Tormented Souls là game kinh dị sinh tồn với thiết kế gợi nhớ đến những cái tên kinh điển của các tượng đài Resident Evil, Alone in the Dark và Silent Hill gần như mọi khía cạnh. Từ góc nhìn cố định cho tới khía cạnh lồng tiếng thiếu cảm xúc khiến người viết liên tưởng đến ‘Jill Sandwich'. Đó còn là những khu vực trải nghiệm chật hẹp lúc mờ lúc tỏ khi bóng tối là kẻ thù của người chơi và được thiết kế tạo nên bầu không khí căng thẳng. Ngay cả cốt truyện cũng mang cảm giác cũ kỹ như được chấp bút vào thập niên 90.
Thậm chí, cách kể chuyện cũng mang nặng cảm giác truyền thống và không có nhiều nút thắt bất ngờ. Yếu tố này chủ yếu được thuật lại thông qua không khí rùng rợn đặc trưng và tài liệu hay đồ vật trong các căn phòng thiếu sáng. Đó có thể là tấm áp phích hay bức tranh treo trên tường, đồ trang trí nội thất, cây cột hay bức tượng nào đó nằm lặng im bí hiểm ở một góc nhất định. Kỳ thực, gần như mọi khía cạnh thiết kế của Tormented Souls đều kế thừa khá xuất sắc tinh thần từ những cái tên kinh điển của ba tượng đài kể trên.
Nhà phát triển Dual Effect và Abstract Digital chỉ bổ sung vài điều chỉnh nhỏ, giúp đứa con tinh thần của họ bớt ức chế hơn trải nghiệm các game ngày xưa mà thôi. Một trong số đó là cơ chế điều khiển “tân cổ giao duyên” của dòng game kinh dị sinh tồn. Bạn có thể dùng dãy nút D-pad nếu thích cơ chế ‘tank control', trong khi người chơi cũng có thể chọn cơ chế điều khiển hiện đại thông qua cần analog. Thiết kế này giải quyết trọn vẹn thói quen điều khiển của cả hai nhóm người chơi mới và lâu năm của thể loại kinh điển này.
Tormented Souls đưa bạn đến với nhân vật nữ Caroline Walker. Sau khi nhận được lá thư bí ẩn có bức hình hai đứa trẻ song sinh bên trong, nhân vật chính bỗng dâng trào một cảm xúc vô cùng khó tả, thôi thúc cô tìm đến bệnh viện bỏ hoang Wildberger được đề cập trong thư để điều tra. Thế nhưng bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Tỉnh dậy trong tình trạng không thể tệ hơn, người chơi bắt đầu nhập vai Caroline khám phá những bí ẩn nơi này và tìm đường thoát khỏi đây. Cơn ác mộng của bóng tối đang chờ bạn tìm lời giải thông qua những câu đố.
Như đã đề cập ở trên, trải nghiệm Tormented Souls diễn ra ở góc nhìn thứ ba cố định như các game Resident Evil kinh điển và gợi nhớ đến Eternal Darkness: Sanity's Requiem. Nếu chưa từng trải nghiệm các game có góc nhìn cố định, bạn sẽ thấy nó khá ức chế. Điều này đặc biệt đúng trong những khoảnh khắc điều khiển nhân vật bỏ trốn khỏi kẻ thù hoặc chơi trốn tìm với chúng trong không gian hẹp vì mục đích trải nghiệm. Không những vậy, nó còn được nhà phát triển tận dụng để giấu những bất ngờ lành ít dữ nhiều chờ “úp sọt” bạn.
Ở khoảng nửa tiếng đầu trải nghiệm, người chơi được làm quen với các cơ chế gameplay và điều khiển nhân vật. Bạn có thể xem xét các đồ vật trong bệnh viện và thu thập vật phẩm, kết hợp chúng với nhau rồi dùng tương tác môi trường màn chơi cho trải nghiệm game. Người chơi thu thập bản đồ các khu vực khác nhau của bệnh viện để dễ tìm đường. Tuy nhiên, chúng chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin cơ bản và không mấy hữu dụng. Bản đồ không giúp bạn xác định vị trí hiện tại của Caroline và những khu vực chưa được khám phá.
Mục tiêu trải nghiệm của người chơi là truy tìm tung tích của hai bé gái sinh đôi. Điều đó đồng nghĩa bạn phải mò mẫm trong bệnh viện Wildberger, tìm cách mở cửa thông qua khía cạnh khám phá và giải đố, tương tác và kết hợp vật phẩm. Phần lớn cốt truyện gắn liền với những trang nhật ký và ghi chép đặt rải rác khắp bệnh viện bỏ hoang nhưng không chỉ dừng ở đó. Tuy Tormented Souls không sở hữu câu chuyện kể đặc sắc, nhưng khía cạnh này được chấp bút vừa đủ để gợi sự tò mò thúc đẩy bạn tìm hiểu tận cùng sự thật.
Các câu đố trong Tormented Souls được thiết kế khá thử thách, đòi hỏi người chơi phải động não và suy nghĩ nhanh nhạy nhất là khi kết hợp các vật phẩm. Nếu bạn chăm chỉ “đọc vị” các manh mối xung quanh để tìm gợi ý cách giải, phần lớn câu đố thường không làm khó người chơi quá lâu. Tất nhiên cũng có câu đố không phải dạng vừa đâu khá hại não, nhưng chủ yếu do nhà phát triển cố ý không cung cấp đủ thông tin để làm khó người chơi hơn. Dẫu là vậy nhưng những câu đố như thế không nhiều nên tôi không xem chúng là điểm trừ.
Hậu thuẫn cho trải nghiệm game là thiết kế môi trường màn chơi thật sự tỏa sáng với mức độ chi tiết cao, thể hiện sự chăm chút kỹ lưỡng của các họa sĩ thiết kế bối cảnh. Điều này cũng được thể hiện từ những cánh cửa mỗi cái một vẻ, cho đến thiết kế kẻ thù đáng sợ đến rùng mình gợi nhớ đến series game Silent Hill. Tôi chỉ hơi tiếc là do quy mô phát triển nhỏ nên kẻ thù không đa dạng. Một phần cũng vì thời lượng Tourmented Souls không quá dài và gần như không có giá trị chơi lại, trừ khi bạn muốn xem tất cả cái kết.
Thế nhưng, cách sắp đặt vị trí của kẻ thù như cố ý buộc người chơi phải dùng đến vũ khí. Tuy bạn vẫn có thể luồn lách qua chúng như các trải nghiệm kinh dị sinh tồn kinh điển ngày xưa, nhưng khó tránh khỏi bị đòn tấn công của kẻ thù quẹt trúng ít nhất một lần. Mặc dù vậy, điều này không nhất thiết là điểm trừ khi trò chơi hào phóng cung cấp cho bạn rất dồi dào vật phẩm hồi máu. Thú vị hơn, thiết kế “vừa đấm vừa xoa” này giúp tăng không khí căng thẳng của trải nghiệm, nhưng không đặt nặng trừng phạt người chơi.
Ngoài ra còn một loại kẻ thù vô cùng bất ngờ khác mà tôi muốn để dành cho bạn tự khám phá trong trải nghiệm game. Chỉ có thể úp mở ngắn gọn đó không phải ý tưởng hoàn toàn mới, nhưng cũng chẳng có lối hành xử khó đoán như Presence trong Song of Horror. Điều thú vị là kẻ thù ẩn mình này được thiết kế vô cùng phù hợp với trải nghiệm đặc trưng của thể loại kinh dị sinh tồn. Đụng độ với nó chắc chắn mang đến cho bạn cảm xúc vừa căng thẳng hú hồn chim én, vừa ngơ ngác khi thấy màn hình ‘You are Dead' bỗng hiện ra.
Ngược lại, thiết kế nhân vật để lại cho người viết cảm xúc khá trái chiều, đặc biệt là ngài mục sư. Nhân vật này nhìn cứ như được phủ lên lớp nhựa bóng. Caroline cũng vậy. Ở đầu trải nghiệm khi nhân vật chính trong “tình trạng không thể tệ hơn” mà tôi đề cập ở trên, bạn có thể thấy lớp da nhân vật bóng loáng rất kỳ lạ. Thậm chí, hiệu ứng ánh sáng khi phản chiếu lên người Caroline để lại cảm giác hơi sai sai, dù đó có thể là chủ ý của nhà phát triển nhằm làm nổi bật nhân vật chính trong trải nghiệm game đặc trưng.
Kỳ thực, phần lớn điểm trừ của Tormented Souls liên quan đến định hướng thiết kế hoài cổ của trò chơi hơn. Đơn cử góc nhìn camera cố định gây nhiều hạn chế trong quan sát rất khó chịu, nhất là với những ai không có tuổi thơ dữ dội với thể loại kinh dị sinh tồn kinh điển từ thập niên 90. Một vấn đề mà tôi không thể không đề cập là điểm save game rất ít, đặc biệt trong nửa đầu trải nghiệm. Tương tự các game Resident Evil kinh điển, bạn phải thu thập những cuộn băng sao lưu (tape) mới có thể save game tại các điểm kể trên.
Tôi đặc biệt thích ý tưởng thiết kế cơ chế save game để nhân vật chính tóm lược các sự kiện đã trải qua trong trải nghiệm, giúp người chơi dễ nắm bắt cốt truyện hơn. Tuy điểm cộng này rất nhỏ nhưng thể hiện sự tinh tế và chăm chút của đội ngũ phát triển. Không dừng ở đó, mặc dù diễn viên lồng tiếng chưa thổi hồn xuất sắc nhưng Caroline thường độc thoại và phản ứng nhất định trong khám phá lẫn tương tác, tạo cảm giác “người” hơn cho nhân vật điều khiển. Đây là điểm cộng hiếm thấy trong các game thuộc thể loại này.
Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác phần lồng tiếng thiếu cảm xúc là chủ đích của nhà phát triển nhằm tái hiện cảm giác trải nghiệm hoài cổ của những game kinh dị sinh tồn kinh điển từ giữa những năm 1990 ngày xưa. Nó được minh chứng qua hàng loạt khía cạnh trải nghiệm của Tormented Souls như ngầm xác nhận ý đồ thiết kế nói trên. Soundtrack cũng là điểm cộng khác của game khi góp phần không nhỏ cùng bối cảnh ấn tượng, tạo nên cảm giác căng thẳng trong suốt trải nghiệm khi kết hợp những pha hù dọa khiến bạn giật thót tim.
Sau cuối, Tormented Souls mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn đặc sắc, gợi nhiều cảm giác hoài cổ quen thuộc của thể loại game đang dần mất hút trên thị trường. Trừ khi những thiết kế cố hữu của dòng game này nói chung không phải “bức thư tình” dành cho bạn, đây là cái tên phải có trong thư viện game,
Tormented Souls hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!