Capcom Fighting Collection là bộ sưu tầm gồm 10 game song đấu đối kháng kinh điển từ thời hoàng kim của điện tử thùng (arcade) CPS vài thập niên về trước. Mặc dù vẫn có vài cái tên trùng với các tuyển tập game từng phát thành trên những hệ máy khác nhau, nhưng đây chắc chắn là bộ sưu tầm không thể thiếu nếu không nói từng một thời là tuổi thơ của không ít người chơi độ tuổi Gen Y. Đó là chưa kể các tính năng phụ trợ như rollback netcode cho Online Play, chế độ chơi Training cho bạn “luyện võ” cùng thư viện Museum gồm hình artwork và soundtrack.
Museum khiến người viết hào hứng nhất khi mang đến cảm giác bộ sưu tầm đúng nghĩa với con số lên tới vài trăm hình artwork, cộng với trọn bộ soundtrack của 10 game trong Capcom Fighting Collection. Kém hào hứng một chút là chế độ Training chỉ dừng ở mức tối thiểu. Chế độ này vô hiệu hóa đấu thủ AI và hiển thị một vài số liệu, hỗ trợ người chơi tập đánh với nhân vật điều khiển và đối thủ tùy chọn. Bạn chỉ có thể xem cách bấm tuyệt kỹ từ menu, làm tôi nhớ ngày xưa phải ghi tuyệt kỹ ra giấy và lấy ra xem trước khi chọn nhân vật vào trận.
Capcom Fighting Collection chào đón người chơi với giao diện khá gọn gàng, không rườm rà như Capcom Arcade Stadium. Việc chuyển đổi giữa các trò chơi cũng diễn ra rất nhanh chóng với thao tác tối thiểu. Tương tự bộ sưu tầm vừa đề cập, phần lớn game đều cho bạn chọn giữa bản tiếng Anh và tiếng Nhật. Tuy nhiên, người viết cảm thấy tựa tiếng Nhật quen thuộc và gợi nhớ đến những trải nghiệm arcade ngày xưa hơn. Vì lý do này mà tôi sử dụng tựa gốc bản tiếng Nhật xuyên suốt bài viết, kết hợp tựa tiếng Anh trong ngoặc đơn khi cần thiết.
Đầu tiên phải kể đến Warzard (Red Earth), tựa game đầu tiên tận dụng sức mạnh phần cứng vượt trội của dòng máy arcade CPS-III. Thế nhưng, nó không để lại nhiều ấn tượng vì thiết kế khác biệt đến khó hiểu so với các game cùng thời. Người viết còn nhớ tiệm trò chơi điện tử gần nhà cũng chỉ nhập Warzard về kinh doanh một thời gian ngắn rồi thay bằng game khác. Kỳ thực, trò chơi sở hữu nhiều cơ chế gameplay độc đáo, kết hợp cùng lối chơi đối kháng quen thuộc của thể loại song đấu. Chẳng hạn nhân vật có thể nhận điểm kinh nghiệm và mở khóa kỹ năng mới.
Đặc biệt, Warzard còn có hệ thống ‘password’, cho phép người chơi sử dụng nguyên trạng nhân vật mạnh từ lần chơi trước và tiếp tục trải nghiệm trong những lần chơi sau. Tuy nhiên, trò chơi lại có rất ít nhân vật điều khiển. Cụ thể chỉ có 4 “đấu sĩ” tham gia vào các trận chiến với 8 đối thủ boss máu khủng và mang nhiều màu sắc fantasy trong tạo hình. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là không có nhiều tính chiến thuật, nhất là khi bạn nắm rõ các tuyệt kỹ của nhân vật điều khiển. Số lượng đấu sĩ ít cũng điểm trừ khi song đấu 2 người.
Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của trọn bộ series Vampire (Darkstalkers) lấy bối cảnh là vũ trụ kinh dị đậm chất gothic, với dàn đấu sĩ đến từ những truyện dân gian nổi tiếng thế giới. Đây cũng là ý tưởng thú vị mà nhà phát triển AOne Games sử dụng để xây dựng trải nghiệm song đấu đối kháng khá hào hứng, đậm màu sắc kinh dị trong Omen of Sorrow. Thế nhưng, người viết cảm thấy tiếc khi cả 5 tựa game Vampire đều là nguyên bản arcade, không phải phiên bản xịn xò và nhiều nhân vật hơn từng phát hành cho hệ máy Dreamcast và PlayStation Portable.
Rắc rối hơn, ba game Vampire: The Night Warriors, Vampire Hunter: Darkstalkers’ Revenge và Vampire Savior: The Lord of Vampire đều là trải nghiệm arcade nguyên bản, nếu không tính vài thay đổi về mặt hình ảnh. Còn Vampire Savior 2: The Lord of Vampire và Vampire Hunter 2: Darkstalkers’ Revenge kỳ thực là Vampire Savior (Darkstalkers 3) với những điều chỉnh khác nhau. Cụ thể, Vampire Savior 2 thay các nhân vật Gallon (J.Talbain), Sasquatch và Aulbath (Rikuo) bằng Donovan, Huitzil và Pyron. Vampire Hunter 2 thì thay cả dàn nhân vật từ Vampire Hunter vào.
