TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 là phần tiếp theo của tựa game mô phỏng đua xe trên đảo Isle of Man đầy kịch tính, với điểm nhấn là hệ thống mô phỏng vật lý rất thật và nhiều cải tiến đáng chú ý so với phần chơi trước.
Được mệnh danh là “cuộc đua tử thần”, nhưng Isle of Man TT (Tourist Trophy) vẫn thu hút không ít những “dị nhân” đam mê thử thách và có thần kinh thép tham gia vào sự kiện thường niên này. Đáng tiếc là năm nay do dịch COVID-19 nên chính quyền địa phương trên hòn đảo Isle of Man đã quyết định hủy giải đấu, chung tay cùng thế giới phòng tránh dịch bệnh lây lan. Quyết định khá đột ngột này đã khiến TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 bất ngờ tỏa sáng, một phần trò chơi “một mình một cõi” vì giải đấu bị hủy, nhưng phần còn lại thuộc về hệ thống gameplay có nhiều cải tiến đáng chú ý.
Đồ họa là một trong những điểm cải tiến dễ nhận thấy nhất so với TT Isle of Man. Không cần đợi đến khi tham gia vào các cuộc đua, nó đập vào mắt tôi đầu tiên ngay từ phần tutorial hướng dẫn người chơi các cơ chế gameplay cơ bản. Hình dựng các mẫu xe trong game vô cùng chi tiết. Mặc dù không phải dân mê xe phân khối lớn, nhưng tôi vẫn cảm thấy khá hào hứng khi điều khiển những con xe “bao ngầu” với ống pô “cao to đen hôi” sừng sững đầy khiêu gợi và kích thích thị giác. Dù không có sự thay đổi, nhưng cả đường đua quanh núi Snaefell được tái hiện lại với mức độ chi tiết rất cao và ấn tượng hơn phần đầu. Trong khi đó, hệ thống mô phỏng vật lý “quá thật, quá nguy hiểm” vẫn tiếp tục gây nhiều khó khăn cho người chơi như trước đây.
TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 là một game khó. Tuy không đến mức kinh hoàng như giải đua thật ngoài đời, nhưng bạn có thể hình dung nó giống như Sekiro: Shadows Die Twice hay Nioh 2 phiên bản đua xe vậy. Nếu như những kẻ thù tép riu có thể làm bạn chới với thì ở đây cũng vậy. Các chướng ngại vật “xoàng” như bụi cây cũng dễ dàng khiến bạn bị “xòe” ngay trên đường đua ở tốc độ cao. Trò chơi gần như không cho phép người chơi phạm phải sai lầm nào dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, “may mắn” hơn so với giải đua ngoài đời là nhân vật của bạn “bất tử”. Thế nên cứ biểu diễn những pha hành động “fast and furious” xong là “tay nài” của người chơi lại lồm cồm bò dậy, hí hửng tiếp tục cuộc đua như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.
So với phần đầu trong series, TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 đã có nhiều cải thiện trong vấn đề thiếu hụt nội dung. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy là chế độ chơi Career mở rộng hơn. Người chơi sẽ bắt đầu chế độ này với những trận đua “đường phố” trước khi đến với giải đấu Isle of Man TT trong game, nghe có vẻ vô lý nhưng lại cực kỳ thuyết phục. Trước khi đủ “thần kinh thép” để tham gia cuộc đua tử thần này, tay đua nào chẳng từ xuất phát điểm “trẻ người non dạ” để trở thành “tay nài” mô tô cứng cựa. Thậm chí, nếu từng chơi WRC 8 của cùng nhà phát triển, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện một số ý tưởng đáng chào đón từ tựa game này được KT Racing “vay mượn” cho sản phẩm mới nhất của họ.
