Achilles: Legends Untold là trải nghiệm hành động nhập vai đưa người chơi đến với huyền thoại chưa kể về Achiles, một chiến binh anh hùng của thần thoại Hy Lạp trong thiên sử thi Iliad do nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer sáng tác. Với xây dựng nhân vật như thế, không có gì lạ khi nhà phát triển Dark Point muốn mang đến trải nghiệm game soulslike đầy hào hứng và không kém phần thử thách với trọng tâm xoay quanh câu chuyện kể hoàn toàn mới về Achilles, người sẽ chấm dứt mối mâu thuẫn giữa Hades và Ares.
Dành cho bạn nào không biết, Achilles: Legends Untold đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ thử nghiệm kín Playtest vào đầu năm 2022 cho tới Early Access vào giữa tháng 5/2022 và chuẩn bị phát hành chính thức trên nhiều nền tảng trong năm 2023. Mỗi giai đoạn đều để lại cho người viết cảm xúc khác biệt, hào hứng thì vẫn có nhưng cũng không phải không thất vọng vì một số vấn đề chưa được nhà phát triển giải quyết. Đơn cử giai đoạn Playest là cảm giác hoành tráng nhưng đến Early Access thì bớt đi nhiều.
Cụ thể, trong phiên bản Playtest có trận đánh với “vua bò cạp” đầy hào hứng và tiếp nối với trận đánh boss Hector vô cùng thử thách. Sự hào hứng trong phiên bản này kết thúc với trận đánh boss Paris cực kỳ đáng nhớ, gợi ý lối chơi cuốn hút của Achilles: Legends Untold. Thế nhưng phiên bản Early Access lại giảm đi tất cả sự hào hứng đó với phần chơi mở đầu không mang hề đến cảm giác nói trên. Không có con bò cạp khổng lồ cho bạn thử sức mà trận đánh boss đầu tiên là Hector cũng khá tẻ nhạt, không có tính thử thách.
Không biết có phải chủ ý của nhà phát triển mà tôi chưa hiểu được hay không, nhưng nhiều khu vực khám phá trong bản Playtest cũng không thể tiếp cận trong bản Early Access. Ngược lại, trận đối đầu với Paris gần như là cuộc chiến bắt buộc thua tương tự phần lớn các game soulslike khác và không đọng lại cho người viết cảm giác thỏa mãn. Sau khi bị Paris đánh bại, Achilles: Legends Untold buộc phải “theo phe” Hades và làm những việc “bẩn tay” cho hắn để đổi lấy cơ hội quay trở lại trần thế và đó cũng là trải nghiệm game.
Ngoài bối cảnh và thay đổi “thuật ngữ”, lối chơi cốt lõi của Achilles: Legends Untold không quá khác biệt các game soulslike đình đám khác như Elden Ring hay Wo Long: Fallen Dynasty. Nhân vật điều khiển cũng sử dụng các đòn tấn công mạnh và nhẹ, kết hợp khả năng đỡ đòn cũng như né tránh để tiêu diệt kẻ thù cản đường. Đóng vai trò quan trọng trong khả năng chiến đấu của Achilles và đòi hỏi người chơi phải thật sự chú ý là thanh thể lực cạn rất nhanh, có lẽ nhanh hơn bất kỳ game soulslike nào mà tôi từng chơi.
Điều này khiến chiến đấu ở thời điểm ban đầu có hơi khó khăn khi yêu cầu bạn phải tận dụng tốt các kỹ năng chiến đấu combo, đỡ đòn và né tránh khi đối đầu với kẻ thù. Ức chế nhất là bọn cung thủ có thể khiến bạn ‘game over’ rất nhanh nếu không cẩn thận. Tuy Achilles có thể dễ dàng hạ gục nhanh tiêu diệt gọn cung thủ nhưng chúng rất biết hợp đồng tác chiến với đồng bọn. Mặt khác, cung thủ cũng thường đứng ở những vị trí xa, thậm chí khuất tầm nhìn và bắn lén trong khi đồng đội của chúng đánh lạc hướng bạn.
