Thief Simulator là tựa game hành động lén lút thú vị khi lấy đề tài mô phỏng “nhập nha” độc đáo.
Không cần mang đến trải nghiệm “kẻ cướp manh động” như game Pay Day 2, nhưng Thief Simulator vẫn xây dựng nên một trải nghiệm khá hấp dẫn khi sử dụng yếu tố hành động lén lút làm điểm nhấn. Tất nhiên, tựa game này cũng không phải là công cụ hướng dẫn bạn từng bước để làm một tên trộm là như thế nào, mà chỉ mượn chủ đề phạm pháp này để xây dựng nên trải nghiệm game mang tính giải trí mà thôi. Thú vị hơn hết, đó là một trải nghiệm khá kịch tính với lối chơi hành động lén lút kinh điển và đề tài độc đáo.
Tuy nhiên, Thief Simulator không có một tuyến truyện hấp dẫn hay thật sự thu hút như bạn có thể mong đợi. Trò chơi được xây dựng thiên về trải nghiệm, các yếu tố gameplay và phần tutorial được hướng dẫn thông qua một “tay anh chị” tên là Vinny. Thế giới sandbox của trò chơi cũng không quá rộng lớn, nhưng vừa đủ để tạo nên một khu dân cư nhỏ cho mục đích “hành sự” của người chơi. Do quy mô phát triển nhỏ nên các ngôi nhà trong game không có nhiều khác biệt về thiết kế, mà tái sử dụng nhiều asset cũ trong nội thất. Thế nhưng, vẻ bên ngoài “mục tiêu” vẫn mang cảm giác khác biệt nhờ vào màu sắc.
“Làm trộm không khó” là điều mà tôi thoáng nghĩ đến ở đầu trải nghiệm. Người chơi bắt đầu với việc nhặt một thanh sắt, dùng nó đập vỡ kính cửa sổ để mở khóa và lẻn vào nhà nạn nhân “thó” một cái chảo và một cái máy nướng bánh cũ. Sau đó, bạn ung dung lẻn ra ngoài đến chỗ đỗ xe và từ tốn lái xe rời khỏi hiện trường về nhà. Dễ òm, nhưng đó chỉ mới là “nhập môn” với phần tutorial mà thôi. Càng về sau, nhà phát triển bổ sung thêm nhiều cơ chế gameplay mới, kỹ năng mới và thậm chí bạn còn phải học cách để trốn cảnh sát khi hành vi phạm pháp bị phát hiện và truy bắt. Nghe có vẻ hết “dễ òm” rồi đúng không?
Về cơ bản, hoàn thành nhiệm vụ “nhập nha” sẽ thưởng cho bạn điểm kinh nghiệm để nâng cấp “kỹ năng sống” cho nhân vật chính. Ngược lại, “khoắng đồ” từ nhà các nạn nhân sẽ giúp bạn kiếm tiền để phục vụ cho công việc dễ dàng hơn, chẳng hạn như mua các trang thiết bị mới khi mở khóa được kỹ năng. Nếu dư dả, bạn cũng có thể mua các gợi ý hay “thông tin tình báo” về các ngôi nhà, chẳng hạn như gia chủ hay giấu chìa khóa ở đâu hay căn nhà có điểm yếu gì để lẻn vào một cách nhẹ nhàng mà không gây động khiến chủ nhà phát hiện hoặc máy báo trộm hụ còi. Yếu tố này tạo sự thay đổi rất lớn trong cách mà bạn xâm nhập ngôi nhà.
Thậm chí, một số nhiệm vụ còn buộc người chơi phải theo dõi nhất cử nhất động của gia chủ, khiến việc lẻn vào nhà để lục soát từng ngăn kéo hay cái tủ tìm thứ quý giá trước khi cao chạy xa bay trở nên khá kịch tính. Ngay cả điểm đỗ xe để mở đường rút lui sau khi hoàn thành nhiệm vụ cũng chiếm một vị trí quan trọng. Nếu đậu ở vị trí đáng ngờ sẽ khiến người dân nghi ngờ và tụ tập lại bàn tán xôn xao, không tốt cho “công việc” của bạn. Không những vậy, nhà phát triển cũng thiết kế nhịp độ chơi dần dần mở ra các kỹ năng mới rất hợp lý, giúp trải nghiệm luôn giữ được sự hấp dẫn cần thiết.
Đơn cử như kỹ năng “bẻ khóa”, cho phép bạn mở những ổ khóa phức tạp và lẻn vào nhà của nạn nhân êm thắm thay vì đập kính cửa sổ rất dễ gây sự chú ý đối với gia chủ. Hay như kỹ năng nhanh nhẹn giúp nhân vật di chuyển nhanh hơn khi khiêng những đồ vật nặng như tivi hay máy in. Yếu tố công nghệ cao như thường thấy trong phim cũng xuất hiện trong trải nghiệm game như mini camera cho phép bạn bí mật giám sát nhà gia chủ hay công cụ cắt kính giúp kẻ trộm người chơi ra vào nhà nạn nhân như đi vào chốn không người, không khác gì một “thánh trộm”.
Hấp dẫn là thế, nhưng Thief Simulator lại vướng phải điểm trừ khá khó chịu là trải nghiệm có phần mang cảm giác “cày cuốc” do không có nội dung mà chỉ là những “nhiệm vụ” nối tiếp nhau để kiếm đủ điểm kinh nghiệm và tiền trang trải cho các “chi phí” hoạt động phạm pháp. Yếu tố này vô tình cản trở trải nghiệm liền mạch khi nhìn ở khía cạnh đây là một tựa game hành động lén lút chứ không phải nhập vai thuần túy. Đặc biệt là càng về sau, số lượng điểm kinh nghiệm để thăng cấp khá lớn, khiến việc “cày cấp” làm cảm giác trải nghiệm trở nên nặng tính lặp lại.
Vấn đề ở chỗ, Thief Simulator không có sự điều chỉnh lại yếu tố tăng dần độ khó với các ngôi nhà cũ mà bạn đã từng “nhập nha” để tạo sự kịch tính hơn. Tôi nghĩ sẽ hấp dẫn hơn nếu nhà phát triển bổ sung yếu tố “mất bò mới lo làm chuồng” trong các ngôi nhà từng bị trộm. Chẳng hạn như gia chủ sẽ gia cố lại vấn đề an ninh cho tốt hơn, khó đột nhập hơn, hạn chế những vụ trộm “dễ òm” tương tự diễn ra trong tương lai. Điều này sẽ khiến trải nghiệm game hấp dẫn hơn vì mang cảm giác giống với đời thật thay vì thiết kế hiện tại có phần tạo cảm giác lặp lại này.
Một vấn đề cũng không nhỏ là một số lỗi game khá khó chịu như bạn có thể bị cánh cửa mở hất nhân vật sang một bên hay các vị trí tương tác hiện không đúng lúc. Chưa kể, mặc dù vị trí đỗ xe khá quan trọng trong trải nghiệm nhưng yếu tố lái xe lại gây nhiều khó khăn ở góc nhìn thứ nhất mặc định. Tôi thường phải chuyển qua góc nhìn thứ ba để dễ quan sát hơn. Mặt khác, yếu tố cảnh sát truy đuổi không được kịch tính như mong đợi mà còn khá đơn giản. Bù lại, phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm có hiệu năng khá tốt, hiếm có hiện tượng giật hình hay sụt giảm tốc độ khung hình.
Sau cuối, Thief Simulator mang đến một trải nghiệm mô phỏng ăn trộm khá thú vị với gameplay hành động lén lút độc đáo. Mặc dù trò chơi vẫn vướng phải một số lỗi đôi lúc hơi khó chịu, nhưng trải nghiệp hấp dẫn vẫn là một điểm cộng đáng chú ý mà tựa game này mang đến, đặc biệt là những ai sở hữu Nintendo Switch do nhiệm vụ có thời lượng ngắn, rất phù hợp khả năng cơ động của hệ máy này. Nếu thích thể loại hành động lén lút và không quá nghiêm túc về đề tài nhạy cảm, đây là tựa game xứng đáng xuất hiện trong thư viện game của bạn.
Thief Simulator được phát hành cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác