Need for Speed Heat có lẽ là một trong số những tựa game thuộc series đua xe đường phố Need for Speed ra mắt khá lặng lẽ. Động thái này khiến tôi không dám đặt nhiều kỳ vọng vào trò chơi sau những vụ “nổ vỏ” của những phần chơi cũ mà khởi đầu là từ Need for Speed Rivals. Thế nhưng, sau rất nhiều “thất bại là mẹ thành công”, dường như series này đang bắt đầu tìm được đường trở lại với thời hoàng kim ngày xưa trong tựa game mới nhất này.
Need for Speed Heat mở đầu với màn tutorial khá đậm chất “phá làng phá xóm”, đẩy người chơi vào ngay một cuộc đua đang diễn ra giữa tổ lái đam mê tốc độ, chẳng ai nhường ai. Kết quả có lẽ xin dành cho bạn khi trải nghiệm trực tiếp, nhưng hậu quả của nó mở ra một chân trời mới cho nhân vật chính tham gia vào cuộc chơi mà bạn có thể chọn lựa lẫn tùy biến sau đó. Tiếp nối sau đó là hàng loạt những đại tiệc tốc độ mà người chơi sẽ tham gia ngày lẫn đêm trong một tâm thế vừa hào hứng vừa có một chút khó chịu, do phải thay đổi thói quen điều khiển cho một số tính năng quen thuộc, chẳng hạn như drift. Kết quả? Đó là một trải nghiệm đúng kiểu “lúc đi hết mình lúc về hết buồn”, nếu bạn không bị cảnh sát “tó”!
Trải nghiệm Need for Speed Heat mang cảm giác được kết hợp từ tinh hoa của những tựa game Need for Speed cũ. Cơ chế điều khiển và đua mang cảm giác giống bản Payback, trong khi phần đua Daytime khá giống bản Rivals. Nighttime có lẽ lấy ý tưởng từ bản Underground và các pha truy đuổi của cảnh sát rõ ràng là trong Hot Pursuit. Cuối cùng, thiết kế màn chơi thế giới mở Palm City mang nhiều cảm giác tái sử dụng ý tưởng thiết kế từ Burnout Paradise, một tựa game “đua xe ủi” khá đình đám ngày xưa và thậm chí từng được remaster cách đây vài năm. Điều quan trọng là cuối cùng thì trò chơi có điểm nhấn gì riêng cho nó? Câu trả lời là không nhiều, nhưng đủ để hấp dẫn người chơi yêu thích series này!
Điểm nhấn đầu tiên trong Neeed for Speed Heat nằm ở hai trường phái đua khác nhau: Daytime và Nighttime. Cả hai được kết hợp chặt chẽ vào trải nghiệm, đòi hỏi người chơi phải đua xen kẽ để đạt hiệu quả cao nhất. Về cơ bản, đua ngày (Daytime) sẽ giúp bạn kiếm được tiền mà trong game gọi là BANK, dùng để mua xe mới và “độ” xe. Trong khi đó, đua đêm (Nighttime) sẽ giúp tăng chỉ số REP tức là danh tiếng của người chơi. REP đóng vai trò quan trọng vì bạn cần đạt mức nhất định của chỉ số này để tham gia các cuộc đua ngày và đêm, đồng thời giúp thăng cấp cho nhân vật để mở khóa thêm nhiều món đồ “độ” xe mới. Nói một cách khác, người chơi cần BANK để mua đồ và REP để được phép mua đồ, nghĩa là phải dung hòa đua ngày lẫn đêm.
Đua ngày là những cuộc đua chính thống, đa phần đòi hỏi khả năng tay lái lụa và drift “dẻo” của người chơi để vượt qua những khúc cua từ gắt đến cực gắt, đôi lúc cũng khiến bạn toát mồ hôi hột khi thấy con xe lạc khỏi đường đua lao vào hai bên đường như “xe điên”. Mục đích đua chỉ để kiếm tiền BANK. Ngược lại, đua đêm là những cuộc đua phi pháp trên đường phố Palm City, không những đòi hỏi tay lái lụa của người chơi mà còn ở khả năng phản xạ trước tình huống bất ngờ để bứt phá các đối thủ trên một đoạn đường đua dài. Đua đêm có rất nhiều hạn chế và mối nguy hiểm cận kề, từ các loại xe của người dân lưu thông cho tới những màn truy đuổi “quá nhanh quá nguy hiểm” của đội ngũ chấp pháp ở đây.
