ qua tất cả, thậm chí còn mắc nhiều lỗ hổng to đùng rất phi lý và thiếu thuyết phục. Thay vào đó, nhà phát triển chọn giải pháp đơn giản và dễ dàng hơn là để các nhân vật này tự kể cho bạn nghe như kiểu than vãn và kể khổ, có lẽ dụng ý là để tạo cảm xúc và lòng thương cảm hoặc phẫn nộ của người chơi đối với nhân vật đó. Ban đầu tôi nghĩ đây chỉ là bước đệm để trò chơi có thể “gài” cảm xúc cho người chơi, tạo nhiều hướng kết thúc cho những tình tiết hấp dẫn về sau. Thế nhưng càng chơi lại càng thấy không phải vậy, kỳ thực đây là lựa chọn thiết kế của nhà phát triển.
Nếu chưa từng trải nghiệm những tựa game theo phong cách phiêu lưu hành động tương tác kịch tính của Quantic Dream trước đây, có thể bạn sẽ nhanh chóng bị cuốn vào những tình tiết tạo tò mò và sự kịch tính diễn ra liên tục trong Detroit: Become Human, quên đi những yếu tố thiếu phi lý trong đó. Thế nhưng, nếu đã từng chơi game của họ trước đây và quá quen với những thủ pháp quen thuộc này, rất có thể bạn sẽ không “lạc trôi” với nội dung của trò chơi như ý đồ của nhà phát triển. Điều này có thể vô tình làm hỏng đi trải nghiệm và cảm nhận của bạn về câu chuyện trong Detroit: Become Human, dù không thể phủ nhận rằng nó khá hấp dẫn. Nhiều tình tiết sai sót về mặt logic rất lộ liễu, cảm giác giống như nó được bổ sung theo ngẫu hứng của đội ngũ biên kịch sau khi đã hoàn thành vậy, khiến tôi có một sự thất vọng không hề nhỏ.
Đổi lại, nhà phát triển không hề khiến người chơi thất vọng về chất lượng đồ họa mà Detroit: Become Human đem lại, với mức độ chi tiết hết sức ấn tượng và đáng kinh ngạc. Bạn có thể thấy rõ điều này ngay từ những phân cảnh đầu tiên của trò chơi, khi chiếc trực thăng lơ lửng trên không khiến nước ở hồ bơi bị bắn tung tóe lên sàn nhà. Rồi những hạt mưa rơi lả tả trên khuôn mặt của nhân vật và đọng lại trên làn da của họ, hay thớ vải nhìn rất mềm mại và tung bay theo từng cử động của nhân vật. Ánh sáng nhiều màu của những bảng hiệu hay ánh đèn neon cũng thế, trông rất ấn tượng như trong cuộc sống thực tế ngoài đời vậy.
Cái không khí trong trò chơi cũng được xây dựng được không gian rất riêng của nó với những bản nhạc buồn, đặc biệt là những phân đoạn khá ảm đạm khi bạn điều khiển một nhân vật đi điều tra các vụ án. Đây cũng là những phân đoạn khiến tôi thích nhất trong Detroit: Become Human vì nó mang đến nhiều tương tác hơn, và người chơi có nhiều việc để làm hơn là chỉ dõi theo câu chuyện kể như của các nhân vật khác. Mỗi khung cảnh đều cho thấy sự đầu tư rất nhiều về mặt công nghệ, phải nói là game engine thật sự xuất sắc về mặt đồ họa, không có gì để chê trách. Đáng tiếc là với một tựa game thuộc thể loại khá độc đáo như Detroit: Become Human thì chỉ đồ họa thôi chưa đủ.
Về cơ bản, lối chơi của Detroit: Become Human rất quen thuộc nếu bạn đã từng trải nghiệm những tựa game trước đây của nhà phát triển này. Đây là một trong những tựa game hiếm hoi trên thị trường tận dụng được mọi khía cạnh điều khiển của tay cầm chơi game PlayStation 4. Phần lớn trò chơi mang đến cảm giác trải nghiệm như bạn đang theo dõi một bộ phim, xen kẽ trong đó là những phần tương tác bằng cách nhấn một loạt những nút bấm nhanh trong thời gian hạn chế, thứ mà người chơi vẫn quen gọi là Quick Time Event. Các thao tác này không những tập trung vào việc bấm tất cả các nút bấm trên tay DualShock 4 mà còn bao gồm cả việc vận dụng cả hai cần analog, quẹt ngang rồi quẹt dọc trên touchpad, thậm chí phải sử dụng cả cảm ứng chuyển động và độ nghiêng của tay cầm.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế thì đây là một trải nghiệm nhiều khi khá mệt mỏi. Người chơi chẳng bao giờ có thể biết trước một hành động nào sẽ cần bạn lắc tay cầm hoặc nhấn nút hoặc kéo và xoay cần analog. Mặc dù không nhất thiết phải nhớ vị trí mọi thứ trên tay cầm để thực hiện, nhưng nếu không nhớ thì thỉnh thoảng bạn sẽ gặp vài vấn đề với các QTE của trò chơi diễn ra trong một trường đoạn. Đó không phải là vài ba thao tác trên tay cầm, mà những đoạn thế này yêu cầu mười mấy tới gần hai chục thao tác liên tục cho những tương tác bất ngờ trên màn hình. Chính vì vậy mà nếu bạn sơ suất nhầm lẫn một thao tác trong cả phân đoạn dài như thế, thì đó thật sự là một điều cực kỳ ức chế.
Nhưng đó vẫn chẳng thấm gì so với một vấn đề to tát nhất của Detroit: Become Human nằm ở các lựa chọn lời thoại đầy tính đánh đố, hầu như không cho bạn chút khái niệm gì về lựa chọn đó là gì hay mang ý nghĩa như thế nào. Bạn sẽ phải tập quen dần với những câu trả lời rất ngắn gọn kiểu như chọn Regret hoặc Determined, và đằng sau những chọn lựa đó là gì thì chỉ có chọn thử mới biết. Tôi thường xuyên gặp bất ngờ theo nghĩa xấu với những lựa chọn “bùa yêu” như thế, sau khi nhân vật bắt đầu nói luyên thuyên về những điều mà không đúng như tôi nghĩ về lựa chọn đó khi nhấn nút. Kết quả thường là nhanh tay thoát ngay game và load lại đoạn đó trước khi trò chơi kịp lưu lại. Tôi nghĩ không có từ ngữ nào trong tiếng Việt có thể diễn tả được cái cảm xúc lúc đó.
Sau cuối, Detroit: Become Human có thể là một câu chuyện hấp dẫn với nhiều kịch tính, nhưng đi kèm trong đó cũng khá nhiều hạt sạn có thể làm hỏng trải nghiệm của người chơi khó tính, đặc biệt khi đây là tựa game hướng đến yếu tố mang đến trải nghiệm như xem phim phiêu lưu hành động và tương tác nhiều kịch tính. Mặt khác, trò chơi mang rất nhiều thông điệp có thể khiến nhiều người chơi không thích, vì dễ tạo cảm giác nhà phát triển cố tình ăn theo các sự kiện theo thời sự quốc tế. Dù vậy, nếu thích thể loại chuyện kể thì đây vẫn là một tựa game đáng chơi nếu bạn lần đầu trải nghiệm thể loại này hoặc dễ tính. Chưa kể, trò chơi có đồ họa khá ấn tượng dù không gian khá “chật hẹp” do không hề mở và có phần khá tuyến tính trong phạm vi di chuyển của người chơi. Tuy nhiên, nếu mong đợi một thứ gì đó thật sự ấn tượng về nội dung và thủ pháp kể chuyện mới mẻ so với nhiều tựa game trước đó của cùng nhà phát triển, thì bạn sẽ cảm thấy thất vọng với trò chơi.
Detroit: Become Human hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4.
[text-blocks id=”game-box”]