Thần Trùng hay The Death là game phiêu lưu rùng rợn đầu tay của DUT studio còn khá non trẻ với quy mô rất nhỏ, chỉ có 3 thành viên tham gia phát triển. Trải nghiệm game lấy bối cảnh ở Hà Nội năm 2022, đưa người chơi nhập vai thanh niên cứng Đỗ Thế Dũng đi tìm nơi trọ học ở phố Trần Duy Hưng nổi tiếng. Tuy nhiên trong quá trình dò hỏi thông tin từ người dân địa phương, nhân vật chính nghe phong thanh nhà thuê trọ bị ma ám và câu chuyện được thêu dệt này không chỉ dừng ở đó.
Ở góc độ người chơi game kinh dị lâu năm, điểm cộng lớn nhất của Thần Trùng là những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, từ những biển hiệu hàng quán rất đặc trưng cho tới khung cảnh khu phố và nhà trọ được xây dựng làm khu vực trải nghiệm. Ngay cả vật dụng cũng đều là những thứ bạn dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống mỗi ngày. Sự xuất hiện của chúng góp phần không nhỏ giúp trải nghiệm game có phần đáng sợ hơn khi kết hợp cùng những màn hù dọa khá kinh điển nhưng chưa đủ.
Kỳ thực, đồ họa của Thần Trùng không ấn tượng. Điểm cộng của khía cạnh này chỉ dừng ở mức tạo cảm giác thân quen tương tự Paper Dolls mà thôi. Điểm trừ đồ họa của game là hình dựng thiếu chiều sâu không gian ba chiều, không tạo cho người viết cảm giác đắm chìm trong thế giới của trò chơi. Phần lớn là hình ảnh tĩnh và thường xuất hiện cố định thay vì có diễn hoạt. Vài phút đầu trải nghiệm còn có chuyển động đơn giản để tạo bầu không khí căng thẳng, nhưng từ chương 2 trở về sau chỉ dùng hình ảnh tĩnh và âm thanh.
Mức độ chi tiết của đồ vật cũng không cao do độ phân giải của texture thấp, khó tránh cảm giác đồ vật trong cảnh nền và tương tác nhìn mờ ảo dù đây có thể là chủ ý thiết kế của nhà phát triển. Mặc dù thiết kế như thế khá hiệu quả với trải nghiệm game đặc trưng, nhưng trong một số trường hợp nó gây hiệu ứng ngược với những đoạn hù dọa mà nhà phát triển muốn cài cắm. Đáng nói, Thần Trùng thiết lập độ sáng mặc định rất thấp, nhiều phân đoạn tối đến mức người viết chẳng nhìn thấy gì qua ánh sáng lờ mờ từ quẹt ga của nhân vật.
Điều này vô tình biến không ít phân đoạn hù dọa trở nên kém hiệu quả. Trong nhiều cảnh như thế, mọi thứ mờ ảo tới mức tôi còn chưa kịp thấy và nhận ra hình ảnh trước mắt là gì để sợ thì nó đã biến mất tăm. Nhiều lần diễn ra như vậy khiến mức độ căng thẳng giảm dần theo trải nghiệm game và thời lượng chơi. Đây là điểm trừ không hề nhỏ vì Thần Trùng chơi trò hù rất nhiều. Mặt khác, nhà phát triển cũng không cho phép bạn tinh chỉnh đồ họa mà chỉ được chọn giữa các thiết lập sẵn, không thể tùy biến.
Khía cạnh nghe của trò chơi cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Một trong số đó là Thần Trùng không có nhạc nền và chỉ sử dụng âm thanh tiếng động, khiến trải nghiệm game không duy trì được cảm giác căng thẳng thường trực để tạo đòn bẫy cho những phân đoạn hù dọa. Đã vậy, những phân cảnh này thường lạm dụng kỹ thuật tăng âm lượng rất lớn gây giật mình hơn là gieo cảm giác sợ hãi vào lòng người. Đọng lại cảm giác trái chiều nhất là phần lồng tiếng các NPC, nghe cứ như ‘parody’ thay vì tạo cảm xúc cho câu thoại của nhân vật.
Mặc dù vẫn biết quy mô của trò chơi rất nhỏ dựa trên mức giá và thời lượng chơi của Thần Trùng, nhưng giải pháp lồng tiếng “cây nhà lá vườn” của nhà phát triển vô tình phá hỏng bầu không khí đặc trưng và cảm xúc của người chơi. Đây đều là những điều khá quan trọng với thể loại game kinh dị. Đó là chưa kể phần lồng tiếng thiếu cảm giác không gian môi trường. Chẳng hạn nhân vật chính đứng ngoài ngõ nói giữa đêm hôm khuya vắng mà nghe tiếng rõ ràng được thu âm trong phòng kín. Vấn đề tuy nhỏ nhưng có thể làm tốt hơn.
Lối chơi của Thần Trùng không có gì đặc biệt, chỉ là “mô phỏng đi bộ” với hành trang cho bạn tương tác đồ vật và những cánh cửa. Trải nghiệm game thiết kế tuyến tính với lối chơi thử sai quen thuộc. Người chơi phải thực hiện các yêu cầu tuần tự, đòi hỏi bạn đi lòng vòng tìm cánh cửa đúng cho chiếc chìa khóa vừa thu thập được. Trò chơi cũng có vật phẩm thu thập để mở khóa ‘true ending’, nhưng chúng quá lộ liễu đến mức tôi may mắn không đụng trúng ‘bad ending’ trong lần chơi đầu tiên.
Do thời lượng ngắn, khía cạnh giải đố trong Thần Trùng cũng rất hạn chế. Trò chơi chỉ có hai câu đố đáng chú ý là tháp Hà Nội và xếp hình bức tranh Đông Hồ, cộng với một câu đố “bẻ khóa” khi bạn thỏa điều kiện cho cái kết mà người viết tạm gọi là đẹp. Nếu bạn trải nghiệm cẩn thận một chút thay vì theo kiểu sai gì làm nấy, game hoàn toàn không có giá trị chơi lại. Thậm chí ngay cả trường hợp bạn dính bad ending, người viết cũng không cảm thấy “kết thúc đẹp” đáng với công sức chơi lại dù thời lượng ngắn.
Lý do là vì phần cốt truyện được xây dựng khá đơn giản và dễ đoán, không có nút thắt bất ngờ. Phần lớn câu chuyện được kể lại thông qua những đoạn hồi tưởng mà nhân vật chính nghe được từ các NPC. Tuy tựa game là Thần Trùng nhưng chi tiết này chỉ được giải thích rất ngắn gọn ở gần cuối trải nghiệm. Nhà phát triển không có biến tấu hay cung cấp nhiều thông tin hơn về văn hóa tâm linh liên quan nhằm tạo sự cuốn hút cho người chơi, chẳng hạn đề cập đến chùa Hàm Long nổi tiếng ở Bắc Ninh.
Thần Trùng còn có vài vấn đề khác mà tôi không thể không đề cập. Đầu tiên là phần chuyển ngữ tiếng nước ngoài chưa tốt và gây khó hiểu. Nói đâu xa, ngay cả phụ đề tiếng Việt cũng chưa khớp hoàn toàn với phần lồng tiếng Việt mà vẫn có những từ thừa. Tuy đây chỉ là điểm trừ nhỏ như con thỏ đối với người chơi trong nước, nhưng nó là vấn đề không hề nhỏ với những người chơi không biết tiếng Việt. Khó chịu đến mức bực mình là thao tác sử dụng vật phẩm do thiết lập phím bấm không được trực quan.
Đã vậy, nhà phát triển còn không cho phép gán lại phím bấm phù hợp với thói quen trải nghiệm của mỗi người chơi. Cảm giác điều khiển nhân vật di chuyển không mượt mà giống như hiệu năng của game vậy. Khá đáng tiếc là Thần Trùng không hỗ trợ tay cầm ở thời điểm bài viết. Đó là chưa kể rất nhiều lỗi game còn tồn đọng, có lỗi chỉ gây chút khó chịu nhưng cũng có những lỗi trời ơi đất hỡi rất ức chế. Tính năng auto-save cũng có vấn đề trong một số trường hợp nhưng lại không cho save game thủ công.
Sau cuối, Thần Trùng hay The Death mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn khá ổn so với mức giá và thời lượng chơi. Điểm cộng lớn nhất của game là bối cảnh gần gũi, thiết kế hình ảnh thân thuộc và đặc biệt khắc họa tốt đặc trưng văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, trò chơi được thiết kế khá đơn giản với nhịp độ rất chậm và thiếu điểm nhấn gameplay, dẫn đến trải nghiệm chưa thật sự thỏa mãn các tín đồ thích cảm giác bị hù dọa. Hy vọng những sản phẩm trong tương lai, DUT studio có sự chăm chút kỹ và đầu tư tốt hơn.
Thần Trùng hiện có cho PC (Windows).
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!