Banishers: Ghosts of New Eden là game hành động nhập vai với chủ đề khá mới mẻ, nghiêm túc, nhịp độ chậm rãi, để lại nhiều cảm xúc trong xây dựng tình tiết cốt truyện. Trò chơi lấy bối cảnh vào cuối những năm 1600, đưa người chơi đến với cuộc phiêu lưu của cặp đôi Antea Duarte và Red mac Raith. Họ yêu nhau, luôn cùng nhau đi khắp mọi nơi giúp người dân trừ ma, nhưng số phận khiến cả hai âm dương cách biệt. Những lựa chọn của bạn sẽ đưa đẩy định mệnh của Antea và Red.
Nhà phát triển DontNod Entertainment có lẽ không xa lạ với những ai thích trải nghiệm game đặt nặng sự lựa chọn của người chơi trong xây dựng cốt truyện. Sau thất bại thương mại với Remember Me, họ đã có màn trở lại đầy ấn tượng với Life is Strange và thừa thắng xông lên cùng Life is Strange 2 khoảng hai năm kế. Tuy những năm tiếp nối sau đó không gây dấu ấn nhiều với Tell Me Why và Twin Mirror, nhưng có một cái tên gây chú ý khi lấy đề tài ma cà rồng đầy hấp dẫn: Vampyr.
Ở góc độ người chơi, Banishers: Ghosts of New Eden kế thừa tinh thần của cái tên ra mắt năm 2019 kể trên rất tốt. Cốt truyện game được chấp bút hấp dẫn khi mang yếu tố điều tra như Vampyr, kết hợp giữa sự sống và cái chết với nhiều tình tiết kịch tính cùng câu chuyện tình cảm lãng mạn của hai nhân vật chính. Tuy vậy, những cái kết của game ít nhiều để lại cảm nhận trái chiều vì dễ đoán, không ngoài các ý tưởng được đội ngũ DontNod Entertainment sử dụng nhiều lần trước đây.
Có lẽ biết vậy nên Banishers: Ghosts of New Eden được tập trung tốt phần gameplay, cụ thể là cơ chế điều tra các vụ án trong game rất hấp dẫn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là hệ thống chiến đấu khá nhạt nhòa về sau, nếu không nói đôi lúc phá hỏng cảm giác trải nghiệm đầy hào hứng của người chơi. Nếu tôi nhớ không lầm thì Vampyr cũng vướng phải vấn đề tương tự, khiến người viết khó tránh khỏi cảm giác hệ thống này được xây dựng chủ yếu nhằm kéo dài thời lượng game hơn.
Câu chuyện trong Banishers: Ghosts of New Eden được chấp bút với giọng văn mạnh mẽ, không mang cảm giác quá đao to búa lớn như một số game khác của nhà phát triển DontNod Entertainment. Người chơi nhập vai Red với tính cách đa sầu đa cảm, trái ngược hoàn toàn vẻ điển trai kiểu Scotland trên đường nét khuôn mặt rắn rỏi của nhân vật này. Ngược lại với Red là Antea, vừa là người yêu vừa là đồng nghiệp nhưng tính cách lại rất thực tế và có phần liều lĩnh, mạnh mẽ như đàn ông.
Cả hai nhân vật đều được chấp bút rất đời thường. Những cuộc thoại của họ luôn khiến người viết thích thú và có sự quan tâm nhất định đến mối quan hệ cũng như vận mệnh của cặp đôi này. Mặc dù biết Banishers: Ghosts of New Eden cũng như bao tựa game khác của cùng nhà phát triển khó có cái gọi là ‘happy ending’ nhưng tin tôi đi, nếu là nữ thì bạn khó mà bỏ qua những câu nói ngôn tình thậm chí sến súa của Red được. Còn nam giới có lẽ sẽ nghĩ Red có phần ủy mị và sướt mướt.
Về thiết kế gameplay, trải nghiệm Banishers: Ghosts of New Eden không có gì gọi là sáng tạo so với vài cái tên đình đám gần đây như God of War Ragnarök hay The Last of Us. Người chơi điều khiển một nhân vật chính và một nhân vật phụ sẽ đồng hành cùng bạn, hỗ trợ khi cần thiết trong trải nghiệm khám phá và chiến đấu. Red và Antea là những Banisher. Họ có khả năng trừ ma (banish) hoặc cho linh hồn thăng thiên (ascent). Mỗi quyết định này sẽ tác động đến một cái kết của trò chơi.
