Khi hoàn thành trải nghiệm The Last of Us, tôi hoàn toàn hài lòng với cái kết “hợp tình hợp lý” dành cho các nhân vật mà mình yêu thích. Thế nên, thông tin The Last of Us Part II được công bố khiến người viết thấy bất ngờ và đôi chút thất vọng. Những ai yêu thích phần chơi đầu tiên có lẽ thấu hiểu cảm giác khó chịu ngóng từng ngày game ra mắt, để rồi nhận được gáo nước lạnh dời ngày phát hành. Mọi “đau khổ buồn tủi” đã qua đi khi trò chơi ra mắt với chất lượng khá tốt, nhưng không phải là một trải nghiệm hoàn hảo.
The Last of Us Part II khá tương đồng với phần đầu về lối chơi. Điểm khác biệt rõ nét là phần chơi mới có quy mô màn chơi rộng lớn hơn, hệ thống chiến đấu thiên về hành động lén lút nhiều hơn. Lối kể chuyện cũng có sự thay đổi lớn. Thay vì chỉ tập trung vào hai nhân vật chính trước đây, người chơi sẽ được “mở rộng tầm mắt” với tuyến truyện về nhiều nhân vật phụ hơn. Naughty Dog có ý đồ của họ khi chọn hướng kể chuyện này, nhưng tôi lại không nằm trong số những người chơi ủng hộ điều đó. Ở quan điểm cá nhân, tôi chỉ quan tâm đến nhân vật yêu thích của mình hơn là muốn nhìn họ như một mảnh ghép giữa bức tranh toàn cảnh đồ sộ.
Điều đó cũng đồng nghĩa nếu bạn thích câu chuyện kể trong phần chơi cũ, chưa chắc sự thay đổi lối kể trong phần chơi mới sẽ khiến bạn vui vẻ không quạu. The Last of Us Part II tiếp nối câu chuyện ngay sau kết thúc trong The Last of Us khoảng 4 năm. Khi này Ellie đã là một thiếu nữ xinh đẹp và tràn đầy sức sống, tiếp tục dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới vì lý do mà khi trải nghiệm bạn sẽ hiểu. Do không được phép hé lộ nhiều về câu chuyện kể, cộng với việc nhận thấy một gợi ý nhỏ cũng đủ để người chơi tinh ý đoán trước được nội dung, nên người viết xin nhường lại cho bạn trải nghiệm.
Thay vào đó, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về cơ chế gameplay và những cải thiện so với The Last of Us. Một trong số đó là đồ họa vẫn ấn tượng và đẹp tuyệt như phiên bản remaster. Hiệu ứng ánh sáng là thứ khiến tôi ấn tượng nhất trong trải nghiệm Part II. Đội ngũ dựng bối cảnh của Naughty Dog rất biết thổi hồn trong những khung hình. Đặc biệt là cách xử lý ánh sáng như những tia nắng chiếu qua khe nhỏ trong môi trường, nhẹ nhàng thả mình xuống những tán cây hay góc nhà. Hay như mỗi khi gió nổi lên nhẹ nhè khiến những bụi cỏ, tán cây lay động cũng rất ấn tượng.
Tuy nhiên, The Last of Us Part II không có các tùy chỉnh về đồ họa dành riêng cho PS4 Pro như ưu tiên độ phân giải đổi lấy tốc độ khung hình hay ngược lại. Có lẽ họ sẽ dành những tùy chỉnh này khi ra mắt bản remaster cho PlayStation 5 chăng? Dù vậy, tin mừng là bạn cũng không cần sở hữu PS4 Pro để tận hưởng chất lượng đồ họa tuyệt vời mà phần chơi mới mang đến. Ngoại trừ độ phân giải cao hơn một chút, cả hai gần như không có sự khác biệt gì đáng chú ý ở khía cạnh hình ảnh. Hiệu năng cũng vậy, tốc độ khung hình trên cả hai hệ máy đều rất ổn định.
Chuyển động của các nhân vật nhìn rất tự nhiên và uyển chuyển. Bạn có thể thấy điều này không chỉ trong di chuyển mà cả trong chiến đấu cận chiến. Nhân vật chính thể hiện những hành động né tránh rất đa dạng, ăn khớp với các pha tấn công của kẻ thù. Tuy nhiên, vẫn có một số chuyển động của nhân vật nhìn hơi cứng và thiếu tự nhiên như trong bản remaster của The Last of Us. Ví dụ như khi bị kẻ thù tấn công sau lưng hay va vào NPC. Đa phần những chuyển động này thường diễn ra trong những hoàn cảnh “bận rộn”, nên tôi không nghĩ phần lớn người chơi sẽ chú ý.
Gameplay của The Last of Us Part II có vài cải tiến hoặc cải lùi tùy vào quan điểm của bạn. Chúng chủ yếu kiếm thêm việc cho người chơi làm thông qua trải nghiệm khám phá. Một trong số đó là bảng kỹ năng của nhân vật chính được chia thành các nhóm khác nhau. Bạn chỉ có thể “cắn thuốc” mở khóa sau khi thu thập được những quyển sách hướng dẫn sinh tồn được giấu đâu đó trong hành trình trải nghiệm. Hệ thống chế tác cũng có chút cải tiến bằng cách tăng số lượng đồ nhiều hơn, nhưng chúng đều là bổ sung rất nhỏ và không làm thay đổi cơ chế gameplay quen thuộc trong phần chơi trước.
Cải tiến lớn nhất có lẽ là hệ thống chiến đấu và lối hành xử của kẻ thù. Tuy súng đạn vẫn vô tình nhưng đây sẽ là giải pháp cuối cùng mà bạn muốn sử dụng. Kẻ thù đều được “nâng cấp” và có nhiều trò mới “lừa tình” người chơi mất mạng hơn. Chúng có cảm giác “người” hơn, khôn ngoan hơn và luôn có những hành động dễ khiến bạn có chút nặng nề trong lòng mỗi khi xuống tay. Phần lớn các cải tiến mới trong chiến đấu đều tập trung vào ý đồ tạo cảm giác khó chịu này cho người chơi. Tôi nghĩ bạn nào nhạy cảm có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn trong trải nghiệm game và nó là những cảm giác không dễ “tiêu hóa”.
Tất nhiên, người chơi vẫn có thể lựa chọn hành động lén lút và hạn chế đổ máu nhất có thể. Chỉ có một “con voi chui lọt lỗ kim” là trải nghiệm game có rất nhiều vật phẩm thu thập giấu ở khắp nơi. Bạn không thể chỉ hành động lén lút “đi khắp thế giới” cho mục đích này. The Last of Us Part II là một tựa game đầy tham vọng, nhưng yếu tố thu thập trong trường hợp nói trên lại xung đột với thiết kế game. Nó vô tình khiến câu chuyện kể hấp dẫn mà trò chơi mang tới bị ảnh hưởng về sức lan tỏa và thông điệp mà nó truyền tải. Ngay cả các mini-game xen lẫn cũng “có duyên ghê”, không ít lần nhảy vào thả trôi sông cảm xúc của người chơi.
Hệ thống chiến đấu cũng có vài điều đáng nói. Một trong số đó là nó không tạo cho tôi cảm giác thỏa mãn trong những pha hành động lén lút vì thiết kế chưa tới. Trong khi các tựa game thuộc thể loại này thường trao cho bạn cơ hội làm mồi nhử kẻ thù để dễ ra tay thì The Last of Us Part II hoàn toàn không có. Đây là điều khá khó chịu khi hệ thống chiến đấu của trò chơi tập trung nhiều vào yếu tố này do đạn dược hạn chế hơn nhiều so với The Last of Us. Bạn không thể để NPC làm mồi nhử Clicker, Runner hay bất kỳ kẻ thù nào khác để lẻn ra sau lưng “quất ngựa truy phong” được. Kế hoạch luôn bể khi bạn cố làm thế.
“Trí tuệ nhân tạo” của NPC cũng nhiều phen khiến tôi muốn “vỡ tim” vì những pha hành động lén lút hệt như đứng giữa trời ngắm nhật thực. Nếu không như vậy thì cũng chạy tò tò theo người chơi một cách máy móc và gây cản trở lối đi. Không biết bao nhiêu lần khi tôi bị vỡ kế hoạch hành động lén lút, đang chạy vắt giò lên cổ lại va vào NPC khựng lại và bị “chị đẹp” Clicker cưỡng hôn đến ngủ trưa vẫn gặp ác mộng. “Hoa có độc” Clicker tuyệt sắc ra sao có lẽ bạn nào chơi The Last of Us cũng biết rồi. Thế vẫn không khiếp bằng những lần đụng Shambler chuyên gia “thả bom sinh học” trong căn phòng tối và…
Một điều khiến người viết cảm thấy hơi tiếc là phần âm nhạc trong The Last of Us Part II không để lại cho tôi nhiều cảm xúc như phần đầu. Trong khi đó, trò chơi lại gây ấn tượng ở khâu xử lý âm thanh. Nếu bạn chơi game với âm thanh vòm 5.1 sẽ cảm nhận rõ hơn điều này. Những tiếng động từ môi trường đều tạo cảm giác như bạn đang nhập vai trong những khung hình đẹp tuyệt trước màn hình. Từ tiếng vó ngựa phi trên tuyết đến tiếng xào xạc của cây rừng hay tiếng thác nước bên suối. “Ớn óc” nhất là tiếng tặc tặc mỗi khi tiếp cận gần “hoa có độc”. Âm thanh đó vẫn luôn khiến người viết giật mình dù chúng tôi đã “kiss” nhau hàng trăm lần.
Sau cuối, The Last of Us Part II mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động khá tuyệt vời ở khía cạnh câu chuyện kể, đồ họa và xử lý tiếng động. Trò chơi có vài cải tiến nhỏ như quy mô xây dựng bối cảnh lớn hơn, dễ khiến bạn “mất ngủ ở Seattle”. Thế nhưng, hệ thống chiến đấu có nhiều khiếm khuyết khó chịu vẫn không được cải thiện nhiều trong phần chơi mới là điều đáng tiếc nhất. Dù vẫn là tựa game đáng chơi nếu hợp gu của bạn, nhưng cá nhân người viết đánh giá Part II thấp hơn phần chơi đầu ít nhất một điểm theo bất kỳ hệ quy chiếu nào.
The Last of Us Part II chỉ có trên PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!