Taito Milestones 3 tiếp tục mang đến cơ hội được trải nghiệm 10 game arcade kinh điển, đánh dấu những năm tháng thăng trầm của Taito bắt đầu từ những năm 1973, khi công ty thương mại này bước chân vào lĩnh vực sản xuất trò chơi điện tử. Có thể kể ra rất nhiều tựa game gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp không khói này ngày xưa như Speed Race, Western Gun, Space Invaders, Bubble Bobble và tất nhiên không thể thiếu cái tên Arkanoid.
Sau hai bộ sưu tầm Taito Milestones và Taito Milestones 2 với tính thực dụng cao, người chơi hoài cổ yêu thích game retro lại tiếp tục đón nhận thêm 10 tựa game arcade kinh điển ra mắt vào thập niên 80 và 90 trong bộ sưu tầm thứ ba. So với hai bộ trước đó, Taito Milestone 3 sở hữu số lượng game rất chất lượng. Đặc biệt khi phần lớn là thể loại beat’em up vốn dễ chơi nhờ vào tính giải trí cao và cơ chế gameplay đơn giản.
Để tiện theo dõi, tôi sẽ lần lượt giới thiệu các tựa game trong Taito Milestones 3 theo thứ tự từ trái qua phải và từ trên xuống dưới, hiển thị trong launcher đơn điệu của bộ sưu tầm này với ngoại lệ là series Rastan Saga. Đầu tiên là Buzzle Bobble ra mắt năm 1986 vốn được biết đến là “ông tổ” của những bản Bust-A-Move hay sau này được đổi sang Puzzle Bobble. So với bản Puzzle Bobble Everybubble! hiện đại thì trải nghiệm game arcade kinh điển này rất khác.
Màn chơi trong Buzzle Bobble được thiết kế rất đơn giản với các tầng. Thay vì bắn bong bóng kiểu “khớp màu thì vỡ” như tựa game vừa đề cập ở trên, người chơi sẽ điều khiển nhân vật bắn bong bóng vào kẻ thù, biến chúng thành bong bóng xà phòng bay lơ lửng. Cuối cùng, bạn phải nhảy lên đập bể bóng bóng để tiêu diệt chúng và thu thập chiến lợi phẩm là các loại trái cây. Lối chơi tuy đơn giản nhưng rất vui và hào hứng, nhất là khi chơi co-op hai người.
Tiếp theo là Rainbow Islands năm 1987. Tựa game này giống như một dị bản của Buzzle Bobble kể trên. Người chơi điều khiển nhân vật Bubby và Bobby dưới hình hài con người. Thay vì nhả bong bóng thì bắn ra cầu vồng với thiết kế màn chơi rộng lớn, nhiều màu sắc hơn. Mục tiêu của người chơi là tiêu diệt mọi chướng ngại vật, thu thập phần thưởng từ chúng và trên đường đi cảnh để leo lên vị trí cao nhất của màn chơi. Khá vui nếu không nói là hấp dẫn hơn Buzzle Bobble nhiều.
Series Rastan Saga có thể không nhiều người biết tới, nhưng bạn cứ hình dung dòng game này giống như Golden Axe phiên bản Taito, đặc biệt là Warrior Blade: Rastan Saga Episode III. Lối chơi chặt chém đi cảnh đầy hào hứng với số lượng vũ khí đa dạng. Trải nghiệm thậm chí hấp dẫn hơn cả cái tên vừa đề cập theo nhận định của tôi. Bạn cứ chơi lần lượt cả ba phần sẽ thấy mỗi phần chơi đều có sự khác biệt rất lớn, bất chấp hạn chế phần cứng ngày xưa.
Rastan Saga II là phần chơi kém hấp dẫn nhất trong dòng game này. Mặc dù lối chơi tương tự nhưng lại có nhiều hạn chế hơn, mang cảm giác như phiên bản Castlevania của Taito với sprite được phóng to. Dành cho bạn nào không biết, Castlevania mà tôi vừa đề cập thật ra là Haunted Castle, một tựa game thuộc series Castlevania của Konami trên hệ máy arcade. Ấn tượng nhất là Warrior Blade: Rastan Saga Episode III với lối chơi xuất sắc.
Mặc dù chỉ hỗ trợ co-op 2 người nhưng phần chơi này có đến ba nhân vật điều khiển. Mỗi nhân vật đều mang đến cảm giác trải nghiệm và khả năng chiến đấu khác nhau. Chẳng hạn Sophia sử dụng roi nên rất có lợi thế nhờ khả năng chiến đấu tầm xa và quất roi nhanh hơn Rastan vung kiếm. Tôi nghĩ đây là nhân vật phù hợp nhất với người chơi mới. Trong khi Dewey thì ngược lại khi có tầm tấn công rất gần do sử dụng vũ khí cận chiến của ninja.