Bạn nào thích mech chắc sẽ thích Cyberbots: Full Metal Madness, tựa game song đấu vốn là bản spin-off của game arcade beat ’em up Powered Gear – Strategic Variant Armor Equipment (Armored Warriors). Trò chơi gây ấn tượng với chất lượng đồ họa xuất sắc, từ hình artwork nhân vật cho đến chuyển động của các đấu sĩ người máy. Những đòn tấn công rất có uy lực, nhưng hơi khó quan sát khi bạn quen và thành thạo thao tác điều khiển nhanh. Tuy nhiên, trải nghiệm song đấu không nhiều chiều sâu khi chủ yếu xoay quanh kết hợp kỹ năng của nhân vật và các người máy khác nhau.
Bất ngờ nhất là Super Puzzle Fighter II X. Đây là game duy nhất không thuộc thể loại song đấu trong bộ sưu tầm này. Trò chơi sở hữu lối chơi giải đố được biến tấu từ Tetris kinh điển. Trong đó, người chơi tấn công đối thủ bằng cách sắp xếp và phá hủy những khối màu rơi xuống màn hình. Tuy mô tả có phần giống Tetris, nhưng khác biệt lớn nhất là bạn phải gom những khối màu lại với nhau. Khối càng lớn càng gây “sát thương khủng” và chờ thời khắc quyết định để dùng ngọc đặc biệt phá hủy cả khối màu khổng lồ nói trên. Trải nghiệm game hại não hơn Tetris nhiều.
Pocket Fighter là trải nghiệm rất hấp dẫn khi kết hợp giữa phong cách tạo hình chibi và cơ chế “đập văng ngọc” để kích hoạt đặc kỹ. Tương tự SNK vs. Capcom: The Match of the Millennium, tựa game này thú vị ở dàn nhân vật đến từ hai series Street Fighter và Vampire cùng Tessa trong Warzard. Cơ chế gameplay được lai tạo từ ba cái tên vừa đề cập, mang đến trải nghiệm rất hào hứng và không kém phần vui nhộn từ tạo hình chibi của các nhân vật. Đó là chưa kể màn thay trang phục không đụng hàng được mỗi khi bạn thực hiện thành công đòn liên hoàn nhất định.
Nhắc đến thể loại song đấu đối kháng không thể không nhắc đến Street Fighter và Capcom Fighting Collection cũng không hề ngoại lệ với Hyper Street Fighter II: Anniversary Edition. Ở góc độ người chơi, đây là bản “đỉnh” nhất của Street Fighter II khi cho phép bạn chọn 5 phiên bản khác nhau trong trải nghiệm. Khác biệt lớn nhất giữa các phiên bản này là ngoại hình nhân vật, còn cái ruột gameplay là bản Super Street Fighter II Turbo. Ngoài sự khác biệt về tạo hình nhân vật điều khiển, người viết không nhận thấy khác biệt nào trong trải nghiệm.
Đáng chú ý, Capcom Fighting Collection cung cấp tới 7 bộ lọc khác nhau. Ngoài ra còn nhiều hình nền tùy biến cho hai cạnh bên của màn hình cùng các thiết lập tỷ lệ khung hình khác nhau. Những tùy chỉnh này dư sức đáp ứng gần như mọi yêu cầu của người chơi khó tính nhất về mặt hình ảnh. Chế độ chơi Online Play cũng khá ấn tượng với rollback netcode, giúp trải nghiệm PvP online mượt mà hiếm khi bị ‘lag’, bất chấp khoảng cách địa lý giữa hai đấu thủ người chơi. Đáng tiếc là bộ sưu tầm này không hỗ trợ đấu cross-play giữa các nền tảng khác nhau.
Ở góc độ người chơi, điểm trừ lớn nhất của Capcom Fighting Collection là sự thiếu vắng tính năng ‘reset’, khiến một số tình huống trải nghiệm hơi mất thời gian không cần thiết. Nếu bạn muốn “khởi động lại” game đang chơi, cách duy nhất là thoát về màn hình chính rồi chọn lại game đó. Ngoài ra còn một vấn đề tuy nhỏ và hơi thiên về cảm nhận cá nhân mà tôi không thể không đề cập. Đó là cảm giác trải nghiệm với tay cầm DualSense không tốt bằng tay cầm DualShock 4. Mặt khác, người viết cũng không tìm được nhiều người chơi để đấu online cùng mà không rõ nguyên do.
Sau cuối, Capcom Fighting Collection mang đến một trải nghiệm song đấu 10-trong-1 khá đặc sắc với giá trị chơi lại và sưu tầm đều rất cao. Bộ sưu tầm này không có điểm trừ nào đáng chú ý, biến nó thành cái tên không thể thiếu trong thư viện game của những ai yêu thích thể loại này nói chung và những game trong bộ sưu tầm này nói riêng.
Capcom Fighting Collection hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!