Soul Hackers 2 là phần chơi thứ năm, đồng thời cũng là hậu bản của phần chơi thứ hai Devil Summoner: Soul Hackers ít được biết đến trong series Devil Summoner. Một trong nhiều lý do là tuy ra mắt trên cả hai nền tảng Sega Saturn và PlayStation lần lượt vào năm 1997 và 1999, nhưng Devil Summoner: Soul Hackers không được chuyển ngữ và xuất ngoại khỏi đất nước mặt trời mọc. Đến năm 2012 trò chơi mới được chuyển nền cho Nintendo 3DS và ra mắt trên thị trường quốc tế không lâu sau đó.
So với tiền bản nói trên, Soul Hackers 2 có nhiều khác biệt trong xây dựng lối chơi. Cụ thể, khía cạnh khám phá mê cung chuyển từ góc nhìn thứ nhất sang góc nhìn thứ ba. Trong khi tông màu của Devil Summoner: Soul Hackers tăm tối và u ám, phần hậu bản lại sử dụng những gam màu tươi sáng nhiều màu sắc bắt mắt hơn. Tuy hệ thống chiến đấu của phần chơi này vẫn là cơ chế theo lượt như series Shin Megami Tensei, nhưng có nhiều cải tiến thú vị và mang đến cảm giác tưởng thưởng đầy hào hứng.
Ở góc độ người chơi, Soul Hackers 2 mang cảm giác như bản tái khởi động nhẹ hơn là hậu bản. Bạn cũng không cần trải nghiệm Devil Summoner: Soul Hackers trước để hiểu cốt truyện, giúp game dễ tiếp cận với thế hệ người chơi mới hơn. Soul Hackers 2 lấy bối cảnh một thành phố trong tương lai gần khi người và quỷ cùng chung sống một cách bí ẩn. Ở thế giới này, những người có khả năng thực hiện giao kết với quỷ gọi là Devil Summoner và họ chia bè thành hai trường phái đối đầu nhau.
Trải nghiệm mở đầu với trí tuệ nhân tạo Aion tiên đoán thảm họa diệt vong gọi là Great One sắp diễn ra. Để ngăn chặn nguy cơ nói trên, hai nhân vật Ringo và Figue được biệt phái xâm nhập thế giới loài người, truy tìm và bảo vệ nhiều đối tượng. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn kế hoạch ban đầu, dẫn đến trải nghiệm của người chơi vạn sự khởi đầu nan. Đặc biệt, thay vì mất nhiều thời gian để giới thiệu đầy đủ dàn nhân vật như thường thấy, cả party trong Soul Hackers 2 hội tụ từ rất sớm.
Mỗi nhân vật từ NPC cho đến dàn nhân vật chính đều mang tạo hình ấn tượng với tính cách và phong cách thời trang đầy cá tính. Đơn cử như Ringo hài hước và luôn tò mò về thế giới loài người, nhưng khi cần cũng châm biếm chẳng thua kém mấy đứa bạn thân ngoài đời của người viết. Arrow thì giống nhân vật nam điển hình thường thấy trong anime, trong khi Milady làm nhiều hơn nói còn Saizo thì ngược lại, nói nhiều hơn làm. Mỗi nhân vật đều có câu chuyện thâm cung bí sử của chính họ.
Thậm chí, ngay cả vai phản diện cũng để lại cho người viết nhiều bất ngờ về mối quan hệ của nhân vật này. Kỳ thực, Soul Hackers 2 khá thành công trong việc khắc họa các nhân vật từ tạo hình, tính cách cho tới vai trò tưởng không quan trọng ai ngờ quan trọng không tưởng trong xây dựng câu chuyện kể. Tuy nhiên, cốt truyện đôi lúc để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều. Phần lớn do kịch bản thiếu sáng tạo với mô típ quá quen thuộc và khá dễ đoán nếu bạn thường xem anime.
Chiến đấu trong Soul Hackers 2 cũng thế nếu bạn từng chơi bất kỳ game Shin Megami Tensei nào. Dù vậy, trò chơi ít thử thách hơn và hệ thống chiến đấu cũng được giản lược so với series vừa đề cập. Các nhân vật mượn kỹ năng của quỷ tham gia chiến đấu và những “vũ khí” này được thu thập thông qua khám phá lẫn tương tác với chúng. Mỗi kẻ thù đều có một hoặc nhiều điểm yếu thuộc tính, người chơi tập trung tấn công vào điểm yếu đó để giành chiến thắng và không để kẻ thù làm điều tương tự.
Mỗi lần công kích điểm yếu thành công được dồn thành ‘stack’ để kích hoạt Sabbath. Đây là những kỹ năng đúng nghĩa “vẹn cả đôi đường”, vừa công kích tất cả kẻ thù vừa thỉnh thoảng hồi máu hoặc debuff các hiệu ứng bất lợi cho cả party. Những kỹ năng này được kích hoạt tự động dựa vào kỹ năng của quỷ và số lần tấn công vào điểm yếu thuộc tính của kẻ thù, mở ra cơ hội để Ringo thi triển Sabbath. Thế nhưng, khá đáng tiếc khi cơ chế hấp dẫn này chỉ dừng ở đó và không được nhà phát triển mở rộng hơn.
Ở góc độ người chơi, trải nghiệm chiến đấu trong Soul Hackers 2 khá hào hứng nhưng thiếu chiều sâu so với các game Persona. Việc tận dụng điểm yếu của kẻ thù thông qua giải pháp thử sai, stack và Sabbath đôi lúc để lại cho người viết cảm giác thiết kế mang tính câu giờ, nhất là khi đánh boss và đối mặt những ‘risky enemy’ có màu đen vượt party của bạn từ 10 đến 20 cấp. Đó là chưa kể trò chơi phô diễn hầu hết cơ chế hấp dẫn của hệ thống chiến đấu ngay sau vài tiếng đầu trải nghiệm.
Chính vì thế mà trải nghiệm chiến đấu trong Soul Hackers 2 vẫn rất thỏa mãn. Ngược lại, khía cạnh khám phá để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều, đặc biệt các mê cung Soul Matrix. Đây là nơi đại diện cho tâm tư thầm kín của các nhân vật trong party và được chia thành nhiều tầng. Khai phá và đánh boss ở mỗi tầng giúp người chơi hiểu thêm về câu chuyện riêng của mỗi nhân vật. Tuy nhiên, những tình tiết này khá dễ đoán do mô típ cũ và không có nút thắt đủ bất ngờ để tạo kịch tính.
Hỗ trợ cho những tình tiết này là các phân đoạn ‘hangout’ ở quầy bar, nơi các nhân vật tụ tập để trò chuyện và chia sẻ cảm nghĩ của họ về mọi thứ. Đáng tiếc, cách kể chuyện được xây dựng như thế đôi lúc khiến người viết cảm giác như nhân vật độc thoại, tự biên tự diễn hơn là có tính gắn kết giữa các nhân vật như Persona 4 Golden kinh điển đã làm tốt hơn. Thế nhưng, khám phá Soul Matrix có nhiều rào cản bạn phải gỡ bỏ thông qua thăng cấp Soul Level.
Soul Level được thăng cấp dựa trên những lựa chọn lời thoại trong suốt trải nghiệm game và những lần Ringo “tâm sự mỏng” với mọi người ở quầy bar. Bên cạnh việc thăng cấp, Soul Level còn mang đến cho các nhân vật kỹ năng hỗ trợ, giúp việc chiến đấu hoặc khám phá mê cung trở nên dễ dàng hơn. Kỳ thực, khía cạnh này gợi nhớ đến Social Link trong series game Persona nhưng được thiết kế liền mạch và theo hướng đơn giản hóa hơn, không yêu cầu người chơi phải chú ý đến thời hạn thực hiện.
Vấn đề ở chỗ, Soul Matrix được thiết kế như hệ thống nhiệm vụ phụ mở rộng trong Soul Hackers 2, nhưng lại khiến bạn tốn khá nhiều thời gian do thiết kế thiếu tinh tế. Chẳng hạn, nếu bạn chưa mở được “tầng tâm sự thầm kín” nhất định của một nhân vật trong này, không ít khoảnh khắc sau đó khi trải nghiệm cốt truyện chính bỗng trở nên lạc quẻ. Đó là chưa kể mê cung trong Soul Matrix được xây dựng khá đơn điệu và mang cảm giác lặp lại giữa các tầng với thiết kế kém hào hứng.
Một phần của điểm trừ thiết kế này có lẽ do thời lượng Soul Hackers 2 ngắn hơn cả Persona 5 Strikers chứ chưa cần so với Persona 5 Royal. Ức chế nhất là hệ thống dịch chuyển từ tầng ba Soul Matrix. Thay vì đi lòng vòng tìm đường như hai tầng trước, trò chơi buộc bạn phải truy tìm điểm dịch chuyển nào thì dịch chuyển đến khu vực nào. Thiết kế này khiến việc khám phá trở nên mất thời gian không cần thiết, nhất là khi cảm giác tưởng thưởng không còn thỏa mãn tương xứng về sau.