Kế đến, Champion Westler là game song đấu đối kháng với 8 nhân vật đô vật. Game này tôi chỉ chơi được một chút, thấy đồ họa đẹp và vô cùng chi tiết khi xét thời điểm ra mắt vào năm 1989 với nhiều hạn chế về mặt phần cứng. Trò chơi sở hữu lối chơi cũng đơn giản. Bạn chọn một nhân vật điều khiển và cứ thể mà tìm cách đấm, đá, vật đối thủ đến khi nào có kẻ xin thua là thắng. Vì không hợp gu nên tôi cũng không dành nhiều thời gian trải nghiệm.
Cũng trong năm 1989 là thời điểm Cadash được ra mắt. Lối chơi hành động nhập vai với bốn lớp nhân vật qua mô tả ban đầu có thể rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vì đây là trải nghiệm dành cho arcade nên không có gì lạ khi trò chơi được thiết kế để người chơi đốt tiền vào thẻ coin thay vì mang đến trải nghiệm game đáng nhớ, trừ khi bạn cho rằng những lần nhân vật điều khiển thiệt mạng là điều đáng nhớ. Chính vì thế nên tôi tua nhanh qua Thunder Fox luôn.
Mô tả đơn giản thì ThunderFox có lối chơi tương tự Rush’n Attack. Thật ra có một cái tên khác được tôi nghĩ đến trong đầu có nhiều nét tương đồng hơn. Nhưng vì tựa game đó ít thông dụng bằng và chỉ có trên máy NES nên trong trường hợp này, Rush’n Attack phù hợp nhất. Lối chơi đa dạng với khả năng chiến đấu linh hoạt, nhân vật điều khiển thậm chí có thể tận dụng môi trường màn chơi và vũ khí nhặt đường để hỗ trợ cho cuộc chiến nữa.
Có những phân đoạn, trải nghiệm ThunderFox mang cảm giác như đang chơi Contra nhưng điều đó chỉ càng thêm minh chứng cho thấy trò chơi sở hữu lối chơi rất hấp dẫn khi ra mắt vào thời điểm năm 1990. Đây là một trong những game khiến tôi cảm thấy đặc biệt hào hứng cùng với hai game còn lại là Runark và Dead Connection. Runark thì sở hữu lối chơi beat’em up quen thuộc. Ra mắt vào năm 1991 nên trò chơi có đồ họa khá chất lượng với mức độ chi tiết cao.
Dead Connection thì giống như Wild Gun phiên bản Taito. Đây là trò chơi bắn hồng tâm, trong đó người chơi sẽ vào những khung cảnh của màn chơi và bắn hạ tất cả kẻ thù, tận dụng những gì có thể. Có thông tin cho rằng trò chơi được lấy cảm hứng từ bộ phim The Untouchables năm 1987 của đạo diễn Brian De Palma, nhưng đáng tiếc là tôi không thể kiểm chứng điều này. Chỉ biết trải nghiệm vẫn hấp dẫn như tựa game bắn hồng tâm kinh điển của nhà phát triển Natsume.
Về chất lượng giả lập, Taito Milestones 3 tiếp tục do Arcade Archives đảm nhận phần mềm giả lập. Với tiêu chí nhằm mang đến trải nghiệm hoài cổ chân thật nhất của đội ngũ phát triển, bạn đừng ngạc nhiên khi có những khoảnh khắc hiệu năng không như mong muốn. Dù vậy, điều khiến tôi không hài lòng là mỗi lần mở game và trở về launcher đều mất đâu đó 10 giây, một khoảng thời gian tuy không quá dài nhưng hơi khó chịu vì lúc nào cũng vậy.
Sau cuối, Taito Milestones 3 mang đến trải nghiệm arcade kinh điển 10-trong-1 khá hào hứng với bộ sưu tầm game chất lượng đến bất ngờ. Tuy các tính năng giả lập không có gì đặc biệt ngoài bảng xếp hạng online khi hướng đến tính thực dụng cao nhưng nếu không đặt nặng phần trình bày, đây chắc chắn vẫn là bộ sưu tầm retro hấp dẫn và đáng chú ý đối với một bộ phận người chơi nhất định.
Taito Milestones 3 hiện có cho Switch.
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!