Càng “lầy”, bạn càng làm tăng chỉ số Heat, cấp số nhân cho chỉ số REP mà người chơi kiếm được khi hoàn thành chặng đua. Tuy nhiên, Heat cao sẽ khiến đội cảnh sát “mạnh tay” hơn, khiến cuộc đua đêm càng thêm bội phần kịch tính. Nếu “tẩu thoát ngoạn mục” thành công về Safe House, người chơi sẽ nhận được một lượng REP cực khủng khi nhân với hệ số Heat. Đây chính là mục tiêu của người chơi khi đua đêm. Vấn đề ở chỗ, nếu bị “mời lên phường”, bạn không những mất tiền phạt vì đua xe trái phép mà còn bị giảm REP rất nhiều, mất toi toàn bộ công sức đêm hôm đó. Thiết kế này mang đến cảm giác rủi ro và phần thưởng cực kỳ hấp dẫn trong suốt những cuộc đua đêm, bên cạnh những màn truy đuổi “hết hồn chim én” của cảnh sát tuần tra khi Heat tăng cao.
Kỳ thực, nếu chỉ xét ở riêng series Need for Speed, phần chơi mới nhất có khá nhiều thay đổi đáng chào đón, giúp mang đến trải nghiệm đua xe hấp dẫn và hào hứng hơn. Đơn cử như bối cảnh Palm City nghe nói là tái hiện lại từ thành phố Miami ở tiểu bang Florida của nước Mỹ. Do tôi chưa từng đến đây nên không thể bàn về mức độ chính xác, nhưng cũng khá ấn tượng với đồ họa đặc biệt là về đêm với những ánh đèn điện đủ màu sắc ở khắp nơi, từ những tòa nhà cho đến các checkpoint để nhắc nhở bạn về đường đua một cách tinh tế. Mặc dù khung cảnh ban ngày nhìn hơi thường, nhưng bù lại là hiệu ứng thời tiết trông khá ấn tượng, nhất là những lúc trời mưa khi ánh hoàng hôn bắt đầu buông, nhuộm cam cả một chân trời phía trước con đường.
Thế nhưng, đêm mới là khi trải nghiệm Need for Speed Heat tỏa sáng, không chỉ ở khía cạnh đồ họa mà cả những cuộc đua nhiều kịch tính hơn: tầm nhìn hạn chế hơn và đâu đó luôn có xe cảnh sát tuần tra sẽ truy đuổi bạn đến tận cùng. Chưa kể, những lúc trời mưa như thế này lại tạo phản chiếu khiến mọi thứ như rực sáng hơn, con xe của bạn khó điều khiển hơn và trời mưa dường như khiến người dân nơi đây chạy xe nhanh hơn. Cái cảm giác đua lúc này khá phấn khích khi phần lớn mọi thứ khác đều là rào cản, nếu không vì phố xá đông xe cộ thì cũng là cảnh sát luôn xuất hiện “đúng người, sai thời điểm” để đẩy Heat lên cao. Điều đáng tiếc là trò chơi lại thiếu một tính năng quen thuộc trong những tựa game AAA gần đây là Photo Mode.
Dù vậy, Need for Speed Heat cũng có một điểm trừ không hề nhỏ là Palm City mang cảm giác thiếu sức sống. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy xe cộ phóng ngang qua nhưng không nhiều, không tạo cảm giác thành phố có người sinh sống. Dường như nó được thiết kế duy nhất cho mục đích đua xe nên nhà phát triển đã giảm bớt yếu tố này, khiến cả không gian chỉ rực rỡ dưới ánh đèn đường nhiều màu sắc chứ không có sức sống của thành phố đêm. Mặt khác, nếu bạn chơi trên PS4 hay Xbox One thì đồ họa cũng “kém sắc” kha khá so với PS4 Pro và Xbox One X. Với trải nghiệm tốc độ đặc trưng, tôi nghĩ đây không hẳn là vấn đề to tát, nhưng những lúc tạm dừng ngắm phố phường sẽ khiến bạn cảm thấy hơi thất vọng vì thiếu sự lung linh như kỳ vọng.