Kỳ thực, điểm trừ lớn nhất của Soul Hackers 2 là thiết kế mê cung không ấn tượng ở cả khía cạnh trình bày lẫn trải nghiệm game. Những mê cung này nhìn hao hao nhau, lại không ấn tượng bằng phần thiết kế dàn nhân vật điều khiển và NPC. Mỗi mê cung đều có cơ số hành lang lối đi và những gian phòng giống nhau về thiết kế thậm chí cả bố cục. Ban đầu cảm giác còn hào hứng nhưng càng về sau càng khó chịu, nhất là nó có thể khiến bạn đi lạc do cách sắp đặt và thiết kế minimap thiếu tinh tế.
Cụ thể, Soul Hackers 2 chỉ cho phép bạn nhìn một góc bản đồ của mê cung trên minimap, thay vì cho phép nhìn bản đồ tổng thể để dễ bao quát đường đi. Tuy bạn có thể phóng to minimap lên nhưng ngược lại thu nhỏ hơn thì không. Đã vậy, trò chơi còn có vấn đề với camera ở thiết lập mặc định. Dù người chơi có thể điều chỉnh lại tầm nhìn, nhưng người viết hay gặp tình trạng rất khó chịu khi camera bất ngờ quay cận cảnh vòng ba của Ringo rồi lùi ra trong lúc nhân vật đang di chuyển.
Thế nhưng, phần dựng hình môi trường mới là điểm trừ lớn nhất của Soul Hackers 2. Các hiệu ứng chiếu sáng và phản chiếu để tạo cảm nhận không gian môi trường trong khám phá mê cung gần như không có. Độ phân giải texture cũng không cao. Người viết không tìm ra dấu hiệu cho thấy trò chơi có xử lý hậu kỳ để che những khiếm khuyết trong kiến thiết môi trường màn chơi. Điều này để lại cảm giác đồ họa game thiếu chăm chút so với Shin Megami Tensei 5 vốn được phát hành trên phần cứng yếu hơn.
Đáng chú ý, Soul Hackers 2 không sử dụng khử răng cưa, tính năng tưởng chừng không thể thiếu trong bất kỳ tựa game 3D nào thời nay. Ngay cả khi trải nghiệm trên PlayStation 5, thiết lập ưu tiên độ phân giải lẫn hiệu năng đều thấy răng cưa khắp nơi. Điều an ủi là trò có hiệu năng rất ổn định dù bạn chọn thiết lập nào. Tin buồn là game chưa tối ưu tốt trên phiên bản đời đầu của thế hệ console trước. Trải nghiệm trên PS4 Pro tuy tốc độ khung hình khá hơn nhưng vẫn chưa mượt bằng PS5.
Mặt khác, người chơi PC có thể phiền lòng khi Soul Hackers 2 không cho tùy biến các thiết lập đồ họa nâng cao, chỉ dừng ở mức vô cùng cơ bản như các hệ console. Chỉ có các địa danh tương tác không phải mê cung là nhìn khá ấn tượng, luôn nổi bật với ánh đèn trên các biển hiệu với mức độ chi tiết cao như trong thế giới cyberpunk. Tuy nhiên, những khu vực này thường quá nhỏ cộng với sử dụng camera cố định, khiến việc khám phá và tương tác khó tránh khỏi cảm giác khó chịu hơn là hào hứng.
Nhạc nền cũng để lại cho tôi chút cảm nhận trái chiều. Mặc dù khía cạnh này rất được đầu tư nhưng trò chơi không có nhiều bản nhạc đáng nhớ và in đậm trong tâm trí người viết sau khi trải nghiệm kết thúc. Ngược lại, khâu lồng tiếng trong Soul Hackers 2 rất xuất sắc dù là tiếng Anh hay tiếng Nhật. Các diễn viên lồng tiếng thật sự thổi hồn cho nhân vật. Mặc dù vậy, cốt truyện tiếp diễn có phần lề mề ở nửa đầu trải nghiệm có thể xem là điểm trừ không nhỏ khi kết hợp cùng những vấn đề khác của game.
Sau cuối, Soul Hackers 2 mang đến một trải nghiệm JRPG khá hấp dẫn, nhất là những ai lần đầu đến với thể loại này nói chung và series game Devil Summoner nói riêng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế mê cung thiếu điểm nhấn, cộng với hệ thống chiến đấu tuy hào hứng nhưng thiếu sáng tạo so với nhiều game khác của cùng nhà phát triển. Nếu bạn khó chấp nhận những vấn đề trên, đây kỳ thực không phải trải nghiệm game dành cho bạn và ngược lại.
Soul Hackers 2 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]