Về cơ bản, chế độ Career đưa người chơi khởi nghiệp từ một “tay nài” mô tô còn non, với giấc mơ được tham gia vào “đường đua tử thần” Isle of Man TT và thậm chí là thắng giải. Để thực hiện được mơ ước không tưởng đó, bạn phải trải qua nhiều mùa giải trong các cuộc đua khắp nơi để gầy dựng danh tiếng. Tích lũy đủ kinh nghiệm và tiếng tăm mới có thể tham gia “chặng đường sinh tử” nói trên, nhưng nếu “chưa đủ trình thì chúc bạn may mắn vào mùa giải sau. Không chỉ có thế, mỗi mùa giải đều đầy ắp sự kiện để bạn “quẹo lựa” và tham gia theo trình độ cá nhân. Nếu có thần thái và biểu hiện tốt, bạn sẽ được trao cơ hội tham gia giải đua trên núi Snaefell sớm nhưng nói dễ hơn làm. Chưa kể, các sự kiện còn chia thành nhiều độ khó khác nhau.
Nếu mới lần đầu đến với series TT Isle of Man, đừng bao giờ tham gia các sự kiện có độ khó cao ngay cả khi bạn nghĩ bản thân “làm trùm” trong những tựa game đua xe khác như Need for Speed Heat hay MX vs ATV All Out. Như đã nói ở trên, độ khó của TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 thuộc loại “không phải dạng vừa đâu”. Thậm chí cũng không qua lời nếu nói đây là một trong những tựa game đua xe khó nhất mà tôi từng chơi trong nhiều năm trải nghiệm thể loại này. Những sự kiện thuộc nhóm có độ khó dễ cũng không phải dễ theo nghĩa đen mà đều đòi hỏi trình độ đua khá cao từ người chơi. Công sức bỏ ra trong trải nghiệm để được tham gia Isle of Man TT cũng đòi hỏi nhiều mồ hôi nước mắt mới có được thành quả như các “tay nài” ngoài đời.
Bên cạnh Career có nhiều thay đổi so với trước, một chế độ chơi mới cũng không thể không nhắc đến là Free Roam. Như cái tên gợi ý, đó là đường đua mở kiểu sandbox mà người chơi có thể mang con xe yêu thích tham gia “thử thách” giới hạn tốc độ của nó cũng như trình độ của “tay nài” bản thân. Thế nhưng ở góc độ người chơi, tôi không nghĩ chế độ chơi mới này sẽ gây được sự chú ý với phần lớn người chơi TT Isle of Man – Ride on the Edge 2. Nó không mang đến cho tôi trải nghiệm hào hứng với “tốc độ bàn thờ” như chế độ chơi Career. Đó là chưa kể phần chơi multiplayer còn khá đơn giản khi chỉ xoay quanh yếu tố gameplay cốt lõi mà, chưa tạo được cảm giác hào hứng hay mới mẻ hơn so với những gì có trong trải nghiệm chơi đơn.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 là độ khó rất cao khiến nó không dành cho tất cả. Thậm chí, thiết lập độ khó càng cao thì một số hỗ trợ điều khiển đua sẽ mất đi, đòi hỏi rất lớn ở kỹ năng của người chơi. Một vài vấn đề khác tuy không phải là điểm trừ lớn nhưng cũng không thể không nhắc đến là chuyển động khi tay đua mất lái và văng khỏi xe nhìn rất chán, thiếu tự nhiên. Có thể vì nhà phát triển muốn tiết giảm cảm giác “đường đua tử thần” để người chơi tập trung vào gameplay. Chưa kể, đám đông theo dõi cuộc đua từ ven đường thường có biểu hiện khá phản cảm, nhiều khi nhìn mà tức. Đáng nói, hai vấn đề này đã tồn tại trong phần đầu của series nhưng vẫn không được điều chỉnh trong phần chơi mới.
Sau cuối, TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 vẫn tiếp tục mang đến một trải nghiệm đua xe chân thật và phấn khích tương tự người tiền nhiệm, nhưng với nhiều cải tiến đáng chú ý. Tuy nhiên, điểm cộng này cũng đồng thời là điểm trừ khi độ khó quá cao, khiến trò chơi có thể không phù hợp với phần lớn đối tượng người chơi. Dù vậy, nếu muốn tìm một tựa game đua xe mô tô mang đến cho bạn cảm giác hào hứng và nhiều yếu tố mô phỏng giống đời thật trong từng khoảnh khắc tốc độ, đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý.
TT Isle of Man – Ride on the Edge 2 hiện có trên PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác