Thymesia là game hành động nhập vai mang nhiều cảm hứng từ Bloodborne và Sekiro: Shadows Die Twice trong xây dựng trải nghiệm, đặc biệt là chủ đề và hệ thống chiến đấu nặng cảm giác Soulsborne. Mặc dù vậy, nhà phát triển OverBorder Studio cũng có nhiều ý tưởng sáng tạo với dấu ấn riêng cho đứa con tinh thần của họ, thay vì chỉ sao chép nguyên mẫu công thức thành công từ những “người anh em thiện lành” nói trên. Tuy nhiên, trò chơi có vài vấn đề có thể làm tốt hơn để mang đến trải nghiệm thật sự thỏa mãn.
Thymesia lấy bối cảnh xứ Hermes chìm trong dịch bệnh, biến người dân thành những kẻ không còn là người nữa. Trong vai nhà giả kim Corvus, cuộc phiêu lưu của người chơi trong vương quốc này không chỉ đi tìm thuốc giải cứu mọi người. Đó còn là cuộc hành trình khám phá bản thân và tìm lại những ký ức đã mất của nhân vật chính, ẩn trong những bí mật về thứ gọi là Vile Blood và Pure Blood. Sau mỗi nhiệm vụ, người chơi quay về Philosopher’s Hill được xây dựng mang bầu không khí gợi nhớ đến Hunter’s Dream trong Bloodborne.
Một trong những điểm cộng nổi bật của Thymesia là đồ họa tuyệt đẹp với bầu không khí u ám đặc trưng, tạo nên bối cảnh hậu tận thế hoàn hảo cho trải nghiệm game. Môi trường màn chơi được xây dựng khá chăm chút và được các họa sĩ thiết kế rất chú ý đến từng chi tiết. Hình dựng của các nhân vật cũng được thiết kế khá tốt, đặc biệt là nhân vật chính và các con boss cuối mỗi màn chơi. Tạo hình của Corvus gây ấn tượng với chiếc mặt nạ hình con quạ rất nổi bật và sử dụng thứ vũ khí trông như như móng vuốt của Wolverine.
Hệ thống chiến đấu cũng là điểm cộng của Thymesia. Corvus cực kỳ nhanh nhẹn nhưng thể chất rất kém, nên khi đối đầu với kẻ thù rất dễ “toang” trong ba nốt nhạc nếu bạn không cẩn thận. Khác với game soulslike khác như Elden Ring, Corvus không bị hạn chế bởi cơ chế thể lực quen thuộc mà có thể tấn công liên tục. Tương tự, người chơi có thể cản được gần như mọi cuộc tấn công của kẻ thù khi bấm nút đỡ đúng thời điểm tạo thêm chiều sâu cho trận chiến, không như Sekiro: Shadows Die Twice còn phân biệt loại đòn tấn công.
Thanh máu của các nhân vật trong Thymesia có phần hơi giống Sekiro: Shadows Die Twice với đòn tấn công bình thường bằng vũ khí và móng vuốt truyền bệnh dịch, cộng với phóng “phi tiêu” lông vũ làm gián đoạn đòn tấn công của đối thủ. Mỗi nhân vật có thanh máu trắng và xanh. Các đòn tấn công vật lý bằng vũ khí thông thường sẽ làm giảm thanh máu trắng, còn các đòn tấn công bằng “vũ khí dịch bệnh” làm giảm đi thanh máu xanh. Khi kẻ thù chớp xanh là lúc bạn có thể phóng lông vũ để vô hiệu hóa chúng tạm thời.
Tuy mô tả đơn giản nhưng khi thực chiến khá căng thẳng và không kém phần hào hứng, do phải phối hợp nhịp nhàng giữa các đòn tấn công khác nhau để khiến kẻ thù loạng choạng, tạo thời cơ cho bạn “xin tí huyết” chúng bằng các loại vũ khí phù hợp. Đó là chưa kể các tuyệt kỹ có thể thi triển thông qua nhiều loại vũ khí khác nhau mà bạn phải canh thời điểm ra đòn cho khớp. Nếu không, đó có thể là giây cuối cùng của bài ca xin là xin vĩnh biệt, vì kẻ thù một khi ra tay là không bị gián đoạn bởi đòn tấn công của Corvus.
Đây cũng là yếu điểm rất lớn là kẻ thù trong hệ thống chiến đấu của Thymesia khi kẻ thù không thể bị làm choáng hay vô hiệu hóa tạm thời khi bị tấn công chớp nhoáng từ người chơi. Ngược lại, bất chấp đang bị đánh tới tấp tối tăm mặt mũi, chúng dễ dàng phản đòn khi bạn đang thi triển combo. Đây là thiết kế khá mâu thuẫn với ý tưởng Corvus phải gây sát thương vật lý và nối tiếp bằng sát thương truyền dịch bệnh, đồng thời vừa né tránh vừa vô hiệu hóa hoặc đỡ đòn tấn công của kẻ thù. Nói đơn giản là quá nhiều việc phải làm.
Đã vậy, các trận đánh boss còn gây ức chế vì tạo cảm giác bất công với các hướng đánh đúng nghĩa nhiệm vụ bất khả thi. Chúng có thể lả lướt quanh nhân vật và tấn công như múa ballet hoặc đẩy Corvus vào tình huống trúng đòn un-đỡ-able, trong khi bạn không hề thấy vũ khí của chúng. Đây dường như là thiết kế cố ý gây rối cho người chơi hoặc sai sót trong xây dựng hệ thống chiến đấu. Nó buộc bạn phải thường xuyên điều chỉnh khoảng cách sau vài đòn tấn công, thay vì có thể tung combo dài như ý tưởng thiết kế game.
Bù lại, một tính năng độc đáo khác tạo nên dấu ấn riêng và rất phù hợp bối cảnh của Thymesia là sử dụng các loại bệnh như cơ chế gameplay. Trong suốt trải nghiệm, người chơi sẽ chạm trán những kẻ thù mắc những căn bệnh khác nhau. Corvus có thể “hấp thụ” và sử dụng chúng để tạo lợi thế cho bản thân trong chiến đấu, giúp nhân vật điều khiển mở ra những khả năng mới và tăng sức mạnh tổng thể. Tương tự Mortal Shell, cơ chế mới này bổ sung thêm lớp chiến lược rất thú vị cho hệ thống chiến đấu của trò chơi.
Chẳng hạn, chỉ riêng bình dược hồi máu đã có tới ba loại với ưu và khuyết điểm riêng cộng với khả năng nâng cấp. Cụ thể, General Potion là loại bình dược mặc định hồi máu tức thời không khác gì các game soulslike khác, với hạn chế quen thuộc là thời gian nhân vật uống hết bình dược tốn khoảng ba nốt nhạc. Long-lasting Potion là loại bình dược hồi máu 150% so với General Potion, nhưng hạn chế là chỉ hồi máu từ từ theo thời gian nhất định chứ không ngay lập tức, khá hữu dụng khi đánh các thể loại boss.
Fast-acting Potion là loại bình dược mà người viết tin dùng nhất. Tuy khả năng hồi máu của nó chỉ ngang với General Potion nhưng thời gian nhân vật uống hết bình dược rất nhanh, cộng với số lượng sử dụng nhiều nhất ở cấp độ ban đầu và sau khi thăng cấp tối đa. Hạn chế lớn nhất của hai loại bình dược Long-lasting và Fast-acting là chúng không có sẵn ngay đầu mà chỉ được mở khóa thông qua trải nghiệm game. Ngoài ra còn các loại ‘potion’ hỗ trợ khác thông qua tính năng chế tác trong Thymesia mà tôi không đề cập đến.
Khía cạnh thăng cấp cho Corvus cũng có phần đơn giản hóa trong trải nghiệm Thymesia. Người chơi có thể chọn dồn điểm kinh nghiệm vào ba chỉ số vitality, strength hoặc energy và tôi chắc cũng không cần giải thích chúng giúp tăng khả năng chiến đấu của nhân vật như thế nào. Bên cạnh đó là điểm Talent dùng để mở khóa cây kỹ năng của nhân vật chính. Tuy nhiên, các kỹ năng này có sự phân hóa lớn khi một số kỹ năng hữu dụng hơn so với những kỹ năng khác trong cùng nhóm, nhưng cũng có thể do tôi chưa nghĩ ra nhiều chiến thuật tấn công.
Sau trận boss chiến boss thường là mở khóa khu vực mới hoặc nhiệm vụ phụ trong khu vực trước đó. Các nhiệm vụ không bắt buộc này tái sử dụng màn chơi cũ với yêu cầu mới, chẳng hạn boss mới hoặc tìm vật phẩm nhất định. Game có nhạc nền khá xuất sắc khi bắt nhịp với trải nghiệm, nhất là trong các trận đánh boss hoành tráng. Tuy nhiên, do những vấn đề trong thiết kế kể trên mà tính thử thách của game hơi “sớm nắng chiều mưa” và đôi lúc để lại cho người viết không ít ức chế, đặc biệt trong các trận boss chiến mang cảm giác bất công.
Sau cuối, Thymesia mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá đặc sắc với cốt truyện thú vị, khía cạnh nghe nhìn ấn tượng, cơ chế gameplay hấp dẫn và rất có chiều sâu. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là hệ thống chiến đấu đầy hào hứng và tương đối thỏa mãn trong phần lớn trải nghiệm, trừ một số khoảnh khắc “nhiệm vụ bất khả thi” gây ức chế. Nếu yêu thích dòng game soulsborne, đây là cái tên rất đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn.
Thymesia hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!