Voice of Cards: The Beasts of Burden nối tiếp trải nghiệm nhập vai độc đáo và không kém phần bất ngờ của hai phần chơi trước trong series Voice of Cards với thời gian phát hành thần tốc trong vòng nửa năm. Trải nghiệm game vẫn giữ nguyên thiết kế xoay quanh những thẻ bài ở mọi khía cạnh như các game tiền nhiệm, nhưng phần chơi này bổ sung vài ý tưởng mới khá thú vị. Đặc biệt, do cốt truyện độc lập nên bạn không cần chơi các phần trước đó mà có thể trải nghiệm ngẫu hứng.
Ở góc độ người chơi, Voice of Cards: The Beasts of Burden có cốt truyện tăm tối nhất so với hai phần chơi trước trong series. Tuy nhiên, do trò chơi có thời lượng tương đối không dài nên khía cạnh này chưa đủ ảnh hưởng và gây tác động đến cảm xúc của người chơi. Trải nghiệm game đưa bạn đến với cô bé Al’e sống cùng mẹ ở những hang động dưới lòng đất. Không lâu sau ngày sinh nhật 14 tuổi, ngôi làng của hai mẹ con bị lũ quái vật tấn công gần như không còn ai sống sót.
Số phận của nhân vật chính lẽ ra cũng như thế nếu như Al’e không được một câu bé bí ẩn cứu mạng và đưa lên thành phố. Tại đây, cô bé được mọi người hé lộ về siêu năng lực của bản thân với khả năng bắt thú trong các thẻ bài. Cùng với những người bạn mới, nhân vật dấn thân vào cuộc phiêu lưu nhưng lý do đằng sau đó là gì thì người viết xin để dành cho bạn khám phá vào cuối trải nghiệm game. So với hai phần chơi trước, cốt truyện mang cảm giác chương hồi nhiều hơn.
Câu chuyện kể trong Voice of Cards: The Beasts of Burden được chấp bút thú vị thông qua những thẻ bài và lời dẫn truyện với những nút thắt bất ngờ, thấy vậy mà không phải vậy. So với bản The Isle Dragon Roars, cốt truyện trong phần chơi mới liền mạch hơn nhưng đồng thời tăm tối hơn bản The Forsaken Maiden. Sự thay đổi trong giọng văn kể chuyện tuy giúp trải nghiệm bớt đơn điệu hơn trong các nhiệm vụ lặp lại, nhưng nó đồng thời khiến khám phá có phần kém hấp dẫn hơn.
Mặc dù mọi khía cạnh gameplay được xây dựng dựa trên thẻ bài, nhưng Voice of Cards: The Beasts of Burden không phải game đấu thẻ bài. Yếu tố thẻ bài chỉ là khía cạnh mỹ thuật còn lối chơi vẫn mang nặng cảm giác JRPG truyền thống. Thay vì dựng hình nhân vật và kẻ thù thì những yếu tố này được thay bằng thẻ bài và không thay đổi gì ở cơ chế gameplay quen thuộc. Xây dựng thế giới cũng kiến thiết từ những thẻ bài được lật lên để hiển thị hình ảnh khi khám phá.
Tuy mô tả có thể hơi khó hình dung nếu bạn chưa từng chơi bất kỳ game nào trong series Voice of Cards, nhưng cơ chế gameplay của Voice of Cards: The Beasts of Burden tương tự game board và linh hoạt hơn. Khám phá trong game được xây dựng bởi những thẻ bài được lật úp xuống. Khi người chơi di chuyển quân cờ đi qua, các thẻ bài này sẽ được lật lên. Những hình ảnh trong đó có thể chỉ đơn thuần là địa hình khám phá, nhưng cũng có thể là rương đồ hay sự kiện nhất định.
Tương tác và mua bán trang bị cũng không ngoại lệ khi được hiển thị bằng thẻ bài, từ NPC cho đến rương đồ hay thậm chí các địa điểm khám phá. Người chơi tương tác và khám phá bằng cách di chuyển quân cờ đại diện nhân vật chính lên thẻ bài tương ứng. Chiến đấu cũng xoay quanh yếu tố thẻ bài. Mọi hành động và khả năng chiến đấu như công và thủ đều được hiển thị bằng thẻ bài. Thoạt nhìn rất dễ nhầm lẫn Voice of Cards: The Beasts of Burden là game đấu thẻ bài dù không phải vậy.
Trò chơi sử dụng hệ thống chiến đấu theo lượt vô cùng truyền thống, không có thanh ATB thường thấy trong các JRPG kinh điển như Live A Live. Có khác chăng là nhân vật, kẻ thù lẫn kỹ năng đều thể hiện bằng những thẻ bài với artwork mang đậm bản sắc riêng. So với hai phần trước, Voice of Cards: The Beasts of Burden có thêm yếu tố bắt quái vật nhưng không như Pokémon mà tương tự Soul Hackers 2. Chúng không phải nhân vật điều khiển mà chỉ là kỹ năng mới cho nhân vật chiến đấu.
Những kỹ năng này tạo sự khác biệt khá thú vị, giúp làm mới trải nghiệm chiến đấu quen thuộc từ hai phần chơi trước. Chúng cho phép người chơi tùy cơ ứng biến kỹ năng tấn công theo tình huống chiến đấu khi cần, tạo nên chiều sâu chiến thuật hơn. Mỗi lượt đánh trong Voice of Cards: The Beasts of Burden cho bạn lượng ngọc cố định và mỗi kỹ năng sẽ tiêu hao số ngọc nhất định. Kỹ năng càng mạnh tốn càng nhiều ngọc hơn và ngược lại, đòi hỏi bạn phải có chút tính toán.
Thiết kế nói trên tưởng chừng giúp giữ trải nghiệm chiến đấu khá cân bằng nhưng trong nhiều trường hợp, người viết lại thấy nó dễ bị lạm dụng để làm lợi cho party trong chiến đấu hơn. Đó là vì Voice of Cards: The Beasts of Burden xây dựng hệ thống xếp hạng cho các kỹ năng thông qua số lượng sao. Kỹ năng nhiều sao hơn tạo sát thương hoặc hiệu quả cao hơn, thậm chí giúp bạn giảm số ngọc cần có để thi triển hơn và làm giảm đi tính thử thách rất nhiều so với The Forsaken Maiden.
Bù lại, thiết kế âm thanh và nhạc nền lại là điểm cộng xuất sắc của Voice of Cards: The Beasts of Burden tương tự hai phần chơi trước. Mỗi địa danh đều có bài nhạc chủ đề riêng, trong khi vẫn tạo dựng được bầu không khí đặc trưng cho trải nghiệm game. Âm thanh cũng vậy, đơn cử nghe tiếng con rồng gầm lên khè ra lửa trong trận chiến là biết tới công chuyện liền. Giọng người dẫn truyện cũng không hề ngoại lệ với giọng đọc từ tốn, tạo cảm giác như lời tự sự hơn là câu chuyện kể.
Sau cuối, Voice of Cards: The Beasts of Burden mang đến một trải nghiệm nhập vai độc đáo với khía cạnh nghe nhìn tuyệt vời. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là trải nghiệm có tính thư giãn cao, mức độ thử thách khá thấp và hiếm khi làm khó người chơi trong chiến đấu. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là những nội dung thú vị lại được nhà phát triển quyết định ‘save the best for last’, cộng với thời lượng ngắn và không có nhiều giá trị chơi lại ngoại trừ mini-game. Nếu yêu thích JRPG, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ quyến rũ cho thư viện game của bạn.
Voice of Cards: The Beasts of Burden hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!