Nhìn bề ngoài, Kohan II: Kings of War trông có vẻ tầm hướng, từ đồ hoạ đến cách chơi. Thế nhưng một khi đã vào cuộc, bạn sẽ mau chóng bị cuốn hút lúc nào không hay. Đó cũng chính là phong cách rất đặc trưng không lẫn vào đâu được của dòng game Kohan.
Nhìn bề ngoài, Kohan II: Kings of War (K2) trông có vẻ rất tầm thường, tầm thường từ đồ họa cho tới cách chơi, thế nhưng một khi đã ‘vào cuộc’, bạn sẽ mau chóng bị ‘cuốn hút’ lúc nào không hay. Đó cũng chính là phong cách rất đặc trưng không lẫn vào đâu được của dòng game Kohan.
Câu chuyện trong K2 lấy bối cảnh tiếp nối phần đầu. Sau cuộc xung đột vĩ đại, Naava Daishan được lệnh truy sát những kẻ sống sót của dân tộc Ceyah. Dưới sự dẫn dắt của Sebak, người Ceyah tìm đường trốn chạy và để phục thù, họ đã cầu khẩn đến vị thần bóng đêm, người che chở cho dân tộc mình. Vị chúa tể bóng đêm đã ra tay. Hòa bình của vùng đất Khaldun xinh đẹp bị đe dọa. Để tiêu diệt mối hiểm họa, chỉ có một cách duy nhất: liên kết các dân tộc lại với nhau. Và nhiệm vụ này không dễ chút nào khi giữa họ luôn có những cuộc xung đột dai dẳng, triền miên. Trách nhiệm ‘hàn gắn’ các dân tộc được giao cho Naava và Jonas Teramun – một người anh hùng bị mất hết ký ức của quá khứ. Cả hai chỉ được thành công, không được thất bại…
Không thể phủ nhận ở cái nhìn ban đầu, K2 trông có vẻ ‘ngô nghê’ với cách chơi cũng như đồ họa giống như các game cách đây hai, ba năm. Có lẽ chính vì vậy mà đa số các gamer khi tiếp xúc đã bị ‘dội’ ngay từ cái nhìn đầu tiên! Thật ra nếu bạn kiên nhẫn một tí, K2 là một game dễ chơi và có sức hấp dẫn ‘kỳ lạ’, rất khó tả. Cách chơi của game vô cùng đơn giản, nó lược bỏ mọi quản lý vi mô của người chơi, thay vào đó bạn chỉ việc giám sát tổng thể mọi việc. Chẳng hạn với phần kinh tế, trò chơi có tất cả năm loại tài nguyên: vàng, gỗ, đá, sắt và tinh thể. Để khai thác chúng bạn chỉ việc xây các công trình hay mỏ tương ứng mà không cần phải tạo các con ‘phu’ và điều phối chúng tới các mỏ đó. Các công trình này sẽ tự động đem lại cho bạn số lượng tài nguyên phù hợp với khả năng của chúng.
Bên cạnh đó, bạn có thể ‘kiếm thêm’ tài nguyên bằng cách tấn công hang động nơi các loại quái vật cư ngụ, phần thưởng có thể là một mớ vàng hoặc công trình chứa các quân đặc biệt (về điểm này thì game khá giống với phong cách của Seven Kingdoms ngày xưa). Nhìn chung trong các loại tài nguyên thì vàng được dùng nhiều nhất, từ xây nhà mua quân cho tới nâng cấp các công trình, tính năng… Cho nên có thể hiểu vì sao mà trong mỗi nâng cấp công trình luôn luôn có lựa chọn tăng chỉ số vàng lên. Phần kinh tế của trò chơi chỉ có vậy, đơn giản không cần quản lý chi li, chỉ cần bạn cân nhắc kỹ, đừng ‘vung tay quá trán’!
Xây dựng các công trình trong trò chơi cũng là một phần nhẹ nhàng không kém: chỉ việc chọn công trình, phần còn lại máy sẽ tự đảm nhận, thay vì phải ra lệnh cho ‘phu’ thực hiện và chọn vị trí công trình như các game cùng loại thường làm. Chỉ duy nhất một công trình xây dựng hơi khác… người một chút, đó là tòa nhà chính của người chơi. Bạn phải chọn một nơi có sẵn nền tảng (game gọi là settlement spot) để xây dựng căn cứ ‘đầu não’ hay các căn cứ phụ (tương tự như cách xây nhà chính trong Age of Mythology vậy).
Đây là một chiêu mà K2 cố tình làm ‘khó’ người chơi nhằm mục đích giới hạn việc xây dựng tràn lan, buộc người chơi phải tập trung phát triển một chỗ trước khi mở rộng sang nơi khác. Ngoài ra, điểm khác của K2 so với phần đầu trong xây dựng là bạn có thể xây bất kỳ công trình nào ngoài phạm vi ‘đường biên giới’ mà không cần phải xây bên trong vành đai giới hạn này, chẳng hạn như mỏ vàng, đá… Trong khi đó ở phiên bản đầu khi xây chúng, bạn phải kèm theo các căn cứ phụ hay pháo đài. Nếu chưa chơi qua phần một, có lẽ bạn sẽ ngộ nhận hình thức ‘đường biên giới’ (supply zone) của K2 giống với Rise of Nations, nhưng thực ra chính dòng game Kohan lại đưa ra ý tưởng này trước tiên.
Phần thú vị nhất và cũng là điểm ‘nhấn’ của K2 chính là việc quản lý quân đội. Game xếp đặt quân theo nhóm thay vì từng cá nhân đơn lẻ để dễ điều khiển. Mỗi nhóm quân trong trò chơi luôn có ba vị trí khác nhau: dàn quân đứng trước dùng để giáp lá cà, giữa dùng để yểm trợ cho hàng đầu và hàng cuối hỗ trợ cho cả đội. Thế nhưng thực tế khi giao quân cho bạn ở đầu mỗi màn, thường thì các nhóm quân chỉ có một hoặc hai vị trí, hi hữu lắm mới là cả ba và các nhóm quân này khá yếu, không đáp ứng được cho những trận đánh về cuối màn. Để bù lại cho ‘thiếu sót’ trên, K2 đưa vào tính năng tạo đội hình cho nhóm quân theo ý của người chơi, một tính năng mà theo đánh giá riêng của người viết là rất hay.
Game phân loại sẵn ba phần của một nhóm quân, bạn chỉ việc chọn quân mà mình thích tương ứng ở mỗi phần và chọn người cầm đầu của mỗi nhóm quân, sau đó lưu lại đội hình và khi cần, chỉ việc chọn đội hình này để tạo nhóm quân. Qua quan sát các trận đánh trong game, có hai đội hình mà tôi cho là hữu dụng nhất khi kết hợp với nhau trên chiến trường: kiếm sĩ + kiếm sĩ + cứu thương và xạ thủ + xạ thủ + cứu thương.
Tất nhiên ngoài cách sắp xếp và lựa chọn đội hình thích hợp thì các yếu tố như nâng cấp vũ khí, giáp, độ khó của màn chơi, cấp của đơn vị quân và nhất là người dẫn đầu nhóm quân cũng góp phần rất quan trọng. Bằng chứng là khi một nhóm quân (chưa được nâng cấp) được sự dẫn dắt bởi ‘hero’ sẽ đánh nhau ‘dữ dội’ hơn nhóm quân do một vị tướng thường chỉ huy. Một điểm hay khác của phần quân sự trong K2 mà tôi rất thích là tính năng hồi phục những quân đã mất trong nhóm. Chỉ cần bạn duy trì được một quân cuối cùng và đem nó về trong phạm vi của đường biên giới, toàn đội sẽ hồi phục trạng thái ban đầu. Chính tính năng này giúp cho bạn duy trì được những đạo quân quí giá của mình (nếu đã chơi Homeworld 2, hẳn bạn biết được sự cần thiết của những đạo quân cấp cao mà bạn dày công đào tạo quí như thế nào, chỉ tiếc rằng ở K2, mỗi màn là mỗi đạo quân khác nhau). Về khả năng đối kháng giữa các quân trong game, theo nhìn nhận của tôi là khá tốt. Bạn có thể dùng một đội quân giáo tiêu diệt kị binh của đối phương trong tích tắc, hay dùng xạ thủ loại bỏ kiếm sĩ một cách lẹ làng. Tuy nhiên ở cấp khó nhất (hard), các nhóm quân của máy sẽ ‘dai’ hơn bình thường và như vậy bạn không thể đơn thuần dùng tính tương phản giữa các quân để chống lại máy, mà phải kết hợp nhiều đạo quân cộng với các chiến thuật thích hợp mới có thể tiêu diệt được chúng.
Nhắc đến độ khó của game thì cũng có nhiều điều để nói, trò chơi có hai mức độ: trung bình (normal) và khó (hard). Với chế độ trung bình, tiết tấu trò chơi có phần hơi chậm, máy tấn công người chơi theo một lối ‘cứng nhắc’, chỉ có những màn ở cuối các chương thì tương đối khó dù thiết lập độ khó không đổi. Riêng tôi thích nhất chế độ ‘Hard’ của trò chơi: máy xây rất nhanh, ra quân lẹ, tấn công đa dạng và dồn dập làm cho bạn không thể nào ngơi tay. Một màn chơi ở chế độ khó có thể ‘ngốn’ từ 4 tới 5 giờ chơi là chuyện bình thường, trong khi với ‘Normal’ bạn có thể hoàn tất nhanh chóng chỉ trong 1 hoặc 2 tiếng.
Kohan II không chỉ thu hút người chơi ở cách quản lý đơn giản, mà còn ‘ăn điểm’ ở những chi tiết nhỏ nhặt. Chẳng hạn một công trình khi bị hư hại, các nông dân sẽ tự động sửa chữa. Hay khi một tòa thành bị tấn công, các đơn vị phòng vệ sẽ ùa ra đánh trả đối phương (chỉ có tòa nhà chính hoặc các pháo đài là có quân bảo vệ tự động). Thú vị nhất là cách bố trí màn chơi của game khá lạ, với 25 màn trải dài qua nhiều chương, game luân phiên cho phép người chơi điều khiển hết phe này đến phe kia của trò chơi, cá biệt có màn người chơi vừa điều khiển phe này xong lại quay qua điều khiển phe khác. Sự luân chuyển liên tục này làm bạn cảm thấy không nhàm chán trong suốt quá trình chơi.
Đồ họa của Kohan II tuy chỉ dừng ở mức trung bình khá, nhưng nhờ biết cách sử dụng tông màu tươi cho nên toàn cảnh game trông sáng sủa và sinh động. Bên cạnh đó, giao diện của game mặc dù thiết kế không đẹp nhưng cách bài trí các nút sử dụng dễ nhìn cộng với các ghi chú đơn giản, dễ hiểu giúp người chơi mau chóng nắm bắt và làm quen. Tuy nhiên, K2 rất xuất sắc về âm thanh. Những bài nhạc với giai điệu trầm bổng, hoành tráng cộng với tiết tấu dồn dập, lắt léo mang đến một cảm xúc thật hào hứng, khó tả khi chơi.
Trong thế giới của các trò chơi thỉnh thoảng vẫn có trường hợp ‘ngoại lệ’: trông ngoài thì chán nhưng bên trong lại rất lôi cuốn, như trước đây có Jagged Alliance, một game ‘xấu xí’ tệ nhưng cách chơi thì rất hay, và mình đã giới thiệu thêm cho bạn một tựa game như vậy, đó là Kohan II: Kings of War.
Theo PC World VN 2004