Venture Kid là tựa game hành động đi cảnh mang nhiều cảm giác hoài cổ của series Mega Man ngày xưa từ thời NES 8 bit.
Xuất thân từ một tựa game di động từ nhiều năm trước, Venture Kid chính thức phát hành trên PC vào năm ngoái và chọn bến đỗ mới trên nền tảng Nintendo Switch trong năm nay. Tựa game này mang nhiều cảm giác của series game Mega Man kinh điển, nhưng nếu khó tính thì bạn cũng có thể xem đây giống như một bản sao của series nói trên. Dù quan điểm như thế nào thì trò chơi vẫn là một trải nghiệm khá thú vị nếu xét trên nền tảng di động. Còn trên Nintendo Switch thì sao?
Chuyện một game mobile tìm đường đến những bến đỗ mới trên console và PC không có gì lạ. Trước đó tôi từng trải nghiệm Guns of Mercy và Warplanes: WW2 Dogfight đều là game mobile được chuyển nền lên Nintendo Switch. Tuy nhiên, cả hai tựa game này đều có cái gốc ban đầu là free-to-play, nhiều yếu tố gameplay xây dựng theo mô hình kinh doanh cũ đều phải điều chỉnh lại cho phù hợp với mô hình kinh doanh mới, ít nhiều có thể không được lòng người chơi vì vẫn khá nặng tính cày cuốc. Venture Kid lại là một câu chuyện khác.
Đây là một tựa game premium trên mobile nên không cần nhiều điều chỉnh khi chuyển nền. Thay vào đó, nhà phát hành quyết định bổ sung thêm một số nội dung mới nhằm bù đắp cho người chơi Nintendo Switch được trải nghiệm tựa game này khá trễ. So với bản PC, phiên bản này có thêm hai chế độ chơi mới là Survival và Boss Rush. Về cơ bản, Boss Rush cũng giống như nhiều tựa game hoài cổ khác phát hành gần đây nên tôi không nhắc lại. Trong khi đó, Survival là sự ghép nối nhiều phân đoạn trong các màn chơi cũ để tạo thành một trải nghiệm mới và nhiều bất ngờ thú vị hơn.
Ngoài hai chế độ chơi mới nói trên, Venture Kid vẫn giữ nguyên trải nghiệm như cũ với chế độ chơi Classic và Adventure. Classic là một trải nghiệm tuyến tính giống như trên PC, người chơi chỉ có thể chơi tuần tự màn này sang màn mới theo một trật tự được nhà phát triển sắp đặt sẵn. Tuy nhiên, bạn có thể quay lại màn chơi cũ bất kỳ lúc nào để tìm những bí mật được ẩn giấu. Ngược lại, Adventure mang nhiều nét giống các game Mega Man hơn, cho phép người chơi lựa chọn thứ tự chơi màn chơi theo ý muốn. Ngoài yếu tố đó ra thì toàn bộ trải nghiệm đều giống hệt nhau.
Với xuất phát điểm là một tựa game di động sử dụng điều khiển cảm ứng, Venture Kid có độ khó tương đối không cao khi được trải nghiệm trên tay cầm Joy-Con của máy Nintendo Switch. Môi trường màn chơi được xây dựng mang nhiều cảm giác hoài cổ và có phần khá đơn giản về đồ họa. Nếu so với những tựa game Mega Man ngày xưa thì cảm giác thiết kế khá bình thường, không có điểm nhấn gì đặc biệt. Ngay cả các con boss cũng vậy, không tạo được nhiều dấu ấn dù cũng có một hay hai con khá thú vị. Trừ boss ra, tạo hình các nhân vật khiến tôi có cảm giác nhà phát triển lấy cảm hứng quá nhiều từ Mega Man thay vì tự xây dựng.
Nhân vật chính Andy là một điển hình. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy nét hao hao nhau giữa nhân vật này với Mega Man lúc không đội “nồi cơm điện”. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Venture Kid và Mega Man là các loại vũ khí mà bạn có được sau khi qua màn đều không quá quan trọng trong việc tiêu diệt boss. Tôi hoàn toàn không dùng đến chúng trong suốt những phân đoạn đánh boss mà chỉ dùng vũ khí thông thường. Hầu hết vũ khí chỉ hữu dụng trong một số trường hợp nhất định ở các đoạn đi cảnh giữa màn chơi hơn. Tuy nhiên, một số vũ khí gần như không có “đất diễn” trong phần lớn thiết kế màn chơi là một điểm trừ.