Trải nghiệm Banishers: Ghosts of New Eden đưa người chơi đi khắp nơi, gặp gỡ đủ mọi loại người để giải quyết những vấn đề của họ thông qua các lựa chọn. Thường là điều tra một vụ án mạng đã xảy ra nào đó và quyết định sẽ làm gì với hồn ma. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra đi lang thang đến lạc đường và chạy việc không ít tương tự Geralt trong series game The Witcher. Có khác chăng là thế giới trong game được xây dựng tuyến tính chứ không rộng mở.
Thế nên cũng như tựa game có thiết kế lối chơi tương tự là Vampyr của cùng nhà phát triển, nhịp độ lề mề là điểm trừ khá khó chịu của Banishers: Ghosts of New Eden, nhất là nửa sau trải nghiệm. Đơn cử những phân đoạn hai nhân vật ngồi bên lửa trại tưởng được nhà phát triển cho ăn “cơm tró”, ai dè Red và Antea chỉ nhìn nhau âu yếm trong vài giây rồi chuyển sang trải nghiệm game tiếp. Tương tự, người viết cũng phải đọc những đoạn thoại nói đi nói lại của cặp đôi này. Mãi cũng mệt.
Bù lại, các vụ án điều tra trong Banishers: Ghosts of New Eden được xây dựng khá chỉn chu từ cốt truyện cho tới những tình tiết thấy vậy mà không phải vậy. Ngoài các nhiệm vụ chính được chấp bút kịch bản khá ám ảnh, người chơi có thể đi lang thang để thực hiện các nhiệm vụ phụ, giải các câu đố khi cần cũng như quyết định sẽ chạm trán với ai đó bằng tác động vật lý hay dùng lời nói thuyết phục họ. Tuy chiến đấu trong game khá thử thách, nhưng người chơi có thể tùy biến khía cạnh này khá sâu.
Nghĩa là nếu không thích tốn thời gian cho những trận chiến được tăng độ khó lên cao ở thiết lập mặc định, bạn có thể tùy biến lại bằng các công cụ sửa đổi được nhà phát triển xây dựng sẵn để có một hoặc nhiều lợi thế với đối thủ hơn trong chiến đấu. Tôi thì chơi theo thiết lập mặc định nên không xem kỹ phần này lắm, nhưng khả năng tùy chỉnh thiết lập độ khó giúp Banishers: Ghosts of New Eden dễ tiếp cận với nhiều đối tượng và trình độ khác nhau của người chơi hơn. Chắc chắn là vậy!
Điều thú vị là những nhiệm vụ phụ thường cung cấp thêm nhiều thông tin bổ trợ, giúp bạn tìm hiểu sâu thêm về các nhân vật gặp gỡ trong nhiệm vụ chính. Tuy vậy, việc hiểu thêm về bối cảnh cũng như con người trong thế giới của Banishers: Ghosts of New Eden không đồng nghĩa đem đến lợi thế hơn cho người chơi trong trải nghiệm. Nói cách khác, cách chúng được xây dựng không tạo động lực cho người chơi trong game mà chỉ tạo thêm yếu tố tương tác và kéo dài thời lượng chơi.
Tuy vậy từ nửa sau game, Banishers: Ghosts of New Eden bắt đầu có dấu hiệu đuối trong việc duy trì cảm giác hào hứng cho trải nghiệm. Nguyên do là những hậu quả trong cuối một vụ án thường giống nhau, cụ thể là ba lựa chọn. Mỗi lựa chọn đều không được thể hiện rõ ràng hệ quả của nó dù trò chơi liên tục yêu cầu bạn cân nhắc. Không những vậy, cả ba lựa chọn này đều mang cảm giác quá hiển nhiên nếu bạn đã từng trải nghiệm một hoặc hai tựa game do DontNod Entertainment phát triển.
Tệ hơn, Banishers: Ghosts of New Eden còn đưa những tình huống giống như cố gắng thao túng tâm lý người chơi. Có những NPC họ thật sự không phải xấu xa theo quan điểm của người viết, nhưng trò chơi lại xem việc đổ lỗi cho NPC thay vì “xử đẹp” người chết lại là lựa chọn không tốt. Chính vì thế mà vô tình biến những câu chuyện được chấp bút hấp dẫn trong các nhiệm vụ trở nên một màu về cuối khi mọi chuyện ngã ngũ, ít còn cảm giác cuốn hút như nửa đầu trải nghiệm game nữa.
Chiến đấu trong Banishers: Ghosts of New Eden cũng đôi lúc để lại cảm giác trái chiều trong thiết kế. Về cơ bản, người chơi có thể chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật ngay lập tức trong chiến đấu. Red dùng kiếm và súng trong khi Antea sử dụng ma thuật. Bạn có thể tận dụng việc chuyển đổi này cùng kỹ năng riêng của mỗi nhân vật để tung những đòn combo đầy hào hứng. Ban đầu chỉ là những hành động cơ bản như lăn né, đỡ đòn, đánh mạnh và đánh nhẹ. Về sau hấp dẫn hơn nhờ các kỹ năng mở khóa mới.
Khả năng tấn công của mỗi nhân vật phù hợp với kẻ thù đặc trưng, nhưng đáng tiếc kẻ thù lại không đa dạng trong game. Từ nửa sau hầu như không còn đụng độ kẻ thù mới mà chỉ gặp lại những gương mặt cũ. Tương tự, yếu tố khám phá cũng tận dụng khả năng của mỗi nhân vật khá tốt. Chẳng hạn Red chỉ thể thấy được những gì mà người trần mắt thịt thấy, trong khi Antea thì ngược lại khi có thể thấy những thứ vô hình để mở ra chân trời mới trong trải nghiệm Banishers: Ghosts of New Eden.
Tuy nhiên, Antea không có khả năng tương tác vật lý mà những hành động như thế hoàn toàn phụ thuộc vào Red. Anh chàng đa cảm này có thể thực hiện các nghi thức để nhìn thấy những hình ảnh từ quá khứ hoặc triệu hồi linh hồn xuất hiện để thu thập thông tin và giải quyết vấn đề cùng bạn. Chính vì vậy, người chơi phải thường xuyên chuyển đổi giữa hai nhân vật để khám phá và truy tìm manh mối cho các vụ án. Đây là những khoảnh khắc gameplay đầy hào hứng nhưng không phải luôn như thế.
Vấn đề ở chỗ mỗi người lo việc của mình nhưng do không biết được khi nào cần đến ai để triệu hồi, người chơi có thể vô tình đứng trước con đường vô hình mà không nhận ra. Từ đó tốn thời gian xoay đi xoay về tìm đường nhiều khi rất ức chế, ít nhất là ở nửa đầu thời lượng chơi khi bạn chưa quen với cơ chế gameplay nói trên. Bên cạnh đó, Banishers: Ghosts of New Eden cũng có rất nhiều trang bị và kỹ năng để người chơi tùy biến theo lối chơi cá nhân của mỗi người.
Những thiết kế thế này không quá mới mẻ nên tôi cũng không đề cập đến quá nhiều, nhưng khả năng tùy biến trong Banishers: Ghosts of New Eden khá tự do, không tạo cảm giác gò bó người chơi vào lối chơi cụ thể nào. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi tất cả để “làm lại cuộc đời” mỗi khi nghỉ ngơi cùng nhau bên lửa trại. Vấn đề lớn nhất trong gameplay của Banishers: Ghosts of New Eden vẫn là cảm giác chiến đấu phản hồi không tốt và camera dễ khiến bạn tức phát điên y như trải nghiệm Vampyr.
Sau cuối, Banishers: Ghosts of New Eden tuy cố gắng mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai với vài thứ mới mẻ, nhưng cũng vướng phải những vấn đề khó chịu trong thiết kế tương tự nhiều tựa game khác của cùng nhà phát triển. Trò chơi không có điểm cộng nào hoàn toàn nổi bật, nhưng cũng chẳng có điểm trừ nào đến mức phá hỏng trải nghiệm game. Điểm cộng sáng nhất của trò chơi có lẽ là đề tài thú vị, yếu tố điều tra hấp dẫn cùng câu chuyện kể đáng chú ý, nhưng chính chúng cũng kéo theo nhiều điểm trừ khác nếu bạn là người chơi khó tính.
Banishers: Ghosts of New Eden hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!