Điểm nhấn lớn nhất của Need for Speed Heat có lẽ nằm ở hệ thống nâng cấp hay nói chính xác là “độ” xe rất có chiều sâu và làm tốt hơn hẳn bản Payback. Ngoài một số linh phụ kiện đặc biệt được thưởng trong những sự kiện nhất định, người chơi phải “cày” BANK để mua và gắn cho xe. Cảm giác lái có sự khác biệt rõ rệt, chẳng hạn nếu bạn thay vỏ off-road cho xe thì cảm giác điều khiển bám đường hơn so với on-road, đặc biệt là trên đường mưa trơn trượt. Tuy nhiên, về số lượng xe thì phần chơi mới có vẻ không ấn tượng bằng bản Payback. Bạn có thể bắt gặp xe từ thương hiệu “chanh sả” Ferrari nhưng tôi không thấy chiếc Toyota nào cả, có lẽ do vấn đề bản quyền. Về điểm này trò chơi rõ ràng còn kém xa Forza Horizon 4.
Mặt khác, con xe đầu tiên của người chơi trong Need for Speed Heat mang cảm giác thất vọng rất lớn nếu bạn không chịu khó đua “cày” BANK để nâng cấp hoặc mua xe mới. Nó lái khá tệ, vừa nặng nề vừa chậm chạp, không có chút cảm giác tốc độ nào cả. Mọi thứ chỉ thay đổi khi bạn “độ” lại xe với các linh phụ kiện khác nhau. Có lẽ chủ đích của nhà phát triển muốn “khoe” hệ thống “độ” xe rất có chiều sâu, nhưng ở góc độ người chơi thì đây có vẻ như là con dao hai lưỡi khiến nó trở thành điểm trừ trong mắt tôi. Bù lại, hệ thống nâng cấp giúp người chơi có thể duy trì con xe yêu thích của mình lâu hơn, thay vì mua con xe mới mà bạn không thích chỉ để đáp ứng yêu cầu tối thiểu của cuộc đua trong trải nghiệm.
Nếu nhiêu đó vẫn chưa đủ hấp dẫn, Need for Speed Heat còn hàng loạt vật phẩm thu thập Street Art để bạn trang trí cho xe và một số ý tưởng giúp kéo dài trải nghiệm. So với “người anh em thiện lành” Burnout Paradise cũ kỹ, trò chơi chỉ nhỉnh hơn một chút nhờ hệ thống “độ” xe vượt trội về mọi mặt chứ không có nhiều thứ mới mẻ hơn để làm. Một thay đổi cũng không thể không nhắc tới là hệ thống drift có sự khác biệt cách nhấn nút, ít nhiều đòi hỏi người chơi phải dành thời gian để làm quen. Điều thú vị là ban đầu tôi cảm thấy khá khó chịu với thay đổi này nhưng càng về sau lại cảm thấy nó khá trực quan, dễ thực hiện drift hơn một khi bạn đã làm chủ được cách thức và thời điểm bấm nút.
Sau cuối, Need for Speed Heat mang đến một trải nghiệm đua xe đường phố khá tuyệt vời nếu so với những pha “nổ vỏ” trong các bản Need for Speed cũ như Payback hay Rivals. Mặc dù trò chơi không có dấu ấn riêng, nhưng sự kết hợp tinh hoa từ những tựa game cũ ít nhiều đã thành công trong việc mang đến những cuộc đua hấp dẫn, kịch tính và ấn tượng trong trải nghiệm game. Tuy nhiên, nếu so với những series cùng thể loại khác như Forza Horizon thì rõ ràng Need for Speed Heat vẫn còn khá hụt hơi. Vấn đề ở chỗ, nếu nhiêu đó đã đủ đối với bạn thì đây rõ ràng là một cái tên rất đáng chào đón và mọi thứ khác chỉ là chuyện nhỏ.
Need for Speed Heat hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Need for Speed Heat.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]