Thú vị là trong những màn chơi về sau, Venture Kid mang đến cảm giác trải nghiệm hấp dẫn hơn. Màn chơi phân tách thành nhiều nhánh để người chơi trải nghiệm khám phá và tìm kho báu, nhưng chỉ đến gần cuối game bạn mới biết được công dụng thật sự của chúng là gì. Đây là một trong những bí mật hấp dẫn nhất của trò chơi. Hệ thống Shop cũng thú vị không kém, cung cấp cho người chơi một số power-up giống như Dr. Light’s Lab trong game Mega Man 11. Bạn có thể dùng “tiền” là những hình tròn nhiều màu sắc, kiếm được trong suốt trải nghiệm để mua vật phẩm ở đây.
Vấn đề lớn nhất của Venture Kid là sự chính xác gần như tuyệt đối trong nhiều trường hợp, điều vốn không dễ thực hiện với thiết kế màn chơi của game. Có không ít phân đoạn trải nghiệm mà “đột tử” chỉ cách bạn có một hay hai pixel, dẫn đến những cái chết oan uổng hết sức ức chế dù đó có thể một phần lỗi của bạn vì đã không cẩn thận. Những chuyển động đầy hiểm họa trong môi trường cũng không phải ngoại lệ, thỉnh thoảng vẫn khiến tôi để nhân vật chết oan rất dễ nổi điên. Đã vậy, trò chơi sắp đặt hệ thống checkpoint thường không phải ở trí bạn chết mà một khoảng xa trước đó.
Tôi hình dung Venture Kid chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho người chơi di động với phần điều khiển như thế này. Trên Nintendo Switch, điều này có dễ dàng hơn trên tay cầm Joy-Con với phản hồi nhanh nhạy của game trong các lần nhấn nút của người chơi. Thế nhưng, phiên bản này vẫn không giải quyết được những cái chết oan ức nói trên. Tôi thường khó phân biệt được khoảng cách giữa mối nguy hiểm và an toàn khi xét ở cấp độ pixel của trò chơi, khiến việc mua các nâng cấp gần như là một điều bắt buộc nhằm hỗ trợ trong trải nghiệm dù bạn muốn hay không.
Dù vậy, có một điểm khác biệt với Mega Man mà tôi khá thích là nhân vật không bị dội ngược lại khi bị trúng đòn. Tuy nhiên, yếu tố vô địch mỗi khi bị trúng đòn vẫn giữ nguyên và tương đối lâu, đủ cho phép người chơi có thể lợi dụng đi trên bãi chông ở những màn chơi ban đầu, khá hữu dụng với những ai thích speedrun. Thế nhưng, điểm trừ khá lớn trong trải nghiệm game là Venture Kid rất hiếm khi rơi ra máu hoặc rơi vào những lúc không cần thiết. Bạn chỉ có tối đa vài giọt máu ít ỏi, tương ứng với số lần trúng đòn bất kể đó là đi cảnh hay đánh boss. Nếu hết máu thì mất một mạng, nếu mất hết mạng thì phải chơi lại từ đầu màn với số lần chơi lại (continue) không bao giờ hết. Chỉ mất công chơi lại thôi.
Sau cuối, Venture Kid mang đến một trải nghiệm hành động đi cảnh khá thú vị, lấy nhiều cảm hứng từ series game Mega Man thời đại 8 bit ngày xưa. Điều này dễ gây phản ứng trái chiều từ phía người chơi. Dù vậy, tựa game này cũng có một số “vũ khí” khá độc đáo, tạo sự khác biệt với series nói trên như khiên phản đạn, giày đi chông hay giày nhảy hai bước. Đáng tiếc, yếu tố này không mang đến nhiều cảm giác khác biệt như mong đợi, nhất là khi trải nghiệm game trọn vẹn tương đối ngắn. Phiên bản Nintendo Switch là một điểm cộng đáng chú ý nhờ vào hai chế độ chơi mới, giúp mang đến giá trị chơi lại cao hơn so với các nền tảng còn lại cùng với khả năng chơi game cơ động. Nếu yêu thích thể loại này, đây có thể là một ứng cử viên đáng cân nhắc.
Venture Kid được phát hành cho PC (Windows), Nintendo Switch và iOS.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác