The Last of Us Part I là bản “đập đi xây lại” của game phiêu lưu hành động sinh tồn cùng tên ra mắt trên PlayStation 3 vào năm 2013. Tuy nhiên, đây kỳ thực là phiên bản thứ ba của game nguyên bản nếu tính luôn bản remaster cho PlayStation 4. Thậm chí cũng không sai khi nói đây là tựa game từ phô diễn đến vắt kiệt sức mạnh phần cứng của ba thế hệ PlayStation nối tiếp nhau, mang đến trải nghiệm game tuyệt vời ở gần như mọi khía cạnh và không chỉ dừng ở đó.
Về cơ bản, The Last of Us Part I tuy là bản làm lại nhưng khá trung thành với nguyên bản ở phần lớn khía cạnh kể cả lời thoại. Trải nghiệm game đậm chất điện ảnh với câu chuyện kể đáng nhớ. Trò chơi lấy bối cảnh nấm Cordyceps đột biến và gây họa cho nhân loại, biến họ thành các “zombie” Infected. Cordyceps là danh pháp khoa học một chi nấm ascomycota có khoảng 600 loài, hầu hết sống ký sinh trên côn trùng và động vật chân đốt, nhưng một số ít sống trên loại nấm khác.
Cordyceps tuy phân bố khắp thế giới nhưng hầu hết từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam và một trong số loài nấm này thường được biết đến với cái tên đông trùng hạ thảo. Điều thú vị là các nhà khoa học từng phát hiện hợp chất Cordycepin, thành phần hoạt tính sinh học chính của nấm Cordyceps rất hiệu quả trong việc làm chậm đặc tính ung thư nhờ vào khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Về mặt khoa học là thế nhưng trong trải nghiệm game thì hoàn toàn khác.
The Last of Us Part I đưa người chơi nhập vai “gà trống nuôi con” Joel, trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời đến khi định mệnh đưa đẩy anh gặp cô bé Ellie có cơ địa đặc biệt. Ở góc độ người chơi, game được chấp bút kịch bản xuất sắc với nhiều nút thắt bất ngờ và cuốn hút ngay từ những “thước phim” đầu tiên. Vấn đề ở chỗ do bản làm lại trung thành với nguyên tác, trải nghiệm game không còn để lại cho người viết cảm xúc mạnh mẽ như lần đầu tiên trải nghiệm nữa.
Đó là chưa kể, việc đã biết trước số phận của các nhân vật trong hậu bản The Last of Us Part II còn gây tác động tiêu cực đến cảm xúc của tôi trong suốt trải nghiệm game. Tất nhiên đây không phải lỗi của nhà phát triển hay vấn đề của trò chơi. Nó phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người chơi, nhưng hậu quả để lại nếu có thật khó lường. Thay cho những hỉ nộ ái ố cùng nhân vật khi hoàn thành trải nghiệm The Last of Us Remastered trước đây là cảm giác rất khó chịu.
Lối chơi của The Last of Us Part I cũng không có gì thay đổi so với nguyên bản hay bản remaster mà người viết từng chơi trước đây. Trải nghiệm game vẫn xoay quanh khía cạnh hành động lén lút, các trận đấu súng với đạn dược khan hiếm, xen kẽ những phân đoạn di chuyển lòng vòng trong môi trường màn chơi để giải những câu đố liên quan đến thang và thanh gỗ dài. Chính vì vậy, trong bài này người viết chủ yếu tập trung vào các khác biệt của bản làm lại hơn.
Khác biệt lớn nhất so với The Last of Us Remastered là đồ họa được đại tu hoàn toàn và hỗ trợ tay cầm DualSense. Cảm nhận đầu tiên của người viết là hình ảnh rất ấn tượng, nhìn thật như đang xem phim người đóng vậy. Điều này không chỉ thể hiện ở môi trường màn chơi được chăm chút kỹ lưỡng từng chi tiết và hiệu ứng, mà ngay cả tạo hình nhân vật cũng mang diện mạo mới. Từ biểu cảm đến cử chỉ đều nhìn rất chân thật, nhất là các Clicker và những kẻ thù quen thuộc cũ.