Không như Thymesia, rất hiếm trường hợp người chơi đụng độ kẻ thù đơn lẻ kể cả khi đó là miniboss. Phần lớn kẻ thù thường tấn công hội đồng và phối hợp rất nhịp nhàng. Chẳng hạn, bọn lính có thể nhờ đồng đội hỗ trợ chúng tung đòn tất sát vào bạn từ vị trí khá xa, khiến người chơi không kịp phản ứng và trúng đòn rất oan uổng. Những tình huống như thế thường xuyên diễn ra trong suốt trải nghiệm game, góp phần không nhỏ tăng mức độ thử thách trong Achilles: Legends Untold và không chỉ dừng ở đó.
Achilles: Legends Untold không có bản đồ trong khi việc khám phá có thể vô tình dẫn nhân vật điều khiển vào những trận phục kích của kẻ thù hoặc miniboss rất oan uổng. Mặt khác, các điện thờ phục vụ cho mục đích thăng cấp nhân vật, mở khóa kỹ năng mới và save game thường nằm ở vị trí cách xa nhau. Việc không có bản đồ định hướng khiến việc định vị khá khó khăn và bạn phải thận trọng trong phiêu lưu khám phá, phần nào tăng độ khó của trải nghiệm game so với những cái tên soulslike trên thị trường.
Đó là chưa kể khi để nhân vật thiệt mạng, việc không có bản đồ cũng khiến người chơi gặp khó khăn quay lại chính xác vị trí “nấm mồ xanh cỏ” để thu hồi lượng linh hồn bị mất. Nếu bạn sơ ý để điều đó lại xảy ra khi đang mò mẫm tìm lại “đường xưa lối cũ” thì mất trắng. Tuy Achilles: Legends Untold có phím tắt để hiển thị hướng đi đến nhiệm vụ chính, nhưng thế giới trong game được thiết kế với nhiều nhánh rẽ và hàng loạt rương báu hoặc thử thách ẩn giấu, rất dễ khiến bạn lạc lối với “lòng tham vô đáy”.
Ở góc độ người chơi, Achilles: Legends Untold có rất nhiều tiềm năng nhưng đến thời điểm bài viết, người viết chưa thấy bản Early Access phát huy những tiềm năng đó. Một trong những vấn đề tưởng chừng nhỏ như con thỏ của game là cảm giác đánh thiếu lực, cộng với diễn hoạt chiến đấu của Achilles còn cứng và thiếu tự nhiên, vô tình làm giảm đi cảm giác hào hứng của trải nghiệm. Một số thiết kế đề cập ở trên cũng khiến mức độ thử thách của trò chơi khá cao, khó phù hợp những người chơi thiếu kiên nhẫn và mù đường.
Trong thông báo chính thức, nhà phát triển Dark Point cho biết họ sẽ có cuộc đại tu câu chuyện kể trong Achilles: Legends Untold, để mang đến trải nghiệm thu hút và phù hợp với lối chơi đặc trưng đầy thử thách hơn. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến cảm giác trải nghiệm như chiến đấu thì người viết không thấy bất kỳ thông tin nào, trong khi nó gây khó chịu nhiều hơn ở góc độ người chơi. Một vấn đề của bản Early Access không thể không đề cập là thiết kế giao diện game nhìn rối và chưa trực quan.
Sau cuối, Achilles: Legends Untold phiên bản Early Access mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai chặt chém khá hào hứng với vài ý tưởng thú vị, nhưng xây dựng cảm giác chiến đấu chưa thỏa mãn. Trò chơi có nhiều tiềm năng nhưng chưa thể hiện đầy đủ ở thời điểm bài viết, hy vọng nhà phát triển chăm chút và cải thiện game tốt hơn khi phát hành chính thức.
Achilles: Legends Untold hiện có cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]