Đơn cử Joel trông già hơn sau những thăng trầm và tháng năm sương gió trong suốt ngần ấy năm ở phần mở đầu so với nguyên bản. Trông ông nhìn khắc khổ và nghiêm khắc hơn tạo hình có phần bất cần đời trong The Last of Us Remastered. Thần thái của nhân vật cũng ấn tượng hơn. Bạn có thể thấy rõ điều này qua biểu cảm với các chuyển động cơ mặt của nhân vật trong các đoạn hội thoại. Từ ánh mắt cho đến những chi tiết trên khuôn mặt đều nhìn không khác gì người thật vậy.
Thậm chí khi phóng to những screenshot được chụp ở chế độ Fidelity ưu tiên chất lượng đồ họa cao nhất, người viết còn thấy cả ánh sáng phản chiếu trong tròng mắt của nhân vật. Không chỉ riêng Joel, các nhân vật khác trong câu chuyện kể như Bill và Tess cũng có diện mạo mới, kết hợp cùng ‘motion capture’ ấn tượng mang tới không chỉ cái nhìn mà cả cảm xúc rất mới mẻ cho mỗi nhân vật trong trải nghiệm, nhất là những ai từng chơi game gốc hay bản remaster hoặc cả hai.
Nói đâu xa, nhân vật thấy rõ nhất sự thay đổi là cô bé Ellie bị đồi mồi khắp khuôn mặt và đôi mắt như ngấn nước nhìn rất thật. Có những chi tiết rất nhỏ cũng được điều chỉnh, giúp thổi hồn cho biểu cảm trên khuôn mặt và tạo hình của nhân vật hơn. Chẳng hạn, bạn có thể thấy rõ những lỗ chân lông trên khuôn mặt của Joel khi trải nghiệm trên tivi lớn. Hay như chiếc áo của ông mặc nhìn bạc màu theo thời gian, chứ không giống bị dính nhớt như trong The Last of Us Remastered.
Tông màu cũng được chỉnh lại trong The Last of Us Part I. Cụ thể, bối cảnh tối và trong nhà có xu hướng ngả hồng trong khi buổi sáng có phần ngả xanh nhiều hơn, không còn ngả vàng toàn bộ trải nghiệm như bản remaster. Một số khung cảnh cũng có tình trạng “đập đi xây lại” cho phù hợp tình tiết câu chuyện kể hơn, như đoạn ba nhân vật chui ra khỏi ống cống ở gần đầu trải nghiệm game. Bối cảnh trong bản remaster khi ra khỏi đó là ngôi nhà, còn bản làm lại là dưới gầm cầu.
Không chỉ màu sắc, hiệu ứng ánh sáng và hình ảnh mà thậm chí trường nhìn cũng có nhiều điều chỉnh, giúp trải nghiệm The Last of Us Part I mang cảm giác điện ảnh nhiều hơn. Chẳng hạn phân đoạn bộ ba Tess, Joel và Ellie bước qua thanh gỗ để tiếp cận khu vực ngăn cách bên kia. Trong bản remaster, hậu cảnh tòa nhà màu nâu bị làm mờ khiến thanh gỗ chìm hẳn vào hậu cảnh, nhìn như Ellie lơ lửng giữa không. Ở bản làm lại, tòa nhà phía sau có màu xám làm nổi bật hình ảnh Ellie hơn.
Nhờ tận dụng sức mạnh phần cứng của PlayStation 5, The Last of Us Part I không còn sử dụng phim CG trong những đoạn chuyển cảnh như trước đây nữa. Toàn bộ hình ảnh đều được dựng phim bằng game engine, giúp trải nghiệm đồng nhất về tính mỹ thuật cũng như sắc thái hơn. Đây là sự điều chỉnh rất tinh tế, tránh làm tụt cảm xúc của người chơi mỗi khi trò chơi chuyển đổi qua lại giữa các đoạn phim CG chuyển cảnh và game engine vì khác biệt màu sắc lẫn đồ họa như trước đây.
Môi trường cũng có nhiều điều chỉnh thú vị, nhưng thấy rõ nhất là rêu xanh bao phủ một phần bên ngoài những tòa nhà trong trải nghiệm The Last of Us Part I, tạo cảm giác bỏ hoang lâu năm và phù hợp với bối cảnh câu chuyện kể hơn. Bản remaster không có các chi tiết này. Không những vậy, cơ chế điều khiển cũng có điều chỉnh nhẹ giúp trải nghiệm chiến đấu bớt vụng về hơn, đồng thời giao diện cũng thay đổi nhìn có phần đồng nhất với hậu bản The Last of Us Part II hơn.
Thời gian tải dữ liệu trong bản làm lại cũng rất ấn tượng khi nhanh hơn rất nhiều, giúp việc phải chơi lại sau mỗi lần phạm sai lầm gần như tức thì đỡ ức chế hơn. Đáng chú ý, The Last of Us Part I hỗ trợ tính năng ‘adaptive trigger’ của DualSense khiến những khoảnh khắc bắn cung rất thỏa mãn. Tuy nhiên trong không ít trường hợp, tôi lại thấy tính năng ‘haptic feedback’ có phần bị lạm dụng khi không nhất thiết mọi thứ đều phải rung để tạo cảm xúc thông qua tay cầm DualSense.
Đó là những lúc rung khi tôi đang cầm DualSense, nhưng tình huống trên màn hình chẳng liên quan gì đến rung động ở tay cả. Những trường hợp tương tự không phải hiếm, tạo cho người viết cảm giác haptic feedback được áp dụng thiếu trực quan lẫn tinh tế. Thậm chí từ nửa sau trải nghiệm, tôi quyết định tắt hẳn các tính năng của tay cầm DualSense để đổi lấy cảm giác trải nghiệm tốt hơn. Bên cạnh vấn đề trái chiều này, The Last of Us Part I còn có vài thay đổi và bổ sung khá thú vị.
Một trong số đó là chế độ chơi Speedrun và thiết lập độ khó mới vốn không có trong bản remaster. Bản làm lại cũng loại bỏ những trophy liên quan đến hoàn thành game ở các độ khó khác nhau, giúp các “thợ săn trophy” đỡ mất nhiều thời gian để đạt được Platinum hơn. Đặc biệt, bạn cũng có thể tùy biến các yếu tố khác nhau của thiết lập độ khó. Chưa kể, game còn kèm theo một số thiết lập trong Accessibility, giúp người chơi dễ dàng tìm vật phẩm thu thập và hơn thế nữa.
Hệ thống chiến đấu trong The Last of Us Part I không có gì khác biệt đáng đề cập, ngoại trừ AI của đồng minh có sự cải thiện tốt hơn khi biết khi nào nên núp và khi nào nên tấn công. Mặt khác, người viết cũng nhận thấy trò chơi giờ đây tính toán yếu tố hành động lén lút dựa trên hành vi của người chơi mà thôi. Thay đổi này tuy nhỏ nhưng khiến tôi không phải nổi điên mỗi khi bé Ellie trẻ người non dạ, bỗng cao hứng phá hỏng khoảnh khắc “đâm sau lưng chiến sĩ” của Joel.
Sau cuối, The Last of Us Part I mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động sinh tồn khá đặc sắc không chỉ ở câu chuyện kể kế thừa từ nguyên bản, mà phần lớn khía cạnh khác đều rất ấn tượng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là mức giá khá cao, dường như chỉ hướng đến nhóm người chơi nhất định lại không có tùy chọn nâng cấp hay giảm giá dành cho những chủ sở hữu bản remaster. Nói cách khác, đây là cái tên không thể thiếu trong thư viện game đối với fan cứng và những ai chưa từng chơi game gốc hoặc bản remaster hơn.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
The Last of Us Part I hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